Bài học của bà

25-08-2016
  0   1137
Thấy cô cháu gái 7 tuổi vừa đi học về đã quăng cặp sách xuống sàn nhà, mặt mày cau có. Bà ngoại tiến lại gần và hỏi: “Có chuyện gì khiến cháu bà phiền lòng đến vậy?”. Cô bé liền kể ngay cho bà câu chuyện vừa xảy ra tại trường học.

“Sáng nay, khi đến lớp, cháu mới nhớ ra mình chưa làm bài tập môn văn. Cháu đã mua kẹo cho bạn tổ trưởng. Hai chúng cháu đã cùng nhau ăn kẹo ở canteen rất vui vẻ. Đến khi cháu nói với bạn là cháu chưa làm bài tập môn văn và xin bạn đừng mách với cô giáo thì bạn không nói gì. Đến khi vào lớp, bạn vẫn báo cáo với cô là cháu chưa làm bài tập. Hôm nay, chỉ có mình cháu chưa làm bài nên cháu cảm thấy vô cùng xấu hổ. Sao bạn ấy ngồi cùng bàn với cháu, đã nhận kẹo của cháu, lại không bao che cho cháu. Bạn ấy đúng là xấu tính. Cháu ghét bạn ấy. Từ nay cháu sẽ không bao giờ chơi với bạn ấy nữa.”

Bà nghe xong đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Bà nhẹ nhàng hỏi cô bé:
- Cháu chưa làm bài tập về nhà là đúng hay chưa đúng?

- Dạ, chưa đúng.
- Cháu bắt bạn phải nói dối là đúng hay chưa đúng?

- Dạ, chưa đúng.
- Cháu bắt bạn bao che cho lỗi lầm của mình là đúng hay chưa đúng?

- Dạ, chưa đúng.
- Bạn trung thực, thật thà là đúng hay chưa đúng?

- Dạ, đúng.
 


Bà nghĩ cả cháu và bạn đều không sai nhưng cháu đã có những suy nghĩ chưa đúng về hành động của bạn. Bạn chơi thân với cháu nên chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cháu thôi. Mách với cô chuyện cháu chưa làm bài tập về nhà không phải vì bạn ghét cháu mà vì muốn cháu sẽ chăm chỉ hơn, làm bài tập đầy đủ hơn, như thế sẽ tiến bộ nhanh hơn. Nếu cháu hiểu bạn thì sẽ biết thông cảm và trân trọng bạn hơn vì cháu phải biết rằng, đưa ra quyết định có nên bao che cho cháu hay không chắc hẳn bạn cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều”.

Cháu gái sau khi nghe lời bà nói đã nhận ra lỗi sai của mình. Cố bé cảm thấy cô cùng ân hận vì đã không nghĩ đến cảm nhận của bạn mà chỉ biết đổ lỗi, cáu giận vô cớ. Cuối cùng, cô bé quyết định sáng mai đến trường sẽ nói lời xin lỗi với người bạn thân nhất của mình.
Thế nhưng, khi cô bé vừa đến lớp, ngồi vào chỗ của mình thì đã thấy trong ngăn bàn có một mẩu giấy: “Tớ xin lỗi cậu, lần sau tớ sẽ nghe lời cậu, cậu đừng giận tớ nữa nhé!”

Cô bé mỉm cười thật tươi, quay người ôm chầm lấy người bạn của mình, thủ thỉ: “Người xin lỗi phải là tớ mới đúng, tớ xin lỗi và cũng cảm ơn cậu đã dạy cho tớ một bài học vô cùng ý nghĩa”.

Kể từ đó, hai người bạn trở nên thân thiết hơn, thấu hiểu nhau hơn và thường xuyên giúp đỡ nhau tiến bộ trong học tập.

Trong cuộc sống, ai cũng cần có cái tôi. Nhưng đôi khi, cái tôi quá cao sẽ khiến bạn trở nên ích kỉ, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, không màng đến suy nghĩ của những người xung quanh. Hãy “sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa!

Tác giả: Hồng Quý
Nhóm sản xuất RadioMe: Hiền Lương, Thanh Hòa

Youtube

Facebook Fanpage

1