eMagazine số 5 - Có những ngày muốn bỏ lại tất cả sau lưng...

01-08-2018 10411 1 0

Bạn có nhớ lần mà bạn cảm thấy tủi thân nhất không? Tủi thân đến mức phát khóc ấy? Con người chúng ta có thể cô đơn thật dài, buồn thật lâu, nhưng buồn bã hay cô đơn chưa chắc đã khóc. Vậy mà cái sự tủi thân xuất hiện trong khoảnh khắc có thể khiến chúng ta vỡ òa như đứa trẻ.

 

Thực sự, nó là dồn nén của rất nhiều thứ, có thể một chuyện buồn thì không sao, nhưng ngày hôm ấy bạn gặp bao nhiêu chuyện buồn cùng một lúc, rồi bạn cảm thấy tại sao mình lại bị đối xử như vậy, sao cuộc đời bất công thế. Sau này nghĩ lại chẳng thể lí giải nổi tại sao mình khóc. Chỉ biết là chỉ có nước mắt mới giải tỏa được cảm giác thương xót cho bản thân xuất hiện ngay lúc đó, phải vậy không?

 

 

 

 

Sài Gòn ngày 30 Tết

 

Sáng sớm thức dậy mẹ gọi điện, hỏi trong đó sắm đồ ăn Tết hết chưa? Cười toe toét bảo mẹ con đã mua bánh Tét và hoa quả để ăn Tết rồi. Tết trong này vui lắm vì nhiều bạn bè mẹ ơi, mùng 1 con sẽ đi chùa, mùng 2 con lại lên chỗ làm ăn Tết cùng đồng nghiệp. Bố mẹ ở nhà sắm sửa hết chưa? Mẹ không cần lo cho con đâu, con đang rất vui mẹ ạ!

 

Tắt điện thoại ngồi thẩn thơ nhìn lại phòng trọ chẳng có lấy một chút gì không khí Tết. Chẳng có gì, ngoài bản thân mình.

 

Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà…

 

9h tối mới được rời khỏi công ty, mọi người hối hả trở về nhà thật nhanh để đón giao thừa cùng gia đình, còn mình thì vẫn lang thang trên phố, chẳng muốn về nhà đối diện với 4 bức tường nên tha thẩn trên phố hưởng chút không khí đêm giao thừa. Gọi điện cho bố mẹ chúc mừng năm mới, xong rồi khóc như đứa trẻ con khi pháo hoa rực rỡ khắp trời…

 

 

Năm ngoái

 

“Là mình của năm ngoái. Sáng đi học, học xong lật đật thay đồ rồi qua chỗ làm. Mình làm pha chế quán trà sữa, tầm 7h tối là người ta quần áo đẹp rủ nhau vào uống. Họ cũng trạc tuổi mình mà sao họ sướng thế, mình tủi thân. 11h đêm tan ca, lủi thủi chạy xe về. Hôm nào tâm trạng tốt thì không sao, vớ phải hôm buồn buồn, chạy xe ban đêm, gió táp vào mặt, mình chả muốn khóc thì nước mắt cũng tự chảy. Về đến phòng trọ, tụi nó ngủ cả rồi. Mình tắm rửa, ăn nốt ổ bánh mì...”

 

 

Hồi đó

 

“Mình nhiệt tình đứng ra tổ chức trò chơi cho Teambuilding của công ty. Toàn là trò chơi ngoài trời. Hôm ý trời mưa giông chẳng tổ chức được, buồn lắm. Chẳng ai an ủi nên ngồi thẫn thờ nhìn trời mưa. Lúc ấy sếp mình đã mắng mình vì mình buồn làm ảnh hưởng đến cảm xúc của mọi người. Mình buồn quá nên trốn ra ngồi một góc. Một lúc sau có một anh bạn đến vỗ vai bảo “Không sao đâu” – thế là mình khóc luôn. Đó là cảm giác buồn tủi và đáng sợ nhất đối với mình.”

 

 

 

Một buổi chiều muộn

 

Hôm ấy người mà mình thích bị ốm, mình đã đến thăm. Nhưng bố mẹ của bạn ấy không thích mình. Cùng lúc đó có một bạn nữ khác nữa cũng đến thăm bạn ấy nhưng bố mẹ bạn ấy lại rất quý. Cả buổi mình ngồi chẳng ai hỏi thăm mình câu nào, chỉ có cười nói với bạn nữ kia. Mình cũng biết ý đứng dậy chào mọi người rồi về. Có lẽ nơi khóc thoải mái nhất là trên quãng đường về nhà. Về đến nhà, ăn cơm với mọi người, mình lại bình thường. Không ai biết. Không ai hay. Cậu bạn mình sau đấy có nhắn tin xin lỗi mình, nhưng mình cũng không còn đủ vững vàng để tiếp tục thích cậu ấy nữa.

