Bóng đá Việt: Bài học nhìn từ Thái Lan

29-04-2016
  0   668
“Bóng đá học đường chính là cơ sở để bóng đá Việt Nam nhìn ra thế giới”. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã nhận xét như thế khi được hỏi rằng: Tại sao? Thời gian qua, TPHCM lại rất chú trọng phát triển thể thao học đường, trong đó bóng đá được ưu tiên phát triển đầu tiên.
 
Theo đó, vị kiến trúc sư trưởng của chương trình phát triển bóng đá học đường tại TPHCM nhận định: “Hãy nhìn sang Thái Lan, đó là ví dụ điển hình trong việc phát triển bóng đá học đường. Thậm chí, Thái Lan không chỉ phát triển bóng đá mà họ còn chú trọng cả việc đầu tư cho nền thể thao học đường và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển”.
 
Có lẽ, nhận định trên hoàn toàn đúng. Bởi, thời gian qua bóng đá xứ sở chùa vàng vẫn có những giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhất là sau thất bại trước Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2008. Thế nhưng, dù ở giai đoạn nào thì nền bóng đá Thái Lan luôn được đánh giá cao ở khu vực Đông Nam Á. 
 
SCG Muangthong United luôn chú trọng “truyền lửa” cho học sinh tiểu học. Ảnh: T.L/ SGGP
 
Những thành công thời gian qua như: Tấm vé dự vòng loại cuối cùng của World Cup 2018, hàng loạt chức vô địch SEA Games, AFF Cup đã giúp Thái Lan lấy lại vị thế trong khu vực. Hơn nữa, lúc này người Thái đã vươn tầm ra châu lục. Thế nhưng, để có được thành công như ngày hôm nay thì ngoài việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp, người Thái còn rất chú trọng phát triển bóng đá học đường, nơi được xem là nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào cho giải VĐQG Thai League.
 
Quay ngược hơn 9 năm về trước, đầu năm 2007 Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) kết hợp với Bộ Giáo dục nước này phát triển mô hình bóng đá học đường. Giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của học sinh Thái Lan, được FAT chắp cánh từ bậc tiểu học, THPT và cả sau này bậc đại học. Cụ thể, từ lớp 4 đến lớp 12, mỗi khối đều có một lớp dạy học bóng đá riêng cho những học sinh có năng khiếu được tuyển chọn từ năm 9 tuổi. Song song với đó là các buổi học văn hóa dành cho các em ăn tập bóng đá.
Thành công của U.19 Thái Lan tại VCK 2015 là một ví dụ điển hình từ mô hình bóng đá học đường. Trong số 23 thành viên của đội, có đến 13 người được HLV Anuruck lựa chọn từ 10 đội bóng trường học khắp Thái Lan. Những cầu thủ trẻ còn lại, hiện đang thi đấu cho các CLB danh tiếng tại Thái Lan như Buriam, Chonburi. 
 
Trong đó, những cái tên xuất thân từ bóng đá học đường được giới chuyên môn Thái Lan đánh giá cao như: thủ môn Taro Prasarnkarn, tiền vệ Suksan Mungpao (College Sriracha); trung vệ Nithipat Boriboonwat; tiền đạo Veerapong Khorayok (Bangkok Cristian College) hay tiền vệ Sakdipat Kotchasri (Debsiridra School)…
 
Những thành công của người Thái, tất nhiên sẽ là bài học quý giá cho TPHCM, địa phương đầu tiên trong cả nước phát triển bóng đá học đường. Tuy nhiên, thành công không thể đến trong ngay tức khắc, trái ngọt sẽ được hái sau quá trình đầu tư bài bản và căn cơ. Với những bước đi chậm nhưng chắc, trong tương lai TPHCM sẽ sớm thu về quả ngọt từ phong trào bóng đá học đường. Hãy cùng chờ đợi ngày đó.
Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1