Cây sa mộc chết đứng

Thể hiện : VOV
Tác giả : VOV
31-07-2017
  0   1011

Bốn gian nhà chỉ có một cái cửa duy nhất nên ngoài trời còn sáng mà trong nhà đã tối mịt. Buồng mẹ con Mùi nằm còn tối hơn. Khách khứa về hết. Bên mâm, hình như chỉ còn mình Châu thì phải. Mùi gọi mấy lần Châu không thưa. Lại say rồi. Dạo này liên tục say. Mùi gọi thêm lần nữa. Châu ư ử gì đó trong họng, giống như một câu hát. Rồi Châu hát thật. Câu hát ấy, Mùi còn lạ gì. Để mặc thằng bé vừa đầy tháng nằm đấy. Mùi bước ra, quần áo xộc xệch, tóc tai rối bù. Châu vẫn say sưa hát. Mùi gào lên mấy tiếng rồi lăn xả vào Châu mà cào cấu. Châu ngã dúi dụi, khua hai cánh tay chống đỡ yếu ớt rồi gục xuống nền nhà. Châu còn lảm nhảm thêm một lúc nữa rồi ngủ quên trong tiếng đay nghiến của Mùi. 

 

Diu chạy theo con sóc. Con sóc liếc nhìn Diu rồi trốn biệt trong quầng chuối dại tốt ngụt. Diu lại chạy theo tiếng con chim ca ca. Rốt cuộc, Diu mất dấu tiếng chim giữa rừng trúc quân tử ngút ngàn. Thông cổ thụ. Chè cổ thụ. Đỗ quyên cổ thụ… Những thân cây bạc trắng, sần sùi đứng im phăng phắc nhìn theo bước chân Diu. Mặt trời không còn treo trên tán lá, như đã rụng xuống chỗ nào đó và bị lá khô vùi lấp. Dây rừng thít chặt cổ chân Diu và trói cô vào nỗi tuyệt vọng bên một bờ vực sâu hun hút. Diu nhắm mắt bò ngược, cổ họng khô khát, tay chân rã rời. Tại sao, cứ tụt xuôi là gặp vực sâu, cứ trèo ngược là gặp dây cuốn thế này? Thế cái vùng rừng có nhiều cây thuốc như lời mẹ kể ấy ở đâu? Lần đầu tiên thay mẹ vào rừng cấm tìm thuốc, chẳng nhẽ lại về tay không?



Diu lấy tay vun lá khô thành một chiếc nệm rồi ngồi xuống, cởi chiếc khăn bịt kín mặt vứt ra xa. Đêm nay, chỉ có bóng đêm làm bạn. Diu còn nhớ, đêm nào đó xa lắc, lúc Diu đang rụt lửa ra khỏi bếp và buồn ngủ rũ mắt thì nghe tiếng em gái thì thào với mẹ: “Cô dâu đẹp lắm”. Rồi tiếng mẹ rất nhỏ: “Ừ, nói khẽ thôi”. Diu để mặc củi lửa đấy mà bước ra sân. Trời tối đen. Cái chân Diu bồn chồn muốn đi đâu đó một lát. Nhưng trời đầy gió và lạnh buốt. Thực ra, từ lúc Châu đón vợ về, Diu đã muốn nấp ở ruộng ngô ven đường để nhìn mặt cô dâu chú rể một lần. Nhưng sợ Châu nhìn thấy cô, cuộc vui sẽ không trọn vẹn. Diu đứng chôn chân dưới giàn mướp đắng. Giàn mướp giống như bầu trời thứ hai của Diu. Chính nó làm cho khoảng sân nhà Diu chẳng bao giờ có ánh trăng sao lọt vào.

 

Đêm ấy, Diu thức trắng ngoài hiên. Gần sáng, tiếng mẹ nói với bố trong nhà vọng ra. “Từ giờ ông đừng có mang búa, mang súng vào rừng cấm nữa”. Tiếng Sán cằn nhằn gì đó với chồng nó ở gian buồng ngoài cùng. Diu ngồi dậy. Đưa tay vuốt mặt, thấy nước mắt đã khô hết tự bao giờ. Em trai cưới vợ đã ba năm, Diu chưa được bế cháu. Mẹ Diu đi mòn gót các nhà thầy thuốc trong vùng mà chưa thấy có tin gì vui. Diu chưa thấy ngày nào vợ chồng nó dừng uống thuốc mẹ đun. Chăm chỉ thế mà cái ngực nó vẫn lép, cái bụng nó chưa đội thắt lưng nhô lên. Vừa rồi, chân mẹ sưng lên rất to không thể đi lại. Diu nhận lời thay mẹ vào rừng tìm thuốc.



