Đông Về, Nhớ Món Bánh Khô Sắn Thơm Ngon Của Mẹ

25-11-2015
  0   1357
Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một xã nghèo thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An. Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước, quê tôi nghèo lắm, cây sắn dường như là cây lương thực chủ yếu giúp người dân quê tôi vượt qua nghèo đói.

Cũng như bao người phụ nữ khác ở vùng quê nghèo khó này, mẹ tôi rất khéo tay. Từ củ sắn trong vườn mẹ chế biến ra nhiều món ăn ngon, nào là sắn luộc, sắn nướng, canh sắn… món nào qua đôi bàn tay mẹ chế biến cũng đều thơm ngon, hấp dẫn. Nhưng với tôi món bánh khô sắn vẫn là món tôi yêu thích nhất.

Ngày ấy tôi thường xuyên được chứng kiến mẹ chế biến món bánh kho sắn. Nên giờ đây dù đã nhiều năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in từng công đoạn mẹ làm món bánh này. Mẹ thường ra vườn tìm nhổ loại sắn Đồng Nai (sắn đỏ), lựa chọn những củ sắn mập, ít xơ đem về chế biến. Sau khi đã lựa chọn được những củ sắn ưng ý, mẹ dùng dao lột vỏ cho vào chậu ngâm nước cho ra hết nhựa để món bánh không có mùi hăng, ăn không ngán, không say, sau đó vớt ra rổ để ráo nước.
 

 
Món bánh khô sắn thơm ngon (ảnh: Dân Việt)
 
Ngày ấy do chưa có dụng cụ mài bột bán sẵn như bây giờ nên mẹ thường lấy cái ống bơ sữa bò, dùng kéo cắt bỏ hai đầu, dàn mỏng, sau đó dùng đinh đục lên trên đó nhiều lỗ nhỏ sát nhau, rồi gắn vào khung gỗ làm bàn chà lấy bột. Mẹ khéo léo đặt bàn chà vào trong chậu, lấy từng củ sắn chà đi chà lại trên bàn chà cho tới khi củ sắn chỉ còn lại phần lõi. Sau khi đã chà xong hết rổ sắn, mẹ cho bột lên tấm vải xô, dùng tay vắt mạnh cho ra hết nước đắng.

Khâu tráng bánh theo như mẹ nói rất quan trọng, bởi không khéo léo bánh tráng sẽ dày, phơi sẽ lâu khô. Trước khi tráng bánh mẹ thường cho bột và ít vừng khô vào trong chậu, rồi đổ nước sạch vào quấy cho vừng trộn đều với bột.

Bắc nồi lên bếp, đổ nước đun sôi, sau đó mẹ đặt tấm nan được đan bằng nứa lên miệng nồi, trên tấm nan là tấm vải màn xô. Khi nước trong nồi đã sôi sục, hơi nước bốc lên đủ để làm chín bánh, mẹ bắt đầu dùng môi múc bột tráng mỏng trên tấm vải xô, đậy vung lại chừng vài phút, rồi mở vung ra dùng đũa gắp đặt lên tấm liếp, đem phơi khô. Cứ thế, chẳng mấy chốc mẹ đã cho “ra đời” hàng chục chiếc bánh. Bánh phơi vài ba nắng thì khô. Khi muốn ăn chỉ việc đặt bánh lên bếp than đỏ hồng nướng một lúc là chín.

Với tôi không có gì thú vị cho bằng xa quê lâu ngày, về thăm quê, thăm mẹ, lại được thưởng thức món bánh khô sắn thơm ngon do chính tay mẹ làm. Bên bếp than hồng, lật trở nướng từng chiếc bánh, quây quần cùng người thân trong gia đình chia nhau từng miếng bánh vàng rộm, giòn thơm, trò truyện hàn huyên về kỷ niệm của một thời khốn khó. Ôi! Cảm giác đó thật ấm cúng làm sao!
Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1