Khách Sạn Đá Trắng
02-03-2016
0
592
Cái chết của bà ta khiến ông chủ sợ ế khách vì những lời đồn đại. Còn tôi thì ngược lại, tôi sang khách sạn này để kinh doanh và đổi tên cho nó...
Mùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng. Bận rộn thường xuyên, bây giờ ngồi đếm thời gian trôi, tôi mệt mỏi, chán nản. Sau hai ngày lội mưa dạo bộ, cái thành phố bé tẹo đã được tôi khám phá. Công việc hàng năm phải chật vật là chọn quà Giáng Sinh cho vợ con, tôi cũng đã hoàn thành xuất sắc.
Mưa lớn giam chân tất cả các khách du lịch tại nhà hàng trong khách sạn. Tôi tìm đến một cái bàn khuất sáng, gọi một chai vang và một con cá hồng nướng cho bữa ăn chiều. Vừa nhâm nhi tôi vừa đảo mắt quan sát những người có mặt. Gần quầy rượu là hai người đàn ông, tôi đoán là thương nhân, trước mặt họ là chai Rémy. Bàn phía bên phải chắc là một gia đình, có một người đàn ông, một phụ nữ và hai đứa trẻ. Gần họ là bàn của một đôi trai gái, vừa ăn vừa nhìn nhau say đắm - Một cặp tình nhân hay đôi vợ chồng mới cưới - Vừa nghĩ, tôi vừa mỉm cười một mình. Sôi động nhất là bàn đối diện, một đám phụ nữ vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả.
Bữa ăn của tôi diễn ra buồn tẻ và tôi không thấy ngon miệng chút nào. Kêu tách trà kết thúc buổi chiều, tôi dợm đứng dậy về phòng thì phải ngồi xuống vì đèn đột nhiên tắt ngóm. Vài phút trong bóng tối, không ai lên tiếng, chỉ có gió mưa rền rĩ trên mái nhà. Một giọng đàn ông phá tan giây phút ngắn ngủi ấy:
- Thắp đèn lên!
Một vài đốm lửa loé lên. Sau đó có 3 cây nến được đốt sáng. Cô phục vụ chậm rãi từ phía sau quầy mang đèn tiến ra phòng ăn.
- Mỗi bàn 1 cây! Giọng nói vừa nãy tiếp tục.
- Thưa ông, sợ không đủ. Cô gái đáp lại rất nhỏ.
- Mang ra bàn khách! Khỏi để trên quầy! Tìm tiếp nến đi! Bão này mất điện lâu đấy!
Cô để hai cây nến ở bàn rộng nhất, còn một cây cô để lên cái bàn trống giữa phòng. Tôi thầm nhủ: cô bé khéo ra phết! Trở lại sau quầy rượu, cô gái loay hoay một hồi nhưng không có thêm cây nến nào được thắp. Giọng ông chủ không giấu nổi bực dọc:
- Chậm như rùa!
Có lẽ để khỏi khó xử, một phụ nữ lên tiếng đề nghị:
- Mọi người lại ngồi với chúng tôi cho sáng.
Tiếng ai đó đáp lại:
- Một ý kiến hay đấy!
Những phụ nữ nhanh nhảu lấy ghế xếp quanh bàn mình. Hai người đàn ông cầm theo chai rượu, ly uống, bước sang. Bọn trẻ bưng đĩa thức ăn đã vơi đi một nửa đến bàn lớn. Cặp tình nhân chắc đã ăn xong nên chẳng mang gì, đi qua bàn giữa phòng, chàng trai bưng luôn cây đèn sang bàn chung. Tôi ngồi im, quan sát. Người đàn ông mặc áo dạ đen, trạc tuổi trung niên hướng về phía tôi:
- Anh ở phòng 201 đến đây cho vui, được không?
Bấy giờ tôi mới biết một trong hai người đàn ông ngồi gần quầy rượu là chủ khách sạn. Trước đề nghị của ông tôi ngần ngừ, chợt hiểu rằng nếu mình về phòng có nghĩa là sẽ chiếm đoạt một trong ba cây nến đang thắp sáng nên tôi thấy tốt nhất là ở lại, miễn cưỡng, tôi bước tới ngồi cùng mọi người.
Không khí buổi tối mùa đông trở nên ấm cúng lạ thường. Tất cả đều có cảm giác như đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Sau những câu chuyện phiếm, người phụ nữ mặc áo len tím quay về phía ông chủ khách sạn:
- Nghe nói dưới vực Đá Trắng có nhiều ma lắm phải không anh? Cô vừa hỏi vừa mỉm cười duyên dáng.
Hai đứa trẻ nghe có ma, vừa co rúm người vừa tròn mắt hoảng sợ như nhìn thấy ma thật. Người mẹ cúi xuống thầm thì điều gì đó với chúng mà tôi không nghe rõ. Thấy vậy, ông chủ cười lớn và quay sang nói cho chúng an lòng:
- Làm gì có ma, toàn là đồn đại bậy bạ của mấy đứa cạnh tranh vốn thối mồm, thối miệng.
Người phụ nữ vừa lên tiếng hỏi tỏ ra đã đến đây không chỉ một lần hoặc đã tìm hiểu khá kỹ về khách sạn này nên cãi lại:
- Tôi nghe nói có nhiều người chết mà!
- Ừ! Ông chủ gật đầu xác nhận. Chắc chỉ đợi có thế, cô ta nở một nụ cười đắc thắng. Còn người đàn ông tiếp lời: vì vậy tôi đổi tên khách sạn này.
Chàng trai góp chuyện:
- Thời đại bây giờ, cái tên cũng quan trọng lắm đấy!
Nghe lời nhận xét của anh ta, ông chủ vội cải chính:
- Không phải tôi theo thị hiếu chuộng tên ngoại đâu mà việc đổi tên có liên quan đến người đã chết.
- Thật vậy sao? Tự tử hay giết người... có kinh khủng không? Một phụ nữ ngồi sát cô áo tím quay hỏi ông chủ.