Mới đêm qua, Diu lại nghe em trai nói với vợ nó rằng nhà Châu đón thầy cúng về đặt tên cho đứa con thứ ba. Đã đứa thứ ba rồi… Không hiểu sao, mỗi lần vợ Châu sinh con là một lần Diu thấy bụng mình quặn đau và hai bầu ngực mình buốt nhói như có kẻ nào đó vừa đẩy cô ngã sấp vào đám gốc nứa bị dao chém. Cho dù từ lâu rồi hai người không thấy mặt nhau. Cho dù Diu đã quên Châu. Quên cả giọng nói đến mùi mồ hôi. 

 

Diu nhắm mắt, ngồi yên trong bóng đêm và cố nhìn về phía trước. Tiếng gió rừng bắt đầu gào thét, gầm rú như con thú đói bụng. Năm nào cũng thế, cứ vào mùa xuân, mùa cưới vợ của con trai vùng này, là gió ở đâu đó tụ về, hú hét thâu đêm suốt sáng, như tranh giành nhau những triền ruộng bậc thang đang trần trụi nằm úp thìa chờ nước. Diu nơm nớp, thấp thỏm chờ sáng. Bụng cồn cào, Diu quờ tay, bứt một cái lá bỏ vào mồm nhai. Chiếc lá có vị chua chua, chát chát. Diu nuốt đi. Cả ngày lang thang trên rừng, Diu chỉ kiếm được có vài cọng lá thuốc có màu tím sẫm và viền nhung óng ánh. Cái thuốc cho người không biết chửa đẻ mỗi ngày một vơi đi, ít đi. Như cái sự tử tế của con người trong cùng một nhà dành cho nhau vậy. 



Diu nghĩ miên man đủ mọi chuyện ngay trong khi gió vẫn gầm rú trên nóc rừng. Trời đã le lói sáng. Mùi gì đó thơm dìu dịu ở ngay trên đầu khiến Diu ngước nhìn lên. Một chùm quả vàng óng, đu đưa mời gọi. Lá ăn được thì quả cũng ăn được. Diu nghĩ thế và với tay bứt quả cho lên miệng. Quả có vị ngọt lờ lợ và những cái hạt nhỏ li ti trơn tuột. Diu ăn liền một lúc cả chục cái quả rừng lạ lẫm và có cảm giác sức lực đã trở lại. Diu đứng dậy, cứ theo hướng mặt trời mọc mà leo lên mãi. Đôi dép nhựa đã bật quai, lỗ chỗ thủng vì đá sắc và gai nhọn. Mồ hôi đầm đìa. Vào lúc Diu tưởng mình đã kiệt sức thì chân cô chạm vào một quầng lá khô đỏ sậm lưu cữu từ bao nhiêu mùa trải rộng trước mắt. Diu ngẩng mặt. Một tán lá đỏ rực che kín cả góc trời. Gốc cây to cả chục vòng tay ôm. Dưới tán cây, những cây khoai dại mọc từng vạt xanh um và những dây leo óng ánh mảnh mai bám quanh cọng lá. Diu mừng ứa nước mắt. Thuốc quý đây rồi.



Diu mê mải gom lá thuốc quên cả thời gian. Khi cái túi vải mang theo đã đầy Diu mới nhận ra trời sắp tối.


