Tí hon canh bầu trời

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
25-06-2017
  0   1902

Sau gần 9 tháng ngủ đông, các vùng thảo nguyên Mông Cổ cựa mình sang mùa ấm áp. Dòng suối tách tách băng tan. Màu xanh non tơ của thảo nguyên trải bất tận. Mỗi ngọn cỏ nhú lên một mầm sống. Sương mai chớp mắt trong nắng hoe vàng.

 

Đàn cừu bị nhốt trong chuồng suốt mùa đông rét mướt. Sáng nay khi róng cổng vừa mở, lũ cừu be be huých đẩy nhau ra khỏi chuồng. Cừu già nhíu mắt nhìn đồng cỏ quen thuộc. Cừu mẹ thận trọng nếm nếm từng nhánh cây cỏ. Lũ cừu non mới sinh trong chuồng vào cuối mùa đông đang liêu xiêu bước ra mênh mông.

 

Đàn chim bồ câu núi, đàn quạ khoang, đàn quạ đen, chim sáo, chim sẻ lục tục chui ra từ những mái chùa cổ trên thảo nguyên. Băng đang tan trên mái chùa. Nước giọt gianh nhỏ tí tách. Bồ câu duỗi chân ra phía đuôi. Quạ khoang rỉa cánh. Quạ đen nôn nao ngó ra bãi chăn thả gia súc… Đại bàng, chim ưng từ trên đỉnh núi phía cuối thảo nguyên thì vút lên trời rít lên the thé. Rặng cây bá hương bên sườn đồi đang ngước lên bầu trời xanh không một gợn mây. Nắng trải màu mật ong vàng lên vai dãy đồi lúp xúp. Nắng nhảy nhót theo vó ngựa bổ nháo, bổ nhào quanh bãi thả.

 

Nắng rọi tận vào hang sóc đất. Sóc vẫn lười biếng nằm im trong hang. Nó chỉ nhếch mép rung rung mấy sợi râu chào tia nắng vào thăm. Người chăn cừu gọi tên sóc đất là Saravag. Sóc đất chẳng chú ý đến tên của mình. Bởi cừu, dê, ngựa, bò, kể cả lạc đà hai bướu lừng lững đi qua cửa hang cũng chẳng bao giờ gọi: “Này, Saravag chú mày đang làm gì đấy?”. Sóc đất là loài động vật bốn chân bé nhỏ nhất thảo nguyên. Chúng bé nhỏ, yếu đuối đến nỗi chẳng con vật bốn chân nào bắt nạt nó. Vì thế, nó trở nên dạn dĩ trước các loài nện móng trước cửa hang. Bản thân nó lại vô cùng nhút nhát khi ngay cả chân dê cũng đạp sập hang. Thế nhưng mọi con vật bốn chân khác đều ngưỡng mộ sóc đất. Không phải chúng ngưỡng mộ bốn chân nhỏ bé nhưng chạy nhanh hơn cả ngọn gió chạy nhanh nhất. Chúng ao ước có đuôi xù như đuôi sóc đất. Lạc đà hai bướu cũng mơ có đuôi xù để giơ hai cẳng trước hướng lên trời.

 

Đuôi xù của sóc đất là cái chân thứ năm. Đuôi chống xuống phía sau thì hai bàn chân trước rảnh rang vuốt râu. Đuôi xù chống lên cũng hoá thành vọng gác. Sóc đứng thẳng hai chân sau, nghển cao đầu nhỏ bé quan sát là canh được cả bầu trời xanh bát ngát!

 

Nắng vẫn trải màu mật ong lên đồng cỏ. Thảo nguyên bình yên, rộn rực sức sống trong nắng và gió ấm áp. Không gian phập phồng hít thở những cơn gió trộn lẫn hương đồng cỏ với hương mây trời. Bỗng nhiên, xa xa từ phía sa mạc Gô-Bi xuất hiện bóng mờ của lũ chim đại bàng và bầy diều hâu. Lũ chim ác đập cánh hối hả về phía bãi chăn thả gia súc. Loáng mắt, lũ chim ác đã hiện ra đen sì một khoảnh trời. Diều hâu ngậm chặt mỏ để kìm không phát ra tiếng rít. Đại bàng vừa bay, vừa lặng lẽ ngó phải, ngó trái, mỏ quặp theo thế võ hung thần.

