Đợi mùa nắng ấm - Phần 1
Chờ ngày nắng lên, chờ mùa nắng ấm để xua tan những ngày đông giá rét, mong ngày mai cuộc sống sẽ đổi thay, có cơm no và áo ấm, số phận những con người ấy sẽ sáng sủa hơn, tươi đẹp hơn.
Páo thấy trong người mệt, bát cơm thứ tư bỏ dở. Dâu cũng chỉ ăn từng ấy bát là no rồi. Dâu dứng dậy trước, rồi đến Páo. Ông Sùng ăn chậm vào cuối bữa để canh mâm. Trên mâm gỗ chỉ còn ít cải đắng luộc và một bát muối ớt. Bên cạnh mâm, năm đứa cháu nội của ông đang xúm xít quanh cái bát tô bằng nhôm to đùng, mỗi đứa một cái thìa, nhăm nhăm ngoáy vào tô cơm trộn canh đỗ tương.
Đứa gái lớn bảy tuổi, xúc nhoay nhoáy, thìa nào ra thìa ấy, đưa vào mồm nhanh như thể nuốt chửng. Đứa trai năm tuổi còn đái dầm nên chỉ có áo mà không có quần, nhưng lại biết xấu hổ, cứ cúi xuống, chổng mông xúc một thìa vơi lại vội vàng đứng lên ngay ngắn, rồi mới cho vào mồm. Một tay cầm thìa, tay giữ vạt áo chàm, che chỗ ấy. Đứa gái lên bốn, mũi thò lò vừa ăn vừa gà gật vì bị gọi dậy sớm quá. Áo nó vấy đầy cơm canh, phần dưới từ đùi trở xuống cũng bám đầy cơm. Cũng như anh, nó chả có quần mặc, nhưng chưa biết xấu hổ, cứ hồn nhiên khoe ra mọi sản phẩm của ông tạo. Mùa đông, mưa lướt thướt cả tháng không ngừng, củi đun còn thiếu, lấy đâu củi mà sấy quần áo.
Bao than cuối cùng ông Sùng không cho động vào, để sáng nay cõng lên chợ. Đứa gái ba tuổi cũng tô hô, cầm thìa lanh chanh ngồi sụp xuống, vạt áo nó sắp trùm lấy tô cơm chung. Nó xúc đi xúc lại mấy lần mới được đầy một thìa cơm nhão, ngửa cổ, há to miệng đút vào khá gọn. Thằng bé tuổi rưỡi tay cầm cán, tay điều chỉnh hướng thìa, đưa thìa cơm vơi vào miệng. Một phần ba từ chỗ cơm ít ỏi lại rơi ra đùi nó. Cũng như chị, nó ở truồng, cái chim bằng quả ớt gió tím lịm vì rét.
Ông Sùng đợi cái vòng tròn màu chàm nới rộng ra xung quanh tô cơm, chừng bọn trẻ đã no bụng ông mới đứng dậy. Dâu từ ngoài hè đi vào để dọn dẹp. Con lợn nái vác bầu vú thũng thẵng chạy vào sau, mót hạt rơi hạt rụng cạnh cái mâm gỗ như một thói quen. Dâu để mặc nó sục cái mõm to bàm bạp vào cái tô của bọn trẻ để vét cơm. Tội nó, nó mười con chứ chẳng phải năm con như Dâu.
Dâu chưa được đi họp phụ nữ bao giờ nên không hiểu thế nào là kế hoạch, cứ đẻ thôi. Đàn bà ở đây, nhiều người đẻ con, đàn con đông bằng đàn lợn. Đâu cứ phải cứ đi họp phụ nữ mới là phụ nữ. Cứ biết đẻ con là thành phụ nữ rồi. Phụ nữ Hầu Thào lên chợ kiếm tiền cả, còn ai mà họp hành. Trẻ con hàng đàn mà ruộng đất thì ít là nguyên nhân của việc đàn bà, trẻ em lũ lượt kéo nhau lên phố trông chờ vào du lịch.
Bọn lợn con đen trũi không nhảy qua được bậc cửa cao để vào nhà, chen lấn, dùng mõm vả nhau, kêu eng éc. Con lợn mẹ nhặt nhạnh xong xuôi thì nghiêng người lách vào gầm giường trốn con. Cái giường bị công kênh lên, những đứa trẻ ngồi trên đống chăn chiếu bừa bộn, cười nắc nẻ.
Giường bên kia, mẹ chồng Dâu đang kìm tiếng rên. Nó đau cái chân đấy. Cả mấy năm quần đảo nát các nẻo đường từ phố về bản, từ bản lên phố, không đau sao được. Cái khớp gối nó kêu răng rắc mỗi lần co, duỗi. Dâu thương mẹ chồng, cái thương thật lòng thật dạ mới có thể sai khiến người phụ nữ ngoài hai mươi buông tay nọ, bắt tay kia để mọi việc trong nhà đâu vào đấy. Để rồi mới hai mươi nhăm tuổi, mặt Dâu đã có khối nếp nhăn.