- Ôi! Biết thế ai mà dám tới nữa. Giọng một người đàn bà rên rỉ và pha chút ân hận.
Người đàn ông nhận diện được người vừa nói và quay về phía ấy.
- Ngược lại thì có, chắc chắn nếu chị nghe câu chuyện chị không chỉ đến đây một lần.
Trí tò mò của đám phụ nữ nổi dậy, họ thi nhau mở miệng yêu cầu người chủ kể chuyện người chết. Tôi hơi buồn cười nhưng không có ý kiến gì về những việc tầm phơ, tầm phào. Song, biết làm gì khi mất điện như thế này. Tôi nhìn ông chủ khách sạn. Ông xoay ly rượu trong tay, nhìn thật lâu vào thứ nước vàng sánh, tợp một ngụm lớn. Ông ngước lên, nhìn mọi con mắt đang đổ dồn về mình.
Rồi ông khẽ cúi đầu và kể. Cách đây năm năm tôi chỉ là người quản lý của khách sạn này. Các vị thấy đấy, nó có to lớn, hoành tráng gì cho cam, tôi kiêm nhiệm đủ việc. Ông chủ tin tôi vì nhiều lẽ, nhưng ông ấy khoái nhất là khả năng thuộc mặt khách của tôi, dù có lúc đông tới gần năm chục người. Sở dĩ tôi có được điều ấy là vì ngay lúc khách đến thuê phòng tôi cố tìm một đặc điểm nào đó để ghi nhớ. Nhưng người mà tôi muốn nói với các vị lại rất bình thường. Một phụ nữ trung niên hiền lành, nhân hậu. Bà ta sẽ bị tôi quên ngay nếu như không đến đây nghỉ đông một mình và trả trước tiền phòng một tháng. Tôi ngạc nhiên về việc ấy và được bà giải thích rằng do công việc nhiều khi phải giải quyết đột xuất sợ không kịp thanh toán. Tôi chấp nhận vui vẻ và nghĩ rằng bà sẽ bận rộn vô cùng. Nhưng thật ngạc nhiên khi tôi thấy bà ít khi ra khỏi phòng hoặc xuống dùng bữa cũng chẳng chuyện trò với ai. Điều ấy làm tôi hoài nghi và tôi nói với ông chủ. Ông dặn tôi phải theo sát bà ấy hơn và khi thấy có hành động mờ ám phải báo ngay cho cảnh sát. Tôi tìm cách gần bà nhiều hơn khoảng cách của một người phục vụ với khách hàng. Bà không mảy may một chút nghi ngờ mà dường như còn cảm kích trước thái độ của tôi. Có một lần bà ra ngoài đi dạo, dù trời mưa, tôi bí mật đi theo. Bà đến vực Đá Trắng đứng một lát rồi về, không gặp ai và cũng không mua sắm gì. Việc đi dạo chắc khiến bà ta mệt mỏi, tôi thấy bà ta thở dốc, thẫn thờ, vào đây kêu một tách trà gừng. Tôi mang trà đến và chủ động bắt chuyện:
- Mưa quá chị nhỉ.
Người đàn bà không đáp lại lời nhận xét của tôi mà chỉ cảm ơn về tách trà nóng. Con bé phục vụ rảnh rang ngồi bên bàn mở mồm rên rỉ:
- Mưa với gió mãi, não cả ruột, chán cả đời!
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với nó nhưng cũng gần bà ấy và trách:
- Than vãn suốt ngày. Sống chỉ có than thở thì sống làm gì?
Tôi nghe bà ta lẩm bẩm một mình: “Cuộc sống đâu chỉ có lời than...” Dĩ nhiên là bà không thể biết tôi đang theo dõi bà nên không nghĩ là tôi lắng nghe lời bà nói. Được thể tôi vừa trách con bé vừa quay sang nói với bà ấy:
- Chị thấy không, nó than vãn suốt mà trời có bớt mưa bớt lạnh và khách có tăng thêm đâu nào! Ích gì, chấp nhận có phải tốt hơn không?
- Anh nói đúng. Bà đáp lời tôi và gật đầu tán đồng.
Con bé bực bội đi vào bếp nhưng tôi vẫn vói theo nó, tỏ ra là người từng trải, thạo đời:
- Có biết bao nhiêu điều xảy ra mà ai lường trước được, không chấp nhận không xong. Ai cũng có giây phút oán trách cuộc đời nhưng mấy ai dám từ bỏ nó đâu.
Con bé phục vụ không muốn tôi lên lớp nữa nên tự động mang đến một bình trà đặt trên bàn của người đàn bà nọ, dỗ ngọt tôi:
- Thôi, ông lại đây dùng trà cùng khách. Em nghe đủ rồi.
Bà tự nhiên nhìn tôi, đồng tình bằng cái gật đầu nhẹ. Tôi kéo ghế gần bàn hơn và rót trà, vừa nhấp vừa nhìn mưa rơi. Bà ta cũng thế. Một lúc sau, bà quay sang hỏi tôi một cách kỳ lạ:
- Theo anh, người ta sinh ra để làm gì?
Tôi buột miệng:
- Để chết đi... À! Để sửa soạn cho cái chết một cách đàng hoàng. Tôi nhớ mình đã nghe ai nói như thế và muốn chứng tỏ mình là người có học thức.
Bà mỉm cười, trầm ngâm bảo:
- Đàng hoàng hay không thì ai cũng chết cả. Có khi cái chết lại là một ân sủng?
- Tuỳ, không phải ai cũng thế. Dù cái chết là tất nhiên.
Bà gật đầu, im bặt. Đột nhiên, tôi nhìn vào đôi mắt của bà ấy. Đôi mắt mở to không chứa một vật cụ thể nào mà nó đang định hướng ở một nơi thật xa, rất xa. Đó là một thế giới mà tôi không hiểu nổi. Trong đôi mắt ấy chứa đựng biết bao hạnh phúc, khổ đau, cô đơn và tuyệt vọng... mà lại rất thanh thản... nó như một sự chờ đợi. Tôi chợt hiểu nó không phải là đôi mắt bình thường mà là đôi mắt chứa bóng dáng tử thần. Dù là linh cảm nhưng tôi tin chắc vào điều ấy.
