Cầu thủ Việt xuất ngoại: Không phải màu hồng
Chuyến xuất ngoại với nhiều kỳ vọng, xem ra lại rất gian nan…
Từ chuyện của Công Vinh
Chuyến xuất ngoại của Công Vinh năm 2013 sang Nhật Bản thi đấu cho đội bóng tại J-League 2 là Sapporo từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Trước nhiều ý kiến về một bản hợp đồng nặng tính thương mại, thì Công Vinh vẫn trở thành cầu thủ đầu tiên của Việt Nam được chơi cho một giải chuyên nghiệp tại đất nước có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, đó là sự thật!
Càng đáng nói hơn khi Công Vinh đã đóng góp 2 bàn thắng cho Sapporo và suýt giúp đội bóng này thăng hạng J-League nếu như pha đá phạt hàng rào ở trận đấu quyết định cuối mùa giải 2013-2014 không tìm đến cột dọc khung thành đối phương.
Sau 4 tháng thi đấu trong màu áo CLB Sapporo, tổng cộng 9 lần ra sân (5 lần đá chính ngay từ đầu), ghi được 2 bàn thắng tại J-League 2, cùng với một số bàn thắng tại cúp Hoàng đế Nhật Bản và các trận giao hữu. Với một cầu thủ chân ướt chân ráo đến Nhật Bản như Công Vinh, thì những thành tích trên thật sự đáng nể. Tất cả đã thể hiện sự nỗ lực, ý chí phấn đấu tuyệt vời của chân sút xứ Nghệ.
Dù khoảng thời gian ở Nhật Bản không nhiều, nhưng cũng đủ giúp Công Vinh cảm nhận được một nền bóng đá phát triển, có tính cạnh tranh rất khốc liệt như J-League 2 cũng như J-League.
“Bốn tháng để làm được điều gì đó ở một giải đấu tại Nhật Bản không phải là chuyện đơn giản. Ở đây họ đòi hỏi chuyên môn và nền tảng thể lực cao, ngày nào cũng vắt kiệt sức để tập. Sự khác biệt văn hóa, thời tiết, ngôn ngữ và nhiều vấn đề... là những trở ngại với cầu thủ Việt. Nhưng ít ra tôi thấy mình cũng đã đạt được mục tiêu hơn những gì mong đợi trước khi đặt chân đến Nhật Bản”, Công Vinh chia sẻ.
Công Vinh ít nhiều cho thấy sự thích nghi bởi anh không còn trẻ. Vì thế, bản hợp đồng vốn nặng tính thương mại, lại trở thành cơ hội để tiền đạo xứ Nghệ có thể phát triển sự nghiệp. Thực tế thì sau khi kết thúc hợp đồng cho mượn 4 tháng, CLB Sapporo đã muốn gia hạn thêm 1 năm nhưng tiền đạo người Việt Nam không đồng ý. Đến bây giờ, nhiều người vẫn đặt câu hỏi đây là một vụ “làm màu” của hai bên hay vì lý do nào khác.
Tới sao trẻ nhà bầu Đức
Cuối năm 2015, báo chí tốn giấy mực với vụ xuất ngoại của 3 tài năng trẻ Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường. Công Phượng và Tuấn Anh thi đấu ở J-League 2, còn Xuân Trường may mắn hơn khi được một đội bóng tại giải K-League (giải đấu quốc nội cao nhất của Hàn Quốc) ký hợp đồng.
Bầu Đức hẳn là người vui nhất khi những đứa trẻ của mình được xuất ngoại. Bóng đá Việt Nam cũng thơm lây khi cùng một lúc có tới 3 cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu. Nhưng, từ sự háo hức, kỳ vọng, tất cả đã phải hụt hẫng khi cứ hết vòng đấu này qua vòng đấu khác các tài năng của bóng đá Việt Nam không được đá chính, thậm chí còn không có suất dự bị hoặc không được đăng ký thi đấu.
Để các cầu thủ có cảm giác bóng, các đội bóng chủ quản chỉ sử dụng họ trong các buổi đấu tập. Xuân Trường xuất hiện 2 lần ở giải đấu dành cho các cầu thủ dự bị có tên là R-League. Tuấn Anh thi đấu 70 phút ở một trận giao hữu, còn Công Phượng thì vẫn hoàn toàn “mất tích”.
“Tôi là người nôn nóng hơn bao giờ hết được ra sân ở J-League 2. Nhưng vào lúc này, mục tiêu trên hết của tôi là tập luyện, hòa nhập với đội bóng rồi được ra sân rồi mới tính tiếp”, Công Phượng chia sẻ.
Những khó khăn mà đàn anh Công Vinh đối mặt, thì đám trẻ nhà bầu Đức còn khó hơn nhiều bởi họ không có khả năng cạnh tranh suất đá chính, tạo niềm tin với ban huấn luyện đội bóng.
Nói cách khác, đẳng cấp của Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường chưa thể tới tầm của Công Vinh, nên cơ hội để họ ra sân đá chính là không nhiều. Dẫu vậy, chuyến xuất ngoại của các cầu thủ này đã mở ra cơ hội “xuất khẩu” cho Học viện HA Gia Lai và rộng hơn nữa là bóng đá Việt Nam. Dù chỉ ngồi trên ghế dự bị, nhưng chuyến “du học” của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng không hẳn là thất bại.
HLV Hữu Thắng sốt ruột
HLV trưởng ĐTVN Nguyễn Hữu Thắng tỏ ra lo lắng cho chuyến “du học” của những cầu thủ tài năng này. Ông cho biết, thông qua đại diện HA Gia Lai, đã gửi lời nhắn đến Tuấn Anh, Công Phượng và Xuân Trường rằng phải cố gắng hơn nữa trong những buổi tập của các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc mà họ đang khoác áo để bằng mọi giá tìm cơ hội ra sân.
“Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều là những cầu thủ trẻ rất triển vọng của Việt Nam, nhưng họ cần những trận đấu để học hỏi, cọ xát. Việc được thi đấu thường xuyên không chỉ nâng cao thể lực, mà còn sớm trưởng thành hơn”, HLV Hữu Thắng nhấn mạnh.
Chiến lược gia sinh năm 1971 lo là phải, bởi Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng sẽ là những nhân tố quan trọng của ĐTVN tại AFF Cup năm nay.
Theo VOV
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...