Phiên Khúc Cho Tình Nhân
Những búi cỏ lông chông trên cát cuốn theo chiều gió lăn đi mải miết. Như nghe tiếng cười giòn tan của em lẫn đâu đây trong sóng đập tung bờ...
1. Ở rừng
Em nhớ anh thiệt nhiều. Lần đó giữa rừng Cúc Phương, em bị lũ vắt bu cắn, nhưng may nhờ anh gỡ kịp. Anh rầy lũ vắt hỗn, da thịt em anh cưng quý nâng niu, vậy mà chúng dám làm gan.
Ở Nam Cát Tiên không có anh, lại một lũ vắt khác hung hăng chích em. Năm vết. Máu chảy ròng ròng ướt đẫm giày, vớ. Chặng về, em phải lấy dây thun cột túm ống quần. Ngó tụi nó đồng loạt ngỏng đầu như những đầu đinh trên đám lá khô ẩm hoai, đánh hơi người qua. Đáng ghét dễ sợ. Nhưng những người Tây ba-lô đi cùng em thì không ngại. Họ để cho vắt cắn no nê căng tròn máu, tới tự rớt ra. Một anh bạn trẻ người Đức giải thích rằng qua việc này, cơ thể người sẽ tự sản sinh ra một loại kháng thể chống lại sự không đông máu. Từ đó, những vết thương sẽ mau lành hơn. Anh ta còn nói: ở Đức, những người không có điều kiện đi rừng và “được” vắt cắn, thậm chí phải tới bác sĩ để cấy loài hút máu này dưới da một thời gian, giống một thứ kích thích tố. Chuyện nghe hợp lý quá, lại như hoang đường, nghe vậy biết vậy.
Cậu hướng dẫn viên dẫn tụi em đi thì miễn nhiễm, cứ khơi khơi phơi hai cẳng chân trần mà vắt không hề đụng tới. Hóa ra con vắt cũng biết đâu là người quen, đâu người lạ? Em bật cười khi tận mắt chứng kiến sức mạnh của sự quen biết. Mà, không rõ có loại kích thích tố nào giúp em mau lành vết thương trong lòng – vì phải rời xa anh? Anh sẽ trả lời chính thời gian. Qua thời gian người ta miễn nhiễm nhờ tạo ra kháng thể hay nỗi chai lì? Mình sống được bao lâu, để phải nhớ nhung sầu khổ, phung phí mất bao nhiêu năm trong suốt cuộc đời?
Ở Cúc Phương và Nam Cát Tiên, tuy cấu trúc của rừng khác nhau nhưng đều có những cây đa bóp cổ. Loại cây tàn nhẫn này xuất phát điểm từ những cái hột, rớt xuống giữa lưng chừng trời. Rồi nảy mầm lên trên một thân cây khác. Từ đó, chúng trưởng thành một cách quái đản. Bộ rễ bao quanh ôm lấy thân cây chủ, hút cạn chất dinh dưỡng của cây này để sống và lớn lên mạnh mẽ. Biết bao cây chủ đã chết dưới vòng tay tàn độc. Nhiều đôi cây quấn quýt lấy nhau như những đôi uyên ương không thể rời xa, nhưng cây bên ngoài ăn bám thì xanh tốt nuột nà, khỏe mạnh phổng phao, còn cây bên trong thì xám xịt cội cành, mục tàn, chết dần mòn, ruỗng ruột. Thảng hoặc có những cây hiên ngang kiên cường chịu trận, vẫn lớn lên vững vàng dù phải đeo mang trên thân loài ký sinh ác hiểm. Hiếm hoi hơn nữa, có những cây đã thoát ra khỏe mạnh, gạt bỏ thành công thành phần bất hảo đeo bám. Em chỉ biết lắc đầu, chẳng thể bình luận gì về mối yêu đương dễ sợ đó.
Em lảng qua ngắm những giò phong lan mùa này không nở hoa, ngắm loài dương xỉ cộng sinh bùi nhùi như tổ chim treo trên cao xòe lá xanh tựa đuôi công đuôi phụng. Anh chưa được thấy những cây thiên tuế phương nhiều trăm năm và hơn ngàn năm tuổi trong rừng, những vòng tuổi của chúng chất chồng theo năm tháng, càng về sau càng rõ. Như những nếp nhăn trên lớp da trường sinh bất lão của ông Thọ. Thiên tuế... Nếu em có thể sống thiên niên, em sẽ lại yêu kiếp sau của anh, và kiếp sau, sau nữa... Bởi kiếp này thôi em yêu anh chưa đủ.
Còn kia là lá trung quân, dù khô lửa đốt không cháy. Vì đặc tính đó mà ngày xưa người ta hay chọn lá to để kết lại, lợp lên nóc hầm bí mật hay những trạm giao liên của mật khu cũ. Anh thì sao, có muốn thử lòng nhau qua một trận lửa xem tuổi vàng? Em không cần, vì lửa lòng em đang cháy âm thầm nhưng dữ dội, đã không một giây ngưng nghỉ từ cái ngày em biết anh. Và yêu anh. Bản thân em là lửa, làm sao có thể đem đốt trong lửa thêm lần nữa.
Lại nói về những cây dây leo. Những dây đu đưa chênh chao mắc võng. Những cổng chào vặn vẹo quăn queo như những nuột dây thừng. Những vết cạo rỉ mủ sẫm hồng như máu. Những bẹ gai tróc ra từng lớp từng lớp trên lối đi. Những thân oằn oại sần sùi trườn ngang mạch suối. Những vòng quấn quanh siết chặt lấy đá. Em đã thấy dây leo khổng lồ trong rừng Đắc Lắc, Ban Mê, em đã thấy dây leo còn vĩ đại hơn ở Cúc Phương, dây leo mềm mại xanh ở Cát Bà, dây leo mảnh mai như tóc tiên ở Phú Quốc, dây leo đầy gai tua tủa ở Vĩnh Hy... Giờ là dây leo của Nam Cát Tiên. Nhưng em chẳng bao giờ muốn là một cây dây leo đeo bám cuộc đời anh. Em muốn được là em, yêu thương và quấn quýt anh bằng tình yêu tự chủ. Và anh sẽ là cây chò ngàn năm, cây sấu hơn bốn trăm năm với bộ rễ đáng nể, hay là cây si trứ danh với những vòng lan ôm tỏa rộng nhiều cây số, hay cây gõ bác Đồng? Đừng. Anh hãy chỉ là anh, để em được yêu anh nguyên vẹn.
Những mắt nai thấp thoáng nhìn em qua kẽ lá, chim rừng líu lo hồn nhiên. Tiếng ve râm ran. Bọn khỉ, voọc ôm nhau chạy. Ở Cúc Phương em đi cùng anh còn ở đây em chỉ có một mình, bên những người xa lạ. Em nhớ anh nhiều quá, nhớ đến xót xa lòng. Nỗi nhớ cạn đi như con suối nhỏ chờ mùa mưa tràn về khơi mạch. Nỗi nhớ mang tên cây Hợp hoan thuộc họ Trinh nữ. Ồ. Cây Trinh nữ ở đây thì tốt bời bời. Thân to như thân bắp, phiến rộng tựa lá me, dù vẫn không quên mắc cỡ khi ai đụng vô. Nỗi nhớ quá nhiều, như đá ong lổn nhổn trong lòng thác cạn nước rút. Nỗi nhớ quá xiết, như dòng xâm thực đôi bờ thành những mỏm phù sa ăn lộ dưới chân. Vì sao mình xa nhau vời vợi? Hà nội – hồ: quá nhiều, cây: quá nhiều, lắt léo những con đường bàn cờ: quá quanh co. Sài gòn chỉ có một nơi-được-gọi-là-hồ, nước khi không phun cao ngang ống quyển. Hồ Con Rùa có quán cà-phê, em hay ngồi một mình để nhớ về anh. Tại sao anh không vô với em? Ôi... Câu hỏi mà như không hỏi...
Ở làng dân tộc Châu Mạ, người ta mua thổ cẩm nửa giả nửa thiệt và những ché rượu cần. Đêm đó, đám bạn rủ nhau uống say. Cái say một nửa. Rượu vô thì lời ra. Em đã biết rượu cần trong nhà sàn bên hồ Lak, rượu cần bản Đôn, em biết thêm rượu cần Tà Lài. Loại hiểu biết cưỡi ngựa xem hoa. Những ché rượu vừa đủ thỏa mãn cơn hiếu kỳ du khách thập phương. Rượu đầy ché nhưng vơi nỗi đậm đà bản sắc. Cần tre không cong để có thể vít xuống, thẳng tưng chọc vào nỗi tức. Em không uống nhiều, em không say. Say làm chi khi chỉ có một mình. Dù bên em có những người bạn, nhưng em chẳng hết cô đơn. Em nhớ anh, thấy da diết muốn có anh ở bên. Nhớ tới ứa nước mắt. Những vết cắn của lũ vắt vẫn tiếp tục chảy máu, những giọt máu đỏ theo nhau thành dòng. Có nguy cơ như sẽ không bao giờ cầm. Khả năng thích ứng với nỗi đau của em thiệt tệ. Tình yêu nuôi tới bao giờ thì đủ mạnh, đủ lớn, đủ là thác lũ cuốn đi tất cả, để cho anh và em có thể bên nhau?
Em đi ca-nô trên sông. Sông Đồng nai khúc này đẹp như tranh, như sông Cái ở Nha Trang, sông Hương ở Huế, sông Sài Gòn đoạn Thanh Đa, sông Hàn ở phố Hội, hay sông Son ở Quảng Bình mùa không nước đỏ. Tàu chở khẳm, tốc độ cao. Nước chứa chan tràn vô khoang qua mũi, ca-nô không ngóc đầu lên được. Em bận áo phao, lòng thoáng run sợ. Giữa dòng. Sóng cả. Em không biết bơi. Có câu nói rằng cuộc đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm. Về nghĩa đen mà nói giả sử sự cố xảy ra em chết chắc. Trong những người đàn ông cùng đi liệu có ai sẽ dám xả thân cứu em? Anh không có ở đây để em đem niềm tin dựa vào anh an ổn. Thôi chẳng nghĩ lan man, chết sống dù sao cũng là số phận. Những vết cắn ở chân phát ngứa. Cuối cùng máu cũng cầm nhưng tụ bầm dưới da ngó vô cùng kinh hãi. Hỏi thăm, em biết vắt không độc, và cũng không mang bệnh truyền nhiễm. Em chỉ tò mò, nếu không gặp em liệu tới bao giờ chúng mới có “thức ăn” để hút, chúng đã đói bao lâu mới no được một lần? Tiếng ai trầm trồ. Có một đoạn bờ sông bị xắn phẳng như từ xa xưa một người khổng lồ đã cầm chiếc xuổng khổng lồ ấn xuống. Đất đỏ màu mỡ nuôi cây lá xanh. Lửa trong lòng em âm ỉ ngày ngày nuôi thắm tình yêu em lớn.