 

 


 

 

Giá trị của nỗi buồn

 

Bạn thân mến, bạn sẽ đối phó như thế nào với một cơn mưa bất chợt?

 

Có phải sẽ như thế này không?

 

Đang đi đường, bạn gặp một cơn mưa, không ô, không mũ, không áo mưa, bạn định tìm chỗ trú. Nhưng xung quanh chẳng có mái hiên nào giang tay đón bạn cả. Thế rồi áo bạn ướt, bạn bắt đầu khó chịu, đôi giày yêu thích của bạn cũng ướt. Bạn đang dần ướt hết.

 

 

 

Cuối cùng bạn quyết định cứ vậy mà đi, chẳng trú gì nữa, đằng nào cũng ướt hết rồi. Và cái cảm giác ấy lại cực kỳ thoải mái, đúng không nào?

 

Nỗi buồn và sự tủi thân cũng vậy, cũng như cơn mưa, bất chợt ập đến bất cứ lúc nào, có khi là một, có khi cả tá cùng ập đến một lúc. Ban đầu bạn có thể buồn, rồi tìm cách giải quyết để mình không bị nỗi buồn lấn át, nếu không mọi chuyện sẽ rất tệ. Xong rồi bạn chẳng giải quyết được. Nỗi buồn cứ thế, cứ thế ập đến. Bạn mệt mỏi, kiệt sức, chẳng thể làm gì ngoài để mặc nó đeo bám. Nhưng cũng giống như mắc mưa vậy, khi bạn đã ướt hết, bạn hoàn toàn mệt mỏi, bạn sẽ buông tay và bỏ mặc tất cả ở sau lưng. Bạn cho phép mình được dính mưa, được đau khổ và buồn bã. Và bạn thấy thoải mái, đúng không?

 

 

 

 

Vì thế, hãy thử một lần bỏ mặc cả thế giới sau lưng và buồn cho hết đi, để tâm hồn bạn được phép dịu lại, được phép lười biếng mà không cần phải gồng mình lên để chống trả, được phép tự xoa dịu vết thương dù lúc ấy bạn đang cô đơn đến nhường nào.

 

Người ta thường mắc bệnh trầm cảm là do chẳng có lấy một chút cảm xúc nào. Chẳng buồn, cũng chẳng vui. Vì thế, nỗi buồn cũng quan trọng như niềm vui vậy, nó là một phần cần phải có cho tâm hồn và trái tim của chúng ta. Chúng ta phải trải qua nỗi buồn thì mới hiểu được niềm vui như thế nào? Trái tim của chúng ta phải có những phút trùng xuống vì thất vọng thì mới có những khoảnh khắc bừng sáng vì hạnh phúc, phải vậy không?

 

 

 

 

Tôi có một cô bạn, nỗi sợ của cô ấy là sợ mất cảm xúc với mọi thứ xung quanh mình. Cô sợ chia tay một người mà mình lại không cảm thấy buồn. Cô coi được buồn bã là một niềm hạnh phúc và cô tận hưởng những giây phút ấy từng phút, từng giây.

 

Vậy nên, nếu một ngày, bỗng nhiên nỗi buồn từ đâu ập đến. Nếu bạn mệt mỏi quá rồi, hãy một lần buông bỏ tất cả, hãy bỏ lại tất cả ở sau lưng và mặc kệ cho nỗi buồn vây xung quanh bạn. Nếu muốn, hãy xin nghỉ học, nghỉ làm một buổi, và ở nhà làm những việc mình thích, chẳng cần tiếp xúc với ai, chẳng cố gắng vui vẻ xởi lởi khi trò chuyện với người khác. Ở thế giới của riêng bạn, bạn được phép buồn và làm bất cứ thứ gì.

 

 

 

Đôi khi cảm xúc của bạn cần được như thế, và bạn được phép.

 

 

Bài viết, hình ảnh: Sâu Điên

Giọng đọc: Vy Cầm

 

 

Có thể bạn quan tâm