Hành trình 6 ngày 5 đêm ở Bhutan - "thiên đường hạnh phúc chốn hạ giới" của 4 cô gái Việt Phần 2
Cảnh quan, sự thân thiện và giản đơn trong lối sống hàng ngày của người Bhutan đã mang đến cho 4 cô gái Việt Nam rất nhiều kỉ niệm khó quên.
Tận hưởng những khoảng lặng yên bình
Ngoài đặc sản đồi núi, ở Bhutan còn có rất nhiều Dzong - là pháo đài của các lãnh chúa xưa kia, giờ thì bên trong có đền, chỗ ở của các vị sư, thậm chí là cơ quan hành chính của vùng.
Punakha Dzong là nơi tôi thích nhất trong số các Dzong từng ghé tới, tuy một nửa của Dzong này là cơ quan hành chính của chính phủ đương thời, nhưng vẫn có những khoảnh sân vắng bóng người, nơi chúng tôi ngồi nơi bậc thềm, bình thản ngắm trời xanh, lối kiến trúc đặc trưng của các tòa nhà làm bằng gỗ được sơn vẽ bằng nhiều màu sắc, nhìn những cánh chim bay an nhiên trên tầng không và trước mặt là một sân trời đầy nắng.
Thời gian ở đó như ngừng lại, cách xa những chộn rộn của thế giới bên ngoài và mọi sự chẳng có gì đáng để lo. Những giây phút ở Punakha Dzong bình an đến mức khó tin, nếu không phải thỉnh thoảng vẫn có một, hai người cắp cặp lướt qua hành lang, thì có lẽ chúng tôi quên mất đây còn là chốn làm việc của người ta.
Trong các thành phố mà chúng tôi ghé qua, ở nơi đâu cũng dễ bắt gặp những dòng sông. Là Pa-Chu ở Paro, Pho-Chu và Mo-Chu ở Punakha, Wang-Chu ở Thimphu. Sông cuồn cuộn chảy, cây xanh khắp nơi và chỉ cần lắng lại là nghe thấy tiếng chim hót. Bản hòa ca của cuộc sống ở nơi đây cực kì sống động. Sống hòa mình cùng với thiên nhiên như vậy, phải chăng là một yếu tố khiến con người nơi đây dễ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc?
Và khám phá một Bhutan thật khác
Mặc dù có sẵn lịch trình từ trước, nhưng hai anh chàng tour guide bản địa luôn sẵn lòng chiều theo những mong muốn nhỏ nhất của chúng tôi. Ở Paro, Jamtsho dẫn chúng tôi đến một tiệm cà phê địa phương để thưởng thức trà chiều. Người Bhutan hẳn rất ưa món trà đen pha sữa, vì đi tới đâu chúng tôi cũng được mời dùng món này.
Trở về từ Tiger’s Nest, biết chúng tôi muốn ghé chơi nhà dân bản địa, Jamtsho và Sonam liền đưa cả bọn đến một homestay có tên Dopahari và được cô chủ nhà Tshering niềm nở tiếp đón. Tshering hơn 30 tuổi, nghe nói chúng tôi từ Việt Nam tới, liền khoe khi cô học Công nghệ thông tin ở Ấn Độ chung với 5, 6 người bạn Việt Nam, từng được đãi món Việt và nhớ nhất là… ruốc. Tshering kể, các vị khách Nhật thích ở homestay nên họ thường nghỉ lại chỗ cô, có người ở đến cả tháng. Cô đãi chúng tôi trà bơ và cùng trò chuyện tới khi mặt trời tắt bóng thì dọn lên một khay đựng bốn chiếc nồi nhôm nhỏ, cùng cơm, một bát thịt bò và mời chúng tôi ăn tối ngay trên sàn gỗ trong phòng khách. Tshering chuẩn bị đĩa và thìa để chúng tôi tự lấy đồ ăn, còn hai anh chàng hướng dẫn viên thì dùng tay ăn theo kiểu người Ấn.
Một thoáng ngỡ ngàng trôi qua và chúng tôi nhanh chóng hiểu rằng, cuộc sống ở một gia đình bản địa là như vậy. Không có những chiếc đĩa đựng thức ăn trắng tinh, dao và nĩa sáng bóng như ở các nhà hàng và khách sạn. Mỗi chiếc nồi là một món ăn, gồm nấm, củ cải, cà tím, cà rốt được hái từ trong vườn, và tất cả đều được nấu với ớt. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến điều Jamtsho chia sẻ khi chúng tôi ăn bữa trưa đầu tiên ở Paro, rằng khách nước ngoài khi đến Bhutan từng than thở là đồ ăn xứ này không phong phú, có quá ít món để lựa chọn nên sau đó người Bhutan được khuyến khích học thêm những cách chế biến, món mới để phục vụ du khách nước ngoài.
Trước lúc ra về, chúng tôi vào bếp để chào tạm biệt mẹ của Tshering và cảm ơn bà đã nấu ăn cho cả nhóm thì thoáng thấy bàn ăn của gia đình chỉ có cơm và một hộp nhựa đựng đồ ăn. Có vẻ như mẹ Tshering đã đặc biệt làm nhiều món hơn để đãi khách. Sự giản dị trong ăn uống của người bản địa làm chúng tôi bất ngờ, thậm chí còn nói với nhau rằng, có khi chính sự đơn giản khiến người Bhutan hạnh phúc, họ sẽ chẳng phải đau đầu suy nghĩ về công thức và thực đơn ăn uống mỗi ngày.
