Không Dừng Ở Trẻ Em, Virus Zika Còn "Ăn" Cả Não Người Lớn

13-04-2016
  0   1130
Cập nhật sự kiện trưa ngày 13/4/2016: Không dừng ở trẻ em, virus zika còn "ăn" cả não người lớn

Các nhà khoa học Brazil đã phát hiện virus Zika có thể gây ra bệnh viêm não tủy cấp lan tỏa ADEM, tấn công não bộ và tủy sống ở cả người lớn.

Mới đây, Tiến sĩ Maria Lucia Brito, nhà thần kinh học tại Bệnh viện phục hồi chức năng Recife công bố phát hiện của nhóm nghiên cứu tại cuộc họp của Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ hôm 10/4. Các nhà khoa học Brazil đã phát hiện virus Zika còn tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương ở cả người lớn, gây ra căn bệnh viêm não tủy cấp lan tỏa, hay còn gọi là ADEM.
 

 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ADEM thường xảy ra do hậu quả của một căn bệnh nhiễm trùng nào đó, gây sưng dữ dội trong não và tủy sống, làm thiệt hại myelin, các lớp phủ bảo vệ màu trắng xung quanh sợi thần kinh. Kết quả khiến cơ thể mệt mỏi, tê, mất thăng bằng, tầm nhìn và một số triệu chứng tương tự như bệnh đa xơ cứng.

Nghiên cứu theo dõi 151 bệnh nhân đã tới khám tại Bệnh viện của tiến sĩ Brito từ tháng 12/2014 đến 6/2015. Tất cả đều bị nhiễm một trong số bệnh do nhóm virus Arbo gây ra (bao gồm virus Zika, sốt xuất huyết và virus Chikungunya). 6 người trong số đó có các triệu chứng của hội chứng rối loạn tự miễn dịch, 4 người bị hội chứng Guillain-Barre và 2 người bị nhiễm ADEM.
 
Ở cả 2 trường hợp ADEM, các bác sĩ tiến hành kiểm tra quét não cho thấy các lớp myelin màu trắng xung quanh sợi thần kinh bị thiệt hại. Các triệu chứng ADEM này thường kéo dài khoảng 6 tháng. Tiến sĩ Brito cho biết: "Mặc dù nghiên cứu nhỏ nhưng có thể cung cấp bằng chứng khẳng định việc virus Zika có tác động lên não nhiều hơn so với các nghiên cứu trước đó".
 

Trước đó, virus Zika gây ra hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, dẫn đến khó khăn về các vấn đề phát triển. Theo ghi nhận, Brazil cho biết họ đã xác nhận hơn 940 trường hợp nhiễm virus Zika ở các bà mẹ mang thai và đang xét nghiệm gần 4.300 trường hợp nghi ngờ mắc hội chứng đầu nhỏ.

Về vấn đề này, Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, virus Zika không gây ra não ở người lớn mà chỉ gây ra triệu chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

"Vấn đề này Bộ Y tế giao cho các bệnh viện nghiên cứu nhưng vấn đề đó chưa dễ dàng nên người dân không nên hoang mang, lo lắng. Trước mắt để phòng chống với virus Zika người dân nên có biện pháp diệt muỗi, chống người phụ nữ đang mang thai bị muỗi đốt", ông Phu cho hay
Virus Zika được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1947 tại rừng Zika của Uganda. Bệnh nhân nhiễm virus thường bị sốt, đau mắt, đau đầu, đau khớp, đôi khi buồn nôn và đau dạ dày.
 
 

Virus Zika được cho là lây truyền từ người sang người thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Tuy nhiên, thế giới chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do nhiễm virus Zika. 80% bệnh nhận có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tháng 1, nó bắt đầu lây lan nhanh ở Brazil, và các nước khác tại Nam Mỹ và Bắc Mỹ sau đó là nhiều nước ở châu Âu lẫn châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 2 ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khi Zika lây lan nhanh chóng ở châu Mỹ. Virus này liên quan tới dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng thần kinh nguy hiểm Guillain-Barre.
 

Theo WHO, đến nay đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào... đã ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika. Sáng 5/4, Bộ Y tế xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam.

Zika khó có thể bùng phát như đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014 nhưng nó vẫn là minh chứng cho mối nguy hại từ các loại bệnh mà con người ít biết đến. Trudie Lang, giáo sư khoa tại Đại học Oxford, cho biết: “Chúng ta chưa có thuốc và cũng chẳng có vắc xin để phòng Zika. Đây chính xác là những gì chúng ta đã gặp phải với đại dịch Ebola. Việc tìm ra vắc xin là yêu cầu cấp
thiết”.
---------------------------

Nguồn: TH

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.
 

Youtube

Facebook Fanpage

1