Túp lều lý tưởng

Thể hiện : VOV
Tác giả : Nguyễn Đông Thức
27-02-2017
  0   1652

Cái anh chàng kỳ cục! Vừa gặp tôi là anh ta đưa ngay máy lên:

 

- Cô cười đi!

 

Lẽ dĩ nhiên tôi không cười vì má tôi đã dặn rất kỹ con gái con đứa ra đường không được hễ thấy trai là cười. Thay vào nụ cười, tôi nghiêm mặt:

 

- Tại sao tôi phải cười?

 

Anh chàng vẫn tỉnh bơ:

 

- Vì cô có nụ cười đẹp nhứt trường này. Không, đẹp nhứt xã này luôn là cái chắc! Nụ cười đẹp vậy mà không được ghi lại thì tôi mua cái máy chụp hình xịn này để làm gì?

 

Vô duyên không?

 

- Tôi cười đẹp thì mắc mớ gì tới cái máy chụp hình của anh.

 

Tôi đanh đá nói và quay ngoắt, bỏ đi. Y như dự đoán, anh chàng lì lợm liền rảo bước theo sau:

 

- Làm cô giáo ai lại nói vậy? Mà cô lại là dân miền Tây sao đối xử với khách quý như vậy chứ?

 

Bực bội, tôi vừa quay mặt lại trợn mắt lên định nói “Ai nói anh là khách quý?” thì đã nghe “xạch, xạch, xạch”! Thì ra anh ta đã canh me sẵn, bấm luôn ba pô chụp cái mặt đang nhăn nhó của tôi. Tôi la lên:

 

- Ê, không chơi chụp lén nha!

 

- Ai biểu cô không cho tôi chụp đàng hoàng chi? Cười đi mà! Cười nè!

 

Anh ta nhe răng làm mặt khỉ với tôi khiến tôi phải phì cười:

 

- Đồ vô duyên!

 

Lại “xạch, xạch, xạch”!

 

Phút đầu quen biết giữa tôi và anh nhà báo đi theo nhóm phát học bổng đến trường tôi là như vậy, thiệt là tào lao, chẳng có gì thơ mộng.

 

Mà cái nhóm công tác xã hội này cũng lạ, y như một gánh hát rong. Chỉ có bốn người, chạy ba chiếc mô-tô. Ba ông già, một ông trẻ. Hai ông già già chở nhau trên chiếc mô-tô màu đen thấp chủm, mặt mày tướng tá bụi bặm như dân đi giang hồ lâu năm. Ông già nhứt, râu ria bạc trắng, chạy riêng một chiếc, sau lưng chở theo một thùng đồ nghề tổ nái, từ đó lôi ra nào là dây nhợ, hột xí ngầu, chai lọ, vòng inox, quạt giấy, bình sữa... hầm bà lằng đủ thứ cho mấy cái trò ảo thuật tiếu lâm của ông.

 

Ông này thiệt là có duyên, diễn thiệt hay mà còn giả đò bể mánh, làm tụi nhóc và cả đám thầy cô giáo ngồi coi mê mẩn, cười muốn đau bụng. Ông trẻ nhứt chính là cha nội nãy giờ đi theo tôi, mặc cái áo thun đã đỏ chói mà còn in hình mặt nạ hát tuồng vằn vện, quần jeans bạc phếch dơ hầy chắc tám ngày chưa giặt, nhìn không có cảm tình chút nào! Mặt mày tướng tá coi được mà sao đi ghẹo gái? Nãy, lúc chương trình đang diễn ra, anh ta lăng xăng chạy tới chạy lui chụp ảnh. Có lúc anh ta còn bò xuống đất, canh chụp sát mặt mấy đứa nhỏ nên người bụi bặm dơ hầy. Mấy người ở dơ là tôi hổng thích rồi đó!

 

Vậy mà hổng hiểu sao lúc đó thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt nhìn anh ta! Mà cũng phải, chớ hổng lẽ tôi đi nhìn ba ông già? Cả đoàn từ thành phố xuống có mỗi anh chàng này trẻ tuổi đẹp trai, không chỉ tôi mà mấy cô giáo chưa chồng cũng nhìn lia. Chuyện bình thường mà! Ai chẳng muốn tìm một Bạch mã hoàng tử cho mình, dù anh chàng này chỉ là một tên bụi đời, cưỡi chiếc xe cà tàng và ăn mặc lèng xèng thấy gớm.