Diu vội vàng xuống núi, bước chân thoăn thoắt mong mau được về nhà. Nhưng kìa… một con suối nhỏ, nước trong vắt, róc rách hiện ra trước mắt Diu, như níu kéo. Nhìn cái thân thể nhớp nhúa, lấm lem sau gần hai ngày chui rúc trong rừng, lại nhìn khung cảnh vắng lặng xung quanh, Diu bẽn lẽn cởi bỏ váy áo, cởi bỏ xà cạp và lội xuống suối. Cô lấy tay té nước lên người một cách sảng khoái…



Đã đeo túi thuốc lên vai, nhưng như người bị bỏ bùa, Diu không quay lại mà liều lĩnh tiến về phía gốc cổ thụ màu trắng và khẽ chạm tay vào những vết nứt lớn trên vỏ cây. Diu chưa từng thấy loài cây nào đẹp, to và vững chãi đến vậy. Triệu triệu chiếc lá đỏ lăn tăn kết với nhau thành một cái ô khổng lồ, to gấp trăm gấp nghìn lần cái bầu trời mướp đắng sân nhà cô. Những tia nắng cuối ngày lọt qua tán lá dày rơi xuống mắt Diu đỏ lựng như những giọt máu. Mắt Diu hoa lên như không nhìn thấy gì nữa. Cô nhắm mắt lại, ngồi xuống. Không thể nào cưỡng được nỗi thèm muốn ngả lưng lên đệm lá nữa rồi. Thảm lá khô êm như đệm lau và cơn gió như được chén no đã thôi gầm gào, chỉ còn khẽ chờn vờn, mơn man, mát dịu. Diu chìm vào sự vỗ về kì diệu mà lần đầu tiên cô được tận hưởng.



Không biết Diu đã ngủ quên bao lâu. Chỉ biết, khi thức giấc, mở mắt ra, Diu không nhìn thấy gì cả. Bầu trời tối đen và ẩm ướt như miếng vải chàm vừa nhuộm vắt ngang mặt. Cái gì đã lấy đi ánh sáng của cô? Là nước suối hay những thứ lá, thứ quả chua chát? Bóng tối bưng bít đến mức Diu không nhìn thấy bàn tay mình. Chả lẽ Diu lại ngủ nhiều, ngủ lâu đến thế ư? Diu rùng mình nhớ đến cái đêm ấy. Cái đêm cô ngủ say như chết sau nhiều ngày cố kiết phát cỏ cho thảo quả. Phát cho xong để sáng sớm hôm sau về bản gặp Châu. Rồi đêm đó, cô ngủ say đến nỗi đám cháy lan đến tận lều và suýt thiêu chết cô.



Đám cháy rừng cấm bản Huổi Tào bị người dân trong vùng gọi là sự trừng phạt của thần linh. Bởi người Huổi Tào phá rừng khỏe quá. Đám cháy bắt đầu từ đâu, từ lúc nào, Diu không biết. Khi lửa bùng lên lều nương thì Diu mới phát hiện ra và bỏ chạy. Cô băng mình qua biển lửa rừng rực với hi vọng dòng suối sẽ cứu được mình. Diu cũng không thể tin là tại sao mình sống sót. Có lẽ, khi ấy, Diu chết luôn đi, còn hơn là sống. Sống với một khuôn mặt và thân hình nhì nhằng, dúm dó những sẹo. Sống mà người yêu bỏ mình đi lấy người khác thì sống có khác gì chết. Nhưng Diu lại không thể chết được. Vì bố mẹ đã phải bán cả trâu, cả ruộng và vay mượn khắp nơi để lấy tiền chữa chạy và cứu sống cô.

 

Trước đây, cô rất hận Châu. Nhưng thời gian qua đi, cô lại nghĩ khác. Châu không có tội tình gì mà phải sống trọn đời trọn kiếp bên một người vợ xấu xí như cô. Với khuôn mặt bị ngọn lửa trút giận lên đến tang thương, cô không còn là Diu xinh đẹp rực rỡ như bông chuối rừng. Với đôi bàn tay biến dạng, cô không còn là Diu khéo léo với những chiếc thắt lưng hay ống tay áo thêu tơ xanh mềm như mảng cỏ xuân. Diu không còn là nỗi niềm khao khát của bao nhiêu đứa trai Huổi Tào nữa. Thì lí do gì để Diu oán trách người ta? Giờ đây, Diu chỉ xin thần linh hãy thương lấy dòng họ Vàng. Hãy cho họ Vàng một đứa cháu trai để họ Vàng như con suối được chảy mãi với núi rừng. Xin thần linh đừng chặn dòng suối ấy lại. Xin thần xui khiến cho những cây thuốc Diu mang về trở lại hiệu nghiệm như xưa.