 

Trên đồng cỏ, hàng nghìn con gia súc vẫn mải miết gặm cỏ non đầu mùa ấm. Con nào cũng nhồm nhoàm cỏ non sau mùa đông nhai rơm khô. Bầy cừu non, dê bé, bê con chút chút bú mẹ, rồi chạy rong chơi. Cừu già cũng miết lưỡi vơ cỏ non. Chim bồ câu nhặt từng hạt lúa mì trên mặt đất mới tan băng.

 

Tất cả loài vật không biết tai hoạ từ trên không đang lướt tới.

 

Lúc này trên đồng cỏ duy nhất chỉ có sóc đất không cúi xuống mặt đất ngắm cỏ non. Nó đang chống đuôi xuống mặt đất mà ngước cặp mắt bé tí đen láy chăm chú quan sát bầu trời. Nó đã phát hiện ra lũ chim đại bàng và bầy diều hâu đang hạ độ cao, chuẩn bị sà xuống đồng cỏ. Quy luật sinh tồn trên thảo nguyên cho nó biết ngày đầu tiên của mùa ấm, gia súc ùa ra đồng cỏ đều quên mọi rình rập xung quanh. Đến các cụ dê râu dài cũng vẩn vơ mất cảnh giác trước các lũ chim ác.

 

 

Đây là cơ hội săn mồi tốt nhất của đại bàng, diều hâu và các loài chim lớn ăn thịt trên thảo nguyên. Và sau mùa đông lạnh giá liên miên, con chim lớn ăn thịt nào cũng nhằm cướp mồi trong các bầy gia súc. Từ trên cao, lũ chim ác săm soi những con cừu non, dê bé, bê con đang ngẩn ngơ, liêu xiêu bước ngoài rìa bãi chăn thả.

 

- Chít chít chít! Chít chít chít! Báo động! Báo động! Hàng vạn con sóc đất hét ầm lên…

 

Sóc tí hon nên tiếng hét chói tai sóc cũng chỉ là tiếng chít chít. Tiếng chít chít rất nhỏ lẫn trong tiếng rào rào gặm cỏ của hàng nghìn con gia súc. Chẳng con cừu, con dê, con bò, con ngựa nào biết tai hoạ sắp đổ ập xuống đầu mình.

 

Lũ đại bàng hung dữ đã bay tới mỏm đồi cuối đồng cỏ. Chúng giương những cặp mắt vằn tia máu nhằm tới con cừu non với dê non bấy yếu đang liêu xiêu bên bờ suối. Đàn diều hâu đã phát hiện những con bồ câu, quạ, chim sẻ đang ngẩn ngơ bên đám gốc rạ.

 

Lũ đại bàng sột soạt cánh, chuẩn bị lao xuống để quắp cừu non. Đàn diều hâu há mỏ, chuẩn bị khép cánh lao xuống.

 

Đúng lúc ấy, hàng vạn con sóc đất tí hon bật khỏi cửa hang, lao vun vút như hàng vạn mũi tên về phía đàn gia súc. Những chiếc đuôi xù chống xuống đất hoá thành những cây sào. Bầy sóc tí hon đã trở thành những vận động viên nhảy sào của đồng cỏ. Vút! Vút!... hàng vạn con sóc đất nhảy lên lưng từng con dê, con cừu, con bò sữa, con ngựa Tây Tạng lông rủ sát đất. Sóc đất quá bé nhỏ so với thân thể lạc đà hai bướu to lớn, cao lênh khênh. Mười con sóc bèn xúm lại công kênh nhau nhảy lên lưng lạc đà. Hai con sóc “nhanh như sóc” cắn phập hàm răng nhỏ vào hai cái bướu của lạc đà. Lạc đà bất ngờ bị đau nhói, nhảy dựng lên hai chân trước, kêu la ầm ĩ. Ngựa, dê, cừu, bò cũng bị sóc bất ngờ cắn đau nhói trên lưng. Tất cả đàn cuống cuồng tung vó, rống lên ầm ĩ. Ngựa tung bờm, hí vang trời. Bò rống ò ò giương sừng lên như những cặp kiếm thép. Cừu với dê cùng kêu be be, đứng sát vào nhau nhìn lên không thủ thế. Cả thảo nguyên đang yên ả bỗng trở nên náo động. Cừu non, dê bé, bê non cuống quýt chạy vào giữa đàn. Bồ câu, quạ khoang, chim sẻ run rẩy tìm đến đậu lên lưng cừu. Cừu xù lông làm nơi ẩn nấp kín đáo cho loài chim nhỏ…

 

Từ trên cao, đại bàng, diều hâu lượn nhiều vòng tròn. Những cặp mắt vằn tia máu hoảng hốt thấy những vó ngựa tung bụi mù mịt. Rừng kiếm thép của sừng bò, trong đó có cả sừng bê mới nhú cũng giương lên. Lũ ác điểu hoảng sợ. Chúng kêu rít lên, vội vã đập cánh lủi về phía cao nguyên Gô-Bi.

