Thương lái thu mua cá tra quá lứa: Hấp dẫn nhưng nhiều rủi ro

06-06-2016
  0   747

Thời gian gần đây, nhiều vùng nuôi cá tra ở Đồng Tháp xôn xao trước thông tin thương lái Trung Quốc tìm đến tận ao nuôi cá tra của người dân để mua cá tra thương phẩm loại lớn, quá khổ, không thể sử dụng trong xuất khẩu. 

Thông tin này mau chóng thu hút nhiều sự quan tâm của hộ nuôi trong bối cảnh giá cá tra trong nước đang xuống thấp.     
Là người có kinh nghiệm nhiều năm với nghề nuôi cá tra, ông Võ Văn Kịch, xã An Nhơn, Huyện Châu Thành, Đồng Tháp rất thận trọng trước thông tin một số thương lái Trung Quốc tìm mua cá tra nguyên liệu cỡ lớn, quá lứa.

Theo ông Kịch, không nhiều loại cá này trong ao được xuất bán do đây là loại cá vượt quá kích cỡ trong chế biến phi lê. Vì vậy, thông tin này dấy lên nhiều băn khoăn cho hộ nuôi.

"Thông tin này làm bà con người ta hoang mang, có nghĩa nếu cá quá size thì bà con chịu thiệt. Bà con nghi là tung tin vậy rồi hi vọng được mua. Nhưng nếu để quá size rồi thì sao? không mua thì sao? Do đó rất ý thức với không tin này. Chỉ khi nào công ty trong nước không mua thì mới bán cho thương lái khác thôi" – ông Kịch nói.

Có vài hộ bán cá quá lứa cho thương lái để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là những hộ nuôi ngoài HTX. Nguyên nhân là do các hộ này cố duy trì việc nuôi để chờ giá tăng. Cá lớn quá khổ, khó bán cho công ty chế biến nên giờ phải bán cho thương lái nước ngoài. 

Huyện Châu Thành là một trong những vùng nguyên liệu cá tra lớn của tỉnh Đồng Tháp. HTX dịch vụ thủy sản Châu Thành có 8 hộ nuôi với sản lượng trên 2.000 tấn/năm, được liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, thông tin này không ảnh hưởng đến các thành viên HTX: "Vừa qua cũng có thông tin thương lái Trung Quốc vào mua cá nguyên liệu của mình. Thông qua các doanh nghiệp để xuống hộ nuôi ngoài HTX mua, chứ trong thành viên HTX thì không ai bán cho thương lái Trung Quốc. Bởi vì chúng tôi đã có hợp đồng liên kết hẳn hoi rồi".

Ngoài việc luôn có được hợp đồng bao tiêu cá nguyên liệu, các thành viên HTX còn được sự tương trợ về vốn từ các thành viên. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm hơn so với hộ nuôi cá thể, tự đầu tư và tự tìm đầu ra.

Vì thế, người nuôi không vì lợi ích trước mắt với lời mời mua cá quá lứa giá cao để rồi nhận lấy quả đắng như những thương vụ mà thương lái nước ngoài đã từng thực hiện tại ĐBSCL như mua lá mãng cầu xiêm, mua cau non, ốc bươu vàng, dừa non hay mua đỉa...

Ông Tăng Trình, người nuôi cá ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho rằng, xét về tính ổn định, rõ ràng, hợp đồng liên kết, bao tiêu nông sản hàng hóa sẽ giảm thiểu được những rủi ro, tránh tình trạng ăn xổi ở thì.

Thu mua hàng hóa nông sản không giống ai, đó là cách mà một số thương lái nước ngoài đã và đang thực hiện đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam. Thực tế cho thấy, đã có không ít mặt hàng điêu đứng khi các thương lái nước ngoài đẩy giá lên cao để thu gom, xong đột ngột ngừng thu mua.

Cẩn trọng trước thông tin và lời mời hấp dẫn trước mắt nhưng có thể gây thiệt hại lâu dài, đó là khuyến cáo dành cho người nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp cũng như ở các địa phương khác vùng ĐBSCL.

Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1