Tôi hoảng sợ nên an ủi:
- Con người không nên tuyệt vọng. Dù gì thì cuộc sống vẫn là điều đáng quý nhất!
Bà cúi đầu thấp xuống, thầm thì:
- Tôi hiểu và hiểu rõ hơn anh. Nhưng cái gì có vay thì phải trả. Bất giác bà nắm tay tôi, xiết mạnh. Bàn tay đang chờ lưỡi hái của định mệnh, lạnh tanh.
- Chị... chị có cần gì không? Tôi hốt hoảng hỏi.
Bà bình tĩnh đứng dậy, nhìn tôi như thương hại, rồi nói:
- Không, tôi có sao đâu. Tôi về phòng đây.
Bà bỏ đi nhẹ nhàng, khoan thai mặc dù tôi ngồi lặng im, nhìn theo. Bóng bà khuất dần sau lùm cây nhưng tôi thật sự bị ám ảnh. Nếu có chuyện gì xảy ra thì tôi sẽ bị đuổi việc ngay, mà đó là điều tôi không muốn. Đến giờ ăn chiều, bà ta không xuất hiện. Lúc ấy tôi lo hãi quá. Lấy ít thức ăn và một chai nước tôi tìm đến phòng bà ở. Vừa đi vừa cầu nguyện run rẩy, hồi hộp gõ cửa, suýt nữa cái khay rơi khỏi tay. Bà mở cửa, bật cười trước hành động lóng ngóng của tôi. Trông bà xanh xao đến tội nghiệp. Như thanh minh cho hành động đường đột này, tôi nói:
- Tôi sợ chị mệt nên mang thức ăn đến cho chị.
Bà bước vào phòng, ngồi ở chiếc ghế gần cửa sổ, nhìn tôi:
- Cảm ơn anh, tôi không đói.
Thấy tôi vẫn đặt thức ăn lên bàn, bà mời:
- Anh ngồi chơi, nếu có thể...
Trông hoàn cảnh của bà ta, tôi không đành lòng bỏ đi. Vả lại bà ấy kích thích trí tò mò của tôi cực độ. Một sự bí hiểm lẫn xót thương. Tôi ngồi xuống, hỏi thăm:
- Hình như chị đang chờ ai đó?
- Vâng tôi chờ con gái tôi... và tôi chỉ sợ nó đến muộn...
Rõ ràng, ở tuổi này bà ta không còn đi làm nữa. Bà nói thế là có ý gì? Lẽ nào người ta có thể biết trước giờ chết của mình? Hay bà định làm một chuyện rồ dại... Suy nghĩ rối bời và tôi nhìn bà soi mói. Thấy ánh mắt ấy, bà cười:
- Con tôi sống ở nước ngoài, bảy năm rồi.
À ra thế! Tôi thầm nghĩ. Nhưng đợi con về thì việc gì phải tìm đến đây thuê phòng cho tốn tiền. Trong căn cước dưới lễ tân thì bà sống cách đây hơn 600 km. Lạ thật! Phải chi là mùa hè thì còn có lý.
Bà định nói tiếp một điều gì đó thì một cơn ho bất thần kéo đến. Nếu các vị trông thấy một người ho như thế thì không thể cầm lòng được. Đó là chuỗi dài của âm thanh thoát ra từ lồng ngực như kéo theo cả tim, phổi, ruột, gan ra ngoài. Nước mắt, nước mũi ròng ròng, toàn thân bà run rẩy. Tôi phải đến an ủi bằng cách vỗ nhẹ nhằm làm giảm cơn ho lại. Bà cúi gập mình, một tay ôm ngực, một tay ôm miệng và lấy khăn lau vội vã. Tôi nhìn xuống chợt nhận ra từng vệt máu loang lổ chiếc khăn tay. Đợi dứt cơn ho tôi mới lên tiếng:
- Chị nằm nghỉ đi, để tôi đi tìm bác sĩ.
Người đàn bà xua tay, ngẩng đầu, nhìn tôi van lơn:
- Không, tôi không sao, khoẻ ngay thôi mà.
Bà cố nở một nụ cười, nụ cười méo mó đớn đau, để trấn an tôi. Tôi dìu bà lên giường và kéo chiếc ghế gần sát giường hơn rồi ngồi xuống. Nhận ra cử chỉ ấy, bà thì thào:
- Thật làm phiền anh quá!
Tôi cuống quýt trả lời:
- Chị cần gì, tôi sẽ giúp chị, chị cứ nghỉ cho khoẻ đi.
Mắt bà long lanh nhìn tôi, đầy vẻ hàm ơn. Rồi bà với tay lên đầu giường lấy một chiếc bóp nhỏ. Mở ra và đưa cho tôi một tấm danh thiếp đã cũ. Vừa đưa cho tôi bà vừa nói:
- Tôi chỉ sợ không kịp đưa cho con gái tôi cái này. Nhờ anh chuyển giúp và nói với nó rằng: Đây là địa chỉ của bố nó.
Ngạc nhiên, tò mò, tôi hỏi lại:
- Con gái bà chưa biết mặt cha sao?
Bà đáp lại, đượm buồn:
- Cả bố nó cũng không biết sự hiện diện của nó ở cõi đời này. Nó là món quà của Chúa.
Tôi cầm tấm danh thiếp đã sờn, nét chữ đã không còn thấy rõ, địa chỉ lại càng không thể. Vả lại, quái lạ là bà ta có một đứa con với một người đàn ông, ông ta không thừa nhận mà bà ấy nói là món quà của Chúa. Thật không hiểu nổi. Nhận ra vẻ hoài nghi ở tôi, bà trầm ngâm:
- Cảm ơn anh về mọi việc. Anh... anh có nghĩ rằng... có những điều con người không thể giữ một mình... suốt đời... Câu cuối cùng bà nói khó khăn trong cơn thở mệt nhọc.
- Vâng, tôi gật đầu thừa nhận. Rồi nói tiếp: có những điều nói được thì nói xong sẽ nhẹ lòng biết bao.
