Chợ tình cuối mùa xuân - Phần 1
Người già vùng núi đá Mèo Vạc quê của Páo kể: Thuở hồng hoang, ông Chày sinh ra bầu trời, bà Chày sinh ra mặt đất. Bầu trời thì tròn, mặt đất thì vuông. Bầu trời nhỏ hơn mặt đất, mặt đất lại phẳng phiu. Ông Chày mới bảo bà Chày co mặt đất lại cho vừa bầu trời nên mặt đất lồi lõm thành sông, suối, núi, đồi, bình nguyên... Rồi sau đó, ông Chày, bà Chày mới sinh ra con người.
Thuở hoang sơ con người chưa phân thành đàn ông đàn bà và sống an lành, vui vẻ, sung sướng lắm. Sung sướng là bởi cây mọc từ kẽ đá um tùm rậm rạp, rừng đầy hoa quả, núi đầy chim muông, cầm thú; loài người không phải lam làm mà cũng có ăn. Sướng quá, loài người đâm ra lười nhác, không có đam mê, chẳng có khát vọng, cuộc sống vô cùng buồn tẻ và chán ngắt. Ông Chày, bà Chày vén mây nhìn xuống thấy thế bỗng ghen tức với sự sung sướng của loài người và chán ngán với cuộc sống tẻ nhạt của họ. Ông Chày, bà Chày bèn sai thần xuống phân mỗi người thành hai nửa, một nửa nặn nên đàn ông, một nửa nặn thành đàn bà rồi ném mỗi người đi một nơi... Từ đó, người Mông của Páo luôn luôn sống trong cô đơn, sợ cô đơn nên làm cuộc hành trình đi tìm lại cái nửa kia của mình.
Người ở Mèo Vạc tìm cái nửa của mình ở Đồng Văn, người ở Lũng La tìm đến Lũng Pàn, người ở Sơn Vỹ tìm về Mã Pì Lèng... Người nào may mắn tìm một lần đã thấy ngay cái nửa của mình khớp vào vừa chằn chặn thì sung sướng hạnh phúc. Người nào không may, tìm một lần không thấy, hai, ba lần không thấy, bốn lần mới thấy hoặc tệ hại hơn là không bao giờ tìm được cái nửa của mình đành phải ở với cái nửa của người khác. Nửa của người khác nên lúc nào cũng cong vênh, không khớp, khổ lắm. Sau, ông Chày, bà Chày nghĩ lại thì đã muộn, đành làm một cái chợ tình để những cái nửa ở chân trời góc núi ấy tìm lại, khớp lại với nhau, gặp nhau. Vậy là thành chợ tình.
Chợ tình người già kể là chuyện thần thoại nhưng nghe như huyền thoại. Chợ tình có từ bao giờ không ai biết rõ, Páo lớn lên đã thấy cha đi chợ tình, đi mải miết, đi say mê. Ông nội bảo, ngày bà nội còn sống, bà cũng đi chợ tình. Mẹ Páo thì bảo: "Ai cũng như bà nội, như cha mày thì lấy đất đâu họp chợ".
Năm tháng thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Páo lớn nhanh như cây trẩu ở hồi nhà, khoẻ khoắn như cây sa mộc bên cổng đá, Páo cũng như bà nội, như cha, Páo lại đi chợ tình.
Chợ tình mà ông Chày, bà Chày lập nên ngày xưa đơn giản lắm, chỉ dành cho hai cái nửa của mình xô lệch nơi chân trời góc núi gặp nhau thôi. Còn chợ tình bây giờ phong phú, sinh động và trữ tình không sao tả xiết.
Chợ tình họp vào cuối mùa xuân. Chợ dành cho lứa tuổi biết yêu đi tìm bạn tình, dành cho những người yêu nhau nhưng do tình duyên trắc trở mà không thành chồng vợ. Không phải ai cũng được đi chợ tình. Đi chợ tình khác với đến chợ tình. Người đến chợ tình là đến xem người ta gặp gỡ nhau, hoặc nghe hát, chơi quay, đánh yến. Còn người đi chợ tình là đi tìm cái nửa kia của mình để nên duyên chồng vợ; là những người do duyên tình éo le không lấy được nhau, nay đi chợ tình là để đổ thương nhớ, đổ giận hờn vào nhau, là để giải tỏa những uất ức, để giãi bày tâm sự.
