Hương thôn dã

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
05-06-2017
  0   1663

Thu Nhi đã về. Gói giấy nhỏ vừa lấy ra khỏi thắt lưng đã chênh chao lòng ta vì một làn hương quen thuộc. Mùi khê khê nồng nồng của những liếp rơm vàng lựng ngả màu dưới nắng. Mùi bảng lảng quyền quyện của đám gió kéo nhau về từ đâu đó trên những vườn trái chín. Và cả mùi thanh tao như cất ra từ những mảng trong vắt của khí đất, khí trời. Bàn tay ta tự dưng run lên. Mùi quê hương ta đó. Mùi dịu dàng ngọt mát lòng bàn tay ta. Mùi chảy tràn ra từ những kẽ ngón tay, để giọt nối giọt rơi xuống, rơi xuống… rơi vào lòng ta nhói buốt. Kinh Bắc… ôi Kinh Bắc! Có phải quê hương đang gọi ta bằng những giọt thiết tha này.



- Lệnh bà! Sao lệnh bà lại khóc?



Ô hay! Là ta đang khóc sao. Nước còn có thể trào ra từ khóe mắt khô kiệt này sao?



Thu Nhi đang quỳ kia. Tội nghiệp, con ơi. Con có lỗi gì đâu. Con là người ơn của ta đấy chứ. Giờ phút này, còn ai nữa ngoài con kính ta, ở bên ta. Ngoài con, còn ai nữa cho ta nghe lại một lần tiếng gọi âm thầm, da diết của quê hương.



Tiếng gọi lẫn trong làn hương trào ra tự bao giờ khỏi lớp giấy gói thô mộc, đơn sơ. Tiếng gọi sắc lại đậm như màu đen sẫm trên nhúm sợi khô gầy. Nhón một sợi nhỏ đưa lên môi, ngậm chặt, ta như lịm đi vì vị quê hương không chỉ vỡ òa trên đầu lưỡi thô sần. Vị quê hương dắt ta đi.



Đất Kinh Bắc, làng Chè. Ngôi làng nhỏ quanh co uốn theo chiều lượn một dòng sông. Nơi nắng rải mật không hết những đồi chè, những mênh mông thẳm xanh ngút ngát. Nơi gió dạo mỏi chân nghỉ lại làm bay tung váy áo đoàn thiếu nữ mỗi sáng ra đồi, để hương con gái, hương chè thanh thoát quyện tràn trề trong gió. Ta thấy lại ta trong đoàn con gái đó. Má thắm, môi hồng, bàn tay thon lướt trên những búp chè. Lá chè xanh lắm, xanh óng ánh, xanh non tơ. Tiếng hát bầy con gái cao và trong lắm. Hơn cả tiếng suối, tiếng sương vỡ mỗi tinh mơ.



Hát rằng:



“Lá xanh, hoa trắng, hương nồng


Gói duyên em đợi tấc lòng trượng phu.”

Ta lại thấy ta bẽn lẽn không dám nhìn lên trong đêm Hội Gióng đầu làng. Ánh mắt người cầm trống chầu nhìn ta sao còn ấm hơn bếp lửa hồng mẹ nhóm.



Ánh mắt rơi bỏng rát gót chân ta ngày mười sáu tiến cung.



Buổi ấy, nắng đứng, gió ngừng. Hương chè bị buộc lửng lơ tắt giữa lưng trời. Ta đợi mãi, đợi mãi để nghe một mùi vị quê hương, một tiếng gọi quê hương. Nhưng vô vọng. Quanh ta chỉ toàn nước mắt.



Nước mắt người mẹ áo nâu sờn dấm dúi vào tay ta túi tiền đổi bằng nửa mảnh vườn. Nước mắt người cha xấp xõa mảng tóc bạc trắng rơi trên vành khăn xếp ông đồ. Nước mắt nhem nhuốc gương mặt em trai vừa chạy vừa ngã dúi dụi sau đoàn người ngựa xe trống lọng.



Ta cố quay đầu, quay đầu. Bụi mù lên che mất dáng em ta nhỏ nhoi, lạc lõng. Ta lại cố căng mắt, cố kiếm tìm. Chỉ thấy ráng đỏ thẫm bưng bít không gian chiều. Ụ rơm vàng, mái tranh, đồi chè, dòng sông. Quê hương chỉ còn là một vệt xanh mờ giữa biển trời đỏ lừ. Đỏ ngút ngàn, hun hút.



Sao quê hương không gọi ta một lần từ ngày ta mười sáu tiến cung?



Ta đã ôm vào cả trong giấc ngủ lạnh lẽo của một cung nhân hình bóng của những cánh đồng mượt lúa, những vạt đồi phủ xanh óng lá chè. Ta đã bao lần lén hít cho đầy căng, ngạt ứ trong lồng ngực mùi nước chè thơm mỗi lần pha hầu Trịnh tiệp dư.



Túi hạt ta mang theo từ quê nhà chỉ cho lên được cụm cây nhỏ nhắn ngang cửa sổ. Chè nhú lên, thân lẫn lá ngăn ngắt một màu. Ta chưa đợi được một búp hoa, một chiều mở cửa đã thấy những thân cây mảnh dẻ sõng soài trên nền đất lạnh.



