Con đường vinh danh ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam

15-08-2016
  0   309


Lý Quốc Sư – một thiền sư, pháp sư và là một thầy thuốc nổi danh dưới thời nhà Lý sẽ là nhân vật lịch sử tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu trong hành trình đến với phố Lý Quốc Sư hôm nay. Không những thế, Lý Quốc Sư còn là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam, người tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng dưới thời Lý và là người đã sáng lập ra hơn 500 ngôi chùa trên cả nước, được vua Lý Thần Tông ban quốc tính từ họ Nguyễn sang họ Lý. Ông đã để lại nhiều công tích cho cuộc đời để hàng nghìn năm sau, những con đường, những ngôi chùa vinh dự được mang tên ông vẫn được nhân dân một lòng tôn kính, tự hào. Ngay sau đây, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan sẽ chia sẻ những thông tin lịch sử về nhân vật này trong mục Số phận con đường

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ: Lỹ Quốc Sư là danh hiệu của 1 vị đại thiền sư có tên thật là Nguyễn Chí Thành – người làng Điềm Xá, Gia Viễn, Ninh Bình. Nguyễn Chí Thành là nhà tu hành có đạo hiệu là Minh Không Thiền sư và chính là người đã xây dựng nên chùa Bái Đính gốc ở quê hương của mình từ thời nhà Lý.

Minh Không thiền sư vốn là người thầy thuốc có tài nên vào năm 1136, vua Lý Thần Tông mắc bệnh hóa hổ thì Nguyễn Minh Không đến chữa bệnh 1 cách đắc lực và vua thần Tông khỏi bệnh, phong cho Nguyễn Minh Không là quốc sư triều Lý, nhận danh hiệu Lý quốc sư và ban cho nơi ở mới mở 1 thiền viện lớn ở chỗ chùa cũ, gọi là phủ đệ của vị quốc sư nhà Lý. Đến khi Nguyễn Minh Không mất thì biến thành Đền Lý Quốc Sư. Chỉ đến năm 1930 của thế kỷ 20 thì mới có việc dần dần chuyển ngôi đền Lý Quốc Sư thành ra chùa Lý Quốc Sư. Bây giờ đền Lý Quốc Sư ngày xưa, chùa Lý Quốc Sư ngày nay đều cùng ở phố Lý Quốc Sư. Phố này được đặt vào năm 1945, do thị trưởng Trần Văn Lai đặt cho phố cũ có tên là ruy Lamblo, đổi gọi thành Lý Quốc Sư.

Phố Lý Quốc Sư tuy chỉ ngắn khoảng 250m, nhưng dường như đây là nơi cũ và mới, quá khứ và hiện tại giao thoa, làm nên một nét đặc biệt của bức tranh phố phường Hà Nội. Có một dấu ấn nho nhỏ của quá khứ vẫn luôn tồn tại nơi đây mà ít người chú ý tới, đó là một cửa hàng đồ cổ ngay đầu phố, cạnh ngã tư giao với Hàng Bông. Hôm nay, chúng ta cùng ghé thăm cửa hàng này và cùng đến với những chia sẻ của chủ cửa hàng - bà Nguyễn Quỳnh Hoa.

PV: Cô có thể chia sẻ cho chúng tôi được biết về quãng thời gian gia đình mình đã gắn bó trên phố Lý Quốc Sư được không ạ?

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa: Nhà mình ở Lý Quốc Sư từ năm 1952, từ thời còn ông nội, đến đời bố, cho đời các con cháu cho đến đời thứ 4. Thời gian như thế cũng là khá là dài.

PV: Vậy thì từ đâu mà gia đình mình lại có ý tưởng kinh doanh một loại mặt hàng khá là đặc biệt như thế này ạ?

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa: Ý tưởng kinh doanh cái mặt này xuất phát từ cái là mình sinh sống ở trên phố cổ thì muốn kinh doanh và giới thiệu các cái văn hóa truyền thống của Việt Nam mình với bạn bè quốc tế, và tìm lại những cái cội nguồn của dân tộc. Cái này thì phải đi sưu tầm ở các nơi trong nước, tất cả 2 miền Nam Bắc, phải lâu dài và miệt mài, phải say mê, phải có đam mê, phải yêu nghề thì mới làm được.
 

Lý Quốc Sư là tuyến phố 1 chiều đối với tất cả các phương tiện


PV: Cô có thể giới thiệu thêm về các món đồ đặc biệt ở cửa hàng nhà mình không ạ?

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa: Những món đồ mình có thể giới thiệu đến bạn bè quốc tế và bạn bè trong nước là những món đồ có giá trị không những là về lịch sử mà còn về mặt tâm linh. Ví dụ như những món đồ bằng đồ đồng tượng trưng cho văn hóa Đông Sơn, cách đây khoảng 2000 năm. Những cái đồ đá, rìu đá cũng từ những thời kỳ rất là xa xưa rồi. Rồi là những cái đồ đất nung nó có xuất xứ từ thời Lý Trần, hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc. Đồ gốm sứ cũng có niên đại khoảng từ 900 năm, gần đây nhất là đồ gốm sứ nhà Nguyễn cũng phải được 200 năm trở lại đây. Đồ gỗ thếp vàng thì cũng đặc trưng cho những cái dùng trong cung đình Huế ngày xưa, thể hiện cho cái sự phồn vinh của dân tộc ta trong cái thời kỳ nhà Nguyễn. Có những cái mặt hàng rất là độc đáo mà mang giá trị kinh tế cao như là tiền cổ các đời như là Đinh, Lê, Lý, Trần, rất là quý hiếm mà bây giờ cũng không còn nhiều.