Có người đi chợ tình lại cất giấu những điều phiền muộn, trắc trở, không may trong lòng, và thường để cái xấu của nhà mình lại trước khi ra ngoài cổng. Họ nghĩ, chả lẽ đến chợ tình lại đem chuyện thằng chồng nát rượu, đánh vợ đánh con, hút thuốc phiện đến thân tàn ma dại, nói với người tình cũ. Chả lẽ mang chuyện con vợ hay ăn, nhác làm, ăn quà như mỏ khoét, ngáy ngủ to như tiếng ngáy lợn rừng đến chợ tình kể cho người mình đã từng yêu nghe. Người tình cũ sẽ thương mình hơn, xót cái thân thể cực nhọc của mình hơn, nhưng lại thêm buồn, thêm giận cái nửa đang ở bên mình hơn.
Páo với Seo Say đi chợ tình chẳng chuyện gì giấu nhau. Bao nhiêu uẩn ức trong một năm của số phận làm dâu Seo Say chia sớt cùng Páo. Páo thấy xong phiên chợ tình, Seo Say vui lắm, mặt mũi rạng rỡ, ngồi lên yên ngựa ra về, Seo Say còn hát nho nhỏ bài ca Khơ chìa planh (Tiếng hát tình yêu) nữa. Thế rồi hai người cứ khấp khởi, mong chờ đến phiên chợ năm sau còn gặp lại.
Páo dậy từ lúc tối mò, đất trời còn giao hòa với nhau làm một. Seo Lỷ - vợ Páo cũng đi chợ tình. Lỷ ngồi vắt vẻo trên yên ngựa, Páo đi bộ, tay cầm dây cương, tay cầm cây đuốc bằng gỗ sa mu chẻ cháy lách tách. Con ngựa nâu nhà Páo lầm lũi đi, lầm lũi bước. Âm âm. U u. Núi rừng bịt bùng tối đen. Nhìn lên phía trước, nhìn về phía sau thỉnh thoảng lại thấy một vài đốm lửa đỏ lòe nhòe trong đêm. Người ta cũng đi chợ tình như Páo, như Seo Lỷ đấy mà.
Páo đi chợ tình mặc áo bằng vải lanh nhuộm chàm, cổ áo tròn, may ba túi, cài khuy ngang, đội mũ nồi đen; quần cạp vấn, ống rộng. Bộ quần áo này mua từ số tiền Lỷ bán ba tạ ngô răng ngựa, mặc có vài lần rồi cất để dành cho mới chờ ngày xuống chợ. Páo biết, không nói ra nhưng chắc vợ Páo cũng mong đến phiên chợ tình này lắm. Cả tuần, Lỷ giặt váy áo mới đem hong trước gió. Lỷ gội tóc bằng nước nấu từ cây sả lấy ở hồi nhà. Tóc Lỷ mượt và thơm, đi xuôi chiều gió thổi, hương sả thoảng thơm điếc mũi. Lỷ đi chợ tình làm dáng thế sẽ lấy hết hồn Vàng Mí Chu, người tình cũ của Lỷ, có khi con trai đến chợ cũng xao lòng. Ngựa nhẩn nha đi, Páo nhẩn nha bước. Páo và vợ mỗi người nôn nao, náo nức đuổi theo nghĩ ngợi riêng của mình. Đi đến gần dốc Cổng Trời, Lỷ thẽ thọt:
- Anh Páo. Có mỏi chân để em đổi cho nào.
- Lỷ đừng lo. Tôi chuẩn bị cả năm cho phiên chợ này. Có đi lên giời tôi cũng đi được. Không mỏi chân đâu, Lỷ à.
- Chợ tình năm nay về sớm, anh Páo nhá.
- Cũng còn tùy Lỷ à. Bao giờ thằng Vàng Mí Chu nó bảo Lỷ về thì tôi cũng chia tay với Seo Say thôi mà.
Vừa đi vừa nói chuyện, đường xa hóa nên gần. Nhưng đường rừng, núi nên tiếng Páo, tiếng vợ cứ lọt thỏm vào đêm vắng.
