Lý Thường Kiệt – vị tướng của nghệ thuật chiến tranh người Việt

12-08-2016
  0   697

Lý Thường Kiệt gắn liền với bài thơ - Bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đến nay ông được liệt vào một trong 14 vị Anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt. 

Năm Kỷ Mùi (1019), chín năm sau ngày Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, cũng là năm đất nước sản sinh ra một danh nhân kiệt xuất, Lý Thường Kiệt. Không chỉ làm bạt vía quân thù xâm lăng nước Việt mà Lý Thường Kiệt cũng là người đầu tiên gắn kết các thành phần dân tộc thành một khối thống nhất.

Vị tướng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc
 
Theo thần phả còn ghi tại đình Cơ Xá Linh Từ (Đường Nguyễn Huy Tự, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lý Thường Kiệt vốn họ Ngô tên Tuấn, người ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (hiện là Cơ Xá, Hai Bà Trưng – Hà Nội). Theo sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Còn theo bài văn khắc trên quả chuông chùa Bắc Biên gần Hà Nội và cuốn Tây Hồ Chí thì ông sinh năm Kỷ Mùi (1019), người làng An Xá cũ (nay là Đại Yên), thuộc huyện Quảng Đức ở phía Nam Hồ Tây, Thái Hòa chỉ là nơi ở sau khi đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều.

Bình sinh Ngô Tuấn là người khôi ngô tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn. Là con một võ tướng, Ngô Tuấn thích nghề võ và được dạy nghề võ. Hàng ngày, Ngô Tuấn thường luyện cung kiếm bày trận đồ, đêm chong đèn đọc binh pháp Tôn, Ngô. Năm 1036, Ngô Tuấn 18 tuổi thì mẹ mất. Ngô Tuấn cùng em lo đủ mọi nghi lễ tống táng theo tập tục thời bấy giờ. Người đời khen ông là người chí hiếu. Lúc mãn tang, Ngô Tuấn được bổ chức kỵ mã hiệu uý là một chức quan nhỏ trong quân đội.

Năm 1041, lúc 23 tuổi, Ngô Tuấn được bổ vào ngạch thị vệ hầu vua, giữ chức “Hoàng môn chi hậu”. Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, Ngô Tuấn được rời khỏi những chức vụ trong nội cung và đưa ra giúp việc nhà vua tại triều đình. Năm 1061 miền Thanh Nghệ không yên. Giặc quấy rồi miền biên giới, một số thủ lĩnh miền núi nổi lên chống triều đình. Vua liền cử phong ông là Thái Bảo, cầm “tiết việt”, đi thanh tra các quan ở vùng Thanh - Nghệ. Kết quả năm châu, sáu huyện, ba nguồn, hai mươi bốn động miền Thanh - Nghệ đều được yên ổn đoàn kết cùng triều đình Trung ương nhà Lý.
 

Kinh hồn bạt vía quân Tống bằng nghệ thuật chiến tranh của người Việt
 
Năm Kỷ Dậu (1009), Vương Triều Lý do vua Lý Công Uẩn lãnh đạo đã thay nhà tiền Lê mở đầu kỷ nguyên mới của Quốc gia Đại Việt, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của nước ta với việc dời đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long (1010). Thời kỳ đó nhà Tống đã làm chủ Trung Quốc, nhưng luôn bị các nước nhỏ là Liêu, Hạ xâm lấn. Vua quan nhà Tống chủ trương đánh nước ta ở phía Nam để gây thanh thế và sức mạnh, khiến có thể quay lại đánh thắng Liêu, Hạ ở phía Bắc sau này.

Nhà Tống mua chuộc chia rẽ các dân tộc miền núi với nhân dân miền xuôi, cắt quan hệ buôn bán với Đại Việt, cho người đóng thuyền, tích trữ lương thực, luyện tập thủy quân, gây rối biên giới, lôi kéo Chiêm Thành nhằm uy hiếp và tấn công xâm chiếm nước ta.

Theo nhà sử học Đặng Hùng (viện Khoa học lịch sử) nghiên cứu về thời kỳ này cho thấy Các châu Ung – Khâm – Liêm (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) trở thành căn cứ quan trọng, nơi tập trung quân đội, lương thực, khí giới của quân đội nhà tống Tống chuẩn bị cho cuộc tấn công Đại Việt vào năm 1075. Trước âm mưu và hành động xâm lược ngày càng rõ rệt của giặc Tống, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trương: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước chặn thế mạnh của giặc...”. Kế sách “Tiên phạt chế nhân” được ông đưa ra. Triều đình nhà Lý đồng ý với chủ trương triệt phá âm mưu xâm lược của nhà Tống ngay khi còn trong “trứng nước”. Vua Lý Nhân Tông “sai Lý Thường Kiệt và tướng Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh; đường thuỷ, đường bộ đều tiến”. Để thực hiện thắng lợi kế sách “tiên phạt chế nhân” Lý Thường Kiệt cho quân đánh theo chiến thuật “dương Tây, kích Đông”.

