Bảo vệ an toàn cho trẻ khỏi vấn nạn lạm dụng tình dục

06-09-2016
  0   1237
Chúng ta đã nhìn thấy các tiêu đề và nghe các số liệu thống kê kinh hoàng về lạm dụng tình dục trẻ em. Nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, việc dạy dỗ con trẻ về vấn đề trên và chỉ cho bé các bộ phận riêng tư bất khả xâm phạm trên cơ thể của chúng không được đặt nặng. Đã có rất nhiều lý do ngây thơ được chúng ta đưa ra để lấp liếm ví dụ như: “Nó sẽ không xảy ra với con tôi” hay “Chúng tôi không tin vào số liệu thống kê, 1 trong số 5 bé gái và 1 trong 20 bé trai mà có thể là sự thật ư?”; “Tôi muốn duy trì sự ngây thơ của bé” ; “Tôi cần phải ưu tiên dạy cháu những thứ khác” vv..vv.. Hoàn toàn sai lầm nếu như bạn thấy điều này không quan trọng, bị lạm dụng tình dục sẽ khiến trẻ em chấn thương tinh thần và thể chất suốt đời. Do vậy lắng nghe, chia sẻ và tạo một môi trường sống an toàn cho trẻ là điều cần thiết.

1. Khai sáng nhận thức

Đây chắc chắn là một chủ đề nghiêm trọng, và tất nhiên trẻ nhỏ hiếm khi hào hứng khi chúng ta nói rằng “Bố/Mẹ cần có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với con”. Thay vào đó chúng ta hãy đi vào vấn đề một cách đơn giản nhất như kể cho trẻ về những điểm đặc biệt trên cơ thể của trẻ mà không - phải - ai - cũng - được - chạm vào. Việc nói chuyện này có thể tiến hành khi bạn tắm cho trẻ, hoặc khi mặc quần áo.
 

2. Các quy tắc “vàng”

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe tới quy tắc bàn tay hay quy tắc đồ lót vậy chính xác chúng là như thế nào? Hãy khám phá nhé:

Quy tắc bàn tay

Mẹ hãy giơ 5 ngón tay và trực tiếp minh họa để bé thuộc quy tắc này một cách nhanh chóng.

- Ngón cái – Ôm: Với những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương với bé.

- Ngón trỏ - Nắm tay: Với thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc những người họ hàng của gia đình bé có thể nắm tay.

- Ngón giữa – Bắt tay: Gặp người quen bé có thể bắt tay chào hỏi họ như một cách giao tiếp lịch sự.

- Ngón áp út (đeo nhẫn) – Vẫy tay: Gặp người lạ, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út – Xua tay: Nếu người nào có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
 

Quy tắc quần lót (PANTS rules)

Được gọi là nguyên tắc quần lót vì bạn có thể nói với con rằng: 'Khi con đã mặc đồ lót, khu vực 'kín' chỉ dành riêng cho con. Không ai có thể đụng chạm vào đó'.

Với nguyên tắc này, các bậc cha mẹ cần dạy con ý thức được trên cơ thể bất kỳ ai cũng những những 'vùng kín' nhạy cảm không ai được phép đụng chạm vào, trừ người thân khi vệ sinh cho con, nếu con còn bé. Nếu có ai chạm vào, nhất là khi không được sự cho phép của con hoặc diễn ra ở nơi vắng vẻ, không có người thì đây là hành vi xấu, con cần phản đối dứt khoát. Trong tình huống khẩn cấp, con có thể gào khóc, hét to, bỏ chạy để báo động xung quanh và đảm bảo an toàn cho bản thân.
 

Quy tắc bảo vệ

Bản thân trẻ cần học cách bảo vệ bản thân trong nhiều tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hãy giúp trẻ có niềm tin rằng, các con cũng luôn được cha mẹ, thầy cô bảo vệ, yêu thương. Vì vậy, khi gặp phải người lạ gây cho con sự lo sợ, hoặc có hành vi xấu với con, con hãy mạnh dạn thông báo với gia đình, nhà trường mà không cần xấu hổ hoặc mặc cảm.

3. Củng cố với sự lặp lại

Khi con bạn muốn nghe bài hát yêu thích của mình một lần nữa và một lần nữa, đó không phải vì trẻ muốn gây phiền nhiễu. Đó chính là cách tâm trí trẻ học. Khai thác điều này và lặp lại những gì bạn muốn con bạn ghi nhớ. Tôi khuyên bạn nên ít nhất mỗi tháng một lần dạy lại cho bé những vấn đề cũ. Con bạn sẽ cho bạn biết thời điểm trẻ đã hiểu biế hoàn toàn vấn đề và có thể tự giải quyết trong mọi trường hợp.

 4. Bắt đầu sớm

Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số  các vụ lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra ở độ tuổi từ 3-8 tuổi, vậy nên sẽ không quá sớm khi từ 2 tuổi bạn đã nên hướng dẫn cho trẻ biết cái gì của mình, cái gì của người khác thông qua đồ chơi. Đến 3 tuổi, sau khi trẻ đã biết được sở hữu, hãy dạy cho trẻ biết nơi nào trong cơ thể ai có thể chạm vào, ai không được phép. Khi bị người khác chạm vào thì phải biết phản ứng như thế nào? Dạy trẻ về quyền riêng tư, tức là không ai được chạm vào hay thấy vùng kín của trẻ. Kể cả bố mẹ hay bác sĩ cũng cần phải nói rõ lý do và được trẻ cho phép. Và nhấn mạnh không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể khiến trẻ khó chịu.

5. Phân biệt “bí mật tốt” và “bí mật xấu”

Do đối tượng lạm dụng tình dục trẻ em thường là những người quen, vậy nên bố mẹ cũng hãy lưu ý với trẻ rằng những kẻ xấu lạm dụng sẽ luôn nói với bé: “Đây là bí mật của hai chú/bác/ông cháu mình, không được nói với ai”, khiến trẻ sợ hãi, lo lắng không kể cho người khác. Bố mẹ hãy giúp trẻ phân biệt “bí mật tốt” với “bí mật xấu” - là những bí mật khiến trẻ buồn, lo sợ thì nên nói với bố mẹ.
 

Kết

Với những phương pháp đơn giản và hữu ích mà bài viết này đề cập tới, hy vọng rằng tất cả các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn đúng đắn và toàn diện nhất về việc chung tay bảo vệ con em của mình khỏi bóng ma của vấn nạn lạm dụng tình dục.
 
----------------------------------------------------
Tác giả: Tzang
Thực hiện: Yo Le và nhóm sản xuất RadioMe

Nếu bạn có những bài viết, tâm sự muốn chia sẻ, vui lòng liên hệ e-mail camxuc@i-com.vn

Youtube

Facebook Fanpage

1