Đến chân dốc Cổng Trời thì Páo nhận ra tiếng bước chân con ngựa khoang nhà thằng Sùng Dỉ Sèng. Sèng lặng lẽ thúc ngựa vượt lên trước. Ngựa của Sèng bước vội vã, gấp gáp quá, chứ như không nhanh là chợ tan, không gặp được người tình. Páo chưa kịp gọi thì Sèng đã mất hút vào đêm tối.
Lên đỉnh dốc Cổng Trời, Páo cảm thấy như mình đang ở trên trời vậy. Páo định vén mây, hỏi ông Chày, bà Chày xem Seo Say đã ra khỏi cổng đá nhà chồng chưa. Nhà chồng Seo Say nhiều ngựa, nhiều dê lắm, Seo Say đi cắt cỏ bao giờ mới đầy tàu ngựa để đi chợ tình. Nhà chồng Seo Say ở tít trên núi cao, bốn mùa thừa gió thiếu nước. Quê chồng Seo Say cũng chỉ có đá là đá; quanh năm Seo Say phải xuống sông Nho Quế, gùi đất đổ vào hốc đá rồi chổng mông, cúi gằm mặt tra ngô vào đó. Năm ngoái, Seo Say phải trốn mẹ chồng đi chợ tình. Seo Say trèo lên cây sa mộc, thả người lên hàng rào đá rồi nhảy xuống đống cây ngô khô, chạy ra dốc Ba Khoanh, nơi chồng Seo Say đang dắt ngựa chờ ở đó.
Chồng Seo Say không đi chợ tình, chỉ dắt ngựa giấu mẹ cho Seo Say đi thôi. Seo Say đến chợ mà tay xước rớm máu và sương đêm ướt sũng bờ vai tròn. Khổ thân Seo Say, đến chợ cũng lại gặp mẹ chồng đi chợ tình, chẳng đằng nào thoát. Ngồi với Páo mà cứ phải dấm dấm dúi dúi, mắt liếc nhìn; chỉ sợ mẹ chồng đến làm to chuyện. May mà vẫn yên lành. Càng kể hai mắt Seo Say càng ướt rượt. Páo nghe, hiểu hết nỗi khổ tâm của Seo Say, thương quá...
***
Páo chưa kịp hỏi ông Chày, bà Chày thì có vô vàn những đốm đuốc đỏ như mắt bò rừng bắt đèn săn đêm hiện lên trước mắt. Páo nhận ra thung lũng Pà Tẻn đang ở trước mặt mình. Đuốc đỏ theo các con đường mòn vắt qua sườn núi, bò theo bờ nương, qua thung lũng đi về phía chợ. Hóa ra có rất nhiều người cũng như Páo, như Lỷ đang náo nức đi chợ tình. Trong số những đốm đuốc đỏ kia, có bao nhiêu người từ bản làng heo hút trong rừng sâu ra, Páo không biết, nhưng có thể họ đi sớm hơn Páo, chỉ thua những người đến chợ tình từ chiều hôm trước ngủ lại qua đêm thôi.
Trời rạng sáng.
Sương lập lềnh trôi ngang bờm ngựa, Páo mới nhận ra đâu là đất, là cây, là núi, là rừng. Những cây sa mộc lá nhỏ xanh thẫm, thân thẳng đứng kiêu hãnh vươn ngọn tận trời cao. Sa mộc mọc chênh vênh trên sườn núi, không sợ giá rét, chịu được nắng nóng khô hạn. Và đá chất chồng đá. Đá ngờm ngợp đá. Đá chặn đứng trước mặt. Đá chắn sau lưng. Đá bủa vây bốn bề. Đâu đâu cũng chỉ đá là đá. Người Mông quê Páo sống trên đá, chết cũng nằm trên đá. Đá làm cho cuộc sống người Mông cao nguyên đá sống khép kín, tù túng, tối tăm. Đá vây hãm làm người Mông quê Páo thật thà, dễ tin nhưng cằn cỗi, chắc nịch, dẻo dai, mãnh liệt bám vào đá mà sống. Bám vào đá mà sống nên mới có Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát tình yêu và có chợ tình.
Sáng sớm.