Thực hiện cho sách lược đó, tướng quân họ Lý đã vạch ra kế hoạch dùng 4 vạn quân (phần lớn là thổ binh tấn công giặc ở biên giới, nhằm thu hút lực lượng địch). Sau đó cho 6 vạn quân vượt biển, bất ngờ đổ bộ đánh chiếm các cảng Khâm (Khâm Châu), Liêm (Hợp Phố) rồi sau đó tiến về thành Ung Châu (Nam Ninh) hợp với đạo quân từ biên giới theo hướng huyện Vĩnh Bình đánh sang. Đến 20/6/1075 Âm lịch, suốt dọc biên giới từ Quảng Yên (Cao Bằng) tới Vĩnh An (Móng Cái) quân ta bất ngờ tấn công phá hủy tất cả đồn trại và tiêu diệt nhiều binh lính, tướng lĩnh địch. Bị đánh đòn sấm sét phủ đầu, quân Tống không kịp đối phó, nên đã thất bại hoàn toàn.

Sau những cuộc tiến công như vũ bão, ngày 10 tháng Chạp (18/1/1076), đại quân Đại Việt đã vây chặt thành Ung Châu. Để hạ thành, Lý Thường Kiệt đã bí mật phái một đạo quân tiến lên phía Côn Lôn Quan (nay thuộc thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Đông) để chặn địch từ Quế Lâm kéo xuống. Khi Đô giám Quảng Tây (Nhà Tống) là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu, bị quân đội Đại Việt phục kích, bất ngờ tấn công, chém Thủ Tiết chết tại trận, khiến quân giặc hoảng sợ tháo chạy tán loạn. Ngày 4 tháng Giêng sau 42 ngày vây hãm giặc – quân Lý dùng kế “thổ công” - dùng bao đất chồng lên cao ngang mặt thành – do đó đã tiến quân được vào thành và hạ thành Ung Châu, tiêu diệt và bắt sống nhiều quân địch.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc Việt, có thế nói đây là một cuộc “công thành” đặc biệt sáng tạo duy nhất trong lịch sử.
 

Chiến tranh tâm lý, nghệ thuật mới trong chiến tranh giữ nước
 
Trong cuộc kháng chiến chống Tống, âm vang sử Việt vẫn còn vang mãi những câu thơ thần:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Cho đến nay, việc đọc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vẫn được các sử gia cho rằng đây chính là trận chiến tâm lý đầu tiên trong nghệ thuật chiến tranh giữ nước của dân tộc. Theo cố giáo sư, nhà sử học Hoàng Xuân Hãn đánh giá tầm quan trọng của bài thơ thần, trong cuốn Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý cho thấy: “Việc bồi đòn tâm lý trong một ngôi đền thần vừa mang tính huyền thoại, lại khẳn định khí khái của thần khí của dân tộc. Bài thơ làm quân Nam phấn khích, tinh thần chiến đấu lên cao. Quân Tống sợ hết vía, chưa đánh đã tan. Quân Tống tiến thoái lưỡng nan, ngày càng hao mòn binh tướng do chiến trận và khí hậu khắc nghiệt, lại không được thủy quân tiếp viện trong khi thường xuyên bị quân Nam tập kích, doanh trại của phó tướng Triệu Tiết bị phá. Lý Thường Kiệt biết quân Tống đã lâm vào thế bí, nhưng người Nam chiến đấu triền miên, tổn thất không phải ít, nên ông sai sứ sang xin "nghị hòa" để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.

Sách Việt Sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng "Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hoà, không thì chưa biết làm thế nào". Cũng đánh giá về trận đồ của Lý Thường Kiệt trên sông Như nguyệt, cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đánh giá, trong cuốn Lý Thường Kiệt đã bình phẩm: "Giả như các mặt trận đầu có quân trung châu, thì thế thủ xếp theo trận đồ của Lý Thường Kiệt đã dàn ra, có lẽ đánh bại Tống từ đầu”.


-----------------

• Nguồn: Theo ngaynay.vn
• Thực hiện: Trà My, Hoàng Dương

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1