Hạnh phúc sẽ rơi vào anh - Phần 1

13-09-2016
  0   737

Khi còn là một đứa trẻ nghịch ngợm, tôi thường chơi với bọn bạn đủ các trò chơi. Chúng tôi có một bài vè điểm cái, nó bắt đầu như thế này: “Một trăm mười lăm và năm trăm; Con gà nó gáy lăng xăng sớm chiều” và câu kết của bài vè là: “Trên ống khói có con mèo; Rồi đây hạnh phúc sẽ vào tay anh”.

Mỗi lần như thế, tôi cứ ước ao ngón tay của người điểm cái sẽ trỏ đúng vào ngực tôi để tôi sẽ là người được cuộc; trở thành cái của ván chơi. Ôi, lòng tự tôn của con người! Ai chả biết ở đời, lòng tự tôn là trên hết. Kẻ nào không hiểu được điều đó thì thật chẳng hiểu đời tí gì. Và cho mãi tới bây giờ tôi vẫn là người lúc nào cũng hi vọng rằng trong cuộc sống chính mình sẽ phải là người “được cuộc”. Nhưng tiếc thay hạnh phúc lại không thường đến với tôi, hay đúng hơn là hầu như chẳng bao giờ đến cả. Cộng thêm vào cái tính khó khăn, bẽn lẽn của tôi, cách đây không lâu tôi lại nhận làm một công việc không lấy gì làm hay ho lắm: đó là nghề đổ rác.

Còn có cái gì mà thiên hạ lại không gán ghép cho những kẻ hót rác! Họ bảo, chẳng ai bần tiện hơn kẻ hót rác, ngay đến cả lũ ăn mày ấy thế mà vẫn cứ còn hơn. Lẽ tất nhiên, có thể là như thế thực. Nhưng chúng ta cứ thử tưởng tượng xem nếu như hoàn toàn không có một người hót rác nào thì rồi cuộc sống sẽ ra sao? Cái đó thấy rõ ngay trong những ngày chúng tôi đình công: cả thành phố bẩn thỉu, nhem nhuốc, rác rưởi ngập ngụa, những hố chứa rác đầy ùn lên. Nhưng bẩn hơn cả lại là ở những khu phố sang trọng, vì những kẻ giàu sang lại thải ra nhiều rác rưởi hơn đám dân nghèo, nhìn vào số lượng rác thải ra đủ hiểu con người sống như thế nào. Đấy, qua những ngày đình công mới vỡ lẽ ra rằng trong cuộc sống hiện tại người hót rác không thể nào thiếu được.

Và tóm lại là trong khi ngồi trên chiếc xe chở rác đi khắp mọi nơi, tôi cứ nghĩ rằng chẳng bao giờ may mắn lại còn đến với tôi nữa. Nó chỉ đến với những kẻ khác, nhất là trong quan hệ với các cô gái. Chỉ cần tôi nói với người con gái mà tôi thích rằng: “Tôi làm nghề đổ rác” là cô ta sẽ cau mặt lại rồi bỏ đi ngay. Và chắc chắn rằng chẳng bao giờ cô ta còn muốn gặp mặt tôi một lần nữa. Thà tôi cứ bảo: “Tôi là thằng ăn cắp” lại còn hơn. Đầu tiên tôi chưa nghĩ nhiều đến điều đó, nhưng về sau tôi mới nghiệm ra rằng có lẽ tốt hơn hết là đừng đả động gì đến chuyện nghề nghiệp cả. Cuối cùng, thì bác Xinvettrô, một ông già cũng làm việc với chúng tôi, đã mở mắt cho tôi. Một lần vào buổi sáng, khi chúng tôi đi từ nhà này sang nhà kia để thu rác như thường lệ, tôi có phàn nàn với bác rằng phụ nữ họ không thích cái nghề của chúng ta. Bác trả lời:

- Chỉ vì cái nghề này nó hôi hám nên đàn bà họ chẳng ưa… thì cậu cứ giấu nó đi…

- Nhưng mà biết nói với họ thế nào hở bác?

- Thì cậu cứ bảo rằng cậu là viên chức của toà thị chính. Điều đó, nói cho cùng, thì cũng là đúng sự thật kia mà… Tất cả chúng ta đều là những viên chức của toà thị chính cả, người hót rác lẫn kẻ ngồi sau chiếc bàn giấy bên cửa sổ – cả bọn kia, cả bọn này đều là những viên chức.

