Đếm sao cho hết con đường chưa đi… - Phần 1

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
20-03-2017
  0   1381

Xứ sở của nỗi niềm và những bản nhạc buồn. Sáng sớm, bất kể nắng hay mưa, tiếng kẻng bên kia sông Nhục vọng bốn bề núi đồi, từng hồi dài rồi chậm dần cho đến khi tắt hẳn. Cho đến khi tắt hẳn, vẫn hoảng hốt như tiếng kêu thê thảm của một lũ chim mồ côi.

 

Đất đỏ. Dường như lúc nào cũng ươn ướt. Sắc màu bền bệt buồn tẻ phết lên cây cối, nhà cửa và con người. Buồn không căn nguyên. Buồn roi rói ánh lên giữa đong đếm nhàn nhạt. Thi thoảng, một chiếc xe máy cà tàng lừ đừ bám lấy con đường mà trườn tới. Ở đây, không có khái niệm vụt qua. Cứ bải hoải và uể oải. Kể cả mấy con bò gầy trơ xương cũng chẳng thèm ngắm nghía mấy vạt cỏ ven đường. Như thể cứ tiện chỗ nào thì ngao ngán lè chiếc lưỡi mệt nhọc ra liếm bâng quơ. Một dáng người rụm rạc theo sau.

 

Phải để ý kỹ lắm mới thấy khuôn mặt rúm ró bệch bạc kia là của một đứa bé dễ chừng mới mười lăm mười sáu. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới đã gánh vác một nhịp điệu nhiêu khê. Hò…ò…ò… Cây roi mây giắt sau cạp quần. Đôi ủng lem nhem đất. Món điểm tâm sáng của núi đồi ngày qua ngày tháng qua tháng và nhiều khả năng năm qua năm chẳng thể nào thay đổi. Chỉ có đứa bé chăn bò hờ hững đóng vai nhạc trưởng trên lối mòn băng qua đồi.

 

Trái đồi như trái cam vàng úng. Thứ cam dán nhãn nhập khẩu vẫn được ném ra từ những chiếc xe khách ì ạch leo dốc dưới xuôi lên. Người ta ngã giá, mua sự tươi tắn trong mấy hàng quán rời rã ở trạm dừng chân, lên xe và thể nào cũng tặc lưỡi dăm ba cái rồi vất ra cửa kính. Mát mắt đắt lòng. Coi như đóng phí cho sự cả tin. Ham rẻ thì đúng hơn. Nghĩ cũng lạ, lừa lọc ham hố gì mấy đồng lẻ mà cứ căm căm khúm núm trong tấm áo mưa giữa cái lạnh hiu hắt để chào mời xa lạ.

 

Chỉ có chiếc xe thùng, quen gọi là xe bắt chó, màu xám xanh mỗi tháng một chuyến ngang qua đây cùng tiếng còi hụ là không dừng ở trạm dừng chân ế ẩm. Đến bằng tiếng còi hụ và đi cũng bằng chút vốn liếng rát người ấy. Phạm! Ở xa tít mù phố xá men theo con đường tăm tắp ngoài kia là thế giới kiểu gì, thế giới của ai mà đẻ ra nhiều tội phạm quá? Những bộ áo quần sòng sọc còn mới, mấy khuôn mặt khơ khất, mắt nhao nháo rõ ra ngoài tấm lưới sắt.

 

 

Nay mai, bên kia sông Nhục, gọi là nhà. Một thứ nhà thiếu quê hương. Lương tri và tự do là của cải duy nhất tổ tiên để lại sau ngàn vạn năm tiến hóa đã bị ném vung vãi trong trò chơi điêu linh ở đời và bắt buộc phải gởi trả lại cho đời trước tòa. Ai cưỡng đoạt của ai, sự sống và hy vọng? Cao su bạt ngàn ra đấy. Đất đai mênh mông ra đấy. Nắng cháy tháng tư gió cắt tháng chạp hào phóng ra đấy. Mặc sức mà giỡn đùa và toan tính. Bờ kia sông, cách dăm bảy bước chạy là một chốt gác. Sắc phục và súng ống và mệnh lệnh lạnh tanh.

 

Đôi khi, người ta căm ghét nhau, phỉ nhổ nhau, hành hạ nhau chỉ vì nghĩ đến sợi dây vô hình mà bền bỉ đang cột chặt số phận họ lại. Chó má! Súc sinh! Tao bắn chết mẹ bây giờ chứ ngó trời ngó đất gì? Muốn trốn hả? Thấy cái bãi tha ma kia không? Vùi xuống ba tấc đất, mùa lũ nước cuốn bảy cái chỉ còn ba. Liệu hồn.

 

Xác đã không liệu thì hồn liệu làm sao? Thằng bé chăn bò nghĩ mãi mỗi lần nghe tay cán bộ trại giam hù đám phạm nhân. Già trẻ đủ cả. Hầu như đen nhẻm. Màu da xóa nhòa màu mực xăm rồng rắn cọp beo đại bàng chữ tàu vằn vện. Tưởng xăm kín mình là dữ dằn hả? Bản lĩnh là ở cái đầu chứ không phải vì ba cái hình thức vớ vẩn tụi con ạ. Vẽ vời lem nhem như con nít bôi lọ nghẹ. Thằng nào xưng hùng xưng bá ra đây “bặc co” tay đôi với tao? Tụi mày cười vì tưởng tao nói giỡn chứ gì? Tụi mày không tin tao dám chứ gì? Tụi mày thấy tao có ba trắc với chó lửa chứ gì? Tao cởi áo cởi lon hết. Thằng nào bước ra! Thằng bé vội nhảy ùm xuống sông, ngược lại bờ bên này, lùa bò đi xa xa mỗi lần thấy lão đội phó nổi cáu.

 

Ai chứ thằng cha này gan cóc tía, ông trời đang mưa mà lão nói nắng là phải nghe nắng, không cho quân nghỉ lao động bữa nào. Lao động mới nên người, nhóc ạ. Tao lao động ở bờ sông Nhục này từ năm hai mươi tuổi, ngót nghét hai chục năm, xin ở lại đây luôn. Mấy trò chống đối, vờ vịt, lười biếng của bọn lười cải tạo này tao rành sáu câu. À, mày có mua giùm tao lạng thuốc lào đen không? Không có là cha con tụi nó đêm nay vã thối mõm. Cho mày mấy ngàn lẻ tiền thối luôn đó. Nhớ mai ghé qua nha. Có chút hơi hướng người đời tao cũng đỡ buồn, chứ cà rịch cà tang với đám tội phạm hăm bốn trên hăm bốn cũng muốn bỏ xứ đi luôn.

 

Còn tiếp....

 

----------

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage