Xóa ký ức

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
26-06-2017
  0   1609

Khinh bỉ và mệt mỏi, và hẳn là cả đau đớn nữa, Thư rời bỏ thành phố đang sống để đi. Tôi chưa bao giờ thấy Thư thực khóc kể cả khi như vừa xong, nước mắt nặng trĩu lăn lăn trên má Thư kia kìa. Hẳn như thể những giọt nước mắt rơi vỡ từ gương mặt trống hoang kia không phải của Thư. Như thể là thứ bất khả kháng, nó tồn tại trong bản thể Thư như một quán tính. Nó là những giọt nước mắt vô tri Thư không bận tâm.

 

Tôi biết Thư lại trở về. Con sông trước ngõ mờ mịt bụi nước ngày Thư đến. Gió từ sông thổi lên hà thứ hơi nước ấm sực ngấu mùi bùn non nôn nao mà sao tôi thấy Thư rùng mình. Đôi vai gầy mảnh của Thư như run lên. Tôi nhớ hơi thở của Thư quá. Đâu rồi bàn tay nóng, cặp má nóng, cái mũi buốt lạnh cọ cọ vào tay tôi những lúc hai đứa buồn. Nhớ ngực Thư phập phồng thở sau một chuỗi dài Thư liên mồm nói, nói và nói trong cơn ức không biết xả cùng ai… Tôi muốn kéo Thư vào lòng, muốn ôm Thư, muốn ghì chặt thân hình mảnh dẻ của Thư để ngăn cơn rùng mình đang làm Thư run lên vì lạnh.

 

Thư luôn tìm về với tôi mỗi khi có chuyện. Buồn cũng tìm, vui cũng tìm. Mệt mỏi, chán nản, thậm chí cả thất vọng hay đổ vỡ thì người đầu tiên Thư tìm đến là tôi mà không phải bất kỳ ai khác. Nhiều lần tôi nói với Thư, mối duyên đời của hai đứa mình như một hạnh ngộ của số phận vậy. Mỗi lần về quê, quẳng vội mọi thứ ra nhà cho bà nội, chưa kịp hỏi thăm bà, Thư đã chạy ù ra ngõ. Bà nội Thư biết Thư đi tìm tôi. Thư đến nhà tôi, người chưa thấy đã thấy giọng lảnh lót ở ngõ. Thư gọi mẹ tôi bằng u. U ơi, u à, rối rít rồi tọt đi tìm tôi.

 

Thường những lúc tôi có nhà, nghe tiếng véo vót của Thư, tôi buông bỏ mọi thứ đang làm, thừ người ra, đơ mất một lúc. Những phản xạ theo những âm sắc trong veo của Thư nối đuôi nhau chảy qua đầu tôi. Tôi lắng nghe giọng nói của Thư để biết Thư đang trong tâm trạng vui hay buồn. Để biết, tôi sẽ làm gì với Thư lúc này. Tôi để mình rơi lặng trong những âm thanh dồn dập của Thư. Có khi nghe tiếng của Thư đầu ngõ, tôi chỉ muốn trốn sâu vào đâu đó, lủi vào một ngóc ngách xó xỉnh nào để Thư không tìm thấy tôi.

 

Đôi khi tôi vừa sợ vừa mong cái cảm giác được chạy trốn khỏi những âm thanh bủa vây kia. Để mặc Thư thất vọng… Thậm chí để cho cô ấy rũ ra như một tàu lá héo khi không có tôi để mà tìm. Tôi đã để cho linh hồn tôi đau mãi vì hối hận, vì đã có lúc tôi muốn mình biến mất khỏi Thư. Như lúc này đây, tôi đứng gần Thư lắm, trong mờ mờ hơi nước phả lên từ mặt sông mà chân tay tôi cứng như những thỏi đá lạnh khổng lồ không thể vươn tới để đụng khẽ vào vai Thư được… Tôi đã rất ân hận.

 

Chỉ đến khi tiếng u vóng vót réo tôi, thì tôi mới thủng thỉnh bước ra. Nhìn thấy cái đầu bù xù tóc của tôi, u tôi chửi: "Cha nhà anh, chó ăn mất mồm". U gọi, bạn gọi, ở trong nhà mà không ra tiếng, mãi mới ló cái mặt ra. Thư cười vỡ ra theo câu chửi của u. Ồn ào, lảnh lót, rộn rã, Thư lôi tôi vào nhà, hoặc hai đứa chạy ù ra bến sông nơi gốc bần oằn người gù lưng trên mặt sông cõng gió, cõng tán lá sum suê rậm rạp.

 

Chỗ ấy, Thư đùa tôi, bọn mình ngồi nhiều quá nên cây bần không thẳng lưng lên được. Mà đúng thật, cây bần nằm ngang mép bờ sông này không biết chứng kiến bao lũ trẻ con lăn lóc lớn lên nơi bãi sông. Sáng nào chiều nào tụi nó cũng ra đây hò hét, bơi lội, ngụp lặn rồi treo mình lên cây bần chơi đủ thứ trò. Thân bần toãi ra dài như cái băng ghế ở lớp học làm chỗ cho lũ trẻ con ngồi nghỉ ngơi giữa những trận phá, những trò nghịch dại. Cả thân bần nằm là là ven mặt nước để cho chúng tôi ghé mông ngồi lên còn hai chân thì khua nước tung tóe ở dưới. Lũ chúng tôi lớn lên ở bãi sông này, bên gốc bần già không chán. Thời của chúng tôi, trẻ con lầm lũi với bùn đất tự lớn, tự sinh tồn là chủ yếu. Gốc bần, con sông quê, cánh đồng là nơi gom góp cất giấu ký ức của tuổi thơ.

 

Thư khác lũ chúng tôi. Thư con nhà thoát ly, bố mẹ đều làm cơ quan nhà nước. Hè Thư mới được về quê chơi với ông bà. Chỉ có ngày hè, lũ con trai đen nhẻm, tóc râu ngô khét lẹt, lưng trát vửa bùn ngây người nhìn đứa con gái trên thành phố với hai bím tóc đen thui, đôi mắt đen thui óng nước, đôi bắp chân sạch sẽ trắng mịn, đôi gót chân màu đỏ hồng xinh xinh đeo dép nhựa màu xanh chạy tung tăng ra bến sông. Thư thích nước. Thư hồn nhiên hoang dã hơn bất kỳ đứa con gái đồng quê nào. Thư trốn ông bà nội quẳng dép lên bờ lao xuống sông tập bơi ùm ùm. Đám con gái ghét cái mùi thành phố của Thư mà nhìn Thư như xúc mẻ đổ đi.

 

Con gái ở làng không ai thích chơi với Thư. Thành ra, Thư chạy tới bến sông trước nhà, nhảy ào xuống nước tập bơi. Lũ con trai gầy nhẳng như những cây sào tre non, vống váng trố mắt nhìn Thư khinh miệt. Chẳng ai chơi với Thư, Thư đành chơi một mình, suýt sặc nước mà chết. Không hiểu sao, ngay từ giây phút đầu tiên, thằng bé mười ba tuổi là tôi trong đám bạn lố nhố bùn trố mắt nhìn Thư, tôi đã thấy trào dâng một cảm giác thương đến lạ. Cảm giác như một người anh muốn chở che cho em khỏi bầy sói. Cảm giác muốn bảo vệ cho Thư trước những bất trắc đầy rẫy xung quanh trong cái cuộc sống hoang dã nơi xóm làng này.

 

Lần ấy, Thư suýt sặc nước mà chết đuối, cả đám con trai đứng nhìn cười ồ ồ. Chỉ mình tôi là lao ra vớt Thư. Tôi vằn mắt nhìn lũ đồng bọn: "Chúng mày định xem con bé này chết đuối à", thì cả bọn mới nghệt mặt ra. Từ đó, Thư nghiễm nhiên gia nhập đội trẻ nít của làng mà không còn bị những ánh mắt ghẻ lạnh nữa. Sau ba tháng hè, hai bím tóc đen nhức của Thư đỏ quạch râu ngô. Làn da trắng mịn của Thư phủ một lớp váng bùn nâu mịn. Mười đầu ngón tay ngón chân của Thư sứt sẹo, các móng đen cáu. Chỉ có đôi mắt Thư là khác hơn, óng ánh đen, và hoang dã như mắt của những chú hoẵng trên thảo nguyên.

Chiều nay, Thư chạy ra bờ sông, mắt nhìn đăm đắm vào khoảng không trước mặt. Ngực tôi đau thắt. Thư gầy đi, đen đi, hai gò má nhô cao, đôi mắt trũng xuống mỏi mệt. Ngồi bệt xuống vệ cỏ bên bờ sông, úp mặt vào giữa hai đầu gối, vai Thư rung lên bần bật. Tôi biết Thư khóc. Tôi không bao giờ dám nhìn lâu vào đôi mắt trong veo, lúc nào cũng óng ánh nước của Thư.

 

Ở đó, khi vui, nước cũng tràn ướt cả hai bờ mi, làm Thư ngứa, khó chịu, vừa gãi mi mắt vừa cười náo nức. Khi buồn, nước ở đâu dâng đầy, rồi lăn ra từng giọt nặng trĩu. Có lần tôi hỏi Thư học đâu ra cái kiểu khóc quái gì mà sợ thế. Khóc mà như không khóc. Không khóc mà lại đang khóc. Không nức nở, không sụt sịt, không chớp mắt mà nước cứ ậng lên, cừ dàn mi, cứ vo tròn lại từng giọt to tướng lăn lăn trên má, rớt xuống tay đánh tách làm cả tôi và Thư đều giật mình. Kiểu khóc gì lạ vậy chứ. Thư cười, nước mắt lăn nhiều hơn…

 

Ngày xưa, khi lớn lên một chút, những mùa hè thanh xuân Thư mang về cho tôi bao nhiêu vui tươi rộn rã. Thư thề không bao giờ khóc dù phải đối mặt với hoàn cảnh gì. Hai đứa nằm cười ha hả trên thân bần già rồi rớt tùm xuống sông thi nhau lặn moi bùn ném nhau rồi lại trồi lên cười ha hả. Ngày xưa Thư không biết buồn, không thất vọng. Hai đứa nằm dang tay dưới lớp rơm bên vệ đường lúa vừa tuốt xong.

 

Thư phập phồng kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện thành phố nơi Thư ở. Những chuyện trên trời dưới bể, chuyện nào cũng lạ và tò mò. Cả chuyện Thư bỏ học cùng lũ bạn đi rình cô dạy văn hẹn hò với thầy dạy nhạc trong căn phòng tập văn thể mỹ ở trường lúc nhập nhoạng tối. Thư ôm mặt cười răng rắc. Tiếng cười của Thư lảnh lót chảy trên mặt nước bờ sông loang loáng ánh mặt trời. Tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo giữa thinh không trong những đêm trăng vàng rắc bạc lên cánh đồng còn thơm mùi lúa mới…

 

Tôi chỉ biết, lần đầu tiên Thư khóc là vì tôi. Điều đó mãi làm cho linh hồn tôi đau buốt. Cảm giác buốt đau ấy không bao giờ tan hết được, nó làm cho linh hồn của tôi run rẩy, chới với, hoang mang, khó siêu thoát. Tôi mới là người con trai đầu tiên làm cho Thư khóc. Tôi là một kẻ khốn khổ mang trái tim sắt đá khi rời bỏ Thư, để Thư lại chới với trên cái cõi đời hỗn mang này. Kẻ phụ bạc Thư là tôi, kẻ đã bỏ rơi Thư cũng chính là tôi. Kẻ lạnh lùng biến khỏi cuộc đời Thư cũng là tôi. Tôi chưa bao giờ thấy Thư khóc vì một ai đó. Nhưng khốn nạn thay, tôi lại là kẻ mang nước mắt đến cho Thư.

 

Nhìn Thư đổ vật, tuyệt vọng vì tôi, tôi đã hoảng sợ, đã thất kinh hồn vía. Tôi đã cảm giác như ai đó thò cả bàn tay đầy những móng vuốt sắc nhọn xé lồng ngực tôi ra, túm lấy quả tim ròng ròng máu của tôi lên và từng giây một bóp vụn từng tế bào phập phồng, rỏ máu. Linh hồn tôi biết đau kể từ ngày ấy. Linh hồn tôi nhẹ hơn, run rẩy hơn, yếu hèn hơn kể từ phút giây ấy. Và sau này, mỗi một lần Thư đến tìm tôi, bao giờ Thư cũng nói cái câu: "Này Quân, người con trai làm cho Thư khóc đầu tiên là Quân đó. Mới biết thêm một thứ thú vị nữa của cuộc đời này, buồn đau cũng có vị của nó ấy chứ Quân nhỉ".