 

Thảo nguyên trở lại bình yên. Gió hát liên khúc ca vó ngựa. Những hạt mưa xuân gõ nhịp trên sừng bò. Rùng rùng theo bước chân lạc đà hai bướu, ngựa - dê - cừu - bò lũ lượt đến cám ơn bầy sóc đất. Chim bồ câu dẫn đầu. Theo sau là quạ khoang, chim sẻ, sáo… cùng lũ lượt kéo đến. Lạc đà trịnh trọng khụy hai chân trước xuống, đầu cúi sát ngọn cỏ non, bày tỏ:

 

- Cám ơn sóc tí hon đã dũng cảm bảo vệ chúng ta, bảo vệ đồng cỏ non thơm ngan ngát!

 

Mỗi con vật cảm ơn sóc đất bằng cách riêng của mình. Ngựa thì hí vang. Bò thì kêu ò ò. Cừu lấy túm lông mềm mại ở khấu đuôi gắn vào đuôi sóc đất. Thêm túm lông cừu mà đuôi sóc xù lên mềm mại nhưng cứng cáp. Nhờ có đuôi mới mà sóc đứng canh bầu trời thảo nguyên suốt ngày không mỏi chân…

 

-------

 

Nguồn: VOV

Cối xay thần (Phần 2)

Người anh rất khó chịu khi thấy bác Ba U đến nhà mình. Cuối cùng ông ta chỉ cho bác vay một nửa bao gạo.

Cối xay thần (Phần 1)

Ở một ngôi làng nọ, có bác nông dân nghèo khó tên là Ba U. Bác phải làm lụng vất vả cho nhà người anh trai, nhưng anh trai lại đối xử với bác rất tệ.

Quà tặng của đức vua

Ngày sinh nhật của đức vua vốn là ngày trọng đại, dân chúng đều muốn dâng lên những món quà ý nghĩa. Trong vùng, có gia đình Pi-tơ vốn nghèo khó. Pi-tơ đã bỏ công chăm sóc để có được một quả bí khổng lồ dâng lên đức vua.

Chàng Rêu thiện xạ và con rắn bạc (Phần 2)

Khi đang khám phá khu rừng với những tín hiệu lạ, chàng Rêu đã bắt gặp một con rắn bạc. Con rắn bạc như muốn dẫn dắt chàng trai đi đâu đó. Chàng Rêu rất cẩn trọng, song chàng vẫn đi theo như cũng muốn khám phá bí mật mà...

Chàng Rêu thiện xạ và con rắn bạc (Phần 1)

Có một chàng trai tên là Rêu sống ẩn mình trong rừng. Chàng rất yêu thiên nhiên, muôn loài và coi cánh rừng già như ngôi nhà tuyệt diệu nhất. Khi đang khám phá khu rừng với những tín hiệu lạ, chàng Rêu đã bắt gặp một con rắn bạc....

Bí mật con ốc xà cừ (Phần 3)

Cuối cùng thì ốc xà cừ cũng xuất hiện và mang đến bao điều kỳ diệu cho chàng Mồ Côi. Chàng Mồ Côi rất bất ngờ, không biết rằng phép màu ấy từ đâu mà tới.

Truyện về những loài chim đi tránh rét

Khi chuyển sang sinh sống ở nơi khác, các loài chim bàn bạc với nhau để tìm vùng đất nhiều thức ăn nhưng chúng luôn tị nạnh và nghi ngờ nhau. Các bé có muốn biết loài chim cuối cùng có tìm được nơi trú ẩn an toàn không?

Ba chú heo con (Phần 2)

Anh Cả Lười bị con sói tấn công, anh Hai Bự và em Út Chăm thì sao? Út Chăm đã đối phó với con sói hung dữ ấy như thế nào?

Youtube

Facebook Fanpage