Cúc Phương trưa buổi đó mình nhai bánh mì trong lán nghỉ, bánh mì kẹp trứng chiên – đã khô lại còn chấm muối tiêu, làm khát nước ghê gớm. Bông hoa dại tím cánh nhỏ xinh em hái cài trên tóc, nhiều lần rơi vô dĩa muối. Hôm nay ở Cát Tiên, ai đó ước ăn thịt rừng. Ước ăn những con thú không bị nguy cơ tuyệt chủng như nai, heo rừng, thỏ, tê tê... Em không biết mong ước đó có quá đáng không, trong thời buổi người ta xôn xao về vụ án bò tót Easo ở Đắc Lắc. Em chứng kiến những người kiểm lâm ở Bàu Sấu bắt cá phơi khô ăn uống kham khổ, tuyệt nhiên không đụng tới thú, dù là những con heo rừng lang thang dạn dĩ khắp nẻo đường đất đỏ bụi mù, hay những con nai vàng ngơ ngác. Em đã thấy trong rừng nhiều cây to trốc gốc, té nghiêng trong tư thế như chưa hề chết. Trên đường ra Bàu Sấu, em còn thấy những cây đổ ngang mang theo cả mảng đá ong kết bè trong mớ rễ, và em được biết lớp màu mỏng trên bề mặt đã sinh ra một hệ rừng cây rễ bàn, không cắm sâu vào lòng đất. Tất cả được để nguyên, như rừng vốn vậy. Không một ai động chạm. Những người gác rừng yêu cả cây lẫn thú, tình yêu tự-nhiên-sẵn-có. Chắc cũng như em yêu anh, không biết đã yêu tự bao giờ. Thôi không ước ăn thịt thú rừng. Em nhìn bọn thú đi lang thang hiền lành. Bây giờ có ăn bánh mì khô cũng được, nhưng giá mà có anh ở bên để ăn cùng em.
Em xài Mobile , nhưng ba ngày ở rừng em xin tạm sóng Vina để nhắn tin, bập bà bập bõm. Em luôn e ngại bị cách ly hẳn với thế giới, em sợ nỗi cô độc. Những tin nhắn cái được cái mất lọt vô máy, cho biết vẫn còn những người quan tâm tới em, dù nhiều dù ít. Họ hỏi han, căn vặn đủ điều. Chỉ không có tin nhắn hay điện thoại của anh. Đêm nằm nghe tiếng thú kêu, tiếng chim, tiếng lá, tiếng gió, tiếng rừng... U u mang mang. Thèm tiếng anh. Thèm một vòng ôm, một bờ vai, một nụ hôn nồng nàn. Cát Tiên mênh mông, rừng phòng hộ đầu nguồn đang được nâng niu gìn giữ. Anh có bao giờ là lá chắn để chở che và phòng hộ cho cuộc đời em?
2. Ở biển
Anh đang đứng ở bãi Rạng thuộc Quảng , bên này ngày xưa là căn cứ Chu Lai. Nhiều xương rồng trên trảng trống khô khan, nhiều phi lao trong gió cát. Và cũng chỉ có xương rồng, phi lao và gió cát. Nắng chứa chan, biển xanh ngời ngời khó tả. Thuyền thúng ở đây dài dài, khác với thuyền thúng tròn ủm vùng Đà Nẵng, Phan Thiết, Phan Rang. Nhưng cái màu nhựa chai thẫm nâu thì vẫn thế. Con sáo nuôi thả của người chủ quán đang nhảy lích chích dưới chân anh, cặp mắt láo liên quá chừng láu cá. Nó dạn dĩ như thế nhưng tiếc là không biết nói. Không phải như em, những khi bên anh cứ líu lo nói suốt chẳng ngừng.
Em biết không, anh vừa từ Sơn Mỹ về. Làng chứng tích chiến tranh, nơi xưa kia hơn năm trăm người dân vô tội đã bị thiệt mạng trong vụ thảm sát Mỹ Lai chấn động thế giới. Dưới chân tượng đài căm thù, anh bùi ngùi nghe cô thuyết minh kể lại câu chuyện dù đã qua từ lâu nhưng nghe vẫn thấy bàng hoàng. Và cô ấy khóc, những giọt nước mắt làm anh nhớ mãi. Dù cô rất trẻ, và câu chuyện của cô chỉ là nghe biet chứ không tận mắt chứng kiến. Nhưng nỗi đau thì rất thật. Ra tới biển rồi mà anh vẫn còn ngây ngây. Những hình ảnh kinh hoàng của vụ tàn sát mất nhân tính: những gương mặt nạn nhân ngơ ngác gồm toàn người già và trẻ thơ, những chân dung lính Mỹ gây ra thảm họa, làng quê yên bình phút chốc tàn rụi tan hoang, những hố bom sâu hoắm và khói bốc lên nghi ngút, những vũ khí tử thần lạnh lùng, những vết thương loang lổ máu tràn... Không thể hình dung nổi. Mương nước ngày đó tấp đầy xác người giờ nở ra bông hoa súng tím thanh bình. Căn nhà của một gia đình vô tội bị giết sạch giờ được đặt bia tưởng niệm. Gốc cây cụt cháy nham nhở còn lại sau vụ đốt làng giờ treo bảng chứng tích. Căn hầm sạt lở giờ cỏ xanh bao quanh...
