Đôi bờ sông Ngàn - Phần 2

05-12-2016
  0   1343

Đêm trăng êm đềm tựa bức tranh thủy mặc, dòng sông Ngàn óng ánh dát vàng chẳng khác thân mãng xà quanh co. Dưới bến, những con đò đã gác mái, dập dềnh say sưa ngủ. Gió mát quá, hàng cây đôi bờ trở mình thức giấc hưởng ứng xạc xào hát. Thi chèo thuyền ra giữa sông rồi thả trôi theo dòng nước. Ngồi cạnh Thi, Nhi thấy anh thật chân thành, cô hạnh phúc vì có anh. Nhi sẽ phá bỏ rào cản lễ giáo gia phong, cô nguyện sẽ theo Thi suốt cuộc đời.

 

Con thuyền tự do trôi dạt, tiếng gió rào rào xô con nước vỗ vào bờ đất ràm rạp. Bầu trời như được đẩy lên thật cao, không gian rộng mãi ra khiến đôi uyên ương bé nhỏ lại. Thi lái con thuyền hướng về doi cát giữa sông, nơi có căn lều tạm và cây cỏ um tùm. Thi ngồi cạnh, mắt âu yếm nhìn cô gái. Nhi im lặng hướng về xa xăm, cô hồi hộp, trống ngực đập rộn rã.


Nhi không nhớ anh Thi đang nói gì, một lát cô thấy anh đưa cây sáo lên môi. Tiếng sáo làm cô bồi hồi, ký ức xa xưa vọng về, Nhi nhớ bà. Từ ngày bà mất, đây là lần đầu tiên cô lại được nghe tiếng sáo ngay bên tai. Nó du dương, ấm áp, cảm giác bồng bềnh trong trẻo khỏe khoắn theo từng nốt nhạc…“Thuyền là thuyền ai lơ lửng mà bên í ì kia sông. Có lòng là đợi khách í ơ hay à không í ơ hỡi à thuyền. Vì anh đây í a nhớ bạn, vì anh đây í a đợi bạn …”. Nhi buột miệng: “Anh thổi bài Đêm qua nhớ bạn đi”. Thi ngạc nhiên: “Sao em biết bài đó”. “Dạ, em nghe bà ngoại. Bà em thổi sáo và hát hay lắm”.

 

Thi lại thổi. Nhi nhẩn nha hát theo:“Đêm í hôm qua, mình tôi nhớ bạn a lính, a lính tình tang, này a có a tôi buồn …”. Nhi ngồi cạnh Thi mỗi lúc một gần. Cảm giác âm ấm từ cơ thể người con trai khiến cô xao xuyến, gió mỗi lúc một mạnh hơn ùa vào mái tranh khiến tóc anh bồng bềnh. Trăng đã lên cao soi rõ từng viên sỏi trên lối đi, tứ bề vằng vặc đẫm ướt ánh trăng. Dưới sông, con nước hiền hòa miệt mài chảy.
 

Ánh trăng chênh chếch, cả căn chòi sáng bừng lên. Thúy Nhi chợt thấy anh Thi thật đẹp trai, cánh tay rắn chắc điều khiển cây sáo theo khúc nhạc uyển chuyển, điêu luyện. Nhi thấy một anh Thi hoàn toàn khác, không giống với anh Thi “mủng” vất vả xuôi ngược với tấm lưới bắt từng cái tép con tôm. Trước mắt cô là một nghệ sỹ đang sống hết mình với nghệ thuật. Bỗng tiếng sáo im lặng. Không biết tự bao giờ, Nhi nằm trọn trong vòng tay của Thi. Bất giác chiếc cúc ngực bật ra, Nhi nhắm nghiền mắt chờ đợi.

