Chuyện đau lòng sau lời nguyền loạt tranh cậu bé khóc
15-07-2016
0
983
Câu chuyện thực của loạt tranh The Crying Boys đã được làm sáng tỏ từ vài năm trước, lật bức màn bí mật mà người đời vẫn tự thêu dệt.
Đằng sau loạt tranh The Crying Boys không phải là lời nguyền người đời thêu dệt mà là câu chuyện cảm động về tình người, về sự tổn thương, mất mát, hiểu lầm và nỗi đau thân phận
Bruno Amadio (1911-1981), thường được gọi là Giovanni Bragolin, Bragolin hay J. Bragolin, là một họa sĩ người Italia sinh ra tại Venice và định cư ở Tây Ban Nha. Ông nổi tiếng nhờ loạt tranh miêu tả những em bé trai, bé gái khóc khoảng 65 bức được cho là bắt đầu sáng tác từ năm 1950 gắn với những câu chuyện li kỳ được gọi chung là The Crying Boys.
Có rất nhiều lời đồn đoán chung quanh ý nghĩa và lời nguyền của loạt tranh The Crying Boys với hai thái cực mang đến bất hạnh hay may mắn. Thậm chí người ta kể rằng Bruno Amadio là một ác quỷ đội lốt người đã ngược đãi, làm những đứa trẻ trong trại trẻ mồ côi hoảng sợ vì đám cháy để vẽ được bức tranh và sau đó để mặc lửa thiêu chết những đứa trẻ. Linh hồn của chúng đã trú ngụ trong những bức tranh của loạt The Crying Boys khiến bất cứ trong đám cháy nào, mọi thứ đều bị thiêu rụi, trừ bức tranh. Những bản sao của The Crying Boys còn sử dụng hiệu ứng 3D để gây ra cảm giác rùng rợn nhằm thêu dệt để câu chuyện thêm ma quái, li kỳ không có trong thực tế.
Duy một điều mà công chúng nhận thấy rõ ở loạt tranh The Crying Boys là biểu cảm tuyệt vời của các nhân vật với dòng nước mắt lăn dài trên má. Dù chỉ là một họa sĩ chuyên vẽ tranh bán cho khách du lịch thời hậu chiến Venice nhưng loạt tranh của Bruno Amadio đã cho thấy tài năng đặc biệt của ông. Khoảng 30 bức tranh thuộc loạt The Crying Boys đang được trưng bày ở một viện bảo tàng ở châu Âu. Hàng triệu bản sao của The Crying Boys được lưu hành rộng rãi khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Tây Ban Nha, Anh, Brazil, Hà Lan, Thụy Điển, Croatia, Costa Rica và Thái Lan.
Câu chuyện thực của loạt tranh The Crying Boys đã được làm sáng tỏ từ vài năm trước, lật bức màn bí mật mà người đời vẫn tự thêu dệt. Đó là một ngày nóng nực, oi bức ở Madrid vào năm 1969, khi Bruno Amadio đang mải mê sáng tác trên căn hộ của mình. Từ trên ban công nhìn xuống, ông trông thấy một cậu bé ăn mặc rách rưới đang ngồi bệt trước cửa một quán rượu và không ngừng nức nở. Mặc họa sĩ cất giọng hỏi thăm, an ủi, cậu bé dù nhìn lên nhưng vẫn thổn thức và không trả lời. Động lòng thương xót, Bruno Amadio đích thân đi xuống, đưa cậu bé lên phòng vẽ, cho ăn uống tử tế và sau đó vẽ chân dung của cậu.
Sau lần ấy, cậu bé tội nghiệp còn nhiều lần ghé thăm vị họa sĩ tốt bụng, nhưng bao giờ cũng vậy, đôi mắt cậu không ngừng ứa lệ và luôn câm lặng không thốt nên một lời nào. Một thời gian sau lần gặp gỡ cậu bé lần đầu tiên, một số linh mục trong vùng ghé thăm tư gia Bruno Amadio và bày tỏ nỗi lo lắng và kinh hãi. Họ nói với ông rằng tên của cậu bé là Don Bonillo, chứng kiến cha mẹ bị thiêu sống trong vụ cháy nhà, cậu bé đã bỏ chạy và trốn biệt. Các linh mục khẩn khoản khuyên Bruno Amadio không nên chứa chấp, giúp đỡ cậu bé này vì kể từ sau thảm họa kinh hoàng của gia đình, hễ bất cứ nơi đâu cậu bé xuất hiện, các đám cháy bí ẩn bỗng tự động xảy ra. Họa sĩ người Italia đã vô cùng kinh ngạc và xót xa khi chính những con chiên ngoan đạo chuyên truyền giảng ý Chúa lại đi xúi bẩy ông nên quay lưng lại với đứa trẻ mồ côi tổn thương, tội nghiệp. Bất chấp những lời cảnh báo, Bruno Amadio vẫn tiếp tục thương yêu, đùm bọc cậu bé Don Bonillo.
Lòng nhân ái vô bờ bến của Bruno Amadio cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Nhờ loạt tranh The Crying Boys và sức ảnh hưởng của những bản sao, ông nổi tiếng khắp châu Âu và cũng trở nên giàu có. Họa sĩ và gia đình sống vô cùng thoải mái nhờ lợi tức từ việc bán tranh. Tưởng rằng cuộc sống sẽ êm đềm mãi thế cho đến một ngày trở về nhà sau một cuộc triển lãm, Bruno Amadio kinh hoàng khi nhận thấy cả căn nhà và phòng vẽ của mình đã bị thiêu rụi, không còn dấu vết nào của một đời sống sung túc. Những người chung quanh đều nói rằng Bruno Amadio lâu nay đã nuôi ong tay áo và chỉ đích danh rằng không ai khác mà chính cậu bé Don Bonillo là thủ phạm. Quá tức giận, vị họa sĩ nổi tiếng buộc tội Don Bonillo. Nước mắt không ngừng tuôn rơi, cậu bé mồ côi bỏ đi và từ đó không ai nhìn thấy cậu nữa.
Cho tới một ngày bình thường vào năm 1976, trên các kênh tin tức đưa tin về một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp ở vùng ngoại ô của Barcelona. Theo đó, chiếc xe hơi đã lao thẳng vào một bức tường và biến thành một quả cầu lửa thiêu rụi chủ nhân. Bên trong đống đổ nát, xác chết của người lái xe không còn nhận dạng nổi. Trên tấm giấy phép lái xe trong ngăn chứa đồ đã bị cháy một phần có thông tin người lái xe là một thanh niên 19 tuổi, tên Don Bonillo.
----------------
Nguồn:Topplus
Thực hiện: Phương Thảo, Thu Hương
Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.
----------------
Nguồn:Topplus
Thực hiện: Phương Thảo, Thu Hương
Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...