Cội mai lưu lạc - Phần 2
- Chị kể hay thật làm tôi cũng ngỡ như thấy trước mắt.
- Không phải tôi mà mẹ tôi. Mẹ kể đến chục lần, lần sau hay hơn lần trước. Khi da diết với một điều gì, người ta đột xuất có "khả năng văn sĩ” để với cho tới, trút cho cạn nỗi niềm sâu nặng trong lòng phải không anh? Chị cười ròn tan, tiếng cười rung cả đóa mai vàng tôi vừa chợt thấy.
- Rồi răng nữa chị?
- Rứa chớ răng! - Chi trêu tôi bằng cái giọng Huế đặc như để nén tiếng thở dài - Chôn ông xong các ông con đo đạc, giăng dây, chuẩn bị xé Mai gia trang từng mảnh chia nhau bán!
- Còn mai?
- Chặt - Chị rùng mình - Mẹ tôi bảo mẹ tôi không bao giờ quên khoảnh khắc tàn sát vườn mai ấy. Thuê cả năm người đốn cật lực trong suốt một tuần mới phá xong vườn mai lập từ thời cụ tổ. Cụ vốn là người yêu mai, về quan chỉ bạn cùng mai, lúc chết trối độc một chữ “mai". Đời con rồi đời cháu hiểu ý nghĩa nhìn mai mà sống, "học cái đức lớn trong hồn hoa nho nhỏ".
Nhưng đến đời các cậu tôi thì hết. Các cậu lớn lên từ Mai gia trang nhưng lại theo Tây học. Khi thành đạt trở về, bóng họ cứ dềnh ra, to lớn, còn bóng ông thì bé lại, lom khom thui thủi trong vườn mai. Họ thấy ở Mai gia trang cái gì cũng gò bó, cổ hủ lạc hậu. Họ ghét cả loài hoa ám ảnh họ tộc đã mấy đời...
Bởi vậy khi ông nằm xuống, số phận vườn mai đã được quyết định... Chỉ tội nó không sống trọn mùa xuân cuối cùng. Những cây rựa sắc lẻm huơ lên, hoa mai như đàn bướm bị xé xác, lả tả rơi, nghìn nghịt phủ kín vườn. Nước mắt hoàng mai tuôn mấy ngày ròng chưa cạn... Một người hàng xóm vốn cũng rất yêu mai, chịu không nổi cảnh ấy, bỏ tiền mua rẻo đất có cội lão mai đẹp nhất Mai gia trang, cội mà mẹ tôi tin vẫn còn sống và chúng ta đang đi tìm. Con trai ông ấy là bạn ấu thời của mẹ tôi. Mẹ gọi là anh cu Lực. Mỗi lần nhắc đến đó mẹ lại lấp lửng rồi im lặng.
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra nó, cội mai lưu lạc nhưng chỉ còn... cái gốc, trên "mọc" một người đàn ông đang ngồi rít thuốc.
- Cho tôi hỏi... phải nhà ông Lực đây không?
- Phải, nhưng ông già tui chuyển hộ khẩu ra nghĩa địa rồi, có chi không?
Người đàn ông xoay người nhìn hai vị khách lạ nhưng vẫn không rời "cái ghế" có vô số chân bò tứ tán khắp sân. Chị nhìn nó lắp bắp:
- Gốc... một... cội mai... phải không?
- Răng biết? - Chủ nhà ngạc nhiên.
- Một cội mai già, tuổi cả thế kỷ rưỡi.
- Già lắm... mấy đời rồi
- Lại rất đẹp, rất hiếm.
- Y chang giọng cha tui... Cái chi đẹp, quý, hiếm, dành cho hắn cả. Nhưng ngó tề! Chặt cút phần trên rồi mà phần dưới tỉnh bơ, rễ bò tứ tán, tới tận thềm, chui dưới nền nhà. Cái thứ sống dai nhách, càng già càng bám khoẻ. Sống lâu thành tinh rồi. Đồ phá hoại, đồ xui xẻo. Vì hắn mà ông già tui tâm thần. Chừ chặt rồi, bới rễ cũng mệt, hỏng luôn cả vạt sân tráng xi-măng. Để đó, ai mua bán quách. Đất này mai ám, làm ăn không ra.
- Để tôi mua cho - chị hớt ngang, không giấu nỗi vui mừng.
Người đàn ông đứng dậy, tò mò nhìn người đàn bà lịch sự như từ trên trời rơi xuống rồi quét tia nhìn tinh quái đến gốc mai cụt đầu, căn nhà lụp xụp, mảnh sân lồi lõm, đáp gọn lỏn:
- Mười hai cây vàng. Chắc giá.
- Được.
- Không đổi ý. Đặt tiền cọc đi.
- Nhưng anh mời tôi vào nhà đã chứ. Tôi muốn thắp cho ông cụ nén hương. Xưa ông với mẹ tôi là chỗ quen biết, bạn thời thơ ấu.
- Rứa thì bà cũng gốc gác vùng ni?
- Vâng.
Chủ nhà vồn vã hẳn, mời khách vào nhà, lăng xăng pha nước. Trên chiếc bàn thờ lạnh lẽo, một người đàn ông đang nhìn chị. Ông ta có gương mặt chân chất dễ mến, không già như mẹ. Đằng sau khung ảnh, ông ta ở ngoài - thời - gian. Chị chưa từng hình dung vị trí ông ta trong cuộc đời mẹ vì bao giờ mẹ cũng "khóa” ngay chỗ đó, quẳng chìa khóa tận đáy ký ức.
(...)
----------
Nguồn: VOV
Tác giả: Quế Hương
Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"
Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.
Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"
Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.
"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc
Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.
“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong
Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.
“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây
Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.
Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức
Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...
"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất
Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.
“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt
Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.
Nghe Nhiều Nhất
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phụ nữ có 4 tính cách này thường khơi dậy...
- Đây là 5 tâm thái thường có của những người...
- Phụ nữ thông minh không chinh phục đàn ông bằng...
- Sức mạnh thực sự của người khôn ngoan bắt đầu...
- 3 bước chấm dứt chiến tranh lạnh hiệu quả, vợ...
- Người khôn ngoan biết khoảng cách tạo nên vẻ đẹp,...
- Ly hôn xanh: Vì sao hôn nhân ngày nay không...