Dinh dưỡng cho trẻ thiếu kẽm

04-04-2016
  0   141


Xưa nay, khi nhắc tới quá trình phát triển chiều cao và thể chất của trẻ, chúng ta thường chỉ nhắc tới tầm quan trọng của các chất như vitamin D, canxi, mà ít ai biết rằng kẽm cũng là một vi chất góp phần hoàn thiện quá trình này. Không chỉ vậy, các chuyên gia y tế còn khẳng định: kẽm chính là chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó, giúp cơ thể trẻ đẩy lùi bệnh tật.

Như vậy có nghĩa là kẽm có vai trò sinh học vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, phải không?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: dù chỉ chiếm vài phần triệu trọng lượng cơ thể, song nếu thiếu kẽm, quá trình phân bào khó xảy ra nên trẻ sẽ bị chậm phát triển chiều cao, ngủ không ngon giấc, rối loạn vị giác và khứu giác, gây biếng ăn, suy dinh dưỡng, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, thiếu kẽm, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm, vì thế, trẻ dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, tiêu chảy, các vết thương lâu lành... Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng cho thấy: việc bổ sung kẽm giúp làm giảm tới 18% trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, 41% trường hợp bị viêm phổi và làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ trên 50% nữa.

Một lưu ý nữa là: trẻ thiếu kẽm thường rất dễ nổi cáu, hay khóc lóc, mè nheo không rõ nguyên nhân nên quý vị cũng cần thật để tâm.

Thiếu kẽm thì trẻ kém phát triển thể chất, hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị sang chấn tâm lý, nhưng nếu thừa kẽm thì sức khỏe của trẻ có bị ảnh hưởng gì không?

Các chuyên gia y tế đã khẳng định: hầu hết các trường hợp nhiễm độc ở trẻ đều do tình trạng thừa vitamin và khoáng chất gây nên. Do đó, dù kẽm là thành phần không thể thiếu của cơ thể, song chúng ta không nên lạm dụng. Thực tế, nhiều mẹ sau khi bổ sung kẽm, thấy con ăn ngon miệng hơn nên đã tự ý tăng liều hay duy trì việc uống thuốc trong một thời gian dài, dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, nôn ói, đau các cơ vùng bụng..


Theo khuyến cáo của Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) thì trẻ dưới 3 tháng cần 3mg kẽm mỗi ngày, trẻ từ 5 - 12 tháng tuổi là 5 - 8mg/ngày, ở trẻ từ 1 tuổi - 10 tuổi cần khoảng 10 - 15mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu. Chị em phụ nữ mang thai cũng cần bổ sung kẽm đầy đủ để thai nhi phát triển tốt. Mức kẽm khuyến cáo với các thai phụ là 15mg trong khẩu phần ăn hàng ngày.


Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, thực tế, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Trong 3 tháng, đầu lượng kẽm có trong sữa mẹ chiếm khoảng 2 - 3mg/lít, 3 tháng tiếp theo thì lượng kẽm giảm xuống còn khoảng 0,9mg/lít. Vì thế, nếu đang nuôi con trong độ tuổi này, quý vị cần duy trì lượng kẽm trong sữa bằng cách bổ sung nhiều những loại thức ăn được xem là “giàu chất kẽm” như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò… nhé!


Đối với trẻ đã có thể ăn dặm, chúng ta có thể bổ sung kẽm trực tiếp qua thức ăn. Các chuyên gia ước tính, trong 50g thịt lợn thăn chứa khoảng 2mg kẽm; 250g sữa chua chứa 1,6mg kẽm; nửa cái ức gà chứa 1mg kẽm; một quả lựu tươi cung cấp 1mg kẽm; một trái bơ cung cấp 1,3mg kẽm; một cốc quả mâm xôi chứa 0,8mg kẽm… Ngoài ra, hàm lượng kẽm cũng có rất nhiều trong rau chân vịt, ngô, bí, các loại hạt, các loại nấm... Để bé có thể hấp thụ kẽm tốt nhất, chúng ta đừng quên bổ sung thêm vitamin C cho trẻ từ các loại trái cây tươi như: cam, chanh, quýt, bưởi…nhé!


Trong quá trình phát triển thể chất của trẻ, mỗi loại vitamin và khoáng chất đều có những giá trị và ý nghĩa riêng. Việc bổ sung các loại vi chất này không thể dựa trên cảm quan của mỗi người mà cần có sự tư vấn rõ ràng của các bác sĩ. Do đó, vai trò của cha mẹ chỉ nên dừng lại ở mức phát hiện các biểu hiện nghi ngờ và phần việc còn lại là của những người có chuyên môn. Thông qua chương trình này, chúng tôi không mong muốn chúng ta sẽ trở thành những bác sĩ tại gia mà chỉ hi vọng mọi người sẽ sớm nhận biết được những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
 

------------
Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1