Lý do tôi không bao giờ nói Nhanh lên con nữa

05-09-2016
  0   995
Khi bạn sống một cuộc sống lúc nào cũng bận rộn cuống cuồng thì mỗi phút mỗi giây đều vô cùng quan trọng. Bạn có cảm giác như mình phải kiểm tra thứ gì đó trong lịch làm việc, phải nhìn chằm chằm vào màn hình hay vội vã di chuyển tới điểm đến tiếp theo. Và bất chấp có bao nhiêu cách bạn đã sử dụng để phân chia thời gian và sự chú ý, bất chấp bao nhiêu nhiệm vụ, dự án bạn cố hoàn thành, dường như chẳng bao giờ có đủ thời gian trong một ngày để làm từng đó việc.

Đó chính là cuộc sống của tôi, từng là cuộc sống của tôi trong suốt 2 năm điên loạn.

6 năm trước, tôi được ban phúc lành có một bé gái tóc đuôi sam, lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư, có thể dừng chân bất cứ đâu để hít hà hương thơm một đoá hồng.

Khi tôi cần bước ra ngoài cửa, con bé lại dành thời gian vàng ngọc của mình để tìm và mang theo một chiếc ví cộng thêm vương miện công chúa lấp lánh.

Khi tôi cần có mặt ở nơi nào đó từ 5 phút trước thì con bé vẫn khăng khăng phải hoàn tất việc cài dây đai an toàn cho con thú nhồi bông trên ghế ô tô.

Khi tôi cần tranh thủ ăn trưa tại Subway, con bé dừng lại để trò chuyện rôm rả với một bà cụ.

Khi tôi có khoảng 30 phút để chạy bộ thể dục, con bé muốn tôi dừng xe đẩy lại và cưng nựng bất cứ con chó nào mà chúng tôi thấy khi đi ngang qua.
 

Khi tôi có cả một ngày làm việc kín mít bắt đầu lúc 6 giờ sáng, con bé đề nghị được đập vỡ trứng và khuấy trứng một cách vô cùng nhẹ nhàng.

Bất cứ khi nào con gái khiến tôi chệch hướng khỏi lịch trình hoàn hảo của mình, tôi tự nhủ: “Chúng ta đâu có thời gian cho cái này”. Kết quả là, ba từ thôi thường nói nhiều nhất với tình yêu nhỏ bé của đời tôi là: “Nhanh lên con!”.

Khi tôi cùng con gái đi dạo hoặc tới cửa hiệu mua sắm, tôi cho phép con quyết định nhịp độ.

Tôi luôn bắt đầu câu nói của mình bằng: “Nhanh lên con! Chúng ta muộn giờ rồi”.

Tôi cũng kết thúc câu bằng: “Chúng ta sẽ bỏ lỡ mọi thứ nếu con không nhanh lên!”.

Tôi khởi đầu ngày mới bằng: “Nhanh lên con, ăn sáng đi”; “Nhanh lên con, mặc quần áo vào”.

Tôi kết thúc một ngày cũng bằng: “Nhanh lên, đánh răng đi con”; “Nhanh lên, đi ngủ đi con”.

Và mặc dù, mấy tiếng “Nhanh lên con” chẳng có mấy tác dụng trong việc thúc con gái tôi đẩy nhanh tốc độ của cháu, tôi lại vẫn luôn sử dụng chúng thường xuyên. Có thể thậm chí còn thường xuyên hơn cả câu “Mẹ yêu con!”.

Thế rồi, vào một ngày định mệnh, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi vừa đón con gái lớn từ trường mầm non về và đang xuống xe. Không nhanh nhẹn như mong đợi, bé lớn bèn nói với em gái mình: “Em chậm chạp quá đi mất”. Và khi con bé đứng khoanh tay rồi thả ra một tiếng thở dài ngao ngán, tôi nhìn thấy chính mình – và đó là một cảnh tượng khiến tôi đau nhói tâm can.

Tôi là một kẻ bắt nạt, kẻ luôn thúc giục và gây áp lực vì hối thúc một đứa trẻ chỉ đơn giản muốn tận hưởng cuộc sống.

Tôi đã được mở mắt, tôi nhìn thấu suốt những tác hại mà bản tính vội vã của tôi đã gây ra cho cả hai bé con.

Mặc dù giọng nói run run, tôi vẫn nhìn vào mắt con gái út và nói: “Mẹ vô cùng xin lỗi vì lúc nào cũng bắt con phải nhanh lên. Mẹ mừng khi thấy con vẫn có thời gian cho riêng mình và mẹ muốn được như con nhiều hơn nữa”.

Cả hai thiên thần nhỏ nhìn tôi, đều tỏ ra kinh ngạc trước sự thú nhận đau đớn của mẹ chúng. Nhưng tôi thấy trên gương mặt con gái út ánh lên vẻ thấu hiểu, chấp nhận.

“Mẹ hứa từ giờ sẽ kiên nhẫn hơn”. Tôi nói trong lúc ôm chặt lấy con gái, lúc này đang tươi cười rạng rỡ trước lời hứa của mẹ.

Khá dễ dàng để loại bỏ cụm từ “Nhanh lên con” ra khỏi vốn từ vựng của tôi. Điều mà không dễ dàng được như thế là rèn luyện để có được sự kiên nhẫn, để chờ đợi con gái nhỏ rất ung dung, thong thả của tôi. Để giúp đỡ cả hai, tôi bắt đầu cho con bé thêm nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trước khi đi đâu đó. Và đôi khi, ngay cả như vậy, chúng tôi vẫn muộn. Có những lúc tôi phải tự trấn an bản thân rằng tôi chỉ muộn có vài năm thôi mà, khi con còn nhỏ.
 