Việc tưởng chẳng có gì nhiều, nương nhà Dâu cũng ít. Vùng Hầu Thào này, đá thì sẵn còn đất hiếm lắm. Để có đất tra hết tạ ngô giống, vợ chồng Dâu đi xa nhà cả ngày đường. Lúa trên thang ruộng một vụ để đủ cho cái gia đình chín miệng ăn này cũng là cả một khó khăn mà không đồng sức đồng lòng không thể no ấm.
Có một sự phân công lao động ngấm ngầm trong gia đình Dâu. Ông Sùng cắm chốt, dựng lều tận ngoài Mường Tiên. Nơi ấy đất tốt, củ sắn to bằng bắp chân. Ông đi cứ độ nửa tháng mới về nhà lấy gạo, rượu, muối và thuốc lào một lần. Dâu và Sùng thì sấp ngửa với nương ngô hai vụ và một vụ lúa nước. Bà Sùng thì thêu thùa, khâu vá và đi bán hàng rong trên phố cho khách du lịch. Đứa gái lớn, buổi sáng lên nương, buổi chiều chăn trâu cắt cỏ. Còn bốn đứa nhỏ, tằng tằng gà vịt thì cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi và tự trông nhau.
Bà Sùng đau không đi rong được. Thế là không có tiền. Mà muối hết, ớt hết, mỡ hết, xà phòng hết, thuốc lào hết. Tất cả bảo nhau hết. Páo xui vợ xúc ngô đi bán. Bà Sùng ngóc đầu dậy kêu “Tao sắp hết đau rồi”. Dâu nói “Muốn hết đau phải mua thuốc uống”. Páo đưa mắt cho vợ. Dâu vừa ngó ngoáy đi lại cái gác còn lủng lẳng vài dúm ngô thì bà Sùng đã rên lên: “Bán ngô đi thì người và lợn gà lấy gì ăn? Chúng mày không thương anh em chúng mày sao?”.
Nhắc đến anh, đến em, sống mũi Páo căng đỏ, muốn vỡ. Trước đây, ba anh em trai ở chung một nhà. Người thì đông mà đất ít. Anh cả đem vợ và đàn con dứt áo ra đi. Đi về tận bên kia dãy núi Chúa. Người Mông ở đây gọi dải Phan Xi Păng là núi Chúa, vì Chúa to nhất. Bên kia dãy núi, đất rộng người thưa và cây thảo quả tốt ù ù, quả mọng tròn xoe.
Anh đi năm trước, năm sau ấm chỗ về đưa nốt vợ chồng đứa em trai của Páo đi. Thương nhau mà đi, không muốn tất cả chụm vào nhau để cùng đói nghèo. Thế nên, bán những hạt lúa hạt ngô chui ra từng những hốc đất hiếm hoi mà tất cả anh em cùng dốc sức khai khẩn là không nên. Để ăn thôi. Khi nào thừa ăn mới được bán.
Từ ngày làm dâu, Dâu chưa khi nào trông thấy hạt ngô thừa trong nhà.
Nhưng tiền đâu mà mua thuốc? Bao than kia tốt lắm được một trăm, chỉ đủ tiền muối, mỡ. Mấy cái chậu phong lan và xương rồng kia, nếu gặp mấy bác du lịch nhà quê chịu khó tha lôi, cũng chỉ đủ tiền mua thuốc lào và xà phòng giặt. Nhà khó sợ ốm lắm, vì thuốc trên phố đắt ghê đắt gớm.
Dâu chẳng nói chẳng rằng, rửa qua cái mặt cho đàn con thì hối hả giục chồng. Ông Sùng đã nhanh chân tụt xuống đường, bao than nghễu nghện trên lưng. Mọi khi, cõng than là phần Páo, nay ông Sùng dành việc ấy. Dâu xốc lên lưng cái lù cở đựng đầy phong lan, Páo cũng thế. Chẳng ai bảo ai, ba người lặng lẽ tiến lên chợ.
Thi thoảng những bóng áo chàm cưỡi xe máy phóng qua. Ngày chợ, rợp đường tiếng xe máy. Người ngược phố cứ rầm rập, rầm rập. Mà khách xuôi về bản thăm thú thì ít. Mùa hè, thác người chảy xuôi, còn mùa đông, thác ngược. Cũng tại trời đất sụt sùi rét mướt. Ngồi không thì rét thôi, chứ đi hùng hục, làm quần quật thì lạnh này thấm gì. Năm nay chưa chết con trâu nào, sao gọi là rét được.
Đến con dốc cửa ngõ lên thị trấn, Dâu dừng chân vì thấy cả trăm người, toàn đàn bà, trẻ con bán hàng rong bị dồn lại đen nhức một khoảng đường. Thì ra đội tự quản đã cấm triệt để cảnh đeo bám khách chào mời. Dâu lách qua đoàn người đi lên. Ông Sùng cắm cúi bước, có cái gì đó giống như tủi, như nhục đang cộn lên trong ngực lão già sáu mươi. Páo đi sau cùng. Vì không thấy tùng tằng chăn, gối, túi thổ cẩm nên gia đình Sùng đi lọt.
Còn tiếp...
(...)
------------
Nguồn: VOV
Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"
Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.
Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"
Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.
"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc
Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.
“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong
Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.
“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây
Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.
Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức
Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...
"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất
Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.
“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt
Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...