Phiên chợ tết chỉ có một người
Ðã khuya lắm mà tôi không sao chợp mắt được...
Ðã khuya lắm mà tôi không sao chợp mắt được, không phải chỉ vì ngày mai được đi chợ Tết sớm hơn mọi năm một ngày - năm nào tôi chẳng đi. Mà vì một lẽ khác. Bà tôi nay đã ngoài tám mươi tuổi, đã hàng chục năm nay có mấy khi bà đi chợ đâu - chợ Tết lại càng không. Bây giờ bà sợ ồn ào, chợ Tết đông người lắm chỉ có người chen người, chứ mua sắm gì mấy. Tôi năm nay cũng mười bảy mười tám, ngày nào đi học chẳng qua chợ, nhưng vẫn thích đi để được hẹn hò với bạn ngày chơi Tết; đi chợ cả buổi có khi chỉ mua vài bông hoa hay ít giấy mầu về trang trí nhà cửa. Còn những thứ khác đều do mẹ lo cả. Mỗi năm đi chợ Tết về, tôi thường líu tíu kể cho bà nghe bao nhiêu là chuyện ngoài chợ. Bà ngồi nghe chăm chú, cười món món để lộ vài cái răng đen nhưng nhức còn sót lại. Cũng có năm tôi rủ bà đi nhưng bà đều từ chối. Vậy mà năm nay bà bảo đưa tôi đi chơi chợ Tết. Nghe thế bố mẹ tôi bảo:
- Bà cần gì cứ bảo cháu nó phóng xe vèo một tý là xong hay chúng con mua cho. Chứ già rồi đi lại lập cập ngã thì khổ con cháu.
Thấy bà không nói gì cứ lẳng lặng chuẩn bị cho ngày mai đi chợ. Bố mẹ tôi cũng không dám gàn thêm; còn tôi thì thích thú và hơi vinh dự một chút vì được bà tin tưởng. Buổi tối, bố mẹ gọi tôi xuống bếp giao nhiệm vụ: "Thứ nhất là không được đi cùng mấy đứa bạn trong xóm sáng mai; thứ hai là phải luôn cầm tay bà đi cẩn thận, an toàn cấm được nhớn mắt lên ngoài chợ...". Mẹ tôi còn day day ngón tay vào trán tôi dọa: "Nếu bà làm sao thì mày...". Tôi vâng dạ lia lịa: "Bố mẹ cứ yên tâm!", rồi chạy lên nhà, nhẩy lên giường trùm chăn ngủ kỹ.
Ừ
Sáng 28 Tết, mới mờ đất, bà đã gọi tôi dậy chuẩn bị đi chợ. Vẫn đang ngái ngủ tôi thưa:
- Bà cháu mình chỉ đi chơi thì khoảng 7, 8 giờ hãy đi. Ði sớm sương rét lắm ạ!
Nhưng bà nhất định đòi đi sớm. Tôi đòi lấy xe máy đèo bà đi, nhưng bà muốn đi bộ. Bà bảo từ đây ra chợ có bẩy tám trăm mét đi bộ cho thoải mái. Thế là hai bà cháu đi chợ. Mới tảng sáng mà người đi chợ đã đông. Tôi, một tay xách cái làn - bị mẹ nhét vào tận tay - đi trước; một tay dắt bà lập cập theo sau. Con đường đất toàn tiếng người và tiếng chân nhộn nhịp. Những chú gà trống cố dướn cổ ra khỏi lồng tre gáy te te báo sáng; Những cuộn lá dong vẫn còn ngậm sương đêm lừ lừ tiến về phía chợ; Những gánh bưởi, cam, chuối... chen nhau lên trước. Tôi và bà mỗi lúc một tụt lại phía sau. Con đường đến chợ như dài thêm... Ra đến chợ thì mới tang tảng sáng, mấy đứa bạn thấy tôi chạy lại tíu tít rủ dạo chơi chợ, tôi đều phải từ chối khéo. Bà kéo tôi ra gốc đa, lấy nón ra ngồi, rồi kêu tôi cùng ngồi cạnh, bảo:
- Ðây trước là khu đất thả trâu, trước bà và mấy đứa bạn chăn trâu thường vui chơi ở dưới gốc đa này. Cây đa giờ vẫn thế. Cái rễ này giờ vẫn thế...
