Chợ tình cuối mùa xuân - Phần 2

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
21-02-2017
  0   1943

Seo Say vẫn chưa đến. Páo đã bồn chồn sốt ruột, đứng dậy đi tới đi lui. Dưới gốc cây gạo gai một người đàn bà ngồi xòe ô che nắng cho người đàn ông đang nằm bệt xuống cỏ xanh, mặt đỏ lừ vì say rượu. Chỗ cây sồi, lại là bà già mũi tẹt ngồi đối diện với ông già mặc vải sợi thô màu chàm. Bà già khóc giời ạ! Lại còn đưa mảnh pù giáo lên chấm chấm nước mắt nữa kìa. Có điều lạ, thỉnh thoảng bà ta lại len lén nhìn sang chỗ Páo ngồi. Chỗ gốc cây sa mộc mọc đôi, một chàng trai mặc áo vải thô cài khuy ngang màu chàm, quần cạp vấn cũng màu chàm đang phùng má thổi kèn.

 

Chàng trai thổi theo làn điệu dân ca Lu chìa - Khơ chìa để ca ngợi tình yêu lứa đôi. Cô gái trẻ má ửng đỏ hồng màu quả bồ quân, mặc váy lanh trắng đăm đắm mắt nhìn và miệng há to như đang nuốt từng điệu khèn. Đằm thắm và trong sáng quá. Páo tiếc nuối không còn được thổi khèn cho Seo Say nghe nữa. Seo Say đã là thuyền theo lái, gái theo chồng về Lũng Sa rồi. Và Seo Say hôm nay không đến chợ tình. Không đến thì thôi vậy. Páo cũng chả cần. Người ta có nhớ Páo đâu. Con ngựa của Páo chẳng biết mỏi chân hay chồn gối mà gõ móng liên tục. Con ngựa nâu này đã quen con ngựa trắng của Seo Say từ phiên chợ tình năm kia. Đừng bồn chồn gõ móng nữa ngựa nâu ơi. Con ngựa trắng ấy cũng không theo chủ xuống chợ tình. Đừng mong nữa ngựa à, tao cũng không thèm mong nhớ, chờ đợi. Con đường vào cổng chợ chẳng có bóng dáng Seo Say và bóng ngựa. Dứt khoát là Páo không cần. Đường từ dốc Bờm Ngựa kia cũng không có bóng hình Seo Say, đúng là Seo Say không xuống núi, không đi chợ tình rồi...

 

Mặt trời lên đến đỉnh cây sa mộc. Những người đi chợ, đến chợ đã mang cơm nếp ra ăn. Và lác đác người ra về. Páo mong chờ đến sốt ruột. Hay Seo Say giận Páo? Seo Say có việc nhà chồng nên đến muộn? Mẹ chồng Seo Say không cho đi, nhốt trong tường rào đá? Bao nhiêu phỏng đoán dồn dập đến trong đầu Páo. Nhà chồng giàu, nhưng Seo Say đi làm dâu khổ lắm. Sáng lùa dê lên núi và cắt cỏ ngựa gùi về. Chiều cầm dao cầu thái cỏ ngựa trong giá rét bầm tay. Một đống cỏ, hai đống cỏ thái nhỏ mới đầy tàu ngựa tám con ăn.

 

Đêm đến, trong ánh đèn dầu trẩu lờ mờ, hai thớt đá cối xay ngô nặng nề nghiến vào nhau. Bóng Seo Say hắt lên tường nhà trình đất lúc mờ lúc rõ. Xay ngô thường có một người bỏ từ từ vài hạt thôi để cho hai, ba người kéo. Vậy mà Seo Say phải kéo cối xay ngô một mình, chốc chốc dừng lại bỏ vài hạt rồi lại kéo, lại dừng, lại bỏ... Có bột ngô rồi còn phải đồ lên thành mèn mén cho cả nhà ăn thì đêm cũng hết. Bà mẹ chồng không thương Seo Say lại suốt ngày chửi dê, mắng chó, bắt le bắt lét. Đã bao lần Seo Say âm thầm hát Tiếng hát làm dâu. Phiên chợ tình năm ngoái, Seo Say vừa kể vừa hát, giọng ai oán lắm. Páo thương muốn đứt ruột, đứt gan mà không có cách gì bù đắp được, chỉ giận thằng chồng Seo Say sợ mẹ, sao lại để vợ khổ thế.

