Đất mũi Cà Mau - vùng đất của những chiến công
29-08-2016
0
529
Đất mũi Cà Mau – nơi cực Nam của Tổ quốc cũng là vùng đất của những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc.
Đất Mũi Cà Mau – nơi gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer, nơi duy nhất trên đất liền có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở biển Tây. Cà Mau, vùng đất cuối trời Tổ quốc ấy cũng có bề dày truyền thống cách mạng vẻ vang trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và từ đó, trên vùng đất phương Nam này đã ghi dấu nhiều khu di tích lịch sử văn hóa mang đậm tính dân tộc góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Hồng Anh Thư Quán, Nhà Dây Thép, Khu căn cứ Xẻo Đước hay Đình Tân Hưng là những di tích khiêm tốn nhưng lưu giữ rất nhiều dấu ấn từ thời sơ khai Cách mạng phát triển tại đất Cà Mau.
Không được nhiều du khách biết đến như Mũi Cà Mau, chùa Bà Thiên Hậu… nhưng Hồng Anh Thư Quán có một lịch sử truyền thống cách mạng đáng tự hào. Thư quán là căn nhà 3 tầng nhỏ nằm trên đường Phạm Văn Ký, trước mặt nhìn ra con sông Phụng Hiệp. Vào thập niên 20 của thế kỷ XX khi phong trào đấu tranh cách mạng dâng cao ở khắp nơi trong cả nước, cơ sở Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội đã ra đời tại Cà Mau. Hiệu sách “Hồng Anh Thư Quán” được chi hội mở ra với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin cho Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh – thiếu niên yêu nước. Hiệu sách chuyên phục vụ các loại sách báo tiến bộ xuất bản ở Sài Gòn nhanh chóng trở thành bình phong cho phong trào dân chủ, là điểm hội họp của nhiều người yêu nước nói chuyện thời sự, gây ảnh hưởng chính trị sâu rộng trong tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh và lan rộng ra vùng xung quanh, tạo cơ sở chính trị cho sự ra đời của các cơ quan Đảng cộng sản sau này.
Từ Hồng Anh Thư Quán sang góc đường Lê Lợi và Lý Bôn tại phường 2 là Nhà Dây Thép. Đây vốn là bưu điện được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1910. Tuy nhiên khi phong trào Cách mạng phát triển từ chỗ là công sở của bọn thực dân, những chiến sĩ cách mạng đã biến nơi đây thành điểm liên lạc giúp Đảng bộ Cà Mau nhận những tin tức quan trọng cũng như sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên về việc củng cố lực lượng cách mạng và phát động phong trào đấu tranh cách mạng trong quần chúng nhân dân. Kiến trúc Nhà Dây Thép không có gì đặc biệt, là ngôi nhà bình dân được xây theo kiểu chung các loại nhà thời Pháp thuộc. Điểm thu hút nhất trong di tích là những mô hình chiến sĩ liên lạc được tái hiện rất sống động cùng những câu chuyện kể. Các chiến sự hấp dẫn ly kỳ gắn bó với căn cứ liên lạc kháng chiến một thời.
Theo mạch sục sôi của những năm tháng đấu tranh cách mạng tại Cà Mau, không thể bỏ qua một địa danh quan trọng là Đình Tân Hưng. Tại nơi đây, vào năm 1930 lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) được treo trên ngọn cây dương trước cửa đình. Đình cũng là nơi hội họp của các đồng chí cách mạng khi Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng được đặt ở đây vào những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đình đã bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại vết tích là những tảng đá vuông kê chân cột. Về sau nhân dân ở đây đã xây dựng lại một ngôi đình nhỏ hơn khoảng 45 m2 trên một phần diện tích của ngôi đình xưa. Những ngày tháng binh loạn nơi đây đã có một Mặt trận Tân Hưng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch tại thị trấn Cà Mau để cách mạng có thời gian củng cố lực lượng, xây dựng vùng căn cứ kháng chiến và gây cho địch những tổn thất to lớn.
Sau Đồng Khởi năm 1960 do yêu cầu của cuộc trường kỳ kháng chiến nên Tỉnh ủy Cà Mau đã chọn ấp Xẻo Đước (Xóm Mới) – xã Phú Mỹ – huyện Phú Tân làm Trung tâm căn cứ của Tỉnh ủy. Từ nơi đây, những nghị quyết mang tầm chiến lược được soạn thảo; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng được ban hành, phát động cao trào quần chúng nhân dân chống bình định, phá ấp chiến lược của địch… Trước đây, Xẻo Đước là vùng đất còn hoang vu nằm cách xa trung tâm tỉnh lỵ. Nơi đây có đầm Thị Tường rộng lớn, bốn bề là dừa nước xanh rờn. Khi mực nước đầm xuống thấp, tàu lớn không vào được. Đường bộ lại rất hiểm trở chỉ có rừng rú và thú dữ, chia cắt bởi 3 tuyến kinh: Mỹ Thành, Đòn Dông, Bà Ký. Lợi dụng địa thế này trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giai đoạn 1960 đến 1975 Khu ủy và Trung ương Cục miền Nam chọn Xẻo Đước làm khu căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng Cà Mau. Trong suốt cuộc chiến tranh Xẻo Đước và xã Phú Mỹ nói chung đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù. Nhưng nhờ lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khổ và sự đùm bọc che chở của nhân dân nên cơ quan Tỉnh ủy Cà Mau vẫn tồn tại và hoạt động đến ngày toàn thắng.
Những chứng tích xưa – niềm tự hào hôm nay đang làm nên diện mạo của một Cà Mau giàu truyền thống và không ngừng phát triển. Cùng với những địa danh lịch sử, Cà Mau còn có rất nhiều tên đất, tên làng xuất hiện như một huyền thoại diệu kỳ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nơi mảnh đất cực Nam Tổ quốc, trở thành biểu tượng độc đáo về lòng yêu nước của nhân dân Cà Mau, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống anh hùng cách mạng, “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
-----------------
• Nguồn: Theo KPVN
• Thực hiện: Trà My, Hoàng Dương
Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn.
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- Đây là 5 tâm thái thường có của những người...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...