Tôi lơ đãng nhìn dẫy hàng quán mái ngói mới xây chạy dài. Ngọn đa bà bảo, giờ vẫn thế nhìn lên mờ mờ đen, in lên một khoảng trời tôi tối. Mấy cái rễ của nó thõng xuống như những cánh tay không xương lủng lẳng. Trông rợn rợn. Chợ đông dần, người chen người, hàng nối hàng ngang dọc lộn xộn. Tôi muốn ngắm mấy cái áo nhìn rất mốt liền kéo bà tiến ra quầy quần áo, bà nhìn quanh quất lại dẫn tôi ra hàng tranh. Tôi ngán ngẩm nhìn những bức tranh thiếu nữ giữa ngày xuân, ô-tô, xe máy và phong cảnh chăng đầy. Bà đứng rất lâu ở hàng tranh hỏi có bức tranh gà, tranh cá chép, tranh đám cưới chuột, hay tranh cô gái hứng dừa không. Cô hàng tranh nhìn bà trân trân, nói:
- Những tranh ấy cháu có nhưng ít người mua nên không biết hôm nay có mang đi không! Cô ta lục mãi tìm được bức tranh đám cưới chuột và cô gái hứng dừa. Bà ưng ý lắm thì thầm vào tai tôi:
- Ðám cưới của bà ngày trước pháo nổ ròn như trong tranh này; ông cháu còn khen bà có nét giống cô gái hứng dừa...
Tôi cười nói nhỏ vào tai bà:
- Ðám cưới bây giờ không đốt pháo rồi. Ðây là tranh dân gian nét vẽ có tính ước lệ nên không giống một cô gái cụ thể nào đâu. Chắc ông trêu bà đấy ạ!
- Cháu biết bà thời trẻ xinh như thế nào mà bảo không giống?
Tôi muốn đưa bà đến chỗ hàng hoa chọn mấy bông về cắm Tết. Bà bảo:
- Sang khu hàng chiếu xem đã!
Tôi thầm nghĩ chiếu thì có gì mà đáng xem, bây giờ người ta nằm chiếu trúc hay đệm rồi. Nằm chiếu "quê" quá. Nhưng chiều người già, tôi ra vẻ vui vẻ cùng sang. Những chiếc chiếu hoa sặc sỡ, đủ kích cỡ, mầu sắc. Có chiếc in đôi chim bồ câu cùng ngậm sợi tơ hồng cạnh chữ song hỷ đỏ như son: có chiếc in chữ thọ ngay ngắn, trang trọng... Bà đòi mua một đôi chiếu có đôi chim câu. Tôi định trêu "Bà vẫn trẻ trung ghê!" nhưng lại thưa:
- Giờ chợ đang đông, còn đi xem nhiều, nếu mang cả chiếu đi thì kềnh càng lắm.
Bà không nói, trả tiền, rồi định ôm đôi chiếu đứng dậy. Tôi vội đưa tay theo giúp bà. Thế là trên tay tôi đã đủ chiếu, bức tranh dân gian và cái nón lụp xụp bà vừa chụp lên đầu. Chợ càng đông, bà phải nắm chặt tay tôi, bảo sợ tôi lạc. Tôi muốn cự lại. Cháu đã mười bẩy tuổi chứ còn bé gì nữa. Nhưng khi tay bà nắm chặt tay tôi, tự nhiên tôi muốn nũng nịu một chút. Hai bà cháu nhích từng bước. Qua hàng lá dong, qua hàng gạo nếp, hàng gà, hàng cá... Bà kéo tôi vào hàng quà mà lại là hàng bánh giò. Tôi lấy lý do không đói không chịu vào ăn - thật ra là vì xấu hổ. Ai đời con gái mười bẩy, mười tám lại ngồi giữa chợ ăn quà, mà ăn gì không ăn lại ngồi ăn bánh giò. Thấy tôi ngần ngừ bà kéo xuống gọi bốn cái bánh, dúi vào tay tôi một cái bảo:
- Bánh giò là ngon nhất đấy. Ngày trước, bà chỉ đợi mẹ đi chợ về là ra ngõ đón quà. Mà quà có gì sang đâu chỉ có bánh giò. Nếu hôm nào hàng ế, có khi phải hai chị em chia nhau một cái...