Đang mải nghĩ thì Diu thấy rất rõ có tiếng bước chân đi về phía mình. Là thú rừng hay là người? Diu hoảng hốt hét lên. “Ai vậy?”. Không có tiếng đáp lời. Diu cuống cuồng cào lá khô phủ lên người và nằm im. Hay là ma? Rừng cấm có ma. Hồi bé, có lần Diu nghe ông nội kể về những bóng ma trong rừng cấm. Sau tai nạn, mắt Diu rất kém, thường không nhìn rõ mọi vật khi đêm về và rất hay bị mờ đi nếu như Diu cố nhìn lâu vào một thứ gì đó. Cho nên nhiều lúc cái bó lanh mẹ dựng ngoài xó hè Diu cũng tưởng là ma. Nhưng ơn trời, cái tai Diu còn nghe rõ. Hình như có tiếng thở của con thú đang rình mồi. Nếu là con thú đói, nó đã lăn xả vào cô mà banh mà xé. Diu giơ hai bàn tay ra phía trước khua khoắng với bản năng tự vệ. Rồi tay Diu chạm vào vật gì đó giống như là bàn tay người.

 

Diu vội vàng ngoi khỏi đám lá khô và vùng dậy chạy thì bị một bóng đen đè xuống. Diu cố giãy giụa để thoát ra nhưng cô càng giãy lại càng bị trói chặt bởi hai cánh tay chắc khỏe. Diu dồn hết sức vào đôi chân và đạp mạnh. Bóng đen ngã xuống thảm lá khô rào rạo. Diu vùng chạy được vài bước thì lại bị bóng đen đuổi kịp ôm lấy từ phía sau. Những ngón tay của bóng đen mù mờ giống như những sợi dây rừng cứ xiết chặt Diu lại. Diu như con nai bị trói chặt, nằm quằn quại trên lá khô chờ chết. Cả mười ngón tay ma quái rờ rẫm, sục sạo không bỏ sót vết sẹo nào trên cơ thể khiến Diu căng cứng sợ hãi. Rồi một cái lưỡi mềm mại, ướt át cứ mơn man đi khắp những hố sẹo trên mặt cô. Diu bối rối, ứa nước mắt.

 

Tất cả những người đàn ông đã bỏ đi khi nhìn thấy khuôn mặt không bịt khăn của cô. Vậy thì ai đang ôm ấp và vuốt ve những vết sẹo nơi thân thể cô? Một người đàn ông mù chăng? Hay đêm nay trời tối quá chăng? Trời có thể tối, mắt có thể không nhìn thấy gì, nhưng còn hai bàn tay người thì cũng mù hay sao? Dù có thế nào thì Diu cũng cảm thấy rõ ràng một điều là mình đang từ từ thoát ra khỏi nỗi cô đơn mà bóng đêm mang lại. Rồi khi bóng đêm cũng chợt đồng lõa với da thịt trần trụi thì Diu không còn biết sợ. Hơi thở dồn dập của người đàn ông gần quá làm cho những vết sẹo trên người cô giãn ra, mềm đi và rạo rực trong sự va chạm lạ lẫm. Diu chợt quên đi những đớn đau, cay đắng suốt mười năm. Quên đi ánh mắt đe dọa mà một người đàn bà vẫn ném vào cô những lúc hai người tình cờ đi qua nhau. Cô có cảm giác mình giống như cành củi khô bị ném vào biển lửa tình rừng rực. Cô quàng tay lên lưng người đàn ông, ghì mạnh xuống…

 

*
*    *

 

 

Sáng sớm, có người nói với Mùi ở bờ suối, rằng Diu đi lấy thuốc bị lạc trong rừng cấm vừa mới trở về tối hôm qua. Mùi giật mình, ngước mắt nhìn những chùm hoa dại đang chín nẫu và tơi tả buông cánh xuống dòng nước. Mùi xốc gùi cỏ lên vai đi thật nhanh về nhà. Ném cỏ vào chuồng trâu, nhìn ra chỗ vại nước, thấy Châu đang mài con dao nương sáng loáng. Mùi giật lấy con dao từ tay Châu mà dằn dọc. “Không đi đâu cả, không phát gì nữa. Sao nó không chết luôn trong rừng đi. Còn về làm gì? Tôi chỉ muốn rắn độc cắn chết nó. Rắn không cắn chết nó thì tôi cũng giết chết nó có ngày”.