Chợ tình đã ồn ào người chen vai người. Páo dắt ngựa vào cổng chợ và chạm phải một bà già mặt nhàu nhĩ, mũi tẹt, đầu đội khăn vấn theo hình tròn nhiều nếp với ba màu sắc khác nhau. Bà già dắt con ngựa trắng, bà ta cũng đi chợ tình. Bắt gặp Páo, bà già mũi tẹt thoáng ngỡ ngàng, có vẻ như gặp người quen. Páo thì chẳng quen, nhìn mặt bà ta không thích lắm. Sáng ra gặp người nặng vía như thế này có khi còn xúi quẩy. Con ngựa nâu nhà Páo dũi dũi đầu vào hông con ngựa trắng của bà già, cứ như là hai con cùng đàn lâu ngày mới gặp lại.
Páo dừng ngựa ngay cổng chợ, đỡ Lỷ xuống. Lỷ vội vàng xuống quẩy tấu lấy gói cơm nếp nương, đùi gà luộc và quả bầu be khô đựng rượu đưa cho Páo. Còn một gói, Lỷ giữ lấy cho mình. Lỷ vỗ nhẹ bờm ngựa, chờ cái gật đầu của Páo rồi bước đi tìm bạn tình. Lỷ đi một đoạn, Páo mới chợt nhớ chưa hẹn chỗ chờ nhau về nhà. Páo gọi giật giọng:
- Lỷ! Chiều về, Lỷ chờ tôi ở bên cổng đá ở góc chợ phía Đông nhá.
Lỷ không trả lời, chỉ quay mặt lại, cười, và gật đầu. Páo thấy cái chân Lỷ bước vội quá. Chầm chậm thôi kẻo ngã thì khổ. Thằng Vàng Mí Chu không theo về nhà mình chăm cái chân của Lỷ đâu.
Chợ áp ngay bên tường rào đá nhà Sùng. Tường rào đá nhà Sùng đổ nát từ thời còn giặc Cờ đen đến phá, lâu ngày cỏ mọc dây leo, chỉ còn hai cái cổng đá vẫn trơ trơ cùng sương gió. Páo tìm cây sa mộc nơi hò hẹn Seo Say mấy phiên chợ tình các năm trước. Không dấu vết bàn tay, hơi ấm, sợi tóc của Seo Say còn sót lại. Mưa rừng gió núi xóa sạch rồi. Chỉ còn ba nhát chém vào gốc cây đã u sần thành sẹo là ba lần đi chợ tình gặp nhau thôi. Páo buộc ngựa xong, ngồi dựa lưng, mắt lim dim tìm sự sảng khoái trong khi nghỉ ngơi sau một chặng đường ba tiếng đồng hồ theo chân ngựa. Páo nhìn mây cây lê mọc hoang bên hàng rào đá đổ đã bật tung những cánh hoa trắng, cảm thấy dễ chịu và nghĩ ngợi đến giây phút đầu tiên sẽ gặp Seo Say trong phiên chợ tình năm nay.
Còn sớm.
Chắc Seo Say đang trên đường đi. Đường từ Lũng La đến chợ xa lắm chỉ có dốc là dốc. Năm nay đi chợ tình, Seo Say có mặc váy áo mới không? Năm ngoái Seo Say mặc áo xẻ ngực trước, vải áo may bằng lanh sợi nhỏ, dài và bóng. Hai mảnh vải đáp trước tà áo thêu hoa đỏ rực; mảnh đá so đằng sau thêu hoa văn sặc sỡ lắm. Váy của Lỷ khác với váy của Seo Say. Váy Lỷ màu chàm, gấu váy thêu đường diềm và hoa văn đỏ. Váy Seo Say dệt bằng lanh trắng, hình nón cụt, phía trên xếp nếp nhỏ đều tăm tắp. Hai mảnh pù giáo ở đằng trước, đằng sau thêu bằng chỉ đỏ, chỉ vàng, hoa văn uốn lượn như hình sông thế núi, như dáng con nai, con chim cứ cư. Seo Say ngồi trên ngựa trắng đi trên đường mòn quanh co giữa mênh mông núi biếc rừng xanh. Khăn, áo, váy đung đưa, rập rờn như cánh bướm màu sặc sỡ, đường nét hình hài Seo Say uyển chuyển, Páo nhìn không bao giờ chán mắt. Năm nay, Seo Say đi chợ có mang ô đỏ, thêu hoa văn trắng? Mong sao mẹ chồng Seo Say đừng hỏi ô tặng hay ô mua! Cái ô Páo tặng có còn không hay mẹ chồng Seo Say giận, đạp ô bẹp dúm rồi.
