Diệu kỳ que kẹo bông

29-07-2016
  0   383
Xa rời ngưỡng cửa tuổi thơ vụng dại, những người đang lớn thường có một ước mong tha thiết rằng “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Tuổi thơ – miền kí ức mộng mơ chất chứa bao kỉ niệm trong trẻo, thuần khiết. Ai cũng muốn được thêm một lần sống lại những cảm giác tuyệt vời ấy. Là những lần trốn ngủ trưa, đội nắng chang chang hái trộm ổi nhà hàng xóm. Là những lần tắm mưa cùng lũ bạn “nhất quỷ nhì ma”, đêm về trán nóng ran mà lần sau mưa rào rào vẫn lẻn mẹ đi tắm tiếp. Là những lần gom đôi dép mất quai, vỏ lon bia cũ đổi lấy que kẹo bông bồng bềnh như mây trời, háo hức gọi đó là tặng phẩm từ xứ sở thần tiên…
 
Để rồi khi những cô cậu bé ngày nào vẫy tay tạm biệt ngôi nhà thân thuộc, hành trang gói trong ba lô của những người đang lớn ngoài giấc mơ chinh phục những miền đất mới, còn là hàng nghìn, hàng vạn những mảnh kí ức rực rỡ sắc màu về một tuổi thơ đã xa. Những tiếng gọi từ trong tiềm thức, những nỗi nhớ da diết mãi không quên. Ôi nhớ quá tuổi thơ, cho tôi xin một vé về lại tuổi thơ để tôi mua cho mình những que kẹo bông diệu kỳ thuở hồn nhiên nhảy chân sáo tung tăng, la cà…

Thời mà người ta vẫn còn học những cuốn sách giáo khoa chương trình cũ, chưa cải cách, kích thước sách chỉ bằng quyển vở ô li loại nhỏ, tôi còn nhớ trong môn Tiếng Việt, chúng tôi được học hai câu thơ:
 
“Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng”.
 
Bọn học trò quê tôi đã “chế lại” những vần thơ mang hình ảnh lao động của bác Ngô Văn Phú thành câu hát thơm nức hương vị... quà vặt như thế này:
 
“Học trò má đỏ hây hây
Ăn kẹo như thể ăn mây trên trời”.
 
Tuổi thơ mộng mơ của chúng tôi lớn dần cùng những cây kẹo bông ngọt lịm, trông hệt mây trời. Chứa trên chiếc xe bán hàng dạo vẫn đạp đều đều qua con đường làng phủ kín rơm phơi. Tiếng rao “Ai kẹo bông đây, ai kẹo bông này...” len vào cả những ngõ nhỏ ngủ quên trong mùa xoan tím.
 
 

Chiếc xe đạp của ông bán kẹo bông già tựa như cỗ xe bí ngô bước ra từ cổ tích. Nói như vậy thật sự không sai vì quy trình cho ra lò một cây kẹo bông trong suy nghĩ trẻ thơ hồi ấy ẩn chứa những bí mật màu nhiệm. Trong chiếc thùng gỗ đặt phía sau yên xe đạp là cả một thế giới thần tiên mà chúng tôi có khám phá bao nhiêu lần cũng không hề biết chán. Bằng một vài động tác thần bí kết thúc bằng việc đưa một que tre mảnh khảnh xoay tròn quanh thùng gỗ mà khi ấy chúng tôi vẫn truyền tai nhau đó là cây đũa phép, những que kẹo bông hồng rực rỡ, trắng tinh khôi đã có mặt trên bàn tay bé xíu đầy mong đợi của chúng tôi.
 
Khi lớn lên, tôi đã có đủ kiến thức lẫn hiểu biết để giải thích chính xác cách làm một que kẹo bông. Trong chiếc thùng gỗ có đặt một dụng cụ đặc biệt để làm kẹo. Bản chất của kẹo bông do đường kéo sợi tạo thành. Chiếc máy kia có nhiệm vụ xay những viên đường màu trắng, màu hồng trở nên vỡ vụn, sau đó kéo thành sợi tơ mỏng óng ánh. Nhờ lực li tâm của vòng tròn máy quay mà ta lia que tre xoay quanh miệng của thùng gỗ. Tầng tầng lớp lớp đường kéo sợi kết dính thành cây kẹo bông có thanh tre nhỏ vót nhọn làm cán cầm.
 
Ông bán hàng nào “kinh doanh” tấp nập thì dụng cụ làm kẹo bông được kết nối bằng bình ắc quy loại nhỏ, chỉ cần bấm công tắc là “bộ máy sản xuất” vận hành. Còn ông bán hàng nào “kinh doanh” chưa phát đạt thì dùng chính chiếc bàn đạp đơn giản để “bộ máy sản xuất” được khởi động trơn tru.
 
