Đếm sao cho hết con đường chưa đi… - Phần 2

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
21-03-2017
  0   1956

Ông ngoại tui hay ngâm “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, ý là vậy đó hả?

 

Hồi nãy, tao nghe mày hát câu gì hay lắm. Hát lại đi.

 

Chết không lo, còn ca với nhạc. Hát thì hát.

 

Hò…ò…ò…

Hò…ơ…ơ…

Giang hồ tứ chiếng làm chi há

Rừng thiêng nước độc há làm chi

Cỏ xanh còn đợi mấy khi

Trời cho ánh sáng tội gì đi đêm…

 

Thằng Lượm lần đầu tiên có khán giả yêu cầu, gân cái cổ đang dậy thì của nó trổ hết giọng điệu. Tay nắm như cầm micro, tay vung vẩy cây roi huơ huơ theo điệu bộ ca sĩ.

 

Bài này tàm tạm. Tao thích bài sau kìa.

 

Bài nào? À.

 

Hò…ò…ò…

Hò…ớ…ớ…

Lùa bò bốn cõi rừng hoang

Roi mây để đếm mây vàng mây xanh…

 

Chỉ có bấy nhiêu thôi. Tui mới nghĩ ra lúc nãy. Để mai mốt nghĩ tiếp dài hơn.

 

Nghĩ liền đi. Mai mốt không có ai vỗ tay đâu, nhà thơ ơi!

 

Bị khích, lại được gọi bằng “nhà thơ”, một danh xưng quá đỗi xa lạ mà nghe chừng sang trọng khủng khiếp, thằng Lượm phấn chấn. Đứng hẳn lên, ngẫm ngợi rồi hắng giọng.

 

Hò…ò…ò…

Hớ…hơ…hơ…hờ…

Lùa bò bốn cõi rừng hoang

Roi mây để đếm mây vàng mây xanh

Lưới trời cũng lỗ to lỗ nhỏ

Đúng sai sướng khổ biết đâu lường

Lời lỡ nói, cung lỡ giương

Đếm sao cho hết con đường chưa đi…

 

Tương tư người đẹp nào mà hát hò thơ thẩn vậy Lượm? Một giọng ồm ồm quen quen khiến thằng bé mặt mày xanh lét. Mồ hôi nhiễu hột tự bao giờ.

 

Bò cũng biết nghe nhạc chứ ông tưởng chúng khô khan như ông hả? Nó tự trấn tĩnh. Tếu táo. Ngó xuống chân, thấy cái hộp nhựa đựng cơm sạch trơn và bi-đông nước nằm đó rồi. Ông nghỉ xả hơi hả? Hay, cần tui mua gì?

 

Lão đội phó ngó nghiêng. Không thấy tao đi với cả tiểu đội mà còn hỏi. Sáng giờ mày có thấy khu vực này có gì lạ không? Trưa hôm qua có thằng trốn trại. Chắc nó chưa đi xa được.

 

Trốn nữa hả? Ông la ó hung tợn rầm trời nên người ta sợ quá mới trốn chứ gì! Thằng bé cà rỡn. Chỉ có tui với đàn bò thôi. Ông xuôi bờ Nhục mà tìm chứ ai dại gì leo ngược lên đây làm sao thoát. Có khi, trôi lềnh bềnh tới cửa sông miệt dưới rồi.

 

Lão đội phó thở dài. Hiếm khi lão thở dài. Rừng lắc lư, cành lá ken két muốn nổi da gà. Lão ra lệnh cho đám nhân viên đi cùng: Một nửa theo tôi lên bìa đường phục kích. Một nửa tiếp tục men theo bờ sông Nhục về xuôi. Không bỏ sót dấu vết nào. Thôi, đi. Để yên cho thằng nhỏ chăn bò.

 

Hú hồn hú vía. Bụi cò ke chình ình giữa ban ngày. Mặt trời gần đứng bóng. Thằng bé chờ cho đoàn người của lão đội phó xa mờ dần, run run cất giọng: Hò…ò…ò…

 

Đàn bò hì hục thở. Tiếng nhóp nhép nhai cỏ như tiếng nước va vào vách đá. Có trời mới biết vì sao thằng bé cố tình giấu diếm gã phạm vượt ngục đang lạnh ngắt hồn vía trong bụi cò ke dưới nắng gay gắt.

 

Mày cứu tao? Một ngón tay chỉ cũng lãnh thưởng được mấy trăm ngàn với bao gạo.