 

Rốt cuộc té ra anh chàng cũng... nhìn thấy tôi, để đi theo làm quen lúc vừa tan buổi lễ. Dù gì thì anh cũng nói đúng được một chuyện: Tôi là cô giáo thuộc hạng... dễ nhìn nhứt trong trường, lại uống được kha khá nên thường được ban giám hiệu kêu đi theo mỗi khi tiếp khách. Cả ba ông già đều trong giới nghệ sĩ phóng khoáng, chạm ly tưng bừng với bác Tám khuyến học, thầy Sáu hiệu trưởng, chị Năm công đoàn và anh Bảy phó chủ tịch xã . Bữa trưa đơn sơ trên chiếc chiếu trải dưới gốc cây xoài. Mồi màng toàn ba món nhậu miệt vườn, lá sen non quấn tép bạc, gỏi thịt gà lá cóc, cá két chiên giòn, chuột đồng nướng mọi...

 

Anh phóng viên tên Hươu đeo tôi sát rạt, hỏi tôi uống được không. Biết anh ta tên Hươu, tôi càng không ưa, hèn gì chỉ giỏi tán hươu tán vượn, mồm mép dẻo quẹo! Tôi bèn giở chiêu hay dùng để diệt mấy anh chàng dê gái, dạ em uống được chút chút thôi, em nửa ly, anh một ly được hông anh.

 

Chàng Hươu dễ dàng sa bẫy nhưng chỉ sau năm ly, tôi biết ngay mình đã lầm. Anh uống rượu đế như uống nước, mà cách uống giống y ba tôi, sảng khoái dốc ngược ly rượu vô cuống họng, khà nhẹ một tiếng, mặt không biến sắc. Lại thuộc loại uống không ăn, lâu lâu chỉ bốc miếng muối hột bỏ vào miệng chép chép.

 

Dù không mấy thiện cảm nhưng tôi cũng phải thừa nhận và tâm phục khẩu phục Hươu là hàng cao thủ! Y như rằng sau cuộc nhậu, chủ khách nằm la liệt còn lại mình anh ta tỉnh queo mời tôi lên mô-tô đi uống cà phê . Nể phục quá nên tôi quên luôn lời má đã dặn rất kỹ, con trai rủ đi uống cà phê thì phải từ chối, không được nhận lời ngay lần đầu tiên. Tôi riu ríu leo lên cái xe còn bụi bặm cà tàng hơn bộ đồ Hươu mặc mà không cần suy nghĩ.

 

*

* *

 

Ở quán cà phê , Hươu nói lúc rảnh anh hay đi theo vì mê hai ông già gân, về hưu rồi mà còn chịu khó rong ruổi đem học bổng về cho tụi nhỏ nghèo ở các vùng quê xa xôi. Ngoài chuyện đi tìm trường nghèo, chụp hình buổi lễ, Hươu còn có nhiệm vụ hỏi thăm trường hợp các cháu mồ côi, học giỏi mà hoàn cảnh quá khó khăn để hai ông già cho học bổng lâu dài mỗi tháng. Rồi thấy cháu nào ở nhà quá tả tơi rách nát, Hươu lại giới thiệu cho một đơn vị quen biết chuyên đi xây nhà tình thương cho người nghèo...

 

Chắc do cũng đã... lâng lâng nên càng nghe Hươu kể, tôi càng thấy bớt ác cảm với anh. Tới đoạn Hươu nói đã giúp xây nhà được cho hai cháu ở Mỹ Tú và Trà Ôn, tôi liền nghĩ ngay tới hai chị em Duyên và Tiên, học trò của tôi. Nhà nghèo quá, cha mẹ hai đứa kéo nhau lên Sài Gòn làm công nhân. Ở nhà trọ, một hôm điện hư, ông cha xông vào sửa bị điện giựt, bà mẹ nhào vô ôm kéo ra, hai vợ chồng cùng chết. Duyên và Tiên giờ sống với bà ngoại trong một căn nhà lá rách nát. Mỗi ngày bà đi bán vé số được chừng trăm ngàn, nuôi hai cháu. Đi học về, giờ rảnh hai đứa đi mò cua bắt ốc, một xô cua bán được chừng mười ngàn phụ thêm cho ngoại. Sáng nay, hai chị em rất vui vì cùng được phát học bổng.

 

Tôi kể chưa hết, Hươu đã đứng lên, kéo tay tôi:

 

- Đi, Xinh đưa mình tới nhà hai bé liền bây giờ đi!

 

Lần đầu tiên trong đời có một thằng cha lạ hoắc lạ huơ vừa mới quen đã ngang nhiên cầm tay lôi đi, vậy mà tôi lại để yên. Thôi kệ, làm từ thiện mà! Tôi chậc lưỡi leo lên ngồi sau, chỉ đường cho Hươu chạy.