Châu đứng dậy, nhìn con dao trong tay Mùi, bặm môi. Trong đầu Châu là đoạn kí ức hãi hùng bất chợt chạy về. Đó là trận cháy rừng thảm khốc. Khi Châu và mọi người băng qua cánh rừng nghi ngút khói lửa đến được nương thảo quả nhà Diu thì không thấy Diu và bóng dáng căn lều đâu cả. Mọi người chạy bổ đi các ngả. Chính Châu nhìn thấy Diu gục đầu trên một phiến đá dưới lòng suối. Toàn thân bầm dập, mặt cháy nham nhở đen và hai mắt nhắm nghiền. Châu tưởng Diu đã chết. Sau bốn tháng cầu cứu khắp các thầy lang trong vùng, Diu trở về Huổi Tào. Châu là người đầu tiên đến thăm Diu.

 

Trước mặt Châu là một hình hài lạ hoắc với những vết sẹo chạy ngang dọc trên khuôn mặt kéo hai con mắt lại gần nhau trông rất sợ, là đôi bàn tay không còn đủ mười ngón. Đó không phải là Diu xinh đẹp. Đó càng không phải là người con gái mười tám tuổi Châu yêu tha thiết, say đắm. Châu thất thểu bỏ về. Cố gắng đoạn tuyệt với những giọt nước mắt đau đớn loang ra từ hai khóe mắt kì dị. Món tiền cưới mà nhà Diu nhận của nhà Châu phải năm năm sau nhà Diu mới trả hết vì có bao nhiêu trâu bò, thóc lúa, họ bán hết đi để cứu lấy cái mạng Diu rồi… Nhưng còn những thứ Châu nợ Diu thì nhà Diu không bao giờ đòi lại được.  



Lác đác trong bản có tiếng đồn Diu phát điên rồi thì phải. Thi thoảng cô lại bỏ lên rừng cấm vài ngày rồi ngơ ngác trở về như người đi tìm thuốc không gặp thuốc, lấy nấm không được nấm. Rồi một ngày, Diu đứng sau bếp, cầm khư khư cây củi cháy dở, giơ lên ngang mũi, hít hà dòng khói đang lởn vởn bay lên. Mẹ vừa sợ, vừa mừng. Nhưng Sán thì ghen tị. Nó xui chồng và mẹ chồng ruồng rẫy, đuổi Diu ra khỏi nhà vì tục lệ người vùng này là thế, không nói ra được tên bố đứa trẻ trong bụng mình thì bị đuổi ra rừng ở. Em dâu còn bảo là đứa con trong bụng Diu là con của ma quỷ, chứ trông Diu như thế, thằng nào dám leo lên bụng cô. Nếu muốn được ở trong nhà, thì Diu phải tự bỏ đứa con của ma quỷ ở trong bụng đi. Nó còn nói, ngày nào Diu còn ở trong nhà thì thần thánh còn chưa cho người đầu thai về nhà họ Vàng. Thế là mẹ đành cúi đầu bảo Diu. “Cái lá đã vàng thì không thể để lâu trên cành”. Diu hiểu và thu xếp quần áo, nồi niêu để mang lên lều nương. Nơi ấy cách xa nhà cả nửa ngày đường. 

 

*
*    *

 

Nghe chồng khoe Diu vừa đẻ thằng con trai đẹp và mập lắm, Sán ngồi thừ ra. Từ ngày về làm dâu nhà họ Vàng, chưa bao giờ Sán thấy ưa người chị gái chồng có khuôn mặt gớm ghiếc ấy cả. Với Sán, Diu giống như một con ma già. Dù chỉ ít lần nhìn thấy Diu để lộ khuôn mặt ra, nhưng với Sán, đấy là một nỗi khiếp sợ. Nhất là hai con mắt dính liền nhau và ánh mắt u tối như ánh sáng buổi nhập nhoạng phía bên trong ngưỡng cửa. Nếu là Sán, Sán đã tự tìm cách biến mất khỏi cuộc đời này chứ không cần người khác phải xua đuổi, phỉ nhổ. Chẳng hiểu, Diu còn trông đợi gì ở cuộc đời này nữa?