 

 

***

 

Buồn đau cũng có vị của nó ấy chứ. Thư nói với tôi, "Em rời bỏ thành phố này thôi. Em chán rồi". Mỗi lần tìm tôi, nằm ngả người trên gốc bần già, nghe Thư nói thế, tôi biết Thư lại buồn. Tính của Thư lạ lắm, cãi nhau với bạn bè, buồn lòng với đồng nghiệp là Thư lại muốn rời bỏ nơi đó để đi. Thư bỏ qua ba cơ quan khác nhau. Đơn giản nơi nào làm cho Thư thất vọng Thư đều muốn bỏ. Thư không phải là tuýp người cam chịu. Nếu thấy cần thiết phải ra đi để hằng ngày không phải đến, gặp những mặt người hiểm ác, những nụ cười giả dối, ứng xử với trăm ngàn mưu kế đang thập thò xung quanh, thì Thư quay đi ngay lập tức.

 

Mỗi một lần chuyển cơ quan để đi, Thư lại ào về tìm tôi. Hai đứa treo mình nơi gốc bần già… Lần cuối gặp nhau, Thư ngồi ráo hoảnh, mắt nhìn mà không nhìn đi đâu cả. Mặt Thư trôi trên mặt sông dờ dạt nước. Thường thì nếu thất vọng ở cơ quan, hay công việc, hay cãi nhau với sếp, bao giờ Thư cũng đỏ bừng bừng mặt kể cho tôi nghe và kèm theo một câu chửi thề cho xả tức. Thư xối xả kể lể, xối xả chửi, xối xả vặt trái bần ném bùm bùm xuống lòng sông.

 

Sau rốt, Thư thừ người ra: "Thư chuyển việc thôi Quân. Thư chán ở đó lắm rồi". Nhưng có một lần, mặt Thư vô hồn, hai mắt ráo hoảnh. Thư tìm tôi. Hai đứa ngồi cạnh nhau rồi mà mặt Thư vẫn như đang trôi ở đâu, phập phù trong dòng nước lợt lạt bàng bạc ở bên dưới chỗ chúng tôi ngồi. Tôi im lặng. Kệ thôi, cứ để mặc Thư tan hoang như vậy. Nhưng lần ấy, tôi thấy Thư lạ lắm, Thư mở to mắt nhìn mà không nhìn. Từ trong đáy mắt trong veo, những giọt nước mắt lăn ra khỏi tròng mắt ầng ậng nước rơi búng xuống mặt sông làm cả hai đứa giật mình.

 

Tôi hỏi Thư: "Thư khóc đấy à". Thư choàng tỉnh. "Việc quái gì mà khóc được chứ". Rồi Thư cười lạnh lẽo. "Em chuyển sang thành phố khác sống thôi. Ở cái thành phố ngập những xác ma này, em thấy mình sắp chết chìm". Thư không nói hết chuyện nhưng tôi biết, hẳn Thư đang gặp phải nỗi buồn lớn lắm… Thư không bao giờ than thở với tôi những khó khăn. Cả trong chuyện đổ vỡ tình cảm Thư cũng không bao giờ hé răng.

 

Tôi chỉ biết, hễ có thời gian rảnh, Thư chạy về quê thăm bà nội và tìm tôi. Lúc vui nhất hay buồn nhất cô ấy đều đến, tựa vào tôi như để tìm lại mùi bùn non nơi đáy sông, tìm lại mùi bùn ngấu nơi mặt ruộng. Cô ấy cần có mùi bùn, có hơi lúa có mùi của cánh đồng rơm rạ để bình tâm sau một chuỗi ngày chạy trên phố. Lần ấy, khi chứng kiến cái kiểu khóc quái đản mà Thư khẳng định không phải là khóc, không việc gì phải khóc ấy của Thư, mãi sau tôi mới biết Thư vừa trải qua những cảm giác thất vọng khủng khiếp.

 

Thư bỏ nơi làm việc cũ, bỏ thành phố mình đang sống để chuyển đi thành phố khác là bởi Thư không chịu nổi miệng tiếng thế gian của một tuyệt chiêu giết người bằng thủ đoạn tung tin đồn của một đồng nghiệp vốn ghen ăn tức ở. Thư xinh đẹp, Thư giỏi giang, những gì Thư cố gắng để đạt được đều bị cho rằng, bồ với sếp là thủ trưởng cơ quan mới được thế. Người yêu của Thư cũng vì không vượt qua được dư luận mà bỏ rơi Thư giữa bủa vây tin đồn ác ý.