Gió biển thổi vào anh hơi muối mặn nồng nàn. Biển giúp anh gột rửa nỗi nặng nề trong tâm hồn. Biển muôn đời vẫn thế, như bà mẹ bao dung rộng mở. Anh nhớ nụ hôn của chúng ta bên bến bờ Trà Cổ. Trời hôm đó rét nhẹ. Chưa tới mùa du lịch. Mình đi lang thang trên bãi vắng. Chỉ có dấu chân của anh của em in hai hàng song song. Trên cát màu vàng sẫm. Em cố tình đi chung lẫn vào với anh, để chỉ còn một hàng dấu chân thôi. Đám thuyền kết bằng tre gân guốc, dây chão xỉn nâu, lòng khoang lót xốp bọt biển dãi dầu đang nằm nghỉ ngơi, hàng hàng lớp lớp thảnh thơi hiền hòa.
Sóng xa tít tận muôn trùng, ngọn trắng ngả vàng lăn tăn nhỏ. Lũ còng lăng xăng chăm chỉ, để lại quá nhiều bi tròn tí hon trên bãi mịn. Bờ biển dài nên tầm mắt mình ngút ngắt không có điểm dừng để vướng, và ta ước lượng hết nghĩa của tính từ vô tận. Em ngượng ngùng nụ hôn giấu mặt vào anh, dù biển chiều không một bóng ai. Em thanh minh hạnh phúc trong tình yêu là của riêng đôi lứa, đâu cần phát lộ khoe khoang với bàn dân thiên hạ. Anh đồng ý với em. Nhưng dù sao anh vẫn muốn cả thế gian này biết rằng anh yêu em. Yêu quá nhiều. Và anh cũng muốn cho cả thế gian này biết là anh được em yêu. Liệu như thế có gì quá đáng?
Biển Hội An nhiều phi lao và cát trắng mịn, biển Non Nước cũng phi lao xạc xào, cũng mịn màng cát trắng. Biển Ninh Chữ thì cát vàng, như biển Đồ Sơn. Còn nữa, biển Sầm Sơn mơ màng như thiên đường nơi hạ giới. Biển Quảng Ninh lấp lánh cánh buồm nâu. Trở về Phan Thiết, anh nhớ em lúc ấy chạy dọc theo triền cát Đồi Hồng, dang tay ra mà hét rằng em vui quá. Gió biển lồng lộng, sóng đánh cao làm ướt tóc, em nói biển đã vui lây niềm vui của em.
Biển Nha Trang thì dừa, loại dừa Tam Quan óng vàng dóng dả. Anh đã kể em nghe nơi biển gặp sông có hai quả núi nhỏ chơi vơi kề cận tròn xoe như hai hòn cuội khổng lồ, kẹp giữa hai chiếc cầu song song soi bóng. Nếu chạy dọc theo đường Trần Phú, em sẽ thấy cảnh quan biển đổi thay từng quãng. Hết cảng cá là lầu Nghênh Phong của Bảo Đại xưa với chập chùng lối đá dẫn xuống, có hai hàng phượng trụi lá đứng canh, qua phố bằng lăng hai mươi mấy màu hoa tím khác nhau. Xuôi theo rặng biển núi nối núi chập chùng. Rồi đến những cụm phi lao tàn vuông-tròn-nhọn được cắt xén đẹp mắt, đến rừng dừa cây cao cây thấp. Ngang công viên nước hợp mốt trào lưu mới, quảng trường đèn vàng, và phố cà-phê đèn dây xanh đỏ lập lòe... Chỉ buồn là lần ấy anh đi một mình.
