Tính Nhân Văn Trong Lễ Hội

17-02-2016
  0   964



Tết đến, Xuân về cũng là lúc khắp mọi miền đất nước bước vào mùa lễ hội với nhiều hoạt động đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, gắn kết cộng đồng và phát triển du lịch. Được duy trì qua nhiều thế hệ, các lễ hội đều mang đậm những giá trị nhân văn, thể hiện truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhiều nghi thức lễ hội ở một số địa phương đã không còn phù hợp; thậm chí là phản cảm và lạc hậu trong sự nhìn nhận của dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến hình ảnh địa phương và đất nước.
 

Cảnh giẫm đạp tại lễ hội cướp phết ở Vĩnh Phúc
 

Thời gian gần đây, đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay đổi các nghi thức, tập tục lạc hậu, phản cảm, có yếu tố bạo lực ở một số địa phương để hướng tới văn minh, phù hợp cuộc sống hiện đại và đề cao giá trị nhân văn. Mặc dù vậy, thói quen của tập tục qua thời gian đã tạo sức ỳ khá lớn, gây những cản trở không nhỏ trong việc thay đổi, không chỉ từ phía cộng đồng, mà ngay cả ở các cấp chính quyền địa phương. Đã có những ý kiến cho rằng, đó là những tập tục, nghi thức truyền thống, cho dù có phản cảm đối với người nơi khác, song vì đã tồn tại từ lâu đời và là một “nét văn hóa phong tục”, lại không vi phạm pháp luật cho nên không thể buộc phải loại bỏ; hoặc những tập tục, nghi thức đó chỉ tồn tại ở lễ hội địa phương trong phạm vị hẹp, chẳng gây tác hại gì như báo chí đã nêu…
 

Những lập luận này đang quên rằng, ở thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ, chẳng thể có sự khu biệt địa phương nào và tác động của một sự kiện ở làng quê nào, dù hẻo lánh, nhưng qua sự lan truyền của in-tơ-nét, mạng xã hội và truyền thông sẽ có sức ảnh hưởng chẳng kém gì ở các thành phố, trung tâm đô thị lớn. Chưa kể, việc duy trì những yếu tố bạo lực, phản cảm có khác gì hình thức tuyên truyền, kích động bạo lực, đồng thuận với sự hả hê của cái ác mà chúng ta đang lên án hằng ngày?
 

Những chuyện nêu trên còn có tác động tiêu cực đối với du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước dù chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, bởi với khách quốc tế, hình ảnh chém lợn, đập đầu trâu đến chết, cầm gậy, gộc vụt nhau (dù chỉ là biểu diễn) để cướp lộc, rồi đạp lên đầu nhau để xin ấn, hỗn chiến cướp hoa, cướp phết, không thể gọi là văn hóa hay một nét phong tục đẹp. Với họ, chỉ có một cách gọi là những hủ tục, nghi thức lạc hậu, bạo lực, thiếu tình nhân ái, văn minh. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật chống bạo hành đối với các loài vật nuôi và hoang dã; du khách đến từ các nước đó sẽ nghĩ sao về những hình ảnh đó trên mạng in-tơ-nét đầy tính bạo lực? Đó là chưa kể các nghi thức, tập tục lạc hậu lại tồn tại ở một đất nước có nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm, vốn trọng nông và coi “con trâu là đầu cơ nghiệp” như ở Việt Nam.
 

Sao chúng ta không tạo dựng những giá trị giàu tính nhân văn, trân trọng những “ông trâu, ông bò” đã có từ hàng trăm năm nay ở những lễ hội tịch điền đầu năm phía bắc hoặc đua bò truyền thống ở miền Tây Nam Bộ, vui tươi trong không khí Xuân mới mà vẫn không kém tinh thần thượng võ? Bên cạnh yếu tố bạo lực đáng phê phán, còn phải kể đến sự lãng phí không cần thiết, đi ngược lại tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tính toán chi ly của nhà nông khi các lễ hội chọi trâu đang có xu hướng thương mại hóa, mở rộng ở cấp tỉnh và thậm chí cả cấp huyện ở không ít nơi. Những “ông” trâu đực được lựa chọn kỹ, sức tốt lại trở thành “vật tế thần” cho những khoảnh khắc của một hội chơi, phần nhiều cổ vũ cho sự hiếu kỳ, bạo lực và cả sự ăn thua cay cú, cờ bạc.
 

Ngay trước mùa lễ hội năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 15 với các quy định rõ ràng về tổ chức, quản lý lễ hội; trong đó nhấn mạnh, nói không với các yếu tố bạo lực và phản cảm, nhất là với các tập tục chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu đến chết…; khẳng định, các lễ hội nếu còn để tồn tại những nội dung bạo lực và không thay đổi, sẽ không được tổ chức, đồng thời sẽ bị xử phạt theo Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Thông tư cũng quy định không tổ chức những lễ hội có nội dung mê tín dị đoan, gây tác động xấu về nhận thức như cúng khấn, trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, yểm bùa.
 

Mặc dù vậy, xử phạt nghiêm minh có lẽ chỉ là bước cuối cùng không mong muốn; cái chính là sự vào cuộc thật sự của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhận thức của cộng đồng thông qua những phân tích khoa học, có lý có tình, để từ đó có sự đồng thuận của người dân cùng loại bỏ và thay đổi các nghi thức, hoạt động không còn phù hợp cuộc sống văn minh, hiện đại. Ở đây thể hiện rõ vai trò của cơ quan quản lý và các nhà khoa học trong việc hỗ trợ và định hướng cộng đồng, đối thoại và tuyên truyền thuyết phục nhân dân; đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế để tạo nên sự đồng thuận, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa tâm linh và nhân bản của các phong tục, tập quán tốt đẹp lâu đời của ông cha.

Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1