 

Chẳng hiểu Diu nghĩ thế nào mà lại để cái bụng phình ra rồi đẻ con? Đuổi Diu ra khỏi nhà đã hơn chín tháng rồi mà Sán vẫn chưa có tin vui. Rồi Sán chợt nhớ dạo Diu vào rừng cấm lấy thuốc tận ba đêm mới về. Không biết Diu đã gặp ai? Đã ở trong rừng ba ngày ba đêm với ai rồi mang thai thằng bé? Đàn ông ở bản này, còn có đứa nào dám bén mảng đến gần sự trừng phạt của thần linh mà Sán không biết? Tại sao năm lần bảy lượt chồng Sán vào rừng cấm mà không lấy nổi một cọng thuốc trong khi Diu lấy về cả túi? Tại sao Diu đi lấy thuốc cho Sán nhưng Sán không mang thai mà Diu lại sinh con?



Đang ru con ngủ thì Diu bất ngờ nghe tiếng Sán gọi mình. “Lên tận đây làm gì cho vất vả?”. “Lên thăm cháu thôi”. Sán bước vào lều, ngồi xuống chiếc giường tre khấp khểnh những miếng dát dày mỏng khác nhau. Sán khẽ chạm lưng vào phên vách hở toang hoác và phập phành cũ mục. Sán lấy tay mân mê những ngón tay bé xíu của thằng Sùng. Thằng bé trắng hồng và đẹp quá. Nó dụi dụi đầu vào ngực mẹ rồi chợt nhoẻn miệng cười mê ngủ. Sán thấy cổ mình như bị một bàn tay vô hình siết  chặt. Sán cố nuốt thứ gì đó lầy nhầy trong cuống họng. Sán hỏi, có phần hỗn láo. “Bố nó là đứa nào thế?”. Diu khẽ đặt thằng bé đã say ngủ xuống cái chăn nhung cũ rách một nửa trải, một nửa đắp. Diu đứng dậy, xếp những cái bát mẻ và mấy cái nồi nhọ nhem vào cở, bảo là đem xuống suối rửa. Sán giữ tay Diu lại và nói rằng, hạn làm dâu mà không đẻ con đã hết. Dù chồng không đuổi thì Sán cũng phải về nhà mẹ thôi, để chồng còn đi lấy vợ mới và sinh con. Diu chợt mủi lòng.



Không giống như Diu lần trước, Sán lên núi tìm thuốc có cả túi cơm nếp to và một ống thịt muối mang theo, lại được chồng và mẹ chồng tiễn ra tận bờ suối. Suốt ba ngày đêm Diu đứng ngồi không yên. Diu bị nỗi đau đớn ghen tuông mơ hồ giày xéo. 



Ngày thứ tư. Khi mặt trời sắp lặn thì Sán về đến nhà. Mặt mũi nó bầm dập, bơ phờ, mệt mỏi. Tay chân nó xây xước, váy áo nó rách tơi tả. Ai hỏi gì nó cũng không nói. Ai trêu đùa gì nó cũng không cười, giống y như Diu lần đầu từ rừng cấm trở về. Nó thu xếp quần áo để ra khỏi nhà thì chồng giữ lại. Từ hôm ấy, Sán sống lặng lẽ và không muốn gần gũi trò chuyện cùng ai. Ba tháng sau, chỗ ngày trước Diu đứng vụng trộm hít ngửi mùi khói củi thì bây giờ, nó bưng cả chảo canh đậu của cả nhà ra đổ cho con lợn nái sề đánh chén. Chồng Sán mừng một, bố mẹ chồng Sán và cả họ mừng mười. Vì chồng Sán nối theo bố làm trưởng cái họ Vàng ở Huổi Tào này. Mẹ và bố bàn nhau sẽ làm một mâm lễ để tạ ơn thần rừng ngay sau khi Sán sinh nở. Sán ngồi trong buồng tối, giơ cái lược nhôm đã xỉn đen ngang mắt và rít lên. “Tao hận nó. Tại sao tao phải biết ơn nó? Vì nó cho tao được ở lại nhà này ư?”. “Nó” chính là Diu. Là chị chồng của Sán đấy.