Đến đây, một đồng nghiệp khác trong bọn chúng tôi, cậu Phecđinăngđô tóc đỏ, mặt đầy tàn nhang, đeo kính trắng, cũng trạc tuổi với tôi, cãi lại:

- Theo cháu thì bác không đúng đâu… việc gì phải giấu giếm nghề nghiệp của mình? Nó chẳng kém những nghề khác! Chúng ta cũng là những người lao động như tất cả mọi người… Nếu như anh phải giấu giếm, thì có nghĩa là anh đã sa vào thành kiến.

- Gớm, cái thằng này nói nghe mới ghê chứ! – Bác Xinvettrô xen vào – Ờ, thế thì tôi hỏi cậu: cái thành kiến ấy còn hay hết? Đối với Luitdi thì cái gì quan trọng hơn: đấu tranh với những thành kiến hay là làm thế nào để bọn con gái cảm tình với cậu ta? Cứ để ý những phu khuân vác mà xem. Họ cũng là những người lao động, nhưng kẻ thì nhận mình làm nghề khuân vác, kẻ lại nói mình làm công việc phân phối. Số còn lại thì bịa ra đủ các cách gọi khác. Họ đổi cách gọi chứ có đổi nghề nghiệp đâu! Đấy, cùng là do thành kiến của thôi!

- Anh hãy nghe tôi, Luitdi ạ. – Phecđinăngđô nói một cách ngang ngạnh – đừng có giấu giếm gì đấy nhé! Nếu như người con gái còn nghĩ nhiều đến thành kiến, thì nghĩa là cái thành kiến ấy đối với họ quan trọng hơn anh rồi.

Chúng tôi tranh cãi với nhau khá lâu, trong lúc xe rác của chúng tôi vẫn chuyển động chậm rãi trên đường phố giữa màn sương sớm của tháng mười một. Lát sau xe đỗ lại ở bên cạnh một ngôi nhà. Phecđinăngđô vớ lấy chiếc bao tải, trườn xuống xe, rồi vừa huýt sáo vừa đi vào cổng. Tôi nói với bác Xinvettrô:

- Bác đã già và hiểu đời, bác bảo cháu nên làm thế nào nhỉ?

Bác ta rút tẩu thuốc ra khỏi miệng và trả lời:

- Phecđinăngđô lại muốn khoe khoang cái nghề của mình. Nhưng theo tôi, thì đấy chẳng qua cũng chỉ là một cách để che đậy nỗi xấu hổ về nghề nghiệp… Còn tôi chẳng xấu hổ, không khoe khoang mà cũng không giấu giếm, tôi là người đổ rác – thế thôi.

- Vâng, nhưng còn cháu…

- Cậu thì lại là chuyện khác… cậu cứ giấu đi thì hơn, tôi đã nói với cậu rồi: cứ bảo rằng cậu là một viên chức ở toà thị chính.

 


Nói thực lòng, tôi cũng không ưa gì lời khuyên đó. Tôi là người đổ rác, và tôi thấy chả cần phải giấu giếm nó như giấu một điều gì nhục nhã. Nhưng mấy ngày sau, khi ngồi trên chiếc ghế dài tại công viên Vinla Bocghêdơ vào một giờ rảnh rỗi, không đội mũ lưỡi trai và không đeo biển số, tôi lại ngẫm nghĩ về tất cả những việc đã xảy ra và tự bảo rằng, có lẽ cuối cùng thì bác Xinvettrô đã nói đúng. Ý nghĩ đó tự nhiên đưa tôi đến với cái cảm giảc mà ta từng gặp trong những giấc mơ, khi ta đi dạo chơi mà chỉ mặc có mỗi một chiếc áo sơ mi, rồi bất thình lình có ai đó nhắc ta làm ta thấy ngượng ngùng không thể nào tả nổi và ta bừng tỉnh. Như thế có nghĩa là đã hai năm nay tôi làm nghề đổ rác mà tôi chẳng hề hay biết, nghĩa là cũng tựa như tôi đã đi chơi trong chiếc áo sơ mi trần mà chỉ có mỗi một mình tôi là không hay, nghĩa là…

Đấy là một ngày tuyệt đẹp của tháng mười một, một ngày ấm áp, sương mù phủ nhẹ trên các cành cây lá đã chớm vàng hoặc hoe đỏ, dưới những rặng cây là các bà mẹ và lũ trẻ ngồi xúm xít bên nhau. Tôi đang đắm chìm trong suy nghĩ đến nỗi không để ý thấy một thiếu nữ cùng với một em gái nhỏ, có lẽ là cô hầu hay một cô bảo mẫu, đã ngồi xuống cạnh tôi từ lúc nào.