Ngoài nhà Tshering, một chiều ở Punakha, chúng tôi còn được Jamtsho và Sonam dẫn đến một nhà trên đỉnh núi để tránh mưa. Căn nhà gỗ hai tầng đơn sơ, nhưng để lại trong chúng tôi ấn tượng về sự gọn gàng, đơn giản và sạch sẽ. Tuy đây chỉ là những điều rất nhỏ, nhưng cũng phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về con người và lối sống ở Bhutan.
Tối cuối cùng ở xứ này, chúng tôi được Sonam mời đến nhà ăn tối. Anh cùng chị gái và các em sống trong một căn hộ chung cư hai tầng lầu ở thủ đô Thimphu, trong nhà sàn và tường lát gỗ và có các thiết bị điện tử hiện đại. Đây quả thực là một sự ngạc nhiên lớn với cả nhóm sau khi đã tới thăm các gia đình ở Paro và Punakha.
Để đón khách, những người đàn ông trong nhà đã đặc biệt vào bếp nấu ăn thay cho chị và em gái của Sonam. Chúng tôi được mời rượu đào, thết bánh trái và có một bữa ăn tràn ngập tiếng cười cùng những người dù mới gặp lần đầu nhưng sự nhiệt tình và ấm áp của họ khiến chúng tôi chẳng còn coi mình là người lạ. Lần này, chúng tôi không còn thấy lạ lẫm khi những chiếc nồi được dọn lên bàn ăn, thậm chí một người bạn của tôi còn học các bạn Bhutan cách ăn bằng tay như một trải nghiệm mới trong đời.
Quãng thời gian ở Bhutan của chúng tôi thực sự là quá ngắn ngủi, chỉ như một cuộc vui cưỡi ngựa xem hoa, và để hiểu về cuộc sống nơi đây, chúng tôi sẽ cần thời gian để trở lại, đi và trải nghiệm. Nhưng sau chuyến đi này, có một điều tôi biết chắc, rằng hạnh phúc suy cho cùng là sự hài lòng với bản thân, cuộc sống và những điều kiện xung quanh.
Nếu đặt quá nhiều kì vọng vào chuyện đến một nơi có thể khiến mình hạnh phúc hơn, rất có thể bạn sẽ thất vọng. Vì hạnh phúc không nằm ở điểm đến, mà là một trạng thái sống động ở bên trong mỗi người. Đến Bhutan, hãy mang theo một trái tim rộng mở, để nhìn ngắm, lắng nghe và cảm nhận. Khi trân trọng những trải nghiệm có được một cách trọn vẹn, tự khắc hạnh phúc sẽ tìm tới và gõ cửa trái tim bạn.
-----------------
• Nguồn: Theo Khám Phá
• Thực hiện: Trà My, Phương Anh
Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn
Ước gì mình biết những điều này trước khi đến Dubai
Bạn nghĩ mình đã biết đủ về Dubai, nhưng điểm đến nào cũng mang trong nó vô số bất ngờ dành cho du khách. Đôi khi đó là điều thú vị, nhưng đôi khi bạn sẽ vô tình bỏ lỡ nếu không biết trước.
Từ A-Z những thứ cần phải làm để trải nghiệm được hết sự hay ho của Vũng Tàu!
4 đứa lên đường đến Bà Rịa - Vũng Tàu để cố tìm lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi trẻ và khám phá lại vùng đất có cũ, có quen.
Vượt “sống lưng khủng long” trek mốc 1305 như dân phượt chuyên nghiệp
Để chạm tay vào cột mốc thiên đường 1305 trên cung đường biên giới Bình Liêu, phượt thủ băng qua đập tràn, trek giữa những đỉnh núi cao; cỏ tranh sắc như dao.
Ladakh - "Tiểu Tây Tạng" của Ấn Độ: Đừng đến nếu bạn thích an nhàn!
Từ lâu Ladakh vẫn được mệnh danh là "Tiểu Tây Tạng" của Ấn Độ vì vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp với những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, bao quanh là bạt ngàn những gợn mây che phủ tạo nên một khung cảnh nửa thực nửa mơ.
6 lý do nhất định phải nắm tay cùng người ấy tới Sapa 1 lần trong năm!
Sapa có gì nhỉ? Chả biết nữa, chỉ biết là Sapa sắp trở thành một nơi giống như Hội An, có nghĩa là 1 năm ít nhất phải đi 1 lần...
Nhật Bản: Đi vài lần không chán, đến vạn lần vẫn mê
Một lần, hai lần hay nhiều lần đến Nhật Bản dường như vẫn không là đủ để du khách có thể khám phá hết được cái hay, cái đẹp của đất nước "mặt trời mọc".
Linh Quy Pháp Ấn - Lạc bước giữa chốn bồng lai
Chùa Linh Quy Pháp Ấn ẩn mình ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng khiến bao du khách mê mẩn với vẻ đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Khách du lịch thích ăn gì nhất ở Đông Nam Á
Một trong những lý do khu vực Đông Nam Á ngày càng thu hút nhiều khách du chắc chắn là nền ẩm thực độc đáo và thú vị. Vậy, du khách ưa chuộng món ăn nào nhất khi đến đây?
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- Đây là 5 tâm thái thường có của những người...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...