Bà nhìn sâu vào mắt tôi, hỏi nhỏ:
- Anh nghĩ thế thật sao?
Tôi gật đầu lần nữa. Bà trở mình và ngồi dậy, lưng dựa vào thành giường... Rồi bà bắt đầu nói, không phải với tôi mà nói với mình hay với một bóng hình nào đó. Tôi ngồi im, không dám thở. Giọng bà trở nên rành rọt, xa xăm như tiếng vọng về trong cõi hư vô...
Anh có tin rằng, có những người ngay từ lúc chào đời đã mang trọng tội không? Rất nhiều năm tôi đã tin vào điều ấy. Và tôi đã bị đóng đinh bằng những lời nguyền. Khi mẹ có mang bà nội tôi đi xem bói và được ông thầy báo cho biết tôi xung khắc với nhiều người trong gia đình. Nếu sinh tôi cha mẹ sẽ gặp chuyện chẳng lành. Mọi người đều không muốn có tôi, trừ mẹ. Mẹ đã đánh đổi cả mạng sống của mình, ngay sau khi sinh tôi một ngày mẹ đã qua đời. Ai cũng tin rằng sẽ còn nhiều chuyện xấu xảy ra nên nói bố gửi tôi cho ông bà ngoại. Sau đó, bố tôi lấy vợ khác. Chắc chắn mẹ là một người tuyệt vời nhất trên thế gian này nên mọi người không thể quên được. Còn tôi lại trở thành kẻ tội đồ trước mắt họ. Tôi muốn xoá đi những thành kiến của mọi người bằng tất cả sự nỗ lực, ngoan ngoãn, vâng lời... Bà ngừng một lát rồi nói trong suy tưởng... Con người thật lạ, bao nhiêu kỷ niệm êm đềm không nhớ mà những lời rủa nguyền lại như tạc trong lòng. Vậy nên, tôi chỉ chờ lớn lên để không là gánh nặng của ông bà, dù có lúc, tôi đã tìm đến cái chết. Nhưng lần nào cũng vậy, khi tôi bắt đầu huỷ hoại mình thì mẹ lại hiện về. Mẹ bảo tôi rằng: “Mẹ đã cho con cuộc sống. Con không thể huỷ hoại nó được. Đó là một tội lỗi không thể tha thứ...” Có thể tôi đã quá ích kỷ và nhỏ nhen khi không biết bỏ qua tất cả?
Tôi khẽ lắc đầu phủ nhận câu nói của bà, nhưng bà không để ý. Bà vẫn tiếp tục câu chuyện...
Ông tôi mất năm tôi mười chín tuổi, dì đem bà về ở cùng và tôi phải lấy chồng. Chữ “phải” nghe buồn cười, nhưng thực sự là như vậy. Con gái ở thôn quê qua tuổi hai mươi mà chưa có ai dòm ngó thì ế suốt đời, trong khi đó, mọi người đang muốn bán nhà. Tôi lấy chồng hồn nhiên và đơn giản. Anh ấy là người hiền lành, ốm yếu. Lúc bấy giờ tôi mới thấy cuộc sống bớt nặng nề. Nhưng sống được ba năm, chồng tôi đột ngột qua đời. Chuyện về tôi từ ngày xưa, không biết ai nói ra mà nhà chồng xem tôi như là nguyên nhân của cái chết bí ẩn ấy. Họ đối xử một cách tệ bạc, tôi cắn răng cáng đáng mọi công việc để đổi lấy một chốn nương thân. Sau đêm giỗ đầu cho chồng, cả gia đình họp lại và mẹ chồng tôi bảo:
- Con hãy đi kiếm một người để tái giá. Con không hợp với gia đình này. Với lại, em con chuẩn bị cưới vợ.
Tôi không nghĩ đến điều ấy và bày tỏ rằng tôi muốn ở lại với họ đến cuối đời. Nói qua lại một hồi, không chịu đựng được nữa mẹ chồng chỉ tay vào mặt tôi và bảo:
- Cô muốn ở đây hết đời mà báo hại nhà tôi sao? Cô hại mẹ cô, chồng cô chưa đủ chắc, cô còn định bỏ bùa cho cả nhà tôi chết hả? Thứ “gái độc không con” chả khác gì yêu tinh!
Tôi sững sờ, chết lặng, rồi hiểu ra, đành gật đầu chấp nhận. Họ đưa cho tôi ít tiền và tôi ra đi. Tôi đi lang thang một ngày trời mà vẫn không hiểu điều gì đã xảy ra với mình. Đêm đó tôi ghé vào một quán trọ nghỉ lại. Sực nhớ đến lời rủa của mẹ chồng, tôi lôi chiếc bùa ở cổ ra xem thử. Đó là chiếc bùa bà ngoại bảo mẹ đã quàng cho tôi từ lúc tôi chào đời. Chiếc bùa là một bộ phận trong cơ thể tôi, người ta không bao giờ mở bùa ra xem vì như thế sẽ mất thiêng. Nhưng tôi vẫn quyết định tháo bùa ra xem thử. Anh có biết trong đó có gì không? Không phải là những dòng chữ loằng ngoằng của mấy thầy cúng mà trong túi vải điều là mảnh giấy báo gói hai chiếc nhẫn. Không phải vàng, không phải bạc... và tôi không hiểu vì sao mẹ có nó. Tôi không vứt đi vì đó là kỷ vật duy nhất, quý nhất mà mẹ để lại. Tôi không tin những điều bất hạnh xảy ra cho tôi lại liên quan đến kỷ vật của mẹ.
Đời có nhiều cái trớ trêu thật. Bà nói và cười thành tiếng, khi đói khát người ta thèm có tiền. Vậy mà khi có tiền người ta chẳng biết làm gì với nó. Tôi cầm tiền mà chẳng thiết ăn uống gì, chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu và tôi quyết định tìm đến một nơi thật đẹp, thật sang trọng để chết. Tôi đã tìm đến khách sạn này, căn phòng này...
Tôi ngắt lời bà ấy vì không giấu nổi ngạc nhiên:
- Chính nơi đây ư?