Vẫn còn sớm.
Chắc Seo Say đã đến gần cổng chợ. Páo với tay lấy quả bầu be làm vài tợp rượu. Páo nhắm mắt mường tượng cái má đỏ bồ quân, cái bắp chân trắng tròn của Seo Say. Đôi chân đi giày vải đang đung đưa trên mình ngựa trắng. Con ngựa trắng dừng trước mặt Páo. Seo Say thúc ngựa hí vang và giẫm chân lộp cộp. Páo vẫn lim dim mắt như ngủ.
- Seo Say đến rồi đấy. Anh Páo à.
Páo xoay người quay mặt đi, cái mũ nồi đen sụp xuống mặt.
- Anh Páo à. Đỡ Seo Say xuống ngựa nào.
Páo lại càng giả vờ như không biết và cất tiếng ngáy to như tiếng ngáy của con bê.
- Không đỡ xuống thì thôi. Chẳng thèm nữa.
Seo Say quay đầu ngựa. Tiếng bước chân ngựa xa dần. Páo lo quá, hốt hoảng chạy theo, ghìm cương quay đầu ngựa rồi đỡ Seo Say xuống...
Không phải Seo Say đến. Chỉ là một chút mường tượng thời thanh xuân Seo Say còn ở Lũng Pàn, hai đứa vẫn giả vờ để hù dọa nhau thôi. Từ ngày Seo Say về nhà chồng thì Páo cũng hết tuổi chơi, tuổi nghịch luôn. Páo thẫn thờ, tiếc nuối. Mới đấy mà đã bốn năm. Páo lại nghĩ đến Lỷ. Chắc giờ này Lỷ đã gặp Vàng Mí Chu rồi, không biết Lỷ và Chu ngồi chỗ nào, ở gốc cây si hay gốc cây sồi.
Mặt trời lên đến nửa thân cây sa mộc. Sương tan hết. Núi đá tuyền màu lam, óng ánh nắng mới. Chợ đã đông nghìn nghịt. Mấy chảo thắng cố ở góc chợ gần chỗ Páo ngồi bốc khói mù mịt. Ba, bốn cái đầu đội mũ nồi đen cắm cúi ăn xì xụp. Sùng Dỉ Sèng mặt buồn thiu dắt ngựa đi ngang qua chỗ Páo ngồi. Sèng bảo:
- Mày còn chờ à. Tao về trước đây.
Páo ngạc nhiên hỏi:
- Chợ đang đông. Sao Sèng về sớm thế?
- Dỉn của tao không đi.
- Sao thế?
- Nó nằm lót ổ một mùa trăng rồi.
- Dỉn đẻ! Ai bảo mày thế?
- Thằng chồng Dỉn chứ còn ai. Tao ghét cái thằng để vợ đẻ ở nhà một mình, đi chợ tình với người yêu.
- Số mày lẻ bạn tình rồi.
- Ờ, tao buồn lắm, như con nai lạc bạn. Thôi, tao về trước đây, Páo à.
Con ngựa khoang mắt ươn ướt cứ dũi đầu vào hông Sèng. Lúc mờ sáng, Sèng và con ngựa vội vã, hào hứng bao nhiêu thì bây giờ Sèng buồn chán, ủ ê bấy nhiêu. Páo muốn nói một câu an ủi Sèng mà không sao nói được.
Còn tiếp...
------------
Tác giả: Sương Nguyệt Minh
Nguồn: VOV
Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"
Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.
Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"
Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.
"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc
Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.
“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong
Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.
“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây
Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.
Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức
Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...
"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất
Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.
“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt
Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.
Nghe Nhiều Nhất
- Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn...
- Gia đình sa sút đôi khi bởi người trong nhà...
- Chúng ta đơn độc đến và đi khỏi cuộc đời...
- Vì sao một số đàn ông coi nhẹ gia đình,...
- 4 đặc điểm độc đáo khiến phụ nữ trung niên...
- Người khôn ngoan thừa biết: Muốn lòng nhẹ gánh, cần...
- 7 phẩm chất tuyệt vời của bạn trai lý tưởng,...
- 4 phúc khí lớn nhất trong đời: Nhiều người đang...
- Top 5 cung hoàng đạo giàu nứt vách ở độ...