Kỳ Lạ Tập Tục Đập Đồ Đạc Chia Cho Người Chết Ở Tây Nguyên

29-06-2016
  0   812

Người Ca Dong sống ở chân núi Ngọc Linh (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có những tập tục rất lạ. Từ đời này qua đời khác, người chết trước khi về với tổ tiên dặn gì thì con cháu phải làm theo, cho dù tốn kém đến mấy; tài sản của người chết phải gửi đi theo; ngày an táng phải đâm một con trâu đãi khách đến phúng viếng…

Kiệt quệ vì người thân qua đời

Nằm dưới chân đỉnh núi Ngọc Linh, xã Trà Vinh địa hình phức tạp, hầu hết đồi núi dốc, nhiều thung lũng chằng chịt bị chia cắt bởi sông suối, đất lâm nghiệp chiếm diện tích lớn, đất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ.


 
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ tịch UBND xã, cung cấp những số liệu thống kê nghe mà não cả lòng: Diện tích tự nhiên của xã khoảng 3.886 ha, dân số gần 2.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ca Dong. Đời sống đồng bào còn rất nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, làm lúa rẫy một vụ. Cả xã còn tới hơn 80% hộ nghèo.

Nhiều người nói, khốn khó một phần bắt nguồn từ những tập tục vô cùng tốn kém ở Trà Vinh. Cho dù, theo lời ông Quang, chính quyền ra sức vận động, thậm chí là dùng đến cả những biện pháp mạnh nhưng một số tập tục người dân còn duy trì.

Ông Phó Chủ tịch xã kể, người dân ở đây sống rất thoáng, chẳng suy nghĩ hay tiết kiệm gì cả. Đặc biệt việc tổ chức một số đám tang, bà con vẫn còn giữ tập tục người trước để lại. Do đó, có đám tang gia chủ tổ chức đâm trâu, mổ lợn, uống rượu… cả tuần lễ. Cả trăm triệu đồng theo người chết đi luôn.

Chúng tôi đến thôn 3 của xã, một ngôi làng nằm chênh vênh bên sườn núi, nơi những ngôi nhà sàn lụp xụp mọc san sát nhau. Mặt trời đứng bóng nhưng trong thôn thưa thớt người qua lại. Hỏi Hồ Văn Hều, một trung niên ngồi tựa cửa, anh đáp nhát gừng: Lên nương, lên rẫy cả, chiều mới về.

Ở thôn nhà nào vừa đâm trâu cúng người chết vậy? Hều cười: Nhiều lắm, nhà nào cũng đều làm rứa mà. Người Ca Dong có tục lệ lâu rồi, đám táng phải đâm trâu cúng, ngoài ra trước khi chết, cha mẹ dặn cái gì thì con cháu phải làm theo. Gia đình nào nghèo thì vay mượn, phải đáp ứng cho bằng được khi còn sống căn dặn. Nếu không làm đủ theo yêu cầu, con ma về bắt người, nó quậy phá trong thôn.


 
Cũng theo Hều, với người Ca Dong, khi còn sống họ đã căn dặn con cháu, sau khi chết phải cúng những gì, đến ngày giỗ phải làm gì? Như cha mẹ Hều chẳng hạn. Sinh thời ông bà dặn đám con cháu như Hều khi họ chết phải đâm trâu cúng. Ngày cả hai qua đời, đám cháu con nghèo túng lắm, đứa nào cũng cầm sổ hộ nghèo nhưng cắn răng làm theo răm rắp.

“Ở đây đâm trâu cúng là chính. Con trâu mổ ra thì mời mọi người đến ăn uống no say nhiều ngày liền. Như đám tang cha mình, ăn trong vòng 5 ngày, tốn 1 con trâu, 3 con lợn, 20 ché rượu cần. Ngoài ra, người dân trong thôn mang gà, rượu trắng đến thăm điếu. Số vật phẩm này được soạn ra hết để ăn nhậu, mình chẳng cất một thứ gì cả”, Hều kể tiếp.

Mới nhất trong thôn, ông Đinh Văn Dểu (75 tuổi) qua đời. Trước khi đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, con cháu tổ chức đám tang suốt một tuần. Một con trâu, kèm theo lợn, gà… được giết mổ để đãi khách đến phúng điếu. Cả thôn ngừng nghỉ công việc đến chia buồn.

Tại đây, trâu, lợn được mổ ra làm thức ăn. Rượu cần, rượu trắng được gia chủ mua về để mọi người chúc tụng. Những ngày đó mọi người trong thôn ai cũng lâng lâng, người nào say thì ngủ, tỉnh dây lại uống tiếp. Ngoài việc mổ trâu, lợn trước khi mai táng, người Ca Dong còn tục chia của. Những vật dụng sinh thời người chết sử dụng đều phải gửi theo. Xoong nồi, điện thoại di động, tivi… tất cả phải khiêng ra mộ. Đồ đạc thì đập vỡ, áo quần cắt rách đặt lên. Chỉ có những thứ nặng quá như xe máy, đường núi không khiêng nổi thì để lại.

Và Cán bộ cũng không phải là ngoại lệ.

Sợ ma sẽ về đòi của

Ở Trà Vinh, những người chết con cháu phải cúng trâu, cúng lợn đã tốn kém rất nhiều tiền của thì những cái chết trẻ còn tốn nhiều hơn. Theo tục lệ, những đứa trẻ chết thì phải cúng đầy đủ lễ vật, còn không chúng sẽ về đòi.

Tục lệ đó đã truyền từ đời này qua đời khác, mỗi khi có những đứa trẻ không may qua đời thì bậc làm, cha làm mẹ phải tuân theo nguyên tắc cúng đồ cho con. Những đứa trẻ chưa biết căn dặn như người lớn, nhưng cha mẹ chúng phải mua mua bánh kẹo, áo quần… Nhà nghèo cũng như giàu, nếu có con chết sớm thì phải đưa đồ ra mộ cho con đến khi đủ 18 tuổi mới thôi.


 
“Ở đây quan niệm trẻ em chết mà gia đình không cúng cho nhiều đồ đạc thì nó hay về đòi. Mấy đứa trẻ khó tính lắm, nếu thiếu thì cha mẹ gặp nạn. Mặc dù chưa ai thấy ma về đòi cả nhưng mỗi lần thấy người trong nhà đau ốm, gia súc bị chết hoặc mất mùa… thì đều nghĩ là người chết đang về đòi, do đó phải cúng”, anh Tiến nói.

Người Ca Dong với gần 30.000 nhân khẩu, được xem là một nhánh của dân tộc Xê Đăng. Họ sống chủ yếu ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My của Quảng Nam. Những bản làng Ca Dong thường được dựng ở lưng chừng hoặc dưới chân núi. Hiện người Ca Dong không được xếp vào danh sách 54 dân tộc, nhiều năm nay các già làng Ca Dong thường tìm đủ mọi cách để chứng minh bản sắc. Họ chứng minh sự khác biệt giữa văn hóa, ngôn ngữ, tập quán của cộng đồng Ca Dong đối với người Xê Đăng để mong được công nhận là một dân tộc riêng.


--------------
Nguồn: Sưu tầm
Thực hiện: Babum.


Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1