Nơi không chỉ có khói núi
Truyện ngắn "Nơi không chỉ có khói núi" được viết nhẹ nhàng, như những nét phác họa về cuộc sống, sinh hoạt của ba cô giáo trẻ. Những chi tiết đó giàu sức gợi và nói được nhiều điều.
Hai đứa trẻ đứng thập thò ngoài cổng, bộ dạng rụt rè. Đứa con trai chân đất mặc quần cộc, áo ngắn tay màu đất, tiệp với đôi chân mốc cời. Đứa con gái mang dép nhựa, quần đen hụt lên trên mắt cá chân, tóc hoe rối nùi, trên tay xách bịch ni lông màu đen, không rõ đựng thứ gì. Trực ngồi trên chiếc đẩu gỗ mộc sần sùi, nửa muốn chạy ra mở cánh cổng ghép bằng những cây chà rang, nửa muốn ngồi miết để quan sát điệu bộ lóng ngóng của chúng. Cả hai có vẻ chịu đựng, chờ đợi sự lên tiếng của các cô giáo trong căn nhà tập thể.
Qua khung cửa bằng những vạt cây cắm sâu vào vách đất, thân thể hai đứa bé bị vạch từng đoạn gãy khúc, mờ mờ trong màn sương núi đặc lềnh, lung linh, hư ảo trước vạt núi màu xanh phía xa bắt đầu co lại, nhòe nhoẹt lớp khói trắng quấn thít, từ từ như người ta kéo tấm vải mỏng phủ trên đồi cỏ hoang. Khúc sông trước mặt cũng đục lềnh lớp khói trắng sà thấp sát mặt nước. Khói núi tuôn xuống xuôi theo gió cuối ngày lúc mỗi dày thêm, lạnh ngắt.
Hai đứa nhỏ chắc thấm lạnh, Trực nghĩ và đứng dậy quơ đôi dép dưới gậm bàn bước ra sân.Thấy Trực, đứa con trai dịch nép sau lưng chị. Cánh cổng kéo qua bên, ngã nhoài về phía sân. Trực nói:
- Các em vào nhà, kẻo lạnh.
Đứa con gái bối rối chuyền chiếc túi từ tay này sang tay kia, lí nhí:
- Má em… má em biểu mang cho cô… – nói và đặt chiếc túi đen xuống thảm cỏ và chạy ngược ra hướng bờ sông. Đứa con trai lúp xúp chạy theo sau, thỉnh thoảng ngoái lại ngó về phía Trực. Bóng của chúng lượn trên đồi cỏ rồi nhòa dần trong lớp sương trắng ở đoạn những ruộng bắp bạt ngàn. Trực chưa hề biết chúng, có lẽ là học sinh của lớp Thẩm hay Diệp, Trực đoán vậy.
Trực quay vào nhà, quành xuống sau chái bếp xách theo bọc cá hai đứa học trò nhỏ mang biếu, đổ ra chiếc rổ nhựa. Một vài con quẫy mình hay cố nhoi chiếc đầu nhỏ lên trên những con khác. Đó là những con cá lúi, cá mương vảy bạc lấp lánh, dài như phần đầu sơ chiếc đũa bếp, có lẽ người nhà của chúng quây lưới trong các tum hay đánh dẹp bên những con suối.
Trực ngồi trên chiếc đòn kê đổ rổ cá vào thau thì Thẩm và Diệp từ phía rẫy trồng sắn sau trường trở về, khiêng theo bó củi khô dựng bên đầu hồi. Thẩm hỏi gì thế? Trực nói cá của học trò mang biếu, không rõ học trò của cô nào. Thẩm thọc gáo dừa vào lu múc nước rửa tay vừa liếc nhìn thau cá lầm bẩm: cá lúi nướng dầm mắm ngò thì không còn gì bằng. Tiếc rằng bọn mình không phải là đàn ông con trai để có thể nhấm nháp chút rượu trong buổi chiều trắng khói núi như thế này.
Diệp đứng cạnh đang kéo ống quần để lộ bắp chân tròn trắng, xì một tiếng dài, bảo: nhìn những con cá nằm trong dĩa mắm ớt tỏi mấy bà không cảm thương thân phận đàn bà con gái tụi mình sao. Trắng phau thế mà phơi chình ình trên dĩa đợi người ta thọc đũa vào ngoáy. Bà nào cũng chuẩn bị tới cột số “băm” hết trơn trọi rồi còn thú nỗi gì? Thẩm hứ đánh cốc “nói xàm” rồi quày quã bước vào nhà.
Diệp đứng xớ rớ một lúc, không nghe Trực nói gì, khum người chui qua hàng rào thưa khóa cửa các phòng học. Trực rửa sạch sẽ những con cá cuối cùng cũng vừa lúc ý nghĩ tòe ra, đụng cột số “băm” Diệp nói. Chưa biết có xàm thiệt hay không, nhưng bốn năm rồi cứ bám riết nơi núi cao suối sâu này, đôi lúc cũng tủi lòng. Nhan sắc không biết phô bày với ai.
Những người dân miền núi chân chất thiệt thà, luôn nghĩ ba cô giáo là những con người chỉ cách thần núi thần sông một sải tay, đám thanh niên thì luôn nhìn họ ở một khoảng cách xa, nên son phấn cũng trở nên ngượng ngịu trên đôi gò má xàm xạm lỗ chân lông. Hiếm hoi lắm mới nhìn thấy vài người đàn ông thồ hàng từ xuôi lên đổi các loại nông thổ sản cho đồng bào rồi ào trở về như thể chốn này là nơi ma thiêng nước độc không nên qua đêm…
(...)
-------------
Nguồn: VOV
Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"
Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.
Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"
Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.
"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc
Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.
“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong
Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.
“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây
Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.
Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức
Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...
"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất
Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.
“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt
Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...