Làm thế nào khi bé nghiện game

16-08-2016
  0   1141
Mấy ngày gần đây con trai lớn của chúng tôi hễ đi học về là bắt đầu cắm mặt vào chiếc điện thoại di động, đi đi lại lại trong phòng rồi bỗng chốc lại hú hét rất khoái chí. Lần dò hỏi con tôi mới biết cháu đang chơi game, một trò chơi thực tế ảo mới ra mắt đang làm mưa làm gió.

Con trai tôi chơi game rất say mê hào hứng, có lần đến bữa tối gọi mãi mà không thấy bé lên, hai vợ chồng tôi phải tá hỏa đi tìm con khắp nơi, từ các phòng trong nhà đến ngoài sân vườn. Mãi mới tìm thấy cháu đang lúi húi lấp ló trong kho chứa đồ, cháu nhập tâm đến độ bố mẹ đứng ngay bên cạnh mà vẫn không hay biết. Đến lúc này thì tôi thực sự cảm thấy lo lắng.
 

Đối với tôi, chơi game không xấu, thậm chí nó còn là một hình thức giải trí lành mạnh giúp các bé có thể học thêm nhiều từ vựng tiếng Anh, thiết lập tư duy logic, tăng cường trí tưởng tượng nữa. Nhưng chơi trò chơi điện tử cũng có rất nhiều tác hại. Nếu như thời gian chơi kéo dài có thể sẽ khiến mắt kém đi, gây rối loạn giấc ngủ và khiến trí nhớ suy giảm, nặng nhất là nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh như tự kỷ, tâm thần. Tôi đã thử không cho con dùng điện thoại di động trong ngày hôm sau và nhận thấy cháu có những biểu hiện chán chường, cáu gắt, thậm chí là ăn không ngon miệng, đó đối với tôi là những dấu hiệu rất đáng lo ngại, nhưng tôi đã quyết phải “cai nghiện” game cho con bằng được, và tất nhiên sau một thời gian tôi và cháu đã cùng làm được. Tôi sẽ bật mí cho các bạn những bí quyết của riêng mình nhé:

Nói chuyện

Tôi và chồng đã dành thời gian của mình nói chuyện với con về nhiều vấn đề mà trước đây cháu rất quan tâm, ví dụ như: môn thể thao mà cháu thích, món ăn mà cháu khoái khẩu nhất và thậm chí cả những vấn đề vĩ mô hơn như tương lai cháu thích thiết kế robot hay thành nghệ sỹ vẽ truyện tranh. Từ đó, chúng tôi cũng có “đà” để trao đổi với cháu về việc chơi game quá nhiều và hỏi ý kiến cháu về chuyện đó, lắng nghe suy nghĩ của cháu và phân tích cho cháu một cách dễ hiểu nhất về việc chơi game. Dần dần từ những buổi nói chuyện ấy, cu cậu đã có những thay đổi nho nhỏ rất tích cực mà cả hai vợ chồng tôi đều nhận thấy.
 

“Cùng nhau”

Trong những buổi chiều khi cả nhà quây quần chuẩn bị bữa tối, vợ chồng tôi triệt để áp dụng phương pháp “nhờ vả”. Tôi nhờ cu cậu lau bàn ghế hoặc giúp mẹ nhặt rau, còn chồng tôi cùng cháu lau phòng, hoặc tắm cho con cún trong lúc chờ cơm chín. Chính từ những hoạt động “cùng nhau” của cả gia đình mà cháu trở nên gần gũi với bố mẹ hơn và cũng không còn mấy thời gian nghĩ đến việc chơi game nữa.
 
Thay thế

Tôi đã hướng cho cháu thay thế khoảng thời gian chơi game bằng những hoạt động thể thao hay giải trí khác như chơi ghép hình, đạp xe đạp, trồng cây, học đàn hoặc đến các buổi giao lưu của các bạn nhỏ cùng trang lứa khác. Các hoạt động này không những giúp các bé phục hồi thể lực, nâng cao sức khỏe mà còn khiến các bé có ít thời gian rảnh rỗi hơn để nghĩ đến việc chơi game. Quan trọng nhất, những hoạt động này sẽ giúp các bé phát triển việc giao tiếp, tạo sự tự tin cho cháu trong cuộc sống.
 

Thỏa hiệp

Tôi đồng ý cho con chơi game lại, chắc chắn các bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại đi đúng một vòng tròn như vậy? Nhưng mục đích của tôi là muốn chính cháu sẽ là người quyết định sẽ không tiếp tục dành quá nhiều thời gian cho game nữa chứ không chỉ đơn thuần là sự tách rời, phân tâm mà bố mẹ tạo ra. Tôi giới hạn giờ chơi game cho cháu xuống còn dưới 30 phút mỗi ngày và lưu ý cháu nếu chơi quá giờ sẽ bị phạt bằng cách rửa bát sau bữa ăn hoặc những việc khác mà cháu chắc chắn sẽ không thích làm một chút nào. Và điều ngạc nhiên đã xảy ra, cháu hoàn toàn làm chủ thời gian cũng như cách thức chơi game của mình mà tôi không cần nhắc nhở. Vậy là tôi đã thành công rồi phải không nào?
 

Kết

Dù cho áp dụng phương pháp nào, lời khuyên tôi muốn dành cho các bạn đó chính là gia đình sẽ luôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc cai nghiện game, nhất là đối với trẻ nhỏ. Nếu tạo ra quá nhiều áp lực tâm lý hay bạo lực, có thể chúng ta sẽ bị phản ứng ngược với mong muốn, tệ hơn nữa là các cháu hoàn toàn có thể chìm sâu hơn vào những trò chơi và quên đi giá trị thực sự của cuộc sống, học tập và tình thân của gia đình.

-------------------------------------------------

Tác giả: Tzang
Thực hiện: Yo Le và nhóm sản xuất Radiome

Youtube

Facebook Fanpage

1