 

Chợ đang tan. Nhiều cặp trai gái chia tay nhau. Dùng dằng. Lưu luyến. Hẹn hò. Páo thấy mình thừa ra. Tủi quá. Đúng lúc ấy, con ngựa trắng nhà Seo Say xuất hiện. Đúng lúc ấy, cái bà già vấn khăn tròn xếp ba màu, mũi tẹt, đứng lù lù trước mặt Páo. Có chuyện rồi, Páo thoáng nghĩ trong đầu. Lúc này bà già cũng đỏ bừng mặt vì rượu, bảo:

 

- Tao thấy mày ăn một mình, uống một mình. Tội quá.

 

- Cái số tôi lẻ bạn tình. Đành chịu thôi.

 

- Páo à. Tao biết mày đi chợ tình để gặp Seo Say.

 

- Bà biết tôi?

 

- Ờ. Tao thấy mày ngồi với con Seo Say nhà tao ở gốc cây sa mộc này từ phiên chợ tình năm ngoái, năm kia rồi. Hôm nay, tao định về luôn, nhưng nhìn mày ngồi chầy chầy ở đây đợi Seo Say cả ngày không thấy. Tội quá. Tao đi không đành.

 

- Bà là...

 

- Là mẹ chồng Seo Say. Tao nói mày đừng buồn. Seo Say không còn nữa đâu, nó chết rồi.

 

- Chết rồi...ồi!

 

Seo Say chết rồi. Bà già nói phũ quá. Như có tiếng sét đánh ngang tai giữa trời quang mây tạnh. Đột ngột quá. Páo không muốn tin người mà Páo mong đợi suốt ngày ở chợ tình, chờ suốt năm nay lại chết.

 

- Cũng là tại tao thôi, Páo à. Mày đừng đau đớn quá.

 

 

Như dòng sông Nho Quế chảy ngược, mẹ chồng lại đi an ủi người tình cũ của con dâu. Páo đã định thần lại:

 

- Bà kể đi. Tôi chịu được nỗi đau này.

 

Và câu chuyện mẹ chồng Seo Say kể: Seo Say đến ngày đẻ. Tao không cho nó đi bệnh viện. Bệnh viện ở xa quá mà người Mông ta từ xa xưa vẫn tự đẻ trong nhà. Đẻ thì đi gọi bà đỡ vườn, nấu một nồi nước lá thơm và cấm thằng chồng, cấm đàn ông đàn ang không được ngó ngàng là xong. Có người còn tự một mình vượt cạn được ở ngoài nương cơ mà. Đẻ đối với đàn bà người Mông cũng dễ dàng, đơn giản, tự nhiên như con ngựa, con trâu, con dê vẫn thường đẻ có sao đâu. Tao nghĩ như thế, người Mông quê ta nghĩ như thế.

 

Con Seo Say đẻ xong, mẹ tròn con vuông. Con trai nhá, đỏ hon hỏn. Mừng quá. Nhưng khổ thân con Seo Say, bà vườn lấy cật nứa cắt rốn thằng bé rồi mà nhau vẫn không chịu ra, nhau gái đẻ bị cầm tù trong bụng Seo Say. Nửa đêm đến sáng, từ sáng đến trưa con Seo Say vẫn nhăn nhó, đau đớn. Vậy là con ma nó không cho cái nhau ra. Phải cúng thôi. Tao cho người đi mời thầy mo. Thầy mo bắt con Seo Say ngồi trên chõng tre, hai chân dạng ra đặt trên hai ông đồ nhau. Thầy mo cởi dây giày vải, một đầu buộc vào cái núm nhau đang thò lò ra giữa hai háng con gái đẻ, một đầu dây buộc vào viên sỏi nhỏ màu trắng có dán lá bùa. Viên sỏi trắng loay xoay rồi đung đưa, đung đưa. Khổ thân con gái đẻ cứ dạng chân mãi thế. Trong buồng thì thằng bé không được bú mẹ khóc.