Một hôm, trời râm mát, Sán vác cái bụng to kềnh lên lều nương. Sán bế thằng Sùng vào lòng và hát ru bằng cái giọng còn khá trong trẻo. Khi thằng Sùng ngủ, Sán hỏi Diu. “Rừng cấm có cổ thụ lá đỏ thật không?”. “Có thật là chị đã đến đó không? Sao chị lại lừa dối tôi?”. Diu giật mình. Nhìn mắt em dâu, Diu tin là nó nói thật. Diu đặt tay vào bụng Sán, lòng Diu cũng tê tái. “Nếu không có thật thì tại sao lại như thế này được?”. Sán hất tay Diu ra, chua chát kể câu chuyện của chín tháng trước. Hôm đó, Sán lên rừng cấm, lang thang cả ngày mà không thấy một cây thuốc nào. Đang nóng bức, mệt mỏi thì Sán nhìn thấy dòng suối trong vắt. Sán vừa lội xuống tắm thì một bọn người đi trộm gỗ, nhăm nhăm dao búa trong tay ập tới. Chúng lôi Sán lên bờ và thay nhau làm nhục. Chúng chỉ buông tha khi tưởng Sán đã chết. Sán sống sót bò về được đến bản là may mắn lắm rồi. Nên có kịp nhìn thấy cái cây lá đỏ cổ thụ ấy đâu. Thế thì làm gì có thuốc?



Diu nghe em dâu kể mà lòng đau buốt. Nước mắt cô đọng trên những ghềnh sẹo như những giọt sương nằm trong lòng chiếc lá khô quăn queo không thoát ra được, ứ đầy nhức nhối. Thằng Sùng tỉnh giấc nhìn quanh ngỡ ngàng. Nó rời khỏi lòng người đàn bà đã làm mẹ nó khóc và len lén leo lên đùi Diu. Nó đưa cả hai bàn tay nhỏ xíu lên mặt Diu mà vét nước mắt trên những lõm sẹo. Nó thủ thỉ. “Mẹ đau à?”. Sán chống lưng, đứng dậy ra về. Trước khi về, Sán chỉ tay vào bụng mình, nhắc Diu. “Nó sẽ mang họ Vàng đấy”. Diu gật đầu. Không khí nặng nề như bầu trời sà xuống thấp ngang mái lều. Những đám mây đen trĩu nặng hè nhau đuổi theo người đàn bà bụng mang dạ chửa xuống tận chân núi. 

 

*
*    *

 

Mùi buột miệng than thở. “Lạ thật, em dâu nó cũng đẻ được con trai”. Mọi khi Châu vẫn im lặng. Lần này, Châu bỗng nhiên nổi cáu, liệng cái búa đang bổ củi ra vườn. “Mày chỉ muốn người ta không có con thôi. Bụng mày xấu quá”. Rồi Châu quay ngoắt người đi xuống đường. Mùi chạy theo, tới đầu cổng thì vịn vào cây sa mộc mà dừng lại. Nước mắt Mùi ứa ra. Những lời nói như dòng nước lạnh mà Châu vừa xối lên đầu Mùi khiến Mùi choáng váng. Hồi con gái, Mùi từng định ăn lá ngón khi thấy Châu yêu và đòi cưới Diu. Mùi từng rất đau lòng khi thấy bản trên bản dưới bàn tán, ca tụng vẻ đẹp và nết na của Diu, trong khi Mùi cũng xinh đẹp không kém. Châu đã chọn Diu chứ không phải Mùi cho đến tận ngày rừng cấm bị gã đốt than làm cháy một vùng rất rộng. Bao nhiêu cổ thụ không có chân chạy, chết đứng. Bao nhiêu con chim có cánh bay, bao nhiêu con thú có bốn chân chạy nhanh như gió, chết nằm.

 

Tất cả đều chết. Mà Diu lại không chết mới lạ. Sống thì sống, nhưng Mùi không muốn Diu có được hạnh phúc. Thậm chí Mùi còn cầu mong đứa con của Diu bị con thú gì đó ngoài rừng chạy vào cắn chết, hoặc tha đi nữa cơ. Mùi muốn Diu đau hơn cả khi bị lửa hành hạ, đau đến mức phải ăn lá ngón mà chết đi. Nhẽ ra, Mùi chỉ đẻ hai đứa con cho đỡ khổ, nhưng vì muốn Diu tức tối đến phát điên, nên Mùi đẻ đứa thứ ba đấy. Mùi từng bắt Châu thề độc rằng, nếu mà Châu dan díu qua lại với Diu thì cái cây sa mộc này chết đứng. Mỗi bình minh thức dậy, Mùi bước ra sân, nhìn cái cây sa mộc trước, rồi mới nhìn mặt chồng con sau. Dạo này Châu ăn nói, khóc cười rất lạ. Triền miên say. Say rồi hát vu vơ những câu hát của bọn trai chưa vợ đang bập bùng yêu đương.