Sau đó tôi nghe thấy giọng nói của cô:

- Bêatritsê, đừng chạy chơi xa, em nhé!

Tôi quay lại và nhìn người thiếu nữ. Nàng trông còn trẻ, thân hình chắc chắn, khuôn mặt tròn trĩnh hồng hào, chiếc bím tóc vàng óng, to như một cuốn thừng quấn quanh đầu. Tôi thích nhất là đôi mắt: đôi mắt đen mướt như nhung và lúc nào cũng như đang mỉm cười. Thiếu nữ xách trên tay một chiếc xô con và cầm chiếc áo măng tô của em bé gái đang ngồi xổm nghịch cát gần đấy. Thấy tôi đưa mắt nhìn, cô quay mặt lại phía tôi nói một cách thản nhiên:

- Anh chẳng biết tôi đâu, nhưng tôi thì lại rất biết anh.

Lời nói có thể kích động con người đến mức độ nào! Tôi cảm thấy mình đang đỏ dừ cả mặt và chợt nghĩ: “Có lẽ cô ta đã nhìn thấy mình đang đeo bao tải rác trên vai chăng?”, tôi vội trả lời:

- Thưa cô, có lẽ cô nhầm tôi với ai đó thôi. Tôi chưa bao giờ được gặp cô cả.

- Ấy thế mà tôi lại vẫn cứ biết anh đấy!

Đến lúc này thì tôi quyết định phải nói dối:

- Không thể có chuyện ấy được. Có chăng là cô đã nhìn thấy tôi ở toà thị chính, tôi làm việc ở đấy. Ở đấy thường rất đông người…

Lần này thì thiếu nữ không nói gì cả mà chỉ nhìn tôi với một cái nhìn là lạ. Một lúc sau nàng mới hỏi:

- Anh làm việc ở toà thị chính à?

- Vâng… vâng.

- Ở phòng ban nào kia ạ?

- Ở tất cả các phòng ban, đâu cần. Ở đấy có rất nhiều phòng ban mà.

- Nghĩa là – người con gái nói một cách rất rành rọt – chính ở đó tôi đã nhìn thấy anh… Tôi có đến đấy hai hôm trước đây.

- Lẽ dĩ nhiên là như thế rồi.

Trong lúc đó em gái nhỏ chạy ra chơi ở một nơi xa hơn, nó bắt đầu bới nghịch đống rác và lá khô. Thiếu nữ vội mắng:

- Này, Bêatritsê, đừng nghịch, rác bẩn đấy! Những em bé ngoan ngoãn là không có nghịch rác đâu nhé.

Nghe thấy tiếng “rác” tự nhiên tôi giật mình và lại đỏ mặt lên. Và lúc này, như muốn trêu tức tôi, người quét rác hiện ra trong bộ quần áo lao động màu xám đáng ghét, với chiếc xe đẩy nhỏ và cái chổi, người ấy dừng lại rồi bắt đầu công việc dọn cái đống ô hợp ấy.

- Thật tội nghiệp! Những người quét rác phải chịu bao nhiêu là hôi hám vì cái đám lá rụng ấy.

Mặt tôi càng đỏ bừng thêm và tôi nói với hi vọng sẽ được cô gái đồng tình.

- Đấy là nghề nghiệp của họ, họ cũng là những viên chức của toà thị chính, giống như tôi… Họ quét dọn, còn tôi thì viết – khác nhau chỉ có vậy thôi.

Nàng nhìn tôi với một vẻ là lạ, rồi nói:

- Tên tôi là Đờdaxinta, còn anh?

- Luitdi.

Tác giả: Alberto Moravia
Dịch giả: Chu Nga

Youtube

Facebook Fanpage

1