Giữ gìn vẻ đẹp áo dài Việt Nam

Thể hiện : Hoàng Dương
Tác giả : Mỹ Hạnh
28-10-2016
  0   3241

 

Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng xưa, nay trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì áo dài là trang phục truyền thống đặc trưng, vừa là biểu tượng văn hóa, vừa tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch, nền nã của phụ nữ nước ta. Vì vậy, xu hướng phá cách, biến tấu chiếc áo dài trong thời gian gần đây cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

 

Theo các tài liệu ghi lại, những phác thảo mang tính định hình về áo dài của phụ nữ Việt Nam đã có từ lâu và đến cuối thế kỷ 20, áo dài hiện đại tiếp tục được hoàn chỉnh, ngày càng trở nên đa dạng về kiểu cách. Áo dài ngày nay được sáng tạo từ tất cả các loại chất liệu, với kiểu dáng, hoa văn vô cùng phong phú. Xét về góc độ ứng dụng thực tế, những điều chỉnh này là hợp lý, nhằm mang lại sự thuận tiện cho người mặc và cả dấu ấn sáng tạo cá nhân của người thiết kế. Bản thân chiếc áo dài trong lịch sử cũng không ngừng được cách tân để phù hợp với vóc dáng, hoàn cảnh và nhu cầu sử dụng.

 

 

Tuy nhiên, đã xuất hiện những hình ảnh cách điệu quá đà, lai căng, thậm chí phản cảm của tà áo dài. Nguyên nhân có thể do sự thiếu khéo léo, tinh tế của nhà thiết kế, nhưng cũng có thể do người mặc muốn “chơi trội”, muốn nổi tiếng. Một hoa hậu nước ta từng gây dư luận ồn ào, thậm chí bị cộng đồng mạng đòi tước vương miện vì một bộ ảnh mặc áo dài quá mỏng. Một hoa khôi khác cũng diện áo dài để lộ ngực, hở lưng "táo bạo" khi đi trình diễn thời trang ở nước ngoài. Vài ca sĩ mà giọng hát chẳng mấy người nhớ đến, nhưng tên tuổi luôn gắn liền những “thảm họa” thời trang còn trưng “đầy ấn tượng” tà áo dài rách rưới nhằm khoe thân một cách lố lăng. Và còn rất nhiều điều phản cảm khác đã xảy ra khi sử dụng trang phục áo dài bừa bãi, thiếu trân trọng vẻ đẹp và giá trị văn hóa vốn có của nó.

 

Qua nhiều nghiên cứu bàn về giá trị của tà áo dài và xu hướng sử dụng thường ngày vừa qua tại hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại” do Bảo tàng Phụ nữ tổ chức, hoặc tọa đàm “Trang phục truyền thống trong phim và ứng dụng trong đời sống” của Trường đại học Văn hóa Hà Nội…, chiếc áo dài phụ nữ được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy. Nhiều người đồng tình với việc cách tân áo dài để phù hợp với thị hiếu thời trang, để tăng tính ứng dụng bởi mẫu áo truyền thống đôi khi cầu kỳ và bất tiện đối với người sử dụng. Nhìn nhận một cách tích cực, những sáng tạo trong thiết kế áo dài có thể góp phần mang loại trang phục giàu tính văn hóa này gần gũi hơn với đời sống, để áo dài được phổ biến và được yêu thích hơn. Tuy nhiên “làm mới”, “phá cách” chứ đừng “phá hoại” hình ảnh áo dài. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, một nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, đã là nghệ thuật thì có quyền sáng tạo, chỉnh sửa, nhưng vẫn phải dựa trên bản chất văn hóa, lịch sử, không thể đánh mất đi hồn cốt của truyền thống dân tộc.

 

 

Nếu tiếp tục sử dụng hoa văn, họa tiết tùy tiện trong thiết kế áo dài, sẽ có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có, khiến dư luận bất bình, như vụ việc tạp chí ngành hàng không nọ khi dùng ảnh bìa là hình tà áo dài phụ nữ Việt Nam được in một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng của nước bạn. Hy vọng sau bài học này, các nhà thiết kế thời trang và người làm văn hóa khi đưa lên áo dài những hoa văn, họa tiết mang tính truyền thống hay những biểu tượng văn hóa tâm linh của các dân tộc thì nên tìm đến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để được tư vấn. Còn khi mang áo dài phụ nữ Việt Nam đi trình diễn tại những sự kiện văn hóa lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, thiết nghĩ cần có sự cân nhắc kỹ để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc. Người mặc áo dài, không chỉ nghệ sĩ hay người nổi tiếng, cần ý thức được việc khoác lên mình một trang phục văn hóa truyền thống lâu đời và đẹp đẽ, để có những lựa chọn phù hợp.

 

Ngày nay, áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc tạo điểm nhấn cho bộ áo dài thì việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống cũng không kém phần quan trọng. Có như vậy mới tô điểm thêm cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt, đồng thời cũng là một “sứ giả văn hóa” giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

 

 

-----------------

• Nguồn: Theo Mỹ Hạnh/ Nhân dân
• Thực hiện: Trà My, Hoàng Dương


Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Sách điện tử đang cạnh tranh với sách in như thế nào?

Thử nhìn sự bùng nổ của ngành xuất bản với biết bao đơn vị làm sách cũng đủ thấy sự phát triển của thị trường sách trong nước phát triển cỡ nào. Nhưng sách điện tử với nền tảng công nghệ phát triển vượt bậc thì dường như chưa đạt...

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Ứng xử với môi trường bằng văn hóa

Dường như chúng ta đang đối mặt với sự hủy hoại trầm trọng môi trường sống do chính con người gây nên. Cần phải xây dựng thành “Văn hóa ứng xử với môi trường sống” sao cho người người, nhà nhà đều thấm nhuần.

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Giảm giá sách tại các hội chợ sách - nên hay không nên?

Những người yêu sách đều rất biết giá trị của một cuốn sách, chính vì thế cách ủng hộ của độc giả là mua sách chính thống quan trọng hơn là việc mua sách giảm giá hay không giảm giá...

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Cà phê trứng Hà Nội, uống một lần để nhớ mãi

Cà phê và trứng hòa quyện thật hài hòa, không ngọt quá, không đắng quá, vị ngầy ngậy lẫn trong mùi hương nồng nàn. Nếu có dịp tới Hà Nội, nên nếm thử cà phê trứng một lần để nhớ mãi...

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Để nghe và yêu được nhạc cổ điển

Vài năm gần đây những buổi biểu diễn âm nhạc giao hưởng thính phòng của các dàn nhạc, nghệ sĩ trong và ngoài nước thường xuyên diễn ra, thật sự là những điểm sáng trong bức tranh hoạt động âm nhạc của nước ta.

Tác giả: Sưu tầm

Văn hóa đi thang máy

Thang máy không phải nơi để chơi và cần học cách sử dụng an toàn. Văn hóa đi thang máy áp dụng chung cho mọi người và bé sẽ học từ bố mẹ.

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Gốm Thanh Hà - Tìm lối hồi sinh

Tọa lạc bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, làng gốm Thanh Hà ở Hội An có tuổi đời đã ngót 500 năm, nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp, từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”.

Giọng đọc: VOV
Tác giả: VOV

Văn hóa đọc liệu có xuống cấp như lo ngại?

Lâu nay nhiều người lên tiếng than phiền rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, nhiều người không thích đọc sách. Song, sự thực có như vậy?

Youtube

Facebook Fanpage