- Vâng, tại đây hai mươi năm trước. Bà nói chậm, giọng quả quyết. Tôi nhìn bà, một dòng nước mắt âm thầm chảy dài nhưng đôi môi lại nở một nụ cười rạng rỡ. Giọng bà nghẹn ngào:
- Định mệnh. Mỗi con người chúng ta đều nhỏ bé dưới bàn tay của định mệnh. Giãy giụa, đáng thương, khốn khổ... Tôi nhẩm tính số tiền mình có và thấy rằng mình sẽ trả được tiền phòng trong bốn ngày còn lại ăn uống thoải mái. Tôi gọi những món ăn đắt nhất, mặc dù tôi không biết nó tên là gì. Thuốc ngủ tôi đã mua để sẵn. Đêm thứ tư tôi quyết định sẽ uống. Và chiều hôm ấy, khi xuống thanh toán tiền phòng tôi chợt nảy ra ý thích đi dạo. Mưa nhỏ, trời khá tối và se lạnh. Bước chân tôi vô định theo con đường mòn dẫn đến vực Đá Trắng. Tôi đứng lặng im bên bờ vực và giơ tay cầu nguyện xin mẹ tha thứ. Đột nhiên một bàn tay chắc như gọng kìm giữ lấy vai tôi. Đó không phải là một phụ nữ. Tôi quay người lại và gục đầu trên vai người đàn ông xa lạ khóc nấc lên như một đứa trẻ. Tất cả nước mắt cuộc đời khổ hạnh lần đầu tiên được tuôn ra... Hình như rất lâu tôi mới nguôi ngoai rồi lả người trên tay anh ấy. Bàn tay anh vỗ nhẹ lên tóc tôi như an ủi và dìu tôi về. Tôi đổ gục, mê man. Khi tỉnh lại, anh ấy, tôi biết chắc đó là người đã dìu tôi về, đang cúi xuống chăm những giọt mồ hôi trên trán tôi. Anh khẽ cười và nói:
- Em làm tôi lo quá, mê man hơn một ngày trời.
Tôi lặng im, khép mắt như kẻ biết lỗi. Tiếng anh vẫn rất nhỏ nhẹ:
- Đừng làm điều dại dột. Em bị cảm rồi, tôi đã mua thuốc để trên bàn. Tôi đã ghi cách dùng, ăn xong em nhớ uống thuốc nhé. Anh vừa dặn vừa chuẩn bị đứng lên.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm nhận được tình yêu thương. Anh thân thiết, nhân từ như hình ảnh về mẹ mà tôi ao ước, tưởng tượng trong trí óc. Bất giác tôi vít cổ anh xuống hôn lên khắp mặt anh bằng tất cả lòng biết ơn. Thế nhưng chính lúc đó, tôi lại thấy trong mình dâng trào những cảm giác khác, những xúc cảm tôi chưa biết đến bao giờ. Tôi đã kéo anh xuống thật sát bằng một sức mạnh mà không ngờ tôi có thể có trong khi tôi đang vật vờ, ốm yếu. Anh ở bên tôi suốt đêm ấy. Sáng ra, anh không có trong phòng. Nếu không nhìn đám gối chăn nhàu nát thì tôi tưởng tất cả chỉ là giấc mơ. Tôi muốn chạy đi tìm nhưng tôi không nhớ rõ khuôn mặt anh ấy, trong khi đó lại đang mệt rã rời.
Đèn điện sáng loé cả mắt khiến ông chủ dừng câu chuyện. Bây giờ chúng tôi mới để ý đến hai đứa trẻ đã gục ngủ trên bàn từ lâu. Bố mẹ chúng bế lên phòng, tôi cũng về phòng, chỉ còn đám phụ nữ ở lại. Họ háy mắt với nhau và cười rúc rích như những con chuột nhắt. Bước chân tôi chậm rãi theo điệu nhạc nhà hàng vừa bật lên, từng chữ của câu hát xao xuyến hồn người: “Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ/ Dài tay em mấy thủa mắt xanh xao/... Nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau...”.
Đêm. Biển rì rào không ngủ. Thỉnh thoảng từng đợt sóng đánh vào bờ đá rồi bất thần đổ ụp xuống như một thân người. Gió rin rít ngoài cửa chớp. Vốn làm nghề kinh doanh nên những câu chuyện lãng mạn không làm tôi thích thú. Nhưng tự nhiên tôi khó ngủ, tôi cố kéo chăn trùm kín đầu. Một bóng trắng nhờ nhờ xuất hiện đầu giường tôi. Đó là một phụ nữ khá xinh đẹp, cô cúi xuống bên tôi thật gần; trong đóng đêm, tiếng cô thì thầm, thổn thức: “Đâu chỉ có niềm vui mới gọi là hạnh phúc, phải không anh? Cảm ơn anh đã đến với em trong cuộc đời này. Anh yêu! Xin anh hãy nhớ rằng: Đã có một người yêu anh hơn yêu bản thân mình, ơn anh hơn ơn cuộc sống này... mãi mãi và mãi mãi...” Một bờ môi nóng bỏng áp chặt môi tôi làm tôi ngộp thở. Tôi quẫy đạp và kêu gào. Giật mình tỉnh ra thì chợt biết chỉ là mơ thôi. Tôi nhỏm dậy bật đèn, ngồi hút thuốc và lắng nghe biển thét gào như những lời ca tuyệt vọng của kiếp người.
Hôm sau tôi dậy quá muộn và đâm bổ ngay xuống nhà hàng. Mọi người có mặt đầy đủ nhưng ở những bàn riêng biệt. Không thấy ông chủ đâu. Ai cũng ngơ ngác nhìn nhau như muốn hỏi về một điều gì mà lại không dám mở lời. Cuối cùng chàng trai trẻ cũng lên tiếng hỏi cô phục vụ và được trả lời ông chủ đi công chuyện, chiều tối mới về.