 

Không. Tui làm sao cứu được ai. Chỉ là tự nhiên không muốn nhìn thấy ông bị bắt rồi bị còng ngược tay, bị đánh đập thê thảm ngay trước mặt thôi. Với lại, ông cũng không còn đường nào để đi. Cứ nằm yên đó hít khí trời thêm phút nào hay phút nấy. Nhớ coi chừng kiến vàng. Mấy con kiến vàng không biết hát như tui đâu.

 

Tiếng cười khe khẽ trong bụi cây. Thằng bé ngã lưng dưới gốc bứa, ngửa mặt nhìn trời. Mây không vàng không xanh. Trắng dại một màu bao quanh vầng sáng như cái nón lá. Mẹ nó ngày xưa có hay đội nón lá không? Tại sao lão đội phó sắm vẻ mặt đờ đẫn ngay khi nó nhắc chuyện chết trôi sông?

 

 

Gió núi mưa rừng chợt đến chợt đi. Dầm dề ào ạt đó rồi biến mất lúc nào chẳng ai đoán trước được. Đã một tuần lễ. Thằng bé chia cơm, chia nước và cuỗm thêm mấy điếu thuốc ở tiệp tạp hóa ọp ẹp trên đường lùa bò mang cho gã tù vượt ngục. Mỗi buổi sáng, nó thầm ước ao khi tới gốc bứa, nhìn vào bụi cò ke sẽ không thấy khuôn mặt bắt đầu quen ló ra cười nữa. Hàm răng xỉn vàng. Tóc húi cua đang dài ra. Hai con mắt sâu hoắm như hang dế. Một phần lại cầu mong con người kia vẫn còn nguyên đó.

 

Có tấm áo mưa, đêm qua ông không bị ướt chứ?

 

Ừ, lo gì. Có còn hơn không. Mày nói mày tên gì nhỉ? Lợm hả? Mẹ mày cũng tên Lợm?

 

Lượm. Lượm lặt chứ không phải lợm – lì lợm. Còn ông? Mà thôi. Tui biết tên ông làm gì. Cứ nhớ ông cò ke là đủ ớn rồi. Ông có con không? Có con sao lại còn có tội chi cho khổ.

 

Ai có tội cũng đổ thừa cho hoàn cành đẩy đưa này nọ. Tao không đổ thừa. Tao muốn thoát ra. Chối bỏ nó.

 

Nếu để ý, sẽ thấy những ngày này thằng bé lùa bò đi sớm hơn. Về trễ hơn. Nó hay hát lẩm nhẩm. Nó có thêm những vần điệu mới. Cho đến ngày thứ mười mấy. Sáng, lên kế hoạch. Tui sẽ dắt ông ngược sông Nhục. Đường mòn hóc hiểm, gập ghềnh chẳng ma nào ngoài những người đi hái mây, săn thú biết. Độ ba cây số, vượt sông Nhục, vòng ngược qua phía bên kia núi, đi nhanh nửa buổi là tới biên giới. Từ đó, may ra…

 

Đêm tối trời. Thằng bé lục lọi trong chiếc balô ông ngoại để lại tìm được thêm hai bộ quần áo cũ. Mặc đồ đời để lỡ gặp ai thì họ khó phát hiện. Bi-đông đầy nước, thêm mấy gói mì giấy. Một trung niên với một thiếu niên lủi thủi đi. Mưa lất phất rồi nặng hạt dần. Rừng là chiếc ô kín đáo và ấm áp, mưa chẳng đủ ướt tóc. Thỉnh thoảng, tiếng vượn nỉ non nhang nhác, tiếng chim ăn đêm vỗ cánh soàn soạt trên tán lá. Lòng sông càng lên phía trên càng hẹp, nhưng nước thét gào mạnh hơn. Gã tù vượt ngục trong tấm áo lạ lẫm, thở hổn hển bám chân thằng Lượm. Gai cào, lá cứa, cắn răng. Thằng bé vài lần quay lại hỏi, mệt không? Nghỉ chút không? Đường còn xa lắm. À, ông có xăm hình gì trên người không? Có thì mai mốt xóa đi. Đau cũng phải xóa. Xóa hết.

 

Có những thứ không xóa được, nhóc à. Lớn lên mày sẽ hiểu.

 

Hiểu làm gì? Hiểu thì tui đã không còn gặp ông từ lần đầu tiên. Ông từng ấy tuổi đầu mà vẫn chưa hiểu gì sất. Người lớn cứ tự cho mình cái quyền hiểu mọi thứ. Sao vậy ta?