 

*
*    *

 

Bê chậu quần áo từ dưới khe đi lên, bước chân vào cửa lều, Diu thấy thằng Sùng đứng trong cũi, đang chỉ tay ra phía nương ngô mà khóc rấm rứt. “Bố đâu rồi?”. Diu hoảng sợ hướng ánh mắt mờ mịt nhìn theo tay con. Diu không thấy gì ngoài một màu xanh ngô non trập trùng trải khắp các triền núi trong ánh bình minh rực rỡ. Thằng Sùng bị làm sao thế này? Nó vừa gọi ai là bố? Sau cái đêm trên thảm lá khô ấy, Diu chưa gặp lại người đàn ông trong bóng đêm rừng cấm thêm một lần nào, dù đã mấy lần cô tìm tới đó. Có phải người đó đã tìm đến túp lều rách nát của mẹ con cô và xưng bố với thằng bé?


 
Hôm nay là ngày bác sĩ trên huyện về tiêm phòng cho trẻ con Huổi Tào. Diu mang thằng Sùng đến trạm xá thì đã thấy các ông bố, bà mẹ trẻ cõng con đứng đầy sân. Tiếng trẻ con kêu khóc rinh ran. Diu len lén địu con tiến lại, hòa vào đám đông. Mãi rồi cũng đến lượt. Thằng Sùng bị tiêm thì khóc òa lên. Nhiều người vừa dỗ con, vừa tò mò nhìn khuôn mặt bịt kín của Diu. Bỗng nhiên thằng bé ngừng khóc. Diu nghe tiếng nó sụt sịt. “Bố Sùng kia kìa”. Diu lạnh người, mặt tái mét. Không dám nhìn về phía sau, cô vội vàng cõng con rời khỏi trạm xá. Giọng Diu run bắn. “Sùng… Sùng có thương mẹ không?”. Thằng bé lên ba khẽ ngọ ngoạy trong địu. “Có”. Diu lắp bắp trong nỗi lo sợ tột cùng. “Sùng thương mẹ… thì… đừng bao giờ gọi bố nữa nhé”.

 

*
*   *

 

Hai đứa con Mùi đứng khoanh tay trước ngực. Nước mắt nước mũi chúng hòa thành một dòng. Mùi chĩa mũi dao lên ngọn cây sa mộc, quát lớn “tùa chi tùa?”(1). Hai đứa mếu máo gật đầu. Thế ra mắt Mùi nhìn không nhầm. Cây sa mộc đang chết. Chết từ ngọn mà xuống. Mùi nhăm nhăm con dao trong tay, nước mắt đầm đìa. Cô ngước nhìn tán lá sa mộc lần cuối cùng rồi vung dao chém tới tấp vào gốc cây. Cây sa mộc từ từ nghiêng về phía mặt trời đang lặn rồi ngã sóng soài xuống đất. Từ trên tán lá úa vàng héo hon của nó, những giọt sương đêm cuối cùng run rẩy tuột xuống 

 

--------

 

Nguồn: VOV

 

 

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh.

Những nỗi niềm lay thức từ "Khói hương ở lại"

Thiên truyện nhức nhối cái nhìn về đồng tiền, về sự nông cạn, ích kỷ, lối sống trên tiền, thực dụng đã mặc nhiên được xã hội chấp nhận và coi như lẽ thường tình.

"Ô sin làng”: Nỗi niềm người giúp việc

Tác giả khai thác đề tài về người giúp việc qua nhân vật Hà hấp. Hà hấp cũng chả có gì đặc biệt, tài giỏi và công việc Ô sin của cô sẽ yên bình diễn ra nếu không có việc tằng tịu với ông chủ đã ngoài 70 tuổi.

“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong

Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi.

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ...

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất

Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới.

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì.

Youtube

Facebook Fanpage

1