Chẳng ai bảo ai, sau bữa chiều, mọi người đã tự xếp ghế quây lại thành vòng tròn như đêm trước. Ông chủ đãi chúng tôi một bình trà ngon rồi tiếp tục câu chuyện bằng một câu hỏi:
- Hôm qua, tôi kể đến đâu rồi nhỉ?
Một phụ nữ vừa trả lời vừa cười thành tiếng:
- Đoạn hấp dẫn nhất!
Ông gật gù, khẽ cười, giọng trầm ngâm:
- Tôi hỏi bà ta có tìm thấy ông ấy không. Bà trả lời là ngày hôm sau bà có nhờ một người dọn phòng hỏi thăm về người đàn ông có tên trong danh thiếp. Và anh ta cho bà hay rằng ông đã mang vợ vào bệnh viện vì bà ấy lên cơn đau tim. Bà lại tiếp tục một cơn ho kéo dài, kiệt quệ cả sinh lực. Tôi khuyên bà ấy nằm nghỉ nhưng bà không để ý đến sự lo lắng của tôi. Giọng bà vẫn thủ thỉ: khi biết anh ấy đã ra đi tôi bàng hoàng và hụt hẫng kinh khủng. Tôi thấy mình trơ trọi và lạc loài giữa cuộc đời, không còn nơi để về, chẳng còn gì để yêu thương. Song, chính lúc ấy tôi lại không nghĩ đến hai hộp thuốc ngủ nữa. Tôi muốn sống và thèm được sống. Tôi rời khách sạn tìm đến thành phố lớn xin việc. Làm nghề rửa bát tôi đủ sống qua ngày. Tôi định bụng sẽ cố dành dụm ít vốn liếng rồi trở về quê mua một căn nhà gần mộ mẹ để sống nốt phần đời còn lại - Rồi bà bật cười - Đến lúc cái bụng phình to ra bà chủ bảo tôi có mang tôi mới biết. Quả thực 3 năm lấy chồng không con tôi đã bị nhiếc là “tiệt đường sinh đẻ”. Ai ngờ, trời lại mang đến cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Bây giờ cuộc đời tôi, sinh mệnh tôi không chỉ là của riêng tôi nữa. Lúc ấy, tôi mới thấu hiểu vì sao mẹ đã không bỏ tôi theo lời khuyên của mọi người.
- Chị đã sống thế nào? Sao không về quê hay tìm anh ta? Bà lặng đi vài phút, trả lời:
- Về quê ư? Tôi mà mang cái bụng về quê thì chỉ có con đường chết. Anh đã biết rồi đấy, đàn bà chửa hoang thì chỉ có đào đất mà chôn. Mà thật ra tôi đâu có tiền để tìm về quê hay tìm bố đứa bé. Ngay cả khi rời khách sạn này tôi cũng đi nhờ một chiếc xe du lịch... Còn bố đứa bé thực ra tôi cũng tìm đến một lần. Khi trao tấm danh thiếp cho tôi, anh bảo: “Khi nào cần giúp đỡ thì hãy tìm đến địa chỉ này!” nên khi có số tiền vừa đủ tôi đã đến tìm anh, như lời anh nói. Nhưng khi đến đó, chứng kiến sự sang trọng, êm ấm của họ tôi không muốn phá vỡ. Tôi không muốn anh khó xử và cảm thấy có lỗi với người thân. Tôi trở lại chốn cũ.
- Con chị lớn chị cũng không về quê à?
- Có, cũng chỉ một lần và tôi bảo với mọi người đứa bé là con nuôi của tôi. Bà tôi đã qua đời lâu rồi, dì cậu tôi cũng đã già. Hơn thế, bây giờ tôi đã có một cửa hàng nhỏ để buôn bán.
Bà quay về phía tôi, giọng trở nên sôi nổi khác thường:
- Tôi đã làm tất cả để nuôi con khôn lớn. Giờ nó đã trưởng thành. Tôi mắc bệnh năm năm rồi nhưng không muốn cho nó biết. Song đến lúc không thể giấu được. Phải không anh?
Tôi cầm tấm danh thiếp cũ nát, lòng phân vân:
- Nhưng địa chỉ này đã lâu, liệu con gái chị có thể tìm ra không?
- Có chứ, bà khẳng định và ngồi hẳn dậy, lôi trong chiếc bóp nhỏ túi vải điều. Vừa mở túi vừa nói với tôi:
- Tôi luôn tin sẽ có ngày anh ấy trở lại đây. Nó chỉ cần nhờ người trong khách sạn để ý người đàn ông có tên trong danh thiếp và mang một chiếc nhẫn như thế này.
Bà lấy chiếc nhẫn trao cho tôi, chiếc nhẫn cũ mèm hình một nửa trái tim lồi lõm như một vết cắn. Lòng tôi quặn thắt, mặt tái nhợt, thật may làm sao là bà không nhận ra. Bà vẫn tiếp tục dòng hồi ức:
- Tôi đã muốn đến đây nhiều lần vì tôi luôn tin rằng sẽ có ngày gặp lại anh ấy. Nhưng tôi đợi, tôi đợi đến lúc con gái tôi thành đạt nên người tôi sẽ dắt nó đến trước mặt bố nó và nói rằng: Anh yêu thương, em đã nuôi dạy con nên người vì lúc nào bên em cũng có cả anh và em. Anh đã ở bên em từng phút một...
Bà nhìn sang, thấy tay tôi cầm chiếc nhẫn run rẩy, liền hỏi:
- Anh có sao không? Trông anh xanh quá!
Giọng tôi lắp bắp, lạc đi:
- Hình như... hình như tôi đã có... tôi... tôi đã thấy...
Đôi mắt bà ánh lên những tia sáng lấp lánh. Bà đứng dậy rồi cầm đôi tay tôi, van nài:
- Có thật anh thấy không? Một chiếc nhẫn như thế phải không? Nói cho tôi đi, vì sao anh có?... Vì sao anh có?
Tôi bối rối vô cùng. Nhìn bà xót xa, an ủi:
- Hình như... có một người đàn ông đã đưa nó cho tôi...
- Thật vậy sao? Anh để nó ở đâu? Anh ấy có nói gì với anh không? Anh ấy như thế nào?...