Dù sau này, chúng tôi đã đủ khôn lớn để nhận ra những chiếc kẹo bông được làm ra dựa trên nguyên lí khoa học, chứ không phải phép màu cổ tích nào đó. Nhưng chắc hẳn trong tiềm thức ấu thơ tươi đẹp của mỗi người, chúng tôi vẫn thầm tin những que kẹo bông diệu kì là món quà mà bà tiên ban tặng cho những đứa trẻ ngoan.
 
Tôi nhớ hồi ấy giá của một cây kẹo bông rất rẻ, chỉ từ 500 đồng đến 1000 đồng. Ông bán hàng còn cho phép chúng tôi đổi dép cũ, vỏ lon bia lấy kẹo bông. Hình thức trao đổi này đã ngầm biến chúng tôi thành những cô cậu bé có ý thức gom đồ phế liệu trong nhà, góp phần vào công cuộc tái sử dụng những vật phẩm vẫn bị coi là rác vô dụng.
 
Giờ đây, tôi đã trở thành một cô sinh viên năm nhất. Tạm biệt làng quê thân thương, tôi gói hành trang lên thành phố trọ học. Giữa một Hà Nội bận rộn, náo nức và xa lạ, tôi miên man một nỗi nhớ quê da diết. Thiếu vắng gia đình, xa rời tuổi thơ, tôi biết mình phải dần thích nghi với con đường trưởng thành. Khi những kỉ niệm xưa cũ chỉ còn là thước phim chạy qua tâm trí, tôi bồi hồi lẩm nhẩm những câu hát mình đã từng “chế lại”:
 
“Học trò má đỏ hây hây
Ăn kẹo như thể ăn mây trên trời”.
 
Và tôi như vỡ òa nức nở trong giây phút xúc động khi nhìn thấy những chiếc xe đạp bán kẹo bông đang đỗ lại ven Hồ Gươm cổ kính. Những que kẹo bông như mây hồng, mây trắng đầy ắp trên tay những cô cậu nhóc người nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Một làn sương mỏng mặn mặn đọng thành nước mắt. Tôi thấy lại những hình ảnh quen thuộc thưở nào, tôi cùng bạn bè háo hức kiễng đôi chân nhỏ xinh lên chiếc thùng gỗ, ti hí mắt chăm chú quan sát phép màu diệu kì do ông tiên bán kẹo niệm chú.
 
Xã hội có hiện đại đến mấy, người ta vẫn cố gắng gìn giữ những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt. Và các bạn của tôi ơi, đừng bao giờ nghĩ rằng tuổi thơ sẽ nói lời chào từ biệt khi ta đã lớn. Cất giữ tuổi thơ trong veo trong ngăn kí ức ấm nồng, tuổi thơ sẽ mãi đi theo bạn, dù bạn đang ở đâu. Rồi bạn cũng như tôi, dù đã đi qua cái tuổi bé bỏng, hồn nhiên đến ngây ngô, chúng ta vẫn có thể trông thấy những que kẹo bông trôi bềnh ngay trên bầu trời Thu Hà Nội xanh ngắt. Đó không đơn thuần là hình dung tưởng tượng, bởi vì chính niềm trân trọng tuổi thơ là cây cầu vĩnh hằng nối dài kí ức xa xôi xích lại gần hiện tại trưởng thành.
 
 
Mỗi người đều lưu giữ những khoảnh khắc riêng biệt đã từng tạo ấn tượng mạnh mẽ cho mình. Với tôi, đó là những que kẹo bông diệu kỳ, còn với bạn, bạn nhớ nhất món quà nào của tuổi thơ? Dù những kí ức của chúng ta khác nhau, nhưng chúng ta đều giống nhau ở những xúc cảm rung động, tâm thế trân trọng và ước muốn ôm ấp mãi kho tàng kí ức đẹp đẽ.
 
Hãy đừng nói lời vĩnh biệt với tuổi thơ khi bạn đã lớn, hãy chỉ nói lời tạm biệt, vì biết đâu cuộc sống này vẫn tồn tại chiếc vé trở về tuổi thơ hay nói đúng hơn, khi trong tim bạn có một bến đỗ thì bất kì dòng kí ức tuổi thơ nào cũng sẵn sàng đậu lại nơi tâm hồn bạn.


Tác giả: Đỗ Diễm Hằng Minh
Biên tập hậu kỳ: Thanh Hòa

Youtube

Facebook Fanpage

1