Vịnh biển Hạ Long tuyệt vời. Anh đã đến nhiều nơi vẫn không thấy nơi đâu bằng. Trong hang Đầu Gỗ và động Thiên Cung, em nói em chạnh nhớ Hòn Phụ Tử chông chênh bé nhỏ ở Hà Tiên. Mình đã ngồi tàu đi xuyên qua bồng lai tiên cảnh, tới tận Móng Cái. Bên em, anh tưởng mình như Từ Thức lạc thiên thai. Những rặng núi xanh tiếp tiếp kỳ ảo chìm trong sương giăng, muôn hình vạn vẻ. Ngày không có nắng. Hòn Trống Mái song đôi nương tựa vào nhau. Em muốn đổi tên thành Hòn Uyên Ương, anh đùa tên ấy độc quyền chỉ riêng hai ta biết. Nể cô bé bán hàng xinh xinh đi theo tàu có giọng nói rất ngọt vô cùng chiều ý khách, anh mua tặng em những hạt ngọc trai – nước mắt của biển. Em chọn màu tím, nhưng em cười bảo anh màu thời trang thôi, không phải màu thủy chung gì đâu đấy nhé. Anh cũng ích kỷ đúng không? Anh toan tính: em sẽ luôn phải nhớ đến anh mỗi khi đeo. Em liền đáp: thế thì em sẽ không đeo, mà đem cất kỹ. Bây giờ nhớ lại những câu chuyện này, anh mới biết anh đã nhớ em rất nhiều hơn anh tưởng. Anh nhớ em với đôi má lúm đồng tiền và nụ cười rạng ngời chứa đựng niềm hân hoan của cả thế giới. Đôi mắt có đuôi dài lấp lánh nâu thích nheo nheo, hay liếc ngọt anh mỗi khi không vừa lòng điều gì.
Bãi Cát Cò ở Cát Bà cát vàng hạt to, xào xạo dưới chân đi, bốn bề vây quanh là núi, cong cong như một vòng ôm siết. Hôm mình ra Đảo Khỉ thì không có khỉ, rốt cuộc cười vang chia nhau nải chuối đem theo định sẽ cho khỉ ăn. Biển ở đây trong lạ lùng. Rất nhiều vỏ ốc, san hô vụn lẫn với sỏi. Nước ấm tựa hơi thở em. Em không tắm chỉ dầm chân trong nước, còn anh đã bơi một vòng thỏa thích. Lúc muộn chiều, mặt trời đỏ ối như chiếc bánh trứng gà để trên đĩa núi xanh mờ. Mặt biển êm dát lớp bọt hồng lăn tăn như tấm khăn choàng dệt bằng sợi vàng cẩn hằng hà viên kim cương, mã não. Anh ướt đẫm, ôm siết em trong tay định kéo xuống nước. Làm em phải cố vẫy vùng ra để thoát. Rồi em chạy về phía những rặng đá xếp chồng lên nhau còn anh hụt hơi đuổi theo. Người đàn ông đi cùng đoàn nhìn chúng ta vui vẻ cười, bảo rằng chúng ta thật hạnh phúc, rằng nhìn chúng ta, ông nhớ lại thời ông còn trẻ trai khi vợ ông chưa mất vì bệnh tim, hai người vẫn thường cùng nhau ruổi rong đây đó. Em thấy không, hạnh phúc có sức tỏa lan thật dễ chịu. Hạnh phúc đâu chỉ là đặc quyền của những lứa đôi yêu...
