Thông Tư 19 Có Giúp Ngăn Chặn Tình Trạng Đầu Cơ Nhà Chung Cư?

21-07-2016
  0   641
 

Theo quy định tại Thông tư này, người đầu cơ nhà ở chung cư sẽ phải làm thêm một số “thủ tục con” mới bán được nhà cho người dân. Dư luận cho rằng, quy định này chỉ có tác dụng làm khó chút xíu đối với các đầu nậu.


Quy định tại Điều 32, Thông tư 19, quy định về điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại nêu rõ: Cá nhân, tổ chức, mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại chưa nhận bàn giao nhà ở hoặc đã nhận bàn giao nhà ở có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Các cá nhân, tổ chức, nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng này cho cá nhân, tổ chức khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 


 

Nhưng nếu như theo quy định trước đây, người đầu cơ nhà ở thương mại không gặp khó khăn gì với việc bán lại cho người cần mua để ở thì nay với quy định tại Thông tư 19, các đầu nậu sẽ gặp chút khó khăn hơn trong thủ tục mua bán. Theo đó, Khoản 3, Thông tư 19 quy định, việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở phải thực hiện trên nguyên tắc chuyển nhượng hợp đồng theo từng căn nhà riêng lẻ hoặc từng căn hộ.
 

Nếu hợp đồng mua bán với chủ đầu tư có nhiều nhà ở (căn hộ, căn nhà riêng lẻ) thì phải chuyển nhượng toàn bộ số nhà trong hợp đồng đó. Trường hợp bên chuyển nhượng có nhu cầu chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở đã mua của chủ đầu tư thì bên chuyển nhượng phải lập lại hợp đồng mua bán nhà ở hoặc phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư cho những nhà ở chuyển nhượng trước khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng hợp đồng.
 

Như vậy, với những người “ôm” nhiều căn nhà riêng lẻ trong một hợp đồng với chủ đầu tư thì khi bán nhà riêng lẻ cho người cần mua để ở sẽ phải thực hiện thêm một động tác là ký lại hợp đồng với chủ đầu tư để tách riêng căn hộ muốn bán, hoặc ký phụ lục hợp đồng.
 

Nếu muốn không bị phiền hà khi phải ký lại hợp đồng hay ký thêm phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư thì các đầu nậu cần tách riêng từng căn hộ với những hợp đồng riêng lẻ để thuận lợi khi bán lại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay cả việc muốn như vậy cũng chưa chắc đã được vì nếu “ôm” đến hàng vài chục căn hộ thì chủ đầu tư sẽ rất mệt với việc ký tới mấy chục hợp đồng riêng lẻ.
 

Bên cạnh đó, Thông tư 19 cũng quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại. Cụ thể, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thống nhất lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của pháp luật.
 

Văn bản chuyển nhượng hợp đồng do hai bên ký kết được lập thành 6 bản (3 bản để bàn giao cho chủ đầu tư lưu, một bản bên chuyển nhượng hợp đồng lưu, một bản nộp cho cơ quan thuế, một bản bên nhận chuyển nhượng hợp đồng lưu); nếu văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải thực hiện chứng thực, công chứng thì có thêm một bản để lưu tại cơ quan công chứng, chứng thực.



---------------------------------

Nguồn: Laodong.com.vn

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1