 

Tới nơi, đúng lúc xế chiều, Duyên và Tiên vừa đi bắt cua về, quần xắn lên quá gối, lấm lem bùn sình. Mỗi đứa xách một cái thùng nhựa, nghe rột rẹt tiếng đám cua bò lổn nhổn bên trong. Hai đứa toe toét cười:

 

- Em chào cô! Chào thầy ạ!

 

Tôi khó chịu gạt ngay:

 

- Thầy gì! Chú này là nhà báo muốn gặp hai em coi có thể giúp thêm được gì không?

 

Hai đứa nhỏ vội vàng sửa lại:

 

- Dạ, con chào chú!

 

Hươu vẫn tỉnh bơ, giả lơ như không nghe thấy gì, rút sổ tay, ngồi xuống chỗ bàn học của hai đứa, vừa hỏi vừa ghi chép về tình trạng của Duyên - Tiên. Nói là bàn học cho oai chứ thật ra chỉ là một miếng ván ép, kê trên hai cái ghế nhựa cao. Hai đứa hai cái ghế nhựa thấp, vậy mà từ chỗ ngồi học này, hai đứa luôn đứng đầu lớp.

 

 

Rồi Hươu đứng lên, đi lòng vòng trong căn nhà - không, phải nói là túp lều mới đúng - của ba bà cháu. Mái lá mục rách khắp nơi, lỗ chỗ nhìn thấy cả khoảng trời sắp chuyển sang màu hoàng hôn. Đúng trên giường nằm ở gian sau, mái lá khuyết hẳn một lỗ lớn. Hươu thở dài:

 

- Vầy thì trời mưa cả nhà làm sao ngủ?

 

Tiên hồn nhiên nói:

 

- Dạ trời mưa thì che ni-lông, không chịu nổi nữa thì lựa chỗ nào không dột trải bạt nằm.

 

Hươu quay qua tôi:

 

- Địa phương không giúp lợp lại mái nhà được sao em?

 

Trời đất, ông thần này hết nắm tay, giờ lại kêu tôi bằng “em”? Trước mặt hai đứa nhỏ, tôi... cố nhịn, nói trổng:

 

- Mấy cây cột cây kèo mục nát hết rồi, anh ngon leo lên lợp đi!

 

- Vậy để anh tìm cách xin mấy nơi ủng hộ tiền sửa nhà - Hươu trầm ngâm.

 

Hai đứa nhỏ sáng rực mắt rồi chạy vô trong bưng ra con heo đất:

 

- Mỗi ngày, con với chị Hai bán cua bán ốc, có mấy ngàn thôi nhưng cũng ráng nhịn để bỏ ống heo. Để con đập ra phụ tiền với thầy sửa nhà, chứ sửa nhà tốn tiền nhiều lắm đó thầy!

 

Tới lượt tôi ngó lơ, giả bộ như không nghe để khỏi bắt tụi nó sửa lại, kêu Hươu bằng chú.

 

Hươu gạt ngay:

 

- Mấy con đừng đập heo, cứ nuôi tiếp đi! Mấy con còn nhỏ, cứ lo học cho thật giỏi, mấy chuyện đó để thầy với cô lo cho!

 

Tôi trợn mắt, tính cự Hươu một trận vì dám xưng “thầy cô” nhưng nhìn mặt hai đứa đang rạng ngời niềm vui nên lại chép miệng cho qua.

 

Hươu lấy máy ảnh chụp khắp nơi trong nhà, dừng lại khá lâu chỗ treo hai tấm ảnh thờ trên bức vách lá, phía dưới là la liệt những bằng khen, giấy khen học giỏi của hai đứa. Nhìn thành tích học tập của Duyên và Tiên, Hươu ngẫm nghĩ rồi nói:

 

- Thầy sẽ xin cho hai con được học bổng dài hạn, tới xong đại học luôn, chịu không? Hai đứa phải cố học mới thay đổi được số phận, nghe chưa?

 

Hai con nhỏ dạ rân, nhìn ông khách lạ đầy ngưỡng mộ. Ông khách lại hỏi tiếp:

 

- Lớn lên hai đứa muốn làm nghề gì?

 

Hai đứa nhỏ nhìn nhau, rồi bỗng dưng con Duyên bệu bạo:

 

- Con muốn lớn lên đi làm, có tiền lo thuốc thang cho ngoại. Ngoại cực khổ quá, đau lưng hoài, tối nào tụi con cũng đấm lưng cho ngoại mà không hết... Con muốn ngoại ở nhà, đừng đi bán vé số nữa nhưng ngoại nói ở nhà thì lấy gì ăn? Giờ này mà ngoại còn chưa về nữa!