Bà dở bánh, tước dây lạt nhỏ lại, xắt từng miếng ăn ngon lành. Tôi không ngồi không được bất đắc dĩ phải ghé vào mép ghế dở bánh nhưng vẫn đội trên đầu cái nón thùm thụp - cốt để che cho mọi người không nhận ra mình. Nhưng khi đang cho miếng bánh vào miệng thì cái Mai với cái Nhung từ đâu rơi xuống vỗ vai kêu to: "Trốn đi chợ trước ăn quà nhé! Bọn này đang đói có còn xin miếng bánh nào?". Tôi ngượng chín mặt định đứng dậy đuổi theo hai đứa "yêu nữ", thì chúng đã lẩn vào đám đông đâu mất. Chết rồi, chuyện mình ăn bánh giò giữa chợ tết sẽ là đề tài hấp dẫn cho cả lớp thôi ! Nghĩ đến đó miếng bánh trong miệng chỉ còn mùi nồng của vôi, nhão nhão. Bà giục tôi ăn nhanh và đưa tôi cất hai cái bánh còn lại vào trong làn. Từ lúc gặp hai đứa bạn tôi chẳng còn thiết tha ngắm chợ Tết nữa. Tôi theo bà như một cái máy, chốc chốc lại sợ gặp người quen với các thứ trên tay nào là bánh giò, nào là bánh đa nướng, nào là chiếu hoa, nào là cái làn lủng lẳng ở tay, lại còn... dắt theo một cụ già đi dờ dờ từng bước...
Xế trưa, mặt trời đã lên cao, chợ vẫn như nêm. Bà giục tôi về. Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Trên đường về bà rầm rì kể chuyện ngày xưa. Tôi vừa nghe hờ hững vừa vâng dạ cho qua. Trong đầu đang nghĩ về cách đối phó với câu chuyện ly kỳ mà hai đứa bạn cùng lớp sắp thêu dệt. Bỗng bà kêu tôi rẽ vào một bãi đất rộng là sân bóng của xóm. Bà bảo:
- Bà cháu mình đi tiếp một phiên chợ nữa nhé. Ðây mới là phiên chợ Tết của bà cháu ạ!
Tôi nhìn quanh, cả bãi đất rộng vắng tanh mọc toàn cỏ may. Những lá cỏ may úa vàng - giả dụ có một đốm lửa nhỏ có thể cháy lan cả khu đất. Hai đầu sân là hai cái khung thành bằng tre xiêu vẹo. Phía trước là khu nghĩa địa của xóm, xa xa một vài bụi cỏ nhật vung lên những cánh hoa mầu trắng trong gió. Cái giống cỏ nhật chỉ làm phân xanh là tốt, thế mà cũng biết nở hoa khi Tết đến. Ðã thế nhìn cây không thấy lá chỉ có hoa là hoa. Tôi nhìn bà như cái nấm cong cong nhô lên khỏi đất. Thấy tôi đứng trân trân chưa hiểu, bà trầm trầm kể:
- Bãi đất này trước là chợ đấy. Chợ ngày trước ít hàng thôi nhưng cũng đông vui lắm. Chợ Tết đông nhưng người mua ít. Người ta đi chợ chủ yếu để xem người. Và sắm vài thứ bắt buộc như ít hương vàng, ít lá dong gói bánh... Làm gì có tiền mà mua gì nhiều. Tại chỗ này có một hàng chiếu rất đẹp, chỗ này này có một hàng tranh rất đẹp... Chợ Tết đấy nhưng bà có được đi chơi đâu. Bà cũng đi chợ nhưng phải ngồi bán bánh giò thay để bà cụ đi sắm Tết. Lúc đó, bà cũng xấu hổ lắm, ai đời con gái lại ngồi bán bánh giò. Bà cũng lấy nón đội thùm thụp lên đầu. Ai hỏi thì trả lời nhưng có nhìn người hỏi mua hàng đâu. Thế là đến trưa chợ, sàng bánh giò vẫn đầy ăm ắp. Bà lúc ấy sợ lắm. Mẹ về thì gay to. Mà bà về thật. Nom thấy sàng bánh còn đầy nguyên. Bà cụ lôi bà dậy, lột nón ra mắng cho một trận té tát trước mặt mọi người. Khi ấy, bà đứng im, mặt cúi gằm đỏ bừng... Lúc đó, anh chàng bán chiếu bên cạnh còn nhe răng cười nhăn nhở:
- U có đổi bánh lấy chiếu hoa không?
Bà cụ đang nóng tiết quay sang gắt:
- Ðổi chiếu lấy "con bị thịt" này thì đổi.
Bà cụ nói thế cho anh ta im đi, ai dè anh ta được thể:
- U thích bao nhiêu chiếu đẹp cũng được, con sẽ mua hết chỗ bánh này chỉ xin u gả "em bị thịt" này cho con...
