Hạnh phúc sẽ rơi vào anh - Phần 2

13-09-2016
  0   568
Và như thế là chúng tôi đã làm quen với nhau. Người con gái không cho tôi biết địa chỉ của nàng vì không muốn cho bà chủ biết về những cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi. Tôi đoán rằng nàng ở ngay trong khu vực mà sáng nào xe rác của chúng tôi cũng đi qua. Hai chúng tôi bắt đầu thường xuyên gặp gỡ, có khi tới mấy lần trong một tuần, còn vào những ngày chủ nhật thì khỏi cần phải nói. Chúng tôi cùng nhau đi xem phim, xem đá bóng, cũng có khi đi ăn tiệm. Tôi yêu nàng vì tính tình của nàng, nếu có thể diễn đạt một cách đơn giản như vậy được. Có lẽ chưa bao giờ tôi gặp một người con gái như nàng. Lặng lẽ, dịu dàng, trầm tĩnh, có thể là hơi kín đáo – tất cả được giấu kín ở bên trong, nàng giống như một dòng nước sâu và phẳng lặng. Tính tình nàng lặng lẽ, và khi tôi nói gì nàng chỉ gật đầu – cái gật đầu mới âu yếm làm sao, vừa như đồng tình với tôi, lại vừa như muốn nói: “Đúng rồi, nhất định là như thế rồi, anh đúng đấy”. Và tuy nàng không nói ra, nhưng đôi mắt đã nói thay tất cả: đôi mắt bao giờ cũng tủm tỉm cười, bao giờ cũng chăm chú, đôi mắt huyền bí và óng ánh, mềm mại như nhung đen. Không bao giờ nàng cho phép tôi được suồng sã, chỉ có hai hay ba lần đi xem phim nàng cho tôi được khoác tay, thế thôi.

Tôi vẫn nói với nàng rằng tôi làm ở toà thị chính và đôi khi còn thêm thắt một vài chi tiết nào đấy cho có vẻ thực hơn. Nhưng cho dù khéo léo đến đâu thì cũng vẫn có lần tôi suýt tự lật tẩy mình, vì khổ một nỗi là những từ “rác” và “người đổ rác” tôi cứ nhắc tới nhiều hơn mức cần thiết. Có một buổi hẹn nàng đến chậm, tôi trách móc và bỗng buột miệng nói: “Tôi cũng là con người, chứ đâu phải là cái rác”. Tất nhiên là tôi lập tức câm miệng hến và mặt thì đỏ bừng. Tôi có cảm giác rằng nàng đang tủm tỉm cười, nhưng vẫn không hề nói một lời.

Tôi yêu đến mức đã bắt đầu nghĩ hay là chúng tôi làm lễ đính hôn với nhau đi. Nhưng tôi chợt hiểu ra ngay rằng muốn lấy vợ thì trước tiên tôi cần phải đổi nghề. Tôi đã nói dối nàng nhiều quá và bây giờ nếu thú thực rằng tôi là người đổ rác thì mọi chuyện sẽ hỏng to. Thứ nhất là nàng sẽ thất vọng: anh hót rác; và sau thì tôi hoá ra thằng lừa dối: mà với phụ nữ, thì ai chẳng biết là họ có ưa gì những kẻ dối trá. Nhưng tìm được một việc làm khác cũng đâu phải là chuyện dễ. Mà tôi thì lại phải đổi cả nghề thực lẫn nghề mình tự bịa ra nữa. Trong các giờ rỗi tôi bắt đầu lang thang trên các đường phố của thành Rôm để tìm việc. Nhưng tôi không tài nào tìm ra và đã bắt đầu tính nước bỏ nghề, chả làm gì nữa cả. Có thể đối với tôi như thế lại tốt hơn. Anh thất nghiệp tuy vậy vẫn cứ hơn anh đổ rác cơ mà! Thì bỗng nhiên… đã xảy ra câu chuyện mà lâu nay tôi vẫn hằng lo ngại.

Sáng sáng chúng tôi chở xe qua một khu phố nhất định. Như tôi đã nói, trên xe chúng tôi gồm có ba người: tôi và Phecđinăngđô thì lần lượt mang bao tải đi thu rác, còn bác Xinvettrô thì cầm cương ngựa và giúp chúng tôi đổ rác vào xe. Chúng tôi ít nói chuyện với nhau. Bác Xinvettrô ngồi trên chỗ đánh xe với những chiếc dây cương trong tay, hít tẩu thuốc của mình. Phecđinăngđô thì tìm chỗ ngồi xổm ngay trên đống rác và đọc những tờ báo lôi ra được ở một đống rác nào đấy. Còn tôi thì nghĩ về Đờdaxinta và sự dối trá của mình.

Vào một buổi sáng, đến lượt tôi đi thu rác. Chiếc xe như mọi khi, đỗ lại bên cạnh toà nhà ba tầng màu vàng gần Piaxa Libecta. Tôi cầm chiếc bao tải im lặng trườn xuống khỏi xe và bước vào trong cổng. Đấy là một ngôi nhà không có thang máy, ngôi nhà cũ kĩ và tĩnh mịch đến mức tưởng như đấy là một ngôi nhà hoang; trong đó cả thảy chỉ có ba gia đình. Tôi cầm chiếc bao tải trong tay đi lên tầng thứ hai và gõ vào cửa một căn hộ. Trên chiếc biển ở cánh cửa hình như có đề họ Đờdinhedi thì phải. Tôi mang máng nhớ rằng người thường ra mở cánh cửa này là một bà nấu bếp đứng tuổi – một người đàn bà xứ Phơrigi, lực lưỡng như một gã nông dân. Khi cánh cửa được mở tôi cũng không buồn đưa mắt nhìn, chỉ chìa chiếc bao tải và nói như thường lệ: “Người đổ rác đây”.