Trịnh tiệp dư bỗng nhiên muốn trồng cúc. Cả mảnh vườn đất bị xới lên, băm nát. Trăm hồng nghìn tía rã rợi, tả tơi. Đến những thân tre khẳng khái cũng gãy gập khóc than, thì sá gì phận chè nhỏ bé của một cung nhân.

 



Ta không khóc trước những phiến lá chưa kịp phô hết màu xanh, còng queo rên xiết trong đám lửa rừng rực một khoảnh vườn.



Mười sáu tuổi, ngọn lửa góc cung Trịnh tiệp dư dạy ta: Không quyền lực, kiếp con người như kiếp cỏ cây hèn mọn. Sống - chết là tùy ý thích (dù là bất chợt) của chủ nhân.



Ta khéo léo hơn trong từng câu thưa bẩm, từng cái cúi đầu. Ta đẹp tay hơn trên những miếng trầu têm, những mâm bày hoa quả. Ta sớm hôm tưới bón, chăm chút cho thứ hoa tước đoạt mất của ta chút màu xanh ngắt quê nhà. Trịnh tiệp dư chung quy cũng một người đàn bà cô quạnh, thèm bầu bạn. Ta đợi một ngày mưa rả rích nhuốm lạnh lên cả ngọn đèn Trịnh tiệp dư thắp ngồi khâu, thẽ thọt khẽ khàng:



“Con nghe Chúa đang ngự ở Hậu viện. Sao mình không nhân lúc Khê Trung Hầu vắng mặt, đút chút tiền cho bọn thị nội để con vào dâng giúp bà một khay hoa. Con sẽ sửa soạn khay hoa thật khéo, biết đâu Chúa được đẹp lòng, Người nhớ đến bà.”



Tiệp dư suýt đâm cả mũi kim vào đầu ngón tay. Ánh mắt tin cậy ngước nhìn ta rạng rỡ cháy bùng một hi vọng đủ đánh tan hết màn mưa ảo não.



Ta có nghĩ về ánh mắt ấy lúc tẩm lên người thứ hương mê hoặc ta học được cách chưng cất bằng những quan tiền mẹ ta đổi nửa mảnh vườn. Thứ hương chắt chiu từ loài hoa trắng muốt mang tên ta.



Ta loáng thoáng nhớ rằng có một ánh mắt như thế lúc vờ luống cuống rơi khay hoa, để người đang ngồi miệt mài xem tấu phải ngước nhìn.



Và ta, trong cơn hoan lạc đến tận cùng giữa những mắt, môi, hơi thở..., lạ thay, không còn lởn vởn, nắm níu bởi một ánh mắt nào. Chỉ thấy rõ ràng một thảm rực vàng hoa cúc đang trườn lên, nuốt dần, nuốt dần một thân chè mỏng manh, bé nhỏ.



Cuộn mình trong lòng người đàn ông uy quyền đã bị ta nắm trọn cả trái tim, ta biết thứ đầu tiên phải vòi Chúa trồng bằng được cho ta trước cung Đoài: một hàng chè.



Hàng chè xanh màu quê hương ta thân thiết. Hàng chè chiều nào cũng nghiêng nghiêng lá uống từng giọt nước từ tay ta. Hàng chè được ta nâng niu từng búp nõn, từng cánh hoa. Thế mà sao hương tỏa ra từ những cánh mỏng trắng ngần, từ những phiến lá óng mướt lại nhạt thếch, vô hồn đến vậy. Hoa trắng kia, lá xanh kia nào khác đám đèn lồng rực rỡ chăng khắp lối Long Trì. Nào khác ngọn trúc xanh màu giả tạo không đủ làm ta vui trọn một trống canh.



Quê hương từ chối ta sao? Hương chè không một lần ôm ấp nữa cõi lòng ta sao? Ta bao đêm thao thức đợi. Ta bao ngày thơ thẩn đợi. Lá vẫn xanh, hoa vẫn trắng. Nhưng vô hương.



Kẻ dưới nói lén sau lưng ta: “Tuyên phi tâm ác, đến trồng chè cũng không tỏa được hương.”



Lân nghe được, kiếm xỏ lưỡi kẻ ấy, kiếm vung gẫy lìa hơn nửa hàng chè mạn trái. Lá rụng đầy thê thiết cả một góc cửa cung. “Em sẽ tìm cho chị thứ chè biết tỏa hương!” – Lân nói, rồi hùng hổ xách kiếm đi.



Am Thiềm, Lệ Mỹ, Lương Quy…, cả Đoài Cung trở thành một vườn chè rối mắt.



Ta lại nâng niu từng chiếc lá, ta đợi những búp hoa. Ta ngày ngày vò lá xanh đưa ngang mũi đợi một mùi hương trở lại. Và ta đợi mãi… Như buổi chiều mười sáu tuổi tiến cung.



Lân lại thêm một lần vì ta điên cuồng vung kiếm.



Lá nát, hoa rơi. Bọn thị nữ ra nhặt những cánh hoa, những đoạn cành gẫy lìa rưng rưng tiếc công chăm bón.

 

(...)

 

--------

 

Nguồn: VOV

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1