 

Khinh bỉ và mệt mỏi, và hẳn là cả đau đớn nữa, Thư rời bỏ thành phố đang sống để đi. Tôi chưa bao giờ thấy Thư thực khóc kể cả khi như vừa xong, nước mắt nặng trĩu lăn lăn trên má Thư kia kìa. Hẳn như thể những giọt nước mắt rơi vỡ từ gương mặt trống hoang kia không phải của Thư. Như thể là thứ bất khả kháng, nó tồn tại trong bản thể Thư như một quán tính. Nó là những giọt nước mắt vô tri Thư không bận tâm.

 

Tôi hỏi lần này Thư đi đâu. Thư cười. "Lại chạy trốn cái thành phố này thôi. Muốn đi đâu cũng được miễn là rời bỏ nơi Thư đang ở… Chắc Thư sẽ đi xa hơn Quân ạ. Thư đi xa hơn để khỏi phải nhìn thấy những mặt người tởm lợm mỗi ngày nhân cơ hội vẫn đưa Thư ra làm mồi nhậu ở cơ quan". Bất kỳ nơi nào có nhiều lũ kền kền thối tha thích nhậu những đứa con gái xinh đẹp thông minh nhưng đầy tổn thương như Thư, thì chắc chắn nơi đó không phải là mảnh đất lành cho Thư neo đậu. Thư nói: "Đi chứ! Bỏ lại mọi thứ vừa gây dựng thì có làm sao. Cuộc sống là của Thư, không ai sống hộ Thư cả. Chỉ có mỗi một lần để sống hết cái cuộc đời này, sao phải chịu đựng. Nếu ký ức không vui thì cứ việc xóa nó đi và viết lại ký ức khác".

 

Lạ là tôi chưa bao giờ nói với Thư đừng đi đâu. Mỗi một lần Thư phải trốn chạy một nơi chốn nhỏ, tôi biết Thư sẽ khóc. Cũng có thể do số mệnh vận vào, hay do cái đời hồng nhan của Thư phải thế. Tôi không bao giờ hỏi về chuyện tình cảm của Thư. Thư cũng chẳng bao giờ chia sẻ với tôi… Giữa chúng tôi mỗi lần gặp nhau chỉ có tuyệt đối hai đứa. Thư nói nhiều, blabala cười, hay khóc khô trong mắt thì tôi vẫn hiểu sau đó Thư sẽ lại vui hơn, lại hít đầy lồng ngực mùi bùn non, lại hăm hở khoác ba lô lên và đi về một miền đất mới sau khi đã cùng tôi xóa đi một ký ức không hạnh phúc.

 

Tôi như một thằng câm, mù lòa giúp Thư xóa những phần đời không vui Thư vừa đi qua. Lẽ ra việc tôi phải làm với Thư là ngăn bớt những đổ vỡ, những mất mát trong cái đời sống nghiệt ngã mà Thư đang sống. Lẽ ra tôi phải nhóm lên thứ hạnh phúc bình dị vững chãi của tôi trong Thư chứ không phải đồng lõa xóa thất vọng rồi chạy theo Thư để hy vọng. Chẳng lẽ cả tôi và Thư sẽ đi tìm hy vọng cho tới cùng trời cuối đất sao. Tại sao tôi lại cứ giúp Thư xách ba lô lên và chạy… chạy… chạy, tìm… tìm… tìm… cho tới cùng trời cuối đất. Nhưng tôi đã không thể giúp Thư được bởi ngay cả chính tôi, tôi cũng không lý giải nổi vì sao tôi lại đánh mất mình.

 

***

 

Chiều nay, nhìn dáng Thư đứng cô độc bên bến sông, linh hồn tôi như tan chảy. Ước gì trong cái đời sống vui tươi náo động hỗn mang đang diễn ra từng ngày kia Thư không bao giờ phải tất tả tách ra khỏi dòng chảy ấy để đi tìm tôi. Ước gì tôi không bao giờ còn phải gặp Thư nữa. Và trong những cuộc kiếm tìm của Thư, tôi không còn trong thói quen trí nhớ của Thư.

 

Thư nói với tôi: "Trở về tìm Quân, Thư nghiện, không bỏ được, không dứt được cái mùi vị hoang thú chỉ ở đây mới có. Thư muốn rít cho thật lâu, thật dài thật đặc cái mùi Thư cần để khỏe lại rồi lại khoác ba lô ra thành phố và chạy tiếp. Đừng giận Thư. Ở đâu đó trong đời sống hỗn mang này phải có một chỗ bình an cho Thư chứ. Phải có ai đó đợi Thư và sẵn lòng với Thư chứ".

