Bàn chuyện văn hóa xếp hàng ở Việt Nam

05-08-2016
  0   1433


Khi nói đến “Văn hóa xếp hàng”, Đất nước xứ sở hoa anh đào thường được nhắc đến như một quốc gia có truyền thống tốt đẹp này từ rất lâu đời. Chúng ta vẫn còn nhớ, sau vụ thảm họa kép xảy ra năm 2011 tại Nhật Bản, người dân trên toàn thế giới xúc động và cảm phục trước hình ảnh những hàng người kiên nhẫn xếp hàng, chờ đợi đến lượt mình nhận khẩu phần cứu trợ, trong thời khắc khó khăn và thiếu thốn nhất.

Ý thức xếp hàng của người Nhật Bản đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, thể hiện sự văn minh, lịch sự, tiết kiệm thời gian và mang lại sự thoải mái cho con người, mà mỗi dân tộc trên toàn thế giới hiện đang tích cực học tập và phát huy.
 


Những cảnh xô đẩy, chen lấn tại nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bến tàu, bệnh viện và một số nơi khác… diễn ra khá phổ biến. Có vẻ như việc chen lấn, xen ngang vẫn tồn tại và trở thành “nếp quen” của người Việt Nam.

Khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế ngày càng phát triển. Chuyện xếp hàng thời bao cấp đã lùi vào quá khứ. Việc xếp hàng bây giờ không phải vì thiếu, vì nghèo như xưa mà do đám đông cùng có nhu cầu trong một thời điểm nhất định. Lúc đó buộc phải xếp hàng thì mới giải quyết công bằng và hợp lý mọi việc. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc, hỗn loạn và phát sinh nhiều vấn nạn. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được điều đó!

Người dân vẫn chưa ý thức việc cần phải xây dựng văn hóa xếp hàng ở các nơi công cộng. Khi đến những nơi đó, ai cũng muốn mình là người được ưu tiên trước, không phải mất thời gian chờ đợi. Chính tâm lý chung của đám đông đã định hình trong lối mòn suy nghĩ của mỗi người những thói quen không tốt. Ở thời bao cấp, chúng ta đều đã quen với việc phải xếp hàng. Từ việc mua lương thực thực phẩm, trở thành biên chế chính thức tại các cơ quan Nhà nước, đến việc nhập hộ khẩu vào thành phố đều phải xếp hàng tuần tự và theo tiêu chuẩn đặt ra. Thế nhưng, việc xếp hàng đến bây giờ lại bị nhiều người bỏ quên. Chị Nguyễn Thương (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Việc phải bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để kiên nhẫn xếp hàng thì quả thực khó khăn. Do vậy, ai cũng suốt ruột và cảm thấy khó chịu. Chỉ cần một người không xếp hàng, kéo theo hàng loạt người khác tự cho mình cái quyền được chen lấn nên chẳng ai chịu nhường ai cả”.
 

Làm sao chúng ta có thể quên được những cảnh tượng chen lấn chỉ để giành ăn suất sushi miễn phí. Và cuộc đại chiến xấu hổ đến tột cùng khi người dân đổ xô đến công viên nước Hồ Tây để được vui chơi miễn phí. Đó là tất cả những chấm đen loang lổ trong tổng thể bức tranh văn hóa ứng xử của người Việt. Những cảnh tượng kia chỉ là phép thử báo động sự xuống cấp về văn hóa ứng xử, là hồi chuông đánh động lòng xấu hổ trong mỗi con người. Ở nước ngoài, việc xếp hàng diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi là điều dĩ nhiên, nhưng đối với người Việt Nam, chuyện xếp hàng quả thực khó khăn. Dưới con mắt của du khách nước ngoài, khi chứng kiến cảnh tượng chen lấn hãi hùng đó, ắt hẳn họ sẽ có những cái nhìn không mấy thiện cảm. Bởi đôi khi chỉ vì hành vi đơn giản như thế nhưng đủ để người khác đánh giá về sự thiếu văn hóa của mình.
 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) bày tỏ quan điểm về vấn đề này: “Văn hóa xếp hàng bây giờ có không, tôi nghĩ có. Bởi việc xếp hàng chờ đợi một dịch vụ, một cơ hội chắc chắn phải hàm nghĩa một trật tự nhất định được xã hội thừa nhận và điều đó cho thấy hình ảnh một xã hội được tổ chức tốt và yên ổn. Nhưng đáng buồn là văn hóa xếp hàng đó chẳng ra đâu vào đâu cả”.
 
Làm cách nào để xây dựng văn hóa xếp hàng trong cộng đồng, ngoài việc cho rằng do ý thức của người dân còn chưa tốt. Thiết nghĩ, văn hóa xếp hàng phải được dựa trên sự công bằng. Bởi nó là liều thuốc hữu hiệu xóa bỏ sự bất bình trong xã hội. Giả sử, tại một phòng khám bệnh, khi tất cả mọi người đang chờ đợi đến lượt mình được thăm khám thì bỗng nhiên có một bác sĩ, dẫn theo một người bệnh khác đi thẳng vào phòng khám, khỏi cần phải xếp hàng chờ gọi tên mặc cho nhiều con mắt ngỡ ngàng nhìn họ.
 
 
 
Vì thế, văn hóa xếp hàng gần như không tồn tại trong tư duy người Việt cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khi sự công bằng được thực thi trong xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thì chắc chắn niềm tin sẽ trở lại với mọi người. Lúc đó, xây dựng văn hóa xếp hàng trong cộng đồng sẽ chẳng còn là điều khó khăn nữa.
 
Vâng có lẽ phải mất nhiều thời gian để thay đổi thói quen cố hữu, ăn sâu trong suy nghĩ của mọi người. Nhưng dù sao (tên MC) vẫn tin rằng, khi xã hội càng phát triển và hội nhập thì chuyện xếp hàng càng phải được ý thức thực hiện, bởi nó còn thể hiện lối sống hiện đại, văn minh, văn hóa của một đất nước phải không các bạn? Còn bây giờ, thời lượng của chương trình đã hết, hẹn gặp lại các bạn trong các chương trình lần sau.
 

-----------------

• Nguồn: Theo vov.vn
• Thực hiện: Trà My,  Hoàng Dương

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1