Cái Cò Lặn Lội Bờ Ao
“Ả à ời, ả à ơi
Cái cò lặn lội bờ ao
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”
Thủa bé, tôi là một đứa bé khá lém lỉnh, nếu không muốn nói là một thằng bé con ranh mãnh. Tuy mới ba, bốn tuổi nhưng cái độ lém của tôi thì trẻ con lớn hơn vài tuổi cũng chưa chắc bằng. Tôi có rất nhiều trò nghịch ngợm và bất cần nếu không vừa ý chuyện gì đó. Ngày đó ti-vi còn hiếm, cả xóm chỉ có một vài nhà có điện và ti-vi nên cứ đến 7h tối là mọi người hay tụ tập sang xem nhờ nhà hàng xóm. Riêng anh em tôi thì hay sang xem nhờ nhà ông họ tôi. Ông là anh ruột của ông ngoại tôi, nhà có điều kiện hơn nên kéo được cả điện và mua được ti-vi.
Nhưng do là một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm thành ra tôi thường ít khi để cho họ sai vặt mình cho nên hay bị “bọ xít” và mỗi lần sang xem ti-vi thì bị đuổi. Để đối phó lại thì tôi cũng chơi trò bất cần và chạy về nhà nghe mẹ tôi kể chuyện và đọc ca dao cho nghe. Sau này bố tôi cũng mua được ti-vi màu và cũng nhiều người sang nhà tôi xem nhờ ti-vi hơn nên tôi còn nghĩ ra trò bắt những đứa trẻ hàng xóm hay anh chị tôi phải cho tôi cái gì đó như quả chuối, ổi, na hay 100 đồng thì mới cho vào xem. Sau này lớn lên, nghĩ lại chuyện đó mà tôi cứ cười mãi.
Sau khi bị đuổi về vì không được cho xem nhờ ti-vi tôi thường gối đầu vào lòng mẹ tôi, bắt mẹ tôi gấp cho tôi con chó bằng giấy. Mẹ tôi thường dạy tôi cách gấp hình mấy con ếch, tàu lượn hay con chó bằng giấy. Vừa dạy, mẹ tôi vừa đọc ca dao cho tôi nghe:
“Gió mùa thu mẹ rủ con ngủ
Đêm năm canh chày mẹ thức đủ vừa năm”
Có những hôm mùa hè sáng trăng, lúc đó vào mùa gặt lúa. Mẹ tôi thì làm, còn tôi thì bê bát cơm chan nước rau muống ăn với muối lạc, ngồi trên bao thóc giữa sân, vừa ăn vừa nhìn mẹ tôi làm. Mẹ tôi chỉ lên trời cho tôi thấy trăng sớm, chỉ cho tôi thấy cây đa, thấy chú Cuội và dạy tôi câu ca dao:
“Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”
Những lúc đó tôi thường thấy những đàn cò trắng bay ngang trên bầu trời xanh thẳm hay có gia đình cò nào đó đậu trên bụi tre. Tôi thường hỏi mẹ tôi cò ở đâu tới, nó đậu trên ngọn tre làm gì. Mẹ tôi thường nói là đàn cò đi kiếm ăn về, bay ngay qua cánh đồng, đậu trên những ngọn tre để nghỉ ngơi. Ngày ấy tôi hay ở với bà ngoại, bà nghèo, nhà chẳng có gì. Mãi sau này mới xây được cái nhà ngói thì được vài năm cậu tôi lại phá đi. Những ngày hè nóng, bà tôi thường trải chiếu ra hiên cho mát. Tôi nằm gối đầu vào lòng, nghe bà kể chuyện cổ tích, chuyện ngày xưa, chuyện cơ cực đi ở cho nhà giàu và cả chuyện bươn trải nuôi chồng, nuôi con trong khi tay bà vừa cầm cái quạt mo cau phe phẩy rồi tôi mơ màng thiếp đi, trong giấc mơ màng đó, tôi vẫn nghe thấy lời ru của bà văng vẳng bên tai:
“Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
Sau này tôi lớn lên, bà tôi vẫn hát những lời ru đó để ru mấy đứa em con cậu tôi. Lời hát ru về những cánh cò mòn mỏi, về cuộc đời đầy những khắc khổ, cơ cực và lo toan của bà:
“Cái cò lặn lội bờ ao
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”
Lâu dần hình ảnh con cò vất vả lặn lội cứ đi dần vào tâm thức tôi từ những câu ca dao của mẹ, những lời hát ru của bà. Con cò là hình tượng của niềm thương cảm, của những chắt chiu nhọc nhằn của người mẹ Việt Nam. Những người phụ nữ tần tảo sớm hôm mưa nắng thờ chồng nuôi con. Nếu người ta cho văn là nhân, là người thì những lời ca dao, những lời hát ru lại không là tâm hồn của người mẹ Việt Nam một chút?
Tôi ngủ trong tình thương của mẹ, của bà trọn nhiều năm trời đằng đẵng, và phải mất nhiều năm sau tôi mới hiểu được rằng “Đã bao nhiêu mùa khoai mùa sắn, khi những áng mây xuân ngừng trên bầu trời trong vắt, trên dòng nước sông trong xanh, đã bao nhiêu lần những người đàn bà nhà quê nghèo khổ, chua xót sống quên lãng sau lũy tre xanh như những cánh cò vẫn lặn lội, gồng mình trong những chiều trở gió”. Hỡi mẹ Việt Nam, cho tôi nghiêng mình xuống Người, trên những luống cày còn thoảng mùi rơm rạ, vì đó là máu thịt của tôi, là nơi tôi đã từng uống nước, và chắt chiu những giọt sữa mát lành nuôi tôi lớn.
Phụ nữ tài giỏi xuất chúng thường nắm giữ 4 'con chip' này, bạn có mấy rồi?
Trên thực tế, phụ nữ khôn ngoan, tài giỏi xuất chúng luôn được người khác công nhận, ngưỡng mộ. Họ thường nắm giữ trong tay 4 con chip này.
Quên một người...
Người thích đùa giỡn với tình cảm của người khác thì sẽ có lúc cũng làm đau chính mình.
Nghe Nhiều Nhất
- Vì sao chìa khóa của hạnh phúc lại nằm ở...
- 4 dấu hiệu bạn đang mù quáng trong chuyện tình...
- Bạn đã thật sự yêu hay chỉ muốn tận hưởng...
- Gia đình sa sút đôi khi bởi người trong nhà...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- Không dám ly hôn ‘vì con’ hay chỉ là ngụy...
- Dẫu biết tình yêu không phải là mãi mãi, vì...
- Bạn sẽ chẳng học được gì nếu không vượt qua...
- Đời người có 3 việc càng làm thật chậm rãi,...