Nôi dung chính:
Cuộc sống ngày càng phát triển thì con người lại càng phải đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực. Có những người vượt qua được chúng để tiếp tục cuộc sống nhưng lại có một số người thì lại rơi vào tình trạng bế tắc và dần dần bị dẫn tới trầm cảm. Trầm cảm hiện nay đang là căn bệnh của xã hội hiện đại, có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào tuy nhiên các nhà chuyên môn thấy rằng dường như trầm cảm đang ngày một gia tăng ở người cao tuổi.
Người cao tuổi có thể dễ bị trầm cảm hơn người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia cho biết 10% người cao tuổi ở cộng đồng có các triệu chứng trầm cảm (1 – 2% bị trầm cảm điển hình). Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong các trung tâm điều dưỡng, cô đơn. Bệnh trầm cảm dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như đái đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp.... Các chuyên gia ước tính ở những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể như trên, tỷ lệ bị trầm cảm có thể lên 20 – 35%.
Những biểu hiện trầm cảm ở người cao tuổi tương đối phức tạp, thường thấy nhất là mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ đi kèm với quá trình lão hóa. Ngoài ra, họ còn có các biểu hiện khác như xa lánh vợ/chồng, bạn thân, đau ốm liên miên, không hoạt bát, hay thất vọng, giảm trí nhớ, khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình.
Những người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Bên cạnh đó, biểu hiện mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng cũng là triệu chứng ở người cao tuổi khi mắc chứng trầm cảm. Họ thường biểu lộ một cách chung chung sự không thoả mãn về cuộc sống hiện tại, ví dụ: “Tôi chẳng còn có gì để mà trông đợi nữa”.
Như chúng ta đã biết, người cao tuổi bị trầm cảm thường miễn cưỡng phải nói cho người khác nghe họ cảm thấy không được khoẻ. Nhưng nói cho người khác nghe chính là bước đầu tiên để đem lại cảm giác tốt hơn. Tốt nhất là nói cho bác sỹ hoặc một người thân của mình. Đừng âm thầm chịu đựng một mình vì điều đó sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể các triệu chứng khi điều trị. Các biện pháp điều trị trầm cảm hiện nay bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập.
Người cao tuổi rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu quí vị phát hiện người thân mình có những dấu hiệu bị bệnh thì cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được chăm sóc điều trị kịp thời. Thực tế, bệnh trầm cảm có thể được làm dịu đi bằng những can thiệp mang tính cộng đồng. Do vậy, để cải thiện bệnh cho người cao tuổi, những người thân trong gia đình nên tổ chức các cuộc dã ngoại, khuyến khích cao tuổi tự rèn luyện sức khỏe hoặc thường xuyên đưa họ đi thăm hỏi bạn bè, người thân. Những việc này sẽ giúp người bệnh sẽ cảm thấy sinh lực trở lại để làm những công việc mà mình yêu thích, mọi đau đớn và các suy nghĩ bất ổn cũng qua đi và vượt lên tất cả là ý nghĩ, cái nhìn mới mẻ về cuộc sống.
---------
Theo VOV.
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- Đây là 5 tâm thái thường có của những người...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...