PV: Trong thời gian gắn bó ở đây thì cô nhận thấy phố Lý Quốc Sư đã có những thay đổi thế nào ạ?

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa: Mình thấy là khu phố ngày càng xanh sạch đẹp hơn là cái thứ nhất. Nhiều cửa hàng bán lưu niệm này, nhiều cửa hàng ăn uống, nói chugn là phát triển càng ngày càng phong phú. Mặc dù là cái con phố của mình có hơi nhỏ và đi lại giao thông có khi cũng không được thuận tiện lắm, thế nhưng mà mọi người cũng cố gắng chấp hành đúng nội quy nên là cũng không xảy ra điều gì đnág tiếc. Mình rất hài lòng.

Phố Lý Quốc Sư không chỉ nổi tiếng là một con phố ẩm thực với nhiều hàng ăn ngon nổi tiếng mà đây còn là nơi tọa lạc của một ngôi chùa cổ kính, mang dấu ấn lịch sử theo cùng năm tháng với con phố này. Đó là chùa Lý Triều Quốc Sư.

“Con phố Lý Quốc Sư luôn sầm uất, tấp nập cũng bởi ở đây thu hút mọi người bằng những dấu ấn ẩm thực không thể lẫn đi đâu hết ở đất Hà thành. Cứ nhắc đến phố Lý Quốc Sư, người ta không thể không nghĩ đến Phở Lý Quốc Sư, món bánh gối Gốc Đa hay quán cháo sườn bên ngõ. Ấy thế nhưng, khi đặt chân đến đây, nhiều người sẽ thấy tò mò và lạc bước vào một ngôi chùa nhỏ trên đường, ngắm nghía không gian Phật pháp còn lưu truyền của Việt Nam và lắng nghe những bản kinh tụng đều đều mỗi khi chiều xuống.

Chùa Lý Triều Quốc Sư, vốn trước đây là đền Lý Quốc Sư, hay đền Tiên Thị. Đền được xây từ thời Lý để thờ Quốc sư Minh Không. Ngài là bậc Đại sư thông tuệ Phật pháp, được giới tăng ni ngưỡng vọng và được Đức vua kính trọng. Tháng 5 năm 1131, đích thân vua Lý Thần Tông sai dựng nhà cho Ngài, vị trí chính là ngôi đền Tiên Thị sau này, và bây giờ là chùa Lý Triều Quốc Sư.
 

Chùa Lý Quốc Sư được xây dựng vào năm 1131 vào thời nhà Lý


Cùng với nhiều biến động lịch sử và thời gian trôi qua, ngôi đền không còn giữ được dáng vẻ của buổi khởi nguyên. Hiện vẫn còn dấu vết của 2 lần sửa chữa lớn. Di vật tiêu biểu còn để laị là hệ thống tượng chân dung được tạc bằng đá gồm tượng Phụ mẫu Quốc sư Minh Không, tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Giác Hải. Đây là những tác phẩm điêu khắc quý giá trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Một di vật khác cũng có niên đại từ đời Hậu Lê mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy khi bước vào sân chùa là cột trụ đá trước sân, trên đỉnh nóc an trí tượng Bồ tát Quan Thế Âm cùng Thiện Tài, Long Nữ. Tính từ năm 1855, ngôi chùa này đã gắn bó trên con phố Lý Quốc Sư suốt 160 năm, qua bao thế hệ người dân và Phật tử nơi này. Có những gia đình đã đi lễ chùa và tu hành ở đây nhiều đời, coi ngôi chùa như ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà tâm linh yên bình.

Cô Hằng, một Phật tử thường xuyên cúng lễ ở đây chia sẻ: “Nhân duyên cô đến với chùa cũng là trước nhà cô ở chỗ 14-16 phố Nhà Thờ đây này. Từ bé bố mẹ cô cũng hay dẫn cô sang bên chùa, chùa này với chùa bà Đá. Chùa tọa lạc ở đây thì cũng coi như cổ lâu lắm rồi đấy. Cô đi từ thời các cụ ngày xưa. ở đây có lễ chùa rất là đều đặn, các thầy cho niệm Phật lễ bái, những cái việc duy trì để tri ân đức Phật, tri ân các tổ đấy rất là đều đặn. Chẳng hạn là luôn luôn có thầy dẫn đầu, chứ không phải như là các chùa khác thì là không đều như thế.”

Cùng với Nhà Thờ Lớn nằm trên cùng trục đường, chùa Lý Triều Quốc Sư đã góp phần vào sự đa dạng tôn giáo, duy trì và phát huy những nét truyền thống tốt đẹp của tôn giáo mình, là nơi để mọi người có thể tìm đến để cảm nhận một chút tĩnh lặng, một chút bình tâm ngay trên nơi phố xá ồn ào. Bước vào không gian chùa, chính là bước vào một không gian khác xa với bên ngoài vội vã của phố Lý Quốc Sư. Cùng với những giá trị lịch sử đáng quý, ngôi chùa này thực sự là nơi mọi người nên ghé thăm và tìm hiểu, để biết thêm về lịch sử của con phố cũng như lịch sử dân tộc.

Như thường lệ, sẽ là một số thông tin hữu ích, giúp quý vị lưu thông thuận lợi trên phố Lý Quốc Sư: Phố Lý Quốc Sư dài 244 mét, nối từ phố Hàng Bông, qua Nhà thờ Lớn, đến phố Nhà Chung, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lý Quốc Sư là tuyến phố 1 chiều đối với tất cả các phương tiện. Do là tuyến phố khá nhỏ, hẹp nên không có xe bus chạy qua phố Lý Quốc Sư.


-----------------

• Nguồn: Theo VOV

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1