Bà hỏi cuống quýt như sợ tôi bỏ chạy hay nói dối, đôi mắt bà đau đáu như trong cơn mộng du. Tôi luống cuống tìm lời giải thích. Một ý nghĩ chợt loé lên:
- Bà hãy đợi tôi về phòng tìm xem có đúng không đã.
- Ôi! Vâng, thật tình xin lỗi. Anh đi đi... đi tìm đi... Bà nói và đẩy tôi ra khỏi phòng.
Về đến nơi, tôi không biết phải làm gì. Tôi lấy trên kệ bình tro và hộp đựng chiếc nhẫn một người đã gửi tôi... Một đêm cách ba tháng trước, tôi bị những tiếng cầu cứu đánh thức. Một cô gái đẹp đẽ, hấp dẫn đến nhờ tôi tìm giúp người nhà. Nếu cô gái không đẹp như thế thì tôi cũng chẳng nhận lời. Bố cô ta đang bệnh và đi lạc, người nhà đã đi tìm khắp mà không thấy. Họ lo sợ ông đang yếu sẽ bị ngã xuống vực vì nghe nói dốc vực luôn gắn với những hồn ma, năm nào cũng có người trượt chân, chết mất xác. Tôi trấn an cho cô yên lòng rồi đi về phía vực Đá Trắng. Đêm lạnh và tối. Dốc đá vọng tiếng sóng vang vào hốc núi tạo thành thứ âm thanh ma quái tựa như tiếng hú dài của hồn người. Đá lởm chởm chông chênh thật khó nhận dạng, những khối đen lù lù trong bóng sáng mờ na ná hình người. Tôi nhìn quanh thật lâu mới phát hiện có ánh sáng phát ra từ đầu điếu thuốc. Tôi tiến về phía ấy. Người đàn ông chắc đã cảm nhận được sự có mặt của tôi, ông nói:
- Ngồi xuống đây, anh bạn.
Giọng trầm ấm, mạnh mẽ của ông buộc tôi ngồi xuống. Trong khi đó, suốt đoạn đường tìm kiếm tôi đã không ngừng chửi rủa người hành hạ tôi trong đêm lạnh thế này. Tôi định bụng khi nào tìm ra tôi sẽ chửi cho sướng miệng. Tự nhiên, tôi câm như hến. Ông đưa gói thuốc và trao cho tôi điếu thuốc của ông để mồi lửa. Rồi ông hỏi:
- Con gái tôi lại làm phiền anh phải không?
Tôi chợt nhiên đáp lại một cách hiền lành:
- Vâng, sợ ông bị sao, chúng tôi lo quá!
Bất ngờ ông quay sang tôi:
- Chắc anh có gia đình lâu rồi?
- Vâng, tôi đã có hai cậu con trai. Đứa mười hai, đứa tám tuổi.
- Anh có hạnh phúc không?
Tôi ngập ngừng trước câu hỏi kỳ lạ ấy. Bởi hạnh phúc là điều rất mơ hồ. Tuỳ theo mỗi người. Còn tôi, tôi hài lòng với những gì tôi đang có. Nghĩ thế, tôi trả lời:
- Có thể gọi là hạnh phúc. Còn ông? Chắc khi hỏi tôi câu ấy ông thấy mình bất hạnh phải không?
- Không, anh nhầm rồi. Cuộc đời tôi có thể là mơ ước của nhiều người... Công danh, tiền bạc, con cái... tất cả đều suôn sẻ, mỹ mãn.
Vừa hứng thú khi bắt bẻ ông, giờ nghe ông nói thế tôi thấy mình ê mặt. Song tôi bướng bỉnh:
- Ông chưa thật lòng. Một người hạnh phúc không bao giờ tìm đến bờ vực này giữa đêm. Tôi nói và tự cười trong bóng tối vì thoả mãn với triết lý của mình.
Rít một hơi thuốc thật sâu, ông nói:
- Tôi là người thành đạt nhưng thỉnh thoảng ngồi một mình tôi lại có cảm giác như đã quên một điều gì đó, đánh mất một cái gì đó trong cuộc đời. Tôi lục vấn mãi mà không hiểu đó là cái gì. Tôi cười mình lẩn thẩn và công việc bộn bề làm tôi quên đi. Nhưng đến lúc về hưu, hai đứa con đã có cuộc sống riêng của chúng thì cảm giác ấy trong tôi càng đậm đặc. Tôi ngồi một mình nhiều hơn và suy nghĩ thật lâu về quá khứ. Tôi lật Album ảnh ra ngắm từng người và ôn lại những câu chuyện về họ cùng vợ. Song vẫn không rũ được cảm giác tiếc nuối, buồn phiền...
Tuần trước cháu tôi ghé chơi thấy tôi đang mở vali cũ xem ảnh, nó cũng ngồi xuống phịch. Bất ngờ nó lục lọi ở các ngăn nhỏ trong vali. Anh biết mấy cái ngăn đó chứ? Cái ngăn ít ai để gì được. Nó lôi ra một vật, hỏi tôi:
- Cái nhẫn của ông có mặt hình gì vậy?
Tôi lấy chiếc nhẫn trên tay đứa bé và nhìn thật kỹ, một nửa trái tim lồi lõm. Chợt nhớ ra, đó là chiếc nhẫn của một người phụ nữ tặng. Và lúc ấy tôi đã hiểu nguyên nhân của cảm giác lạ lùng luôn bám riết lấy tôi. Sau đó, tôi đã đến đây.
- Bà ta ở đây sao?
- Tôi không rõ, nhưng lần ấy có một đêm tôi đang cô đơn và đến dốc Đá Trắng ngồi ngắm biển rồi gặp cô ấy.
- Hai người yêu nhau ? Mối tình đầu của ông à?
- Không, tình yêu chưa đủ... Đó là một điều gì đó thật khó gọi tên... Bất ngờ, ông quay sang hỏi tôi:
- Đã có phụ nữ nào thả mình trước anh chưa?
Tôi ngạc nhiên: - Thả mình là sao?