 

Gã tù vượt ngục cúi gằm mặt, chỉ nhìn lên để bám cây bước tới. Mưa ngớt. Sao lấp lóe. Trời xuống gần như cái rọ.

 

Lẹ lên. Nhảy xuống. Coi chừng té. Nước xiết quá, chắc sắp lũ rồi. Mà, ông bơi nổi không?

 

Liều thôi. Chưa kịp nói với mày, tao có biết bơi lội gì đâu.

 

Trời. Rồi sao đây? Để tui dìu ông qua.

 

Khỏi. Mày giúp tao tới đây là được rồi. Về đi.

 

Tui về rồi ông làm sao qua bển? Trễ chút nữa, trời sáng là coi như toi công.

 

Nguy hiểm lắm. Mày về đi. Để tao tự lo.

 

Bất chợt, một ánh đèn pha sáng quắc lia tới ngay mặt gã tù vượt ngục. Theo sau đó là tiếng quát đanh thép. Mày chạy đâu cho thoát!

 

Chết cha. Lão đội phó. Nhảy lẹ lên. Tui dìu qua.

 

Đừng, Lượm! Đúng là thằng Lượm. Mày giúp tù vượt ngục hả? Lũ. Đừng…

 

Ủm. Ủm. Thằng Lượm đã nắm được gáy áo gã tù vượt ngục không biết bơi, cố hết sức quạt tay còn lại, nặng nề duỗi về phía bờ bên kia. Không có sức mạnh nào hỗn hào và điên cuồng như nước. Lũ rầm rập đổ xuống. Dưới ánh đèn pin của lão đội phó, thằng bé đang đuối sức, như con hươu con yếu ớt vật lộn giữa dòng.

 

Buông ra, Lượm. Bơi ngược về đi. Chết bây giờ.

 

Lão đội phó hét lên, quăng đèn, để nguyên quần áo nhảy ùm xuống nước. Hơn ai hết, lão đã chứng kiến sông Nhục đầy vơi, hiền lành mùa cạn và hung dữ mùa lũ mấy chục năm. Chưa có ai chống nổi cơn cuồng nộ của con nước đục ngầu xoáy nổi xoáy ngầm này. Người ta chỉ có thể thả trôi như cành cây khô, men theo dòng chờ đợi may mắn dạt vào bờ mới hy vọng sống sót.

 

Thằng Lượm vuột mất gã tù vượt ngục giữa con nước xoáy. Chới với. Nước lạnh cóng. Lão đội phó chộp được tóc thằng bé. Khi kéo được nó ra khỏi tâm vòng xoáy, chưa kịp mừng thì một khúc cây to ập đến như con quái vật đen trùi trũi, đập mạnh vào đầu lão đội phó. Dùng hết sức bình sinh, lão đẩy mạnh thằng bé ra xa rồi buông tay. Có những lúc người ta chẳng thể làm gì hơn ngoài việc buông tay. Mười mấy năm trước lão cũng đã buông tay trên dòng sông Nhục trong một đêm lũ dữ như thế này.

 

*

* *

 

Tin tên tù vượt ngục gần nửa tháng trời bỗng dưng quay trở lại trại đầu thú khiến cho giám thị, tù nhân lẫn dân chúng quanh vùng ngạc nhiên quá đỗi. Đôi mắt thất thần, bộ dạng xơ xác, nói năng lắp bắp như bị ma ám. Ngay lập tức, gã bị còng tay đưa vào biệt giam kỷ luật chờ ngày xử tăng án.

 

Mấy ngày sau, dân vạn chài ở cửa sông Nhục vớt được xác lão đội phó. Mắt miệng của lão đã trống hoác, làm tổ cho cua cá. Lúc thấy lưới nằng nặng, dân vạn chài mừng húm, tưởng trúng cá lớn. Xác lão đội phó được đưa về trại giam. Không có thân nhân gì, nhưng cũng không thể chôn ở bãi tha ma của phạm nhân được, người ta quyết định để lão an nghỉ phía bên kia sông Nhục, kề bên nấm mộ cha cô Lượm.

 

Thằng bé chăn bò bỏ nghề chăn bò. Vài năm sau, trại giam có thêm một nhân viên tên Lượm. Theo đa số ý kiến phạm nhân trong trại, Lượm là cán bộ rất thích ca hát và ngâm thơ. Lúc nào cũng bắt đầu hò…ò…ò… Nhất là những khi dắt phạm đi lao động ở mảnh rẫy kề bờ sông Nhục.

 

----------

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1