 

Trong ánh trăng, Thi chợt nhận ra một vẻ đẹp thánh thiện từ cô gái. Nhi thật ngây thơ trong trắng. Nhi đúng là cô gái của ngày xưa. Thoáng chốc Thi chợt nhớ tới những lời tâm sự của Nhi, tới căn nhà ba tầng bên kia thị trấn, nơi đó là một gia đình quyền quý, có người đàn ông cực đoan đến hà khắc. Đời anh vấp váp nhiều, anh rất hiểu cái giá phải trả cho mọi hành động sai lầm. Giờ đây trong tay anh một trái cấm, nhưng Thi không thể … Thi cúi xuống, Thi đã đặt lên trán Nhi một nụ hôn.

 

Đôi bờ sông Ngàn


 

Nhi nghe bên tai tiếng anh thầm thì: “Tiếng sáo hay nhất vẫn là từ cuộc sống hiện tại. Anh tiếc là không thể cho em được tiếng sáo ấy. Đêm nay anh chỉ có thể tặng em bản tình ca độc tấu sáo”. Nhi hụt hẫng, nhưng khát vọng yêu thương làm cô dạn dĩ, Nhi say đắm ôm anh thật chặt, áp đầu mình vào bộ ngực vạm vỡ của người con trai hàng chài.
 

Anh dắt cô về phía đầu doi cát, dưới ánh trăng dần dần hiện ra một rừng lau lách đang xạc xào trong gió, cả hai cùng ngồi xuống. Thi hiểu tâm trạng của cô và anh lại đưa cây sáo lên thổi. Tiếng sáo nghĩa tình sâu lặng khiến Nhi nhớ về câu chuyện của bà thời thanh xuân, và đó cũng là câu chuyện duy nhất bà kể mà Nhi nhớ được tiếng sáo của bà trong chiến tranh. Đó là buổi chiều khốc liệt của trận đánh, đơn vị bà tới biểu diễn hy sinh gần hết chỉ còn đồng chí giao liên Ninh bị thương rất nặng. Khi tiếng súng đã ngớt, bà cố gắng đưa người chiến sĩ ấy rời trận địa nhưng Ninh bảo: “Đừng, đừng đưa đi đâu cả, tôi không qua nổi đâu”. Rồi cố gượng nắm tay cô văn công thều thào: “Chị ơi, sáo, chị thổi đi”.

Bất giác đổ hai hàng lệ, bà vội lục ba lô, kỳ lạ thay, cây sáo vẫn còn nguyên. Trong không gian sầu thảm vương đầy tử khí, bốn bề khói cuộn nghi ngút, tiếng sáo cất lên. Đất trời dịu lại, bên sông những con sóng cũng thôi đánh vào bờ, mấy con quạ đang quàng quạc đâu đó bỗng im đi. Cả vạt rừng nén cơn đau bom đạn lặng lẽ chìm trong tiếng sáo.

 

Người nghệ sĩ điều khiển cả không gian cùng hòa một bản tình ca chiến địa, có tiếng quê hương cùng các làn điệu dân ca tha thiết, có tiếng à ơi mẹ ru con ngủ, và vang vang từng lớp chiến sĩ xung phong. Mặt đất vần vũ, đau thương, căm hờn. Chiều tà nắng dần khuất, từng lớp mây khổng lồ sà thấp xuống mặt đất lởm chởm hố bom. Gương mặt Ninh rạng ngời, đôi mắt trong veo với cái nhìn tha thiết, người chiến sĩ trẻ nở nụ cười mãn nguyện, biết ơn. Bỗng tiếng sáo khựng lại, bà lặng mình nhận ra Ninh đã hi sinh. Bà ôm chặt tấm thân đầy máu và khói đạn nấc lên: “Ninh ơi…!”
 

Quá nửa đêm, Thi đưa Nhi sang bờ thị trấn, họ chia tay trong niềm lưu luyến khôn nguôi. Nhi hy vọng, một ngày nào đó tiếng sáo bên kia sông sẽ sở hữu riêng cô, chỉ có tiếng sáo là hiểu, yêu thương cô, và là động lực giúp Nhi vượt qua vấp váp cuộc đời.

 

(...)

 

------------

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1