 

Ngoài sân, thầy mo thắp hương, bày gà luộc, xôi nếp, giấy xanh, đỏ, tím, vàng hò hét cúng ma. Thầy nhảy múa nhiều quá, hò hét đuổi ma nhiều quá, thầy vã mồ hôi. Thầy cúng một bài cái nhau vẫn không ra, thầy cũng ba bốn bài, cái nhau cũng không ra. Máu ri rỉ chảy ra nhiều quá, đỏ sũng hai bên đùi con gái đẻ. Thầy mo bèn thay viên sỏi bằng cái giày vải thầy đang đi. Vậy là một đầu dây buộc vào cái giày vải dán mảnh bùa, một đầu dây vẫn buộc nguyên vào cái núm nhau thai đang thò lò ra đấy. Thầy mo thả cái giày vải khỏi tay thầy thì con Seo Say giật thót người, mắt trợn ngược lên. Hai chân nó mềm ấm đang dạng ra bỗng cứng đờ. Cái giày vải cũng loay xoay rồi đung đưa, đung đưa. Thế rồi, đánh ục một cái, máu xối ra chảy tưới xuống hai đùi và con Seo Say nằm gục xuống bất tỉnh...

 

Cao nguyên đá câm lặng. Trời đất cũng câm lặng. Đá chất chồng đá. Tối tăm. Hoang sơ. Páo thấy người Mông quê Páo đang vùng vẫy thoát khỏi vòng vây điệp trùng, vạn vạn năm rồi của đá. Cái chết, một trong những điều hệ trọng nhất của con người mà đá cũng ngăn cách bủa vây để người ta không biết, không đến được với nhau. Páo muốn hét lên, gào lên một tiếng mà Páo không há miệng được. Cái hăm hở, náo nức, sự chờ đợi, chuẩn bị suốt một năm cho cuộc gặp một ngày này của Páo trở thành nỗi thất vọng cô đơn đến khôn cùng trong buổi chiều tan chợ.

 

Chiều tối đổ ập xuống. Páo sợ. Páo thấy cô đơn kinh khủng. Bóng tối của buổi chiều tan chợ sập xuống là cũng sập luôn niềm hạnh phúc, hy vọng mong manh cả một năm mong gặp bạn tình chỉ một lần. Phiên chợ này là phiên chợ tình cuối cùng của Páo rồi.

 

Bà già mũi tẹt, mẹ chồng Seo Say đã rời khỏi gốc cây sa mộc. Bà ta đang ngồi ngất nghểu trên lưng ngựa trắng đi về Lũng Sa. Bà mẹ chồng đang lẩm bẩm những lời ca trong Tiếng hát làm dâu. Đầu bà hơi cui cúi. Bóng núi đổ dài trùm lên bà mẹ chồng và con ngựa trắng. Tiếng hát làm dâu và chợ tình cuối mùa xuân; đâu là tối tăm, u mê, đâu là trữ tình, lãng mạn?

 

Chỉ còn Páo và cái chợ không người. Páo lững thững dắt ngựa đến cổng đá góc chợ phía Đông. Lỷ đang chờ Páo ở đó.

 

Sương núi xuống sớm lành lạnh. Páo nằm vắt mình trên lưng ngựa. Lỷ đi bộ cầm cương dắt ngựa nâu về nhà. Tay Lỷ cầm ô che sương núi cho chồng. Lúc tỉnh, lúc mơ mơ màng màng, Páo vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi ngựa váng vất, ngựa thong thả nện móng xuống con đường ô tô mới mở. Đường nhựa phẳng lì trải dài, quanh co uốn lượn. Đằng trước Páo, đằng sau Páo, có rất nhiều chàng trai Mông đi chợ tình về, mặt đỏ bừng vì rượu ngô cũng nằm vắt trên mình ngựa. Bên cạnh họ là những người vợ hết mực thương yêu chồng, đang nhẫn nại, lặng lẽ, kiêu hãnh xòe ô che gió, nắng cho chồng.

 

------------

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1