Thế đấy! Ai ngờ chỉ bắt đầu thế thôi mà nên nghĩa... Ông nội cháu đi trước bà mấy chục năm, đi từ hồi cái chợ còn chưa chuyển đi chỗ khác... Mấy năm trước còn khỏe, năm nào vào phiên cuối năm bà cũng một mình đi chợ tết ở đây. Một mình bà bán cả bánh giò, chiếu hoa, tranh tết... Năm nay lại đi chợ Tết. Mà đi những hai chợ. Liệu còn sức sang năm đi với cháu nữa không? Cháu giúp bà bầy hàng đi. Nào tranh Tết này, nào bánh giò này, nào chiếu hoa này... Cháu mời ông mua giúp bà đi. Năm nào ông cũng đi chợ đấy. Nếu ông chưa có tiền thì bà bán chịu cho cũng được. Trước ông còn nợ bà cả một sàng bánh giò, rồi nợ tiếp cả mấy chục năm nữa... Cháu mời ông mua giúp bà đi ! Con gái phải học bếp núc chợ búa từ nhỏ, không sau này vất vả cháu ạ! Cháu đừng giống như bà ngày xưa thì đoảng lắm! Cháu mời ông đi kẻo trưa chợ rồi. Mẹ về mắng cho bây giờ. Bà cháu mình không đội nón trong hàng quán nữa nhé...
Tôi không dám trả lời, cũng không dám giục bà về, cứ lặng yên nghe bà nói. Ðột nhiên bà đứng dậy đội nón lên đầu giục:
- Bà cháu ta về thôi, trưa chợ rồi! Bán mãi chẳng ai mua hàng cho! Thôi mang về vậy! Năm nay không có tiền sắm Tết rồi!
Bà thẫn thờ ra về. Cả đoạn đường còn lại bà không nói lời nào. Tôi cũng không dám gợi chuyện... Tối đó bà mất! Hôm đó đúng vào tối 28 Tết. Cận ngày Tết, nhà tôi không thể giữ bà lâu được. Chiều hai chín làng xóm đưa bà ra đồng. Khu chợ cũ được chia làm hai. Một nửa làm sân bóng cho thanh niên, một nửa làm khu nghĩa địa của xóm. Tôi lặng lẽ theo sau xe tang đưa bà qua sân bóng nơi có những gian hàng ngày trước đến nghĩa địa. Chiếc xe dò dẫm trên con đường đầy ổ gà, ổ trâu; nó nhao lên hụp xuống phát ra những tiếng lộc cộc như tiếng pháo: quả xịt, quả nổ... Giáp Tết làng xóm sau khi tiễn bà đến nơi an nghỉ chu đáo, ai cũng vội về nhà sửa sang chuẩn bị đón Tết. Nhà tôi phút chốc chỉ còn trơ lại anh em trong gia đình. Không ai nói với ai. Bà đi đột ngột quá, không ốm đau gì, sáng qua vẫn còn đi chợ... Tôi ngồi câm lặng ở bờ sân, day dứt nhớ lại những lời bà kể mà tôi chẳng chú ý nghe hôm đi chợ về cùng bà. Sực nhớ ra, tôi chạy vào trong nhà: Bức tranh cô thiếu nữ tình tứ nhìn chàng trai để trần đang hái dừa treo trên tường; Hai cái bánh giò nước đã rỉ ra qua kẽ lá vẫn để đầu giường bà. Ðôi chiếu hoa có đôi chim câu bà mua: Một chiếc trải cho bà nằm đã quấn đống quần áo cũ đốt cạnh mộ lúc hạ huyệt, còn một chiếc vẫn bó tròn dựng ở góc nhà...
Sáng 30 Tết, tôi dậy từ mờ đất lặng lặng mang bức tranh thiếu nữ hứng dừa, hai cái bánh giò và chiếc chiếu lạnh cóng như tượng dựng ở góc nhà mang ra mộ bà. Tôi đặt các thứ trước mộ bà thì thầm khấn:
- Bà ơi, những thứ này bà chưa gặp ông nên chưa bán được. Bây giờ bà đã gặp ông rồi. Bà nhớ bắt ông trả cho bà mấy chục năm ông còn nợ... bà nhé. Bà ơi, hằng năm cháu sẽ thay bà đi chợ Tết. Cháu rất thích ăn bánh giò, khi ăn cháu sẽ không đội nón nữa đâu. Kìa người đi chợ phiên cuối đã đông rồi, cháu đi chợ Tết nữa đây...
Một cơn gió rét ào tới dứt những bông hoa cỏ nhật rơi lã chã xuống những ngôi mộ mới được phát, dọn sạch sẽ để lộ tầng đất xốp mịn chờ mưa. Trong thoang thoảng mùi hương, tôi nghe như có tiếng thì thầm của bà "Ngày xưa, chợ Tết...".
Tác giả: Trần Phúc Vĩnh
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...