Khi tôi cùng con gái đi dạo hoặc tới cửa hiệu mua sắm, tôi cho phép con quyết định nhịp độ. Và nếu con bé có dừng lại để thưởng thức điều gì đó, tôi sẽ gạt mọi suy nghĩ về lịch trình trong đầu ra, rồi đơn giản là quan sát con. Tôi chứng kiến những biểu cảm trên gương mặt bé mà trước đây tôi chưa từng thấy. Tôi chăm chú ngắm những vết lúm nhỏ trong lòng bàn tay con hay cách mắt con hơi nheo lại khi con cười. Tôi thấy cách những người khác phản ứng lại trước thái độ quan tâm của con tôi khi bé dừng lại và dành thời gian nói chuyện với họ. Tôi thấy cách con phát hiện ra những con bọ bé xíu thú vị và những bông hoa xinh đẹp.

Con bé là một người nhận biết và tôi nhanh chóng nhận ra rằng, những người nhận biết trên thế giới này thực sự là những món quà tuyệt vời và quý hiếm. Đó là khi tôi, cuối cùng cũng nhận ra, con bé chính là món quà cho tâm hồn cuống quýt của tôi.

Tôi hứa sống chậm lại từ khoảng 3 năm trước. Đó là khoảng thời gian tôi bắt đầu hành trình loại bỏ mọi thứ khiến tôi xao nhãng hàng ngày và chỉ nắm bắt những thứ có ý nghĩa với tôi trong đời. Sống chậm hơn khiến tôi phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng con gái út là lời nhắc nhở sống về lý do tôi phải tiếp tục cố gắng để sống chậm hơn. Và đúng là có ngày, con bé lại nhắc nhớ tôi một lần nữa.

Hai chúng tôi lúc đó đang đạp xe đi dạo trong kỳ nghỉ. Sau khi mua kem cho con, chúng tôi ngồi xuống một chiếc bàn ở khu vực cắm trại, vui sướng ngắm nghía cây kem lớn con bé cầm trong tay. Bỗng nhiên, khuôn mặt con bé thoáng vẻ lo lắng: “Con có phải nhanh lên không mẹ?”. Tôi chỉ biết khóc. Có thể vết thương từ cuộc sống vội vã, gấp gáp trước đây chưa từng hoàn toàn biến mất, tôi buồn rầu nghĩ.

“Con không việc gì phải vội. Cứ tận hưởng thời gian của con”, tôi dịu dàng nói. Cả khuôn mặt con gái sáng bừng lên và hai vai bé thả lỏng ra, đầy thư giãn.

Khi con gái ngước nhìn tôi, chờ đợi xem liệu con bé có thể thảnh thơi sử dụng thời gian của mình, tôi biết tôi đã có một lựa chọn. Tôi có thể ngồi đó trong đau khổ, suy nghĩ về vô số lần tôi thúc giục con trong đời… hoặc tôi có thể ăn mừng một sự kiện là hôm nay, tôi đang sẵn sàng làm gì đó khác đi. Tôi chọn sống trọn vẹn cho ngày hôm nay.

Và khi chúng tôi ngồi bên nhau, trò chuyện về những thứ mà một đứa trẻ 6 tuổi chơi ukulele hay nói. Thậm chí có những lúc, chúng tôi ngồi trong im lặng, chỉ mỉm cười với nhau và ngắm nghía khung cảnh xung quanh chúng tôi.

Tôi nghĩ con gái tôi sẽ ăn hết cốc kem lớn. Nhưng khi chuẩn bị xúc tới thìa cuối cùng, con bé đưa thìa đầy ú đó cho tôi. “Con dành thìa cuối cùng này cho mẹ đấy”, con gái nói bằng giọng đầy hãnh diện. Tôi để vị kem mát lạnh xoa dịu cơn khát của mình, tôi nhận ra, mình đã hoàn tất thương vụ cả cuộc đời.

Tôi cho con gái chút thời gian và đổi lại, con gái cho tôi thìa kem cuối cùng của mình và nhắc tôi rằng những thứ ngọt ngào hơn và cả tình yêu nữa sẽ đến với bạn dễ dàng hơn khi bạn dừng nhịp sống vội vàng, gấp gáp.
 

 
Cho dù đó là khi…

Ăn kem
Hái hoa
Thắt dây an toàn
Đập vỡ trứng
Tìm vỏ sò
Ngắm bọ rùa
Thả bộ trên vỉa hè

Tôi sẽ không nói: “Chúng ta không có thời gian cho việc đó đâu”. Bởi vì nói như thế về cơ bản chẳng khác gì: “Chúng ta không có thời gian để sống”. Ngừng lại để thích thú tận hưởng những niềm vui giản dị của cuộc sống thường nhật là cách duy nhất chúng ta thực sự sống.


Rachel Macy Stafford là một giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt và là tác giả có sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ New York Times (tác phẩm “Hands Free Mama”). Qua cách kể chuyện chân thực và những chiến thuật đơn giản, Rachel giúp mọi người vượt qua được những thứ gây xao nhãng và sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn. Cô yêu thích các hoạt động ngoài trời, nướng bánh, làm việc thiện nguyện cho những người cần giúp đỡ với chồng mình và hai con gái – những người đã truyền cảm hứng cho cô mỗi ngày.

--------------------------------------------------------------------------------
Tác giả: Rachel Macy Stafford - H/P
Dịch giả: Huyền Nguyễn / Trí Thức Trẻ
Thực hiện: Yo Le và nhóm sản xuất Radiome

Nếu bạn có những bài viết, tâm sự muốn chia sẻ, vui lòng liên hệ e-mail camxuc@i-com.vn

Youtube

Facebook Fanpage

1