Đêm trên vịnh Cát Bà, những con thuyền ngủ gật gà quanh cầu cảng. Mình sóng đôi đi dọc bờ kè, em kể cho anh nghe về biển Hàm Ninh, Dương Đông, Bãi Sao ở Phú Quốc, biển Mũi Né, Đại Lãnh, Vũng Tàu, Phước Hải, Long Hải, Hồ Cốc và Kiên Giang... Em đi nhiều, hãy nhớ quấn khăn vào cổ đề phòng viêm họng. Để không bị ho. Anh chợt nhớ cái đêm ở Ninh Chữ ngồi cùng những người bạn trên bờ cát dốc, nhìn ra những dải đèn câu mực dăng dăng. Gió thốc tháo chỉ chực thổi tung những con người dám thi gan cùng cơn mưa sấm chớp ì ầm đe dọa ngoài khơi. Cuối cùng thì mưa bỏ chạy, trả cho thiên nhiên một đêm biển lặng. Yên bình. Nhưng sau đó tất cả đều bị ho, mà ho ra toàn cát.
Còn buổi sáng hôm nào ở Phan Thiết, anh ngâm mình trong biển lách tách những con moi. Em biết không, moi là loại tép nhỏ, rất nhỏ – miền gọi là con ruốc. Anh đã vô cùng ngạc nhiên, vì thấy nước quanh mình cứ “nhảy” loi choi. Bụm vào tay, nước trôi đi. Còn lại chú moi nhỏ trong veo sinh động. Lội lên bờ, anh theo chân những người đánh cá sớm tới bên một bà cụ đang đãi moi. Một công việc tỉ mẩn, mất nhiều thời gian mà hoa lợi cũng chẳng bao nhiêu. Nhưng hình ảnh bà cụ ngồi cặm cụi trong buổi mai – khi mặt trời vừa ửng hồng, đã cho anh một cảm giác dễ chịu.
Kỷ niệm tựa như những vết khắc trong tâm, có lẽ sẽ lưu niên để dấu. Giá có em cùng anh trên mọi nẻo đời, cùng anh trong muôn muôn kỷ niệm. Nếu như em có thể ra đây, mình mãi mãi bên nhau... Anh lại ích kỷ rồi, vì em chỉ muốn anh vào với em. Anh đã nghĩ ngợi nhiều, yêu em rồi anh sẽ phải quyết định. Lựa chọn, dấn thân và trả giá. Hy sinh. Nhận và biết cho.
Không biết em còn nhớ không, ở Đồ Sơn dạo ấy mình ngồi ngắm khơi xa trong một chiều đứng gió, em đòi ăn món tôm tích chán phèo. Biển nhiều lũ trẻ con đi lang thang kiếm miếng ăn bằng đủ cách, vì một trong số bọn trẻ ấy nài nỉ ỉ ôi nên em đã mua tôm tích. Em nói bọn trẻ con mỗi nơi mỗi khác nhưng luôn luôn giống nhau ánh mắt, dù bụi bặm trần gian vẫn trong trẻo thơ ngây đến lạ kỳ. Và em thường xuyên mủi lòng, thường xuyên bận tâm. Rồi em kể chuyến đi thú vị của em đến biển Cần Giờ trong lễ hội “Nghinh Ông” – tục lệ xuất phát từ việc thờ cúng cá voi, từa tựa ngư dân Nha Trang thờ thần Nam Hải. Lan man, em kể sang chuyện đi hụt mấy lần Côn Đảo. Theo tưởng tượng của anh, có lẽ biển Côn Đảo cũng trong xanh và phẳng lặng như biển Cam Ranh, cũng ngời ngời cát mịn. Bờ biển nước mình dài thật, ôm suốt hơn nửa vòng đất nước. Và không ở đâu biển giống nhau. Khập khiễng không khi anh nổi cơn so sánh: tuyệt đối chẳng có cô gái nào giống y như em.
