Nghệ Sĩ Minh Béo Bị Bắt Ở Mỹ Do Bị Gài Bẫy?

05-04-2016
  0   1353

Theo thông tin từ Văn phòng Biện lý Quận Cam (OCDA), sau khi một cậu bé tố giác Minh Béo xâm hại tình dục, một thanh tra Sở Cảnh sát Garden Grove (GGPD) thuộc Quận Cam, California, đã đóng giả làm thiếu niên 14 tuổi và liên hệ với nghệ sĩ hài Việt Nam. Khi gặp “thiếu niên” này với ý đồ thực hiện hành vi dâm ô, Minh Béo đã bị GGPD bắt giữ.

Phải chăng đây là hành vi “gài bẫy”? Quả thật thanh tra GGPD đã nói dối Minh Béo để thực hiện cuộc điều tra và bắt giữ nghệ sĩ hài Việt Nam. Trong một cuộc trao đổi, luật sư gốc Việt Nguyễn Hoàng Duyên ở San Jose (California) cho biết theo luật bang California, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đóng vai để tiếp xúc đối tượng điều tra.
 

Nhưng trên thực tế không chỉ bang California có luật này. Tòa án Hiến pháp Mỹ từng khẳng định “hành động lén lút và chiến thuật là những công cụ cần thiết trong kho vũ khí của các sĩ quan cảnh sát”. Tòa án này cũng nhấn mạnh: “Trong nhiều trường hợp, lừa dối nghi can là kỹ thuật duy nhất mà cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng”.

Vậy cảnh sát Mỹ được phép sử dụng các “mưu mẹo” hay “mánh khóe” gì để điều tra và bắt giữ nghi can mà không bị xem là vi phạm pháp luật?

Hai loại điều tra “giăng bẫy”

Trong thực tế, cảnh sát Mỹ thường tổ chức các chiến dịch điều tra “giăng bẫy” (sting operation) để bắt giữ kẻ đang thực hiện hành vi phạm tội. Mục tiêu của mỗi chiến dịch điều tra “giăng bẫy” là kích thích nghi can thực hiện hành vi phạm tội đã có ý định hoặc được lên kế hoạch từ trước để bắt giữ tận tay.

Thông thường, trong các chiến dịch điều tra “giăng bẫy”, thanh tra viên sẽ giả trang thành một thường dân để đưa nghi can vào tròng. Vấn đề quan trọng là trong một số trường hợp, thanh tra viên được phép khuyến khích, thậm chí hỗ trợ nghi can thực hiện hành vi phạm tội.

Các chiến dịch điều tra “giăng bẫy” được chia làm hai loại. Ở loại thứ nhất, thanh tra viên đóng giả làm kẻ tham gia vào hoạt động phi pháp như người mua hoặc người bán hàng hóa và dịch vụ phi pháp. Ví dụ điển hình là một thanh tra viên đóng giả làm người mua túy từ một nghi can buôn ma túy. Nếu nghi can thực hiện hành vi bán ma túy, hắn sẽ bị bắt.
 

Hoặc thanh tra viên đóng giả làm kẻ bán băng đĩa tình dục trẻ em, ai mua sản phẩm từ thanh tra này sẽ bị bắt. Trong một số trường hợp, thanh tra viên có thể giả trang thành kẻ đồng mưu với nghi can. Ví dụ, thanh tra viên giả trang hỗ trợ một nhóm tội phạm lập mưu cướp ngân hàng và bọn cướp bị bắt khi đến ngân hàng đó.

Bắt giữ hàng trăm tội phạm ấu dâm

Theo báo Daily Mail, hồi tháng 6-2014 nhà chức trách bang California mở chiến dịch “Trái tim tan vỡ” và đã bắt giữ được 275 nghi can tội phạm ấu dâm, trong đó có một sĩ quan cảnh sát và một binh sĩ quân đội Mỹ. Các thanh tra đóng giả làm thiếu niên 12 và 14 tuổi trên mạng Internet, “dụ dỗ” những kẻ ấu dâm tới một địa điểm. Và khi xuất hiện tại địa điểm đó, tưởng được quan hệ tình dục, những nghi can này bị cảnh sát bắt giữ. Các chiến dịch tương tự được cảnh sát nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện để truy bắt tội phạm ấu dâm.

Trong loại thứ hai, thanh tra viên giả dạng làm “con mồi” của các hành vi phạm tội có thể xảy ra. Ví dụ, một cảnh sát mặc thường phục đi một mình ban đêm trong một khu vực có tình trạng an ninh bất ổn, nơi từng xảy ra một số vụ cưỡng hiếp hoặc cướp bóc. Kẻ cướp hoặc tội phạm cưỡng hiếp tấn công thanh tra này sẽ sập bẫy.

Thanh tra viên cũng có thể đóng giả làm thiếu niên trên mạng Internet, trò chuyện với tội phạm ấu dâm, đồng ý gặp gỡ hắn tại một địa điểm nào đó để quan hệ tình dục. Và khi tên tội phạm tới nơi thì lập tức bị cảnh sát đưa tay vào vòng số 8. Trường hợp của nghệ sĩ hài Minh Béo thuộc chiến dịch điều tra “giăng bẫy” thứ hai.

Khoảng cách giữa mánh khóe và bị gài bẫy

Trong một số vụ kiện, luật sư bào chữa cáo buộc cảnh sát cố tình “gài bẫy”, khuyến khích hoặc ép nghi can thực hiện hành vi phạm tội mà họ không có ý định hoặc không muốn làm. Vậy đâu là giới hạn pháp lý của chiến dịch "giăng bẫy"?

Trên trang web Policemag, cựu sĩ quan cảnh sát, cựu công tố viên Devallis Rutledge, cố vấn đặc biệt của Văn phòng Biện lý Hạt Los Angeles, cho biết nguyên tắc chung là “bẫy” mà cảnh sát sử dụng không trở thành hành vi cưỡng ép khiến người vô tội phải phạm tội hoặc phải thú nhận một tội lỗi mà họ không thực hiện.

Trong cuộc điều tra hành vi sản xuất và buôn bán ma túy của Richard Russell và đồng bọn ở Washington năm 1969, thanh tra viên giả trang giành được lòng tin của các nghi can khi cung cấp cho chúng một hóa chất để sản xuất ma túy tổng hợp. Tại tòa, các luật sư bào chữa cho rằng thanh tra này đã gài bẫy Russell và đồng bọn bằng hành vi vi phạm pháp luật.
 

 
Tuy nhiên Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định trong các chiến dịch trấn áp ma túy, cảnh sát buộc phải xâm nhập vào đường dây tội phạm bằng việc tham gia hạn chế vào hành vi phạm tội. Sự xâm nhập này được công nhận là một phương pháp điều tra. Và vấn đề là Russell và đồng bọn đã có ý định sản xuất và buôn bán ma túy từ trước, chứ không hề bị thanh tra giả trang ép hành động.

Theo ông Devallis Rutledge, tại Mỹ phần lớn các công tố viên hiểu rất rõ vai trò của chiến thuật giả trang và các chiến dịch “giăng bẫy” để lực lượng cảnh sát bắt giữ tội phạm. Do đó, phía cảnh sát luôn trình bày công khai và rõ ràng biện pháp điều tra trước tòa.

---------------------------

Nguồn: TH

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.
 

Youtube

Facebook Fanpage

1