 

Chiều nay Thư ghé qua nhà u tôi, đặt mấy bông hoa cúc dại màu trắng lên bàn cho tôi rồi lủi thủi ra gốc bần già năm xưa. Gốc bần nay đã già lắm, còn trơ lại mỗi cái thân già như băng ghế dài đã chết mục từ lâu. Tua tủa trên thân gốc bần già ấy, bao nhiêu ngọn lá non đã xòe xanh, vươn lan ra mặt sông biêng biếc. Thư ngồi trên gốc bần già, hai chân xõa xuống nước vô định. "Quân ơi! Thư lại chạy đi đây…

 

Thư không muốn ở lại cái thành phố này nữa. Quân đừng buồn Thư. Chẳng có người con gái nào muốn chạy mãi trên đường. Quân đừng buồn, Thư hứa đây là lần trốn chạy cuối cùng. Ở một nơi xa nào đó, trái tim Thư sẽ bình yên. Hãy cho Thư được bước ra khỏi cái hiện tại, xóa sạch nó và làm mới lại tất cả Quân nhé". Nước mắt Thư chảy lan theo mu bàn tay rớt xuống mặt sông lạnh lẽo. Con sông quê tôi mùa đông vẫn phả vào xóm làng hơi ấm mù mịt. Thư vẫn liên tục rùng mình mà không nhận ra tôi đang đứng quá gần. Tôi nhìn thấy trên mái tóc khô xác của Thư có những sợi bạc trắng tinh, buồn bã...

 

Tôi ào vào ôm riết lấy Thư. Trên thịt da Thư cơn gai lạnh chạy dọc theo sống lưng lan lên tận đỉnh đầu, bò xuống tới gót chân làm cho Thư liên tục rùng mình. Lần này thì đến lượt tôi khóc. Tôi ôm chặt lấy Thư, hai bàn tay tôi cuống quýt vò vào mái tóc khô xác của Thư. Lần này thì linh hồn tôi khóc thật. Trong cơn đau linh hồn tôi run run khóc. Giá tôi đừng làm cho Thư biết đến nước mắt trong cái ngày tôi đánh mất tôi trên cõi đời này.

 

Thì ra, không phải chỉ mình Thư chạy trốn mà chính tôi cũng đã trốn chạy khỏi Thư, khỏi cái đời sống hỗn mang trong một sự run đẩy của phận số. Giá tôi đủ can đảm để ở lại bên Thư, để nhận lấy cái cuộc đời của Thư thì có phải chúng tôi đã không phải lạc bước tìm nhau trong mênh mang bể đời. Tôi thật tàn nhẫn khi xóa tôi khỏi ký ức của tôi, của Thư mà nào được. Tôi không thể xóa Thư khỏi tôi dù hơn ngàn lần linh hồn tôi đã cầu xin cho Thư được bình an và xóa nốt cái ký ức đáng xóa nhất của Thư là tôi. Tôi ôm chặt Thư vào mình. Linh hồn tôi không đủ mạnh nữa chăng. Da thịt của Thư lạnh lắm, run lắm. Tôi không tìm thấy hơi ấm của Thư đâu nữa. Tôi cuống quýt la lên: "Sao Thư lại đến nỗi này cơ chứ".

 

Từng giọt nước mắt buốt lạnh rơi xuống lòng sông…

 

Chiều muộn. U già của tôi đặt chén nước và đốt nến thơm lên. U thắp nén hương và lẩm bẩm: "Quân! Mẹ thấy con Thư độ này rầu rĩ lắm. Hình như cuộc sống của nó không ổn. Nó dắt hai đứa con chuyển vào Sài Gòn đó. Tội con bé, hồng nhan mà đa truân quá. Mẹ vái lạy mày, khôn thiêng, mày phù hộ cho mẹ con nó trong chuyến đi xa lần này bình an vô sự con nhé. Tao thấy cuối cùng cả hai đứa mày đều khổ quá. Tao thương".

 

Tôi không muốn phải chạy theo Thư nữa. Hãy xóa ký ức đi Thư, một lần cho mãi mãi. Tôi không muốn linh hồn cứ đau mãi thế này. Con người ta liệu có thể xóa nổi ký ức không, ngay cả khi đã chết???.

 

--------

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1