Em yêu anh nhưng cũng yêu Sài Gòn. Em nói em ra Hà Nội chơi thì được nhưng không thể ở lâu sống lâu làm việc lâu, vì không thể hòa nhập với nơi chốn mà em vốn không thuộc về. Em đã có vài phen thử rồi, nhưng không thể được. Cũng như em, anh không thể lìa xa Hà Nội. Anh đi đâu đến đâu ở đâu cuối cùng cũng phải trở về với cái nơi mà anh đã sinh ra và lớn lên. Nói yêu thì cũng hẳn là yêu, nhưng đúng hơn là quá thân quen quá gắn bó quá thiết tha, cũng như một phần của đời anh không tách rời ra được.
Biển thì muôn đời mặn, em cũng biết. Nên em chỉ nói rằng em ước ao – không ép buộc anh phải chọn, ước rằng em có anh ở Sài Gòn. Nhiều khi ngồi trầm ngâm trước biển như lúc này, anh bồi hồi nhớ lại cơ duyên đẩy đưa chúng mình gặp nhau. Vì sao mình có duyên mà chưa có nợ? Thôi anh chẳng tin vào số phận, anh tự bắt anh phải chọn lựa. Anh không thể sống thiếu em, cho nên anh buộc anh phải đưa ra quyết định cuối cùng. Anh là đàn ông mà.
Thứ bảy vừa qua trên biển Pattaya ở Thái Lan, nài nỉ mượn điện thoại di động của người bạn có mở line quốc tế anh gọi về cho em. Nhưng vào lúc ấy, máy cầm tay của em không liên lạc được (thằng bạn mừng!). “Em đang ở đâu?”, anh chỉ muốn hỏi như thế thôi, hỏi không để làm gì mà anh vẫn muốn biết. Anh luôn muốn biết em đang làm gì ở đâu, em nghĩ gì khi không có anh ở bên. Và anh luôn muốn nói cho em nghe anh đang ở đâu làm gì, anh đang nghĩ gì. Khi anh về Hà Nội thì nhận được tin nhắn trong hộp thư lưu, em nói em chuẩn bị khởi hành đi Nam Cát Tiên. Và em còn nói em nhớ Cúc Phương, em nhớ anh nỗi nhớ rộng bằng rừng. Anh thì nhớ em mênh mông bằng biển. Anh vội gọi cho em ngay nhưng không được. Rất nhiều lần. Em đã ngoài vùng phủ sóng hay cố ý tắt máy – suốt từ lúc ấy cho đến lúc này?
Những chuyến công tác liên miên xa xôi và dài ngày làm cho anh dần quen với cuộc sống theo chủ nghĩa xê dịch. Anh đang rèn luyện mình thích nghi với việc không còn thuộc về Hà Nội. Khó nhất là làm cho bố mẹ và gia đình chấp nhận việc anh sẽ tách hẳn khỏi họ một ngày nào đấy. Em có biết điều này mang ý nghĩa gì không? Rằng em là quan trọng biết bao đối với anh! Nhưng anh sẽ không bao giờ dùng từ đánh đổi, mà dùng chọn lựa. Trên đường đời, người ta không chỉ một lần đứng trước những ngã ba, ngã tư. Phải quyết định thôi. Như khi ra biển, anh biết đâu là bến bờ mà anh muốn đến. Trước biển, anh hiểu anh cần em cho cuộc đời anh từ nay và về sau, mãi mãi. Anh không mượn thơ Xuân Quỳnh để nói tình yêu của em và anh là thuyền và biển. Anh yêu em như em là chính em. Và anh muốn được em yêu như anh là chính anh.
Cuồn cuộn biển thổi ùa vào anh xốc xáo. Lồng ngực anh hương biển mặn mòi, thấm thía. Những búi cỏ lông chông trên cát cuốn theo chiều gió lăn đi mải miết. Như nghe tiếng cười giòn tan của em lẫn đâu đây trong sóng đập tung bờ.
Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn. Em. Một nửa của anh.
Nguồn: VnRadio
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...