Những mẹo ngăn ngừa trầm cảm sau sinh hiệu quả

24-08-2016
  0   147

Thời gian gần đây, trên internet, đặc biệt là mạng xã hội facebook thường xuyên rộ lên thông tin về những vụ việc đau lòng liên quan đến chứng bệnh Trầm cảm sau sinh. Thực sự hội chứng này đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Vậy cụ thể chứng bệnh này là gì, và cần phải làm gì để ngăn chặn chứng Trầm cảm sau sinh cho các bà mẹ trẻ?

Theo nghiên cứu, bệnh trầm cảm sau khi sinh, gọi tắt là PPD, là căn bệnh chủ yếu đến với người phụ nữ sau khi đứa con được ra đời. Triệu chứng thường thấy là buồn rầu sau khi sinh, cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu quá mức, thiếu tập trung, cáu gắt, xao nhãng việc chăm sóc con cái, ăn uống thất thường. Nhiều người cho rằng nguyên nhân gây bệnh PPD là do sụt giảm hoóc môn sau khi sinh nhưng nguyên nhân này vẫn chưa mang tính thuyết phục. Cũng có giả thiết cho rằng là do di truyền, khó khăn kinh tế, sinh con trong trường hợp li dị, sinh con so, sinh con ở tuổi vị thành niên, khó đẻ, khó nuôi, đứa con không có bố chính thức…


Để có thể ngăn ngừa căn bệnh này, điều đầu tiên và vô cùng quan trọng, đó chính là vai trò của người thân, đặc biệt là người chồng. Có thể nói, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. rất nhiều ông chồng nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp vật chất cho vợ là đủ mà không hề nhận thức được sự quan tâm, chia sẻ bằng hành động và lời nói động viên có thể giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trước khi bước vào giai đoạn sinh nở, các bà mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý thật tốt. Đừng bao giờ lo lắng con sẽ uống sữa gì hay mình sinh mổ hay sinh thường, hãy coi đó là việc của những người trong gia đình và của bác sĩ nhé. Tất nhiên với bạn, việc chuẩn bị tâm lý cho việc đó là cần thiết và quan trọng, hãy luôn tạo cho mình sự thoải mái, bạn hãy cứ nghĩ mình sẽ sinh nở an toàn và có một em bé khỏe mạnh, bạn mong mỏi được gặp con và yêu con thật nhiều. Kể cả khi có rắc rối trong sinh nở thì điều đó hoàn toàn ngoài ý muốn, không phải do bạn. Đến bác sĩ tâm lý và thăm khám thường xuyên cho em bé trong bụng là việc làm không thể thiếu nhé? Hãy trò chuyện với những bác sĩ hoặc chuyên gia thật nhiều để bạn có thêm kiến thức về chăm sóc bé sau sinh.


Điều tiếp theo, các mẹ hãy tìm cách điều chỉnh, cân bằng cuộc sống của bản thân. Theo rất nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có mối liên kết con cái tốt, trầm tĩnh thường giúp cho trẻ phát triển tốt. Những bà mẹ sinh con lần đầu nên dành mỗi ngày 15 phút để tĩnh tâm, thư giãn, thở sâu, tập dưỡng sinh, ngâm mình trong bể tắm... nhằm giảm stress và tạo ra những khoảng không gian yên tĩnh cho bản thân.

Một phương pháp hữu hiệu và đơn giản, không thể không nhắc tới, đó là hãy tận dụng giấc ngủ. Đây là tiêu chí quan trọng giúp sản phụ lấy lại sức khỏe nhanh sau khi sinh, qua đó phòng ngừa những chứng bệnh về tâm lý, nhất là Trầm cảm sau sinh. Do không có thời gian nên khi trẻ ngủ, người mẹ nên tranh thủ ngủ, hoặc bất kể khi nào có điều kiện. Để làm được điều này người mẹ không nên ngại ngần nhờ chồng, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân giúp đỡ chăm sóc con, giặt giũ, làm công việc nội trợ, thậm chí có thể thuê người giúp việc để bản thân có thời gian ngủ nghỉ.


Các sản phụ thân mến, sau khi sinh bé thì cũng hãy nghĩ tới việc tham gia các lớp học dành cho những bà mẹ tương lai nhé, nhất là những lớp học do các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức. Tại đây, thai phụ sẽ thu lượm được những thông tin bổ ích và giúp cho các bà mẹ tương lai có điều kiện giao tiếp, giảm bớt nỗi lo không đáng có. Hoặc trao đổi những thông tin cần thiết với những người mẹ, người chị để áp dụng cho bản thân những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước. Kể cả sau khi sinh, nếu nghi ngờ mắc bệnh trầm cảm cũng nên tìm kiếm nhóm người cùng cảnh ngộ trao đổi học cách khắc phục căn bệnh mà bản thân đang mắc phải.


-----------------

• Nguồn: Trọng Khương tổng hợp
• Thực hiện: Trà My, Trọng Khương

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với chúng tôi, vui lòng liên hệ camxuc@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1