Nhưng chợt trông thấy đôi tay bưng thùng rác bằng nhôm không phải là đôi tay đen đủi, thô kệch của bà nấu bếp, mà là những ngón tay thon nhỏ và trắng trẻo – tôi bất giác ngước nhìn lên.
 

Chính là nàng.

Sau này tôi mới biết rằng trong nhà ấy có hai người hầu là nàng và bà đầu bếp. Nàng trông nom trong nhà nên không bao giờ ra đổ rác – thì ra mọi lần nàng vẫn nhìn tôi qua cửa sổ. Nhưng, buổi sáng hôm ấy bà nấu bếp bị ốm. Và tôi còn được biết thêm là khi nhìn thấy tôi ở ngưỡng cửa, nàng bỗng ngập ngừng không nói được một lời. Sau này tôi mới hiểu ra tất cả những điều đó. Tiếc thay là tôi đã hiểu ra quá muộn! Nhưng trong giây phút mà nàng lặng lẽ đưa thùng rác cho tôi, tôi cứ tưởng như trong đôi mắt đen của người con gái ấy ánh lên một nụ cười nhạo báng. Tôi bỗng đỏ bừng mặt rồi tái nhợt đi, giằng lấy thùng rác đổ ộc vào bao tải, xốc nó lên vai và chạy mất. Tôi hình dung ra ngay cái chân tướng của mình lúc ấy – chiếc mũ lưỡi trai lệch sang một bên, chiếc biển số, bộ quần áo lao động kẻ sọc hôi hám: một thằng đổ rác chứ chẳng phải một viên chức nào cả – chính là một thằng đổ rác! Tôi có cảm giác như chẳng bao giờ còn đủ can đảm để nhìn lại nàng nữa. Và tôi cũng không buồn sang thu nhặt rác ở các căn hộ còn lại trong ngôi nhà ấy. Tôi trở ra đường phố, quẳng chiếc bao tải còn rỗng một nửa lên xe cho Phecđinăngđô, rồi quẳng lên đấy cả chiếc mũ lưỡi trai, cả chiếc biển số và nói:

- Cầm lấy cả cái của này nữa. Đối với tôi như thế là đủ lắm rồi! Tôi xin thôi việc đây. Nói lại với công ty như thế hộ!

- Anh làm sao thế? Anh điên à?

- Tôi không điên đâu. Xin chào.

Ngày hôm ấy tôi và Đờdaxinta có hẹn gặp nhau, nhưng tôi không đến. Tôi nằm bẹp trong chiếc chăn ở căn buồng nhỏ dưới gầm cầu thang mà một mụ thợ may đã cho tôi thuê. Tôi muốn khóc, nhưng nước mắt nào có chịu chảy ra, giống như một người muốn hắt hơi mà không tài nào bật hơi ra được. Đến tối, thay vào những giọt nước mắt, thì tôi lại ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy tôi hiểu rằng tất cả thế là đã hết.

Tôi rất lo sẽ phải thất nghiệp lâu. Nhưng may cho tôi, qua mấy ngày tìm kiếm tôi lại vớ được việc gác cổng tại một công trường xây dựng ngoài thành phố vùng Malian.

Tôi ngồi lì ở đấy liền bốn tháng, như một con chó giữ nhà. Nhưng một hôm, vào ngày chủ nhật, tôi đến Rôm và trên quảng trường Rixôrơđơgimenđô tôi gặp lại bác Xinvettrô.
Vừa nhìn thấy tôi, bác đã nói:

- Sau này chúng tôi đã hiểu ra tại sao cậu lại bỏ đi. Thì ra là vì cô con gái ấy. Nhưng cậu thật là dại dột. Cô ta yêu cậu thực sự, yêu cậu vì đấy chính là cậu chứ không phải là ai khác. Cô ta bảo bây giờ cũng sẽ chỉ yêu một người nào đó trong bọn chúng tôi thôi. Cô ta còn nói chỉ cần nhìn thấy bóng người mang bao tải sau lưng và đội chiếc mũ lưỡi trai của nghề vệ sinh là trái tim cô đã đập rộn lên rồi. “Đối với tôi – cô ta nói – chiếc xe chở rác còn quý hơn cả chiếc ô tô sang trọng nhất”. Chính vì vậy mà bây giờ cô ta với Phecđinăngđô đã kết bạn.

- Với Phecđinăngđô à?

- Thế đấy, cô ta cần một anh làm nghề đổ rác thì cô ta đã đạt được. Cậu ấy có giấu giếm gì nghề nghiệp của mình đâu, lại còn khoe khoang nữa chứ. Họ đã làm lễ đính hôn với nhau rồi.

Tôi quay lưng và đi thẳng, bỏ giở câu chuyện đang nói nửa chừng. Tôi muốn cắn vào tay. Thật đúng như trong bài vè điểm cái: chỉ một lần trong đời tôi đã là người “được cuộc”, chỉ một lần hạnh phúc đã rơi vào tôi – rơi đúng vào tôi – mà tôi nào có biết có một người con gái trong tất cả những người con gái trên trái đất này thích cái nghề của anh đổ rác mà tôi lại không đoán ra. Quả thật dù có sống bao nhiêu năm trên trái đất này thì rồi cũng vẫn cứ bị nhầm lẫn như thường. Và lần này thì hạnh phúc lại đến, nhưng không còn rơi vào tôi nữa.

Tác giả: Alberto Moravia
Dịch giả: Chu Nga

Youtube

Facebook Fanpage

1