 

Rồi nó bật khóc. Con Tiên nghe vậy cũng khóc theo. Tôi thì nghe cay ở sống mũi tự nãy giờ. Liếc qua, trời đất, thấy ông thần đang quay đi giấu cặp mắt đỏ hoe! Ông thần nói, giọng run run:

 

- Còn ngay bây giờ, hai con có muốn gì không?

 

Duyên sụt sịt nói muốn mua cho ngoại một cái nón mới để đội đi bán vé số, cái đang đội cũng rách nát như căn nhà của ngoại rồi. Tiên thì rụt rè nói thích có một con búp bê để chơi, giấc mơ từ hồi nhỏ xíu đến giờ vẫn chưa có.

 

Giọng ông thần nghẹn lại khi hứa sẽ có quà như ý cho hai đứa. Trước khi về lại thành phố, ông vét túi lấy hết tiền đưa tôi, nhờ mua giùm cái nón cho bà ngoại và cái bàn cho hai đứa nhỏ ngồi học tử tế. Con búp bê, ông hẹn lần sau trở lại sẽ có, vì không có đủ tiền. Nhìn ổng dốc hết túi mà chỉ có mấy trăm ngàn, tôi lại đâm ra nghi ngờ lời hứa sửa nhà cho hai đứa nhỏ. Ổng mà hứa hươu hứa vượn thì tội nghiệp cho tụi nó lắm.

 

Thế mà, chỉ mấy tháng sau, Hươu xin nghỉ phép năm, về làng phụ đám thợ làm nhà cho ba bà cháu Duyên - Tiên kịp ăn Tết. Và anh cũng không quên mang theo cho Tiên một con búp bê thật đẹp. Chiều chiều, xong việc, anh ta lại đi lòng vòng trong xóm, đám nhậu nào cũng réo mời ơi ới vừa kêu thầy Hươu vừa nháy mắt tỏ ý ghép đôi với tôi. Tới lúc này thì tôi chẳng còn cự nự gì vụ xưng hô thầy cô, chỉ đỏ mặt cầm ly uống tới. Cả làng cùng mê mẩn anh rồi! Tôi làm sao tránh khỏi?

 

Được vài ngày, Hươu bất chợt hỏi tôi:

 

- Ủa, sao anh chưa được Xinh mời về nhà chơi vậy? Anh sắp hết phép rồi nên muốn tới thăm hai bác! Phải để anh trình diện... chứ!

 

Cái điều tôi lo đã đến. Tôi lúng túng:

 

- Thôi, ông già khó lắm!

 

Hươu tỉnh bơ:

 

- Anh có làm gì đâu mà sợ. Thương con gái ổng thôi mà! Ổng thích gì, Xinh cho anh biết đi... À, nghe nói ổng nhậu cứng lắm phải không? Để anh kiếm chai rượu Tây...

 

Tôi lắc đầu:

 

- Đừng, ba ghét rượu Tây lắm! Ba thích thứ rượu nếp cái nếp đực gì ở ngoài Bắc đó. Có lần có người đi ngoài Bắc về cho, ba uống rồi cứ nhắc hoài...

 

- À rồi! Nếp cái hoa vàng. Chuyện nhỏ. Lần sau về sẽ có!

 

Tôi lại vẽ đường cho Hươu chạy!

 

Hươu qua bên sông tìm đến nhà tôi, ngạc nhiên thấy nó quá tuềnh toàng, nhỏ bé, trống trước hở sau. Cha tôi làm xã đội trưởng, tính liêm khiết nên khi về nghỉ hưu, nhà cũng chẳng có gì hơn lúc ông còn đi làm.

 

Sau trận nhậu tưng bừng với ông già, dìu ông vô giường nằm xong, Hươu kéo tôi ra sau vườn ngồi nói chuyện:

 

- Em định giấu không cho anh biết nhà chỉ vì nhà em như vầy à? Em nghĩ anh là người như thế nào?

 

Tôi chỉ biết cúi mặt nhìn mấy ngón chân mình.

 

Hươu nắm tay tôi, giọng chân thành:

 

- Anh sẽ cố gắng làm lại cái nhà này cho ba má nhưng dĩ nhiên bằng tiền của... tụi mình. Mình sẽ xin ba một miếng đất nhỏ kế bên để làm một túp lều thật xinh xắn, dành cho hai đứa mỗi khi về thăm. Từ nay, hai đứa mình sẽ dành dụm bỏ ống mỗi ngày, em chịu không?

 

Tôi ngước nhìn Hươu và thấy mặt anh dễ thương quá chừng!

 

Ngoài vườn, mấy nụ mai nở sớm...

 

-----------

 

Tác giả: Nguyễn Đông Thức

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1