Về Thăm Quê Bác Tôn

04-08-2016
  0   607

Nằm giữa dòng sông Hậu, được phù sa bồi đắp quanh năm, xã Mỹ Hòa Hưng hay còn gọi là Cù lao Ông Hổ (Long Xuyên, An Giang) bốn mùa lúa rập rờn xanh tốt, cây trái trĩu cành, không gian thoáng đãng, hiền hòa và chính nơi đây đã sinh ra người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người con ưu tú của quê hương – đó là cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Những ngày tháng 8, chúng tôi về thăm lại xã Mỹ Hòa Hưng, cũng là dịp chuẩn bị kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2016). Tôi còn nhớ, vào những ngày này năm 2012, nhân dân An Giang đã hân hoan chào đón sự kiện công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thành Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vui, niềm vinh dự cho quê hương Bác Tôn và nhân dân An Giang. Từ thành phố Long Xuyên, bạn sẽ mất khoảng 15 phút để đi phà qua xã Mỹ Hòa Hưng. Trên con đường trải nhựa dài thẳng tắp, đi vài trăm mét, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện ra vừa uy nghi vừa giản dị...


Tôi còn nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”

Vâng, và lúc vừa đặt chân đến mảnh đất Mỹ Hoà Hưng có dòng sông Hậu hiền hoà ngày đêm chảy mãi như tuần hành cùng thời gian để canh giữ, bảo vệ ngôi nhà gỗ với mái lợp ngói ống, nằm giữa vườn cây trái xanh tươi của vùng đất này tôi lại càng hiểu rõ và thấm thía hơn ý nghĩa của hai câu thơ ấy. Bao trùm lên khu di tích là vẻ nghiêm trang, cao rộng song cũng thật tuyệt với những nét đẹp trầm lặng bởi lẩn khuất đâu đó cái khí thiêng của dân tộc. Trong một thoáng, bất chợt tôi cảm tưởng rằng mình đang ở nơi nào ấy thật khác xa với thế giới ngoài kia - ồn ào, náo nhiệt - dẫu chỉ cách nhau có một cánh cổng và một bức tường.


Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bao bọc bởi một vườn cây mát mẻ, những thảm cỏ xanh tươi. Khu này bắt đầu hình thành từ tháng 12-1988, khi Bộ Văn hóa - thông tin có quyết định công nhận ngôi nhà ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, nơi Bác Tôn sinh sống thời niên thiếu, là di tích lịch sử. Sau đó, chính quyền tiến hành việc tôn tạo, trùng tu và quy hoạch xây dựng, để đến hôm nay, nơi đây trở thành khu di tích lịch sử phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Khu di tích có: nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, đền tưởng niệm, nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác Tôn vào Sài Gòn dự lễ mít tinh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phục chế mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), cầu treo dài 80m đón khách tham quan bằng đường sông và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác...

Ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn được xây theo kiểu nhà sàn ba gian truyền thống của người dân Nam bộ, có chân tán, cột gỗ, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật như bộ ngựa gỗ, tủ thờ cẩn ốc xà cừ... Phía sau ngôi nhà là phần mộ song thân của Bác. Dù đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng khu này vẫn được bảo tồn nguyên trạng.

Trong khu lưu niệm, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đó là nhà trưng bày 23 tác phẩm điêu khắc gỗ của các nhà điêu khắc nổi tiếng trong nước như Phạm Văn Hạng, Ca Lê Thắng, Nguyễn Văn Dân... Phía sau đền thờ là bức tranh “Bác Tôn với quê hương An Giang” bằng chất liệu gáo dừa lớn nhất Việt Nam do họa sĩ Bùi Quang Vinh phác thảo. Và hàng loạt tác phẩm văn thơ viết về Bác Tôn kính yêu được trưng bày trong nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Tôn...


Đến Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi không những được nghe nhiều mẩu chuyện về Bác Tôn và gia đình Bác, mà còn được nghe cả những giai thoại về vùng đất và con người nơi đây. Giai thoại vì sao nơi đây mang tên là Cù lao Ông Hổ. “Hồi xưa, đất này còn là một cồn nhỏ, cây cỏ mọc rậm rạp hoang vu, bãi bồi um tùm lau sậy, thú dữ khắp nơi, nhất là hổ, báo từ vùng Thất Sơn thường về đây kiếm ăn. Nhưng dần dần con người đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày một đông nên cồn được phát hoang trống trải, hổ, báo lặng lẽ trở về Thất Sơn. Tuy nhiên, năm ba tháng đầu vẫn còn gặp dấu hổ rải rác trên cồn. Chắc nhớ đất xưa, rừng cũ nên hổ lặn lội về thăm lại cù lao. Vào một đêm trăng sáng, dân làng chợt thấy một con hổ to cỡ con bò ngồi lặng im trên đầu cồn nhìn xuống cù lao. Dân làng hò nhau tay gậy, tay dao cùng đuổi hổ. Lạ thay, hổ không hốt hoảng cắn người mà ung dung đập đuôi nhảy tõm xuống nước lội qua sông, đi về hướng Thất Sơn. Và nhiều lần như thế, vào những đêm trăng sáng người ta lại thấy hổ về... Dân làng bàn tán xôn xao: Hổ không hại người? Hổ còn nhớ xóm cũ về thăm? Nếu vậy thì không phải hổ thường mà là Thần Hổ về viếng đất cồn. Kể từ đó dân làng dựng lên một ngôi miếu thờ Ông Hổ. Ngôi miếu Ông Hổ hiện vẫn còn trên đất cù lao...”.

Chuyến phà đưa tôi rời Mỹ Hòa Hưng, gió sông Hậu lồng lộng thổi vào người. Mỹ Hòa Hưng xa dần, một mảnh đất, với cây cối xanh um, hiển hiện ra giữa dòng sông Hậu, bao bọc xung quanh bởi làng bè nuôi cá. Làng bè nuôi cá nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung đang là một thế mạnh kinh tế của Mỹ Hòa Hưng. Người dân Mỹ Hòa Hưng đang cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng là quê hương của Bác Tôn kính yêu.

Tôi xin mượn câu đối của nhà thơ Hồ Thanh Điền làm lời kết cho chương trình ngày hôm nay.

“Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở
Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông.”

 
-------------
  • Nguồn: Tuổi trẻ
  • Thực hiện: Trà My và nhóm sản xuất RadioMe

Những bài viết, chia sẻ của bạn, hãy gửi về cho chúng tôi theo địa chỉ: camxuc@i-com.vn nhé.

Youtube

Facebook Fanpage

1