Ông cười lớn và giọng thật trầm:
- Anh hỏi như thế tức là anh chưa biết gì về tình yêu. Không phải ai trên đời cũng được hưởng ân huệ ấy.
- Nhưng, ông bảo không phải là tình yêu kia mà!
- Đúng, khi ôm cô ấy trong vòng tay tôi không nghĩ đó là người đàn bà xa lạ.
- Thế tại sao ông lại quên bà ta và chiếc nhẫn?
- Tôi nhận chiếc nhẫn cô ấy trao vì không muốn cô ấy tổn thương. Xin anh đừng cười hay trách tôi, bởi vì lúc nhìn qua chiếc nhẫn tôi thấy nó không có giá trị gì, vả lại đàn ông ở tuổi tứ tuần ai lại đeo chiếc nhẫn hình như thế. Khi trở về phòng, chắc tiện tay lấy đồ thay tôi đã nhét vào vali và quên mất. Sáng hôm sau, bệnh tình vợ tôi tái phát nên tôi phải đưa vào bệnh viện. Đến một ngày sau, tôi mới sực nhớ người phụ nữ đêm ấy với một cảm giác thật kỳ lạ...
- Hạnh phúc? Nuối tiếc?? Ân hận??
- Không. Điều này cao hơn hạnh phúc hay đau khổ. Đó là cảm giác đầy nam tính mà chỉ người đàn ông mới cảm nhận hết tâm trạng ấy. Tâm trạng được sống và được yêu hết mình bởi một phụ nữ vừa tận hiến vừa khao khát, vừa hy sinh vừa đòi hỏi, vừa yêu thương vừa đam mê... Một sự tận cùng, thiêng liêng và đẹp đẽ. Họ có thể nói tốt hoặc xấu về nó nhưng phải đến lúc cảm nhận được cội nguồn của sự sống mới có được giây phút ấy...
- Có thể vợ ông bệnh tật nên ông mới có cảm giác ấy chăng? Tôi nhận xét một cách ý nhị.
- Chưa hẳn? Thực ra, tôi gặp người phụ nữ ấy khi cô ta đang tìm đến cái chết. Còn tôi thấy mình quan trọng và cần thiết. Tôi vừa là người ban phát vừa là người tận hưởng. Khi rơi vào tâm trạng cô đơn ta mới nhận ra niềm yêu thương giữa con người với con người sao thiết tha, trìu mến và dịu ngọt đến như thế... Tôi bâng khuâng mất một ngày với cảm xúc ấy. Trước khi về nhà, tôi có ghé lại khách sạn, họ cho tôi hay người phụ nữ ở phòng 201 đã đi rồi. Cuộc sống tất bật, công việc, tiền bạc, chức vụ, con cái... làm tôi quên tất cả... Bây giờ, tôi đến đây để cầu nguyện và tạm biệt cô ấy.
Chúng tôi ngồi im, hút hết gói thuốc rồi tôi dìu ông về khách sạn. Trước khi chia tay, ông đưa chiếc nhẫn cho tôi và nói:
- Anh giữ lấy giúp tôi một linh hồn.
Hơn hai tháng sau, con gái ông quay trở lại, mang theo bình tro và đến tìm tôi. Cô ấy nói với tôi rằng: trước khi mất bố cô ta chỉ nhắn lại là hoả táng ông và mang đến vực Đá Trắng thả tro xuống đó. Tôi đã giữ bình tro lại vì tin ông ta sẽ phù hộ cho tôi và tin sẽ có người tìm bình tro ấy...
Khi người đàn bà lấy chiếc nhẫn cho tôi xem, tôi nhận ra ngay. Vì đêm nào tôi cũng thắp hương cho người đã khuất và ngắm chiếc nhẫn thật lâu. Thế nhưng, tôi không biết trả lời bà ta thế nào khi bà ta hỏi về ông ấy. Tôi cầm chiếc nhẫn người đàn ông đã tặng trở lại phòng bà và một quyết định được hình thành - có lẽ là sáng suốt.
Người đàn bà đã chờ tôi trước cửa. Chúng tôi đi vào. Bà cầm chiếc nhẫn tôi đưa. Nước mắt giàn giụa. Chưa kịp nghe bà hỏi gì, tôi nói như một cái máy:
- Người đàn ông đưa tôi chiếc nhẫn này vì nhờ tôi tìm bà. Năm nào ông ta cũng ghé đây hỏi thăm tôi về một phụ nữ khá xinh đẹp có đeo một chiếc nhẫn giống thế...
Bà rên rỉ trong nước mắt và ngắt lời tôi:
- Phải rồi, phải rồi... khi tặng cho anh ấy tôi đã nói là luôn đeo nhẫn trên tay để nhận ra nhau... Sao tôi lại không đến đây sớm hơn nhỉ?... Rồi bà ngước nhìn tôi, cầu khẩn:
- Hãy nói cho tôi biết anh ấy đang ở đâu? Tôi muốn gặp anh ấy, tôi muốn gặp anh ấy... Bà kêu lên rồi ngất xỉu theo cơn ho dài ập đến. Tôi đỡ bà lên giường xong chạy đi gọi bác sĩ.
Sau năm ngày mê man bà ta ngừng thở, tay cầm hai chiếc nhẫn và trên môi là nụ cười mãn nguyện.
Chúng tôi làm thủ tục hoả táng. Một tuần sau, con gái của họ mới tới nơi. Tôi trao cho co bé hai bình tro và cặp nhẫn mang hình trái tim.
Cái chết của bà ta khiến ông chủ sợ ế khách vì những lời đồn đại. Còn tôi thì ngược lại, tôi sang khách sạn này để kinh doanh và đổi tên cho nó. Cái tên Valentin hay đấy chứ?
Người kể chuyện hỏi, nhưng không ai trả lời. Chúng tôi im lặng. Ngoài kia, bóng đêm bao trùm. Mưa vẫn rơi đều nặng hạt, biển vẫn thổn thức không yên…
Tác giả: Hướng Dương
Giọng đọc: BaBum
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- Đây là 5 tâm thái thường có của những người...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...