Con Thuyền Kỷ Niệm

31-03-2016
  0   1245

Tôi đã trải qua mùa hè thứ mười của thời thơ ấu tại một nông trại miền núi thuộc miền Tây Na Uy, nơi mẹ tôi đã sinh ra. Đó là những ngày tháng đáng nhớ nhất của đời tôi. Điều còn đọng lại đậm nét trong trí óc tôi là những lúc tôi và ông tôi ở bên nhau.


Điểm đầu tiên tôi chú ý đến ở ông tôi là hàm ria mép dày, rậm cùng đôi vai rộng. Điểm thứ hai là cách ông làm việc. Tôi đã quan sát ông suốt cả mùa hè. Ông cắt cỏ bằng những nhát hái mạnh và khéo léo, vun tất cả lại rồi đem phơi khộ Ông lại bó củi khô thành từng bó lớn, lần lượt vác về vựa. Ông còn làm thịt một con lợn, bắt cá và đem đi muối, xay lúa mạch trong một cối xay chạy bằng sức nước, trồng và dự trữ khoai tây. Nội trong mùa hè ngắn ngủi, ông phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho cả gia đình và lũ gia súc qua được mùa đông dài băng giá. Ông chỉ ngơi tay chốc lát để ăn uống và chợp mắt vài phút.


Tuy vậy, ông vẫn tìm được thời gian riêng cho hai chúng tôi. Ngày kia, sau chuyến đi sang làng bên, ông trao cho tôi một con dao nhỏ có vỏ bọc và nói: “Những thứ này cho cháu đấy. Bây giờ cháu xem ông nhé!”.


Ông rút dao ra khỏi vỏ, cắt một nhánh cây tươi nhỏ, ngồi xuống bên cạnh tôi. Với đôi tay đầy vết chai, ông chỉ tôi cách làm ống sáo. Cho đến hôm nay, đã sáu mươi ba năm trôi qua, cứ mỗi lần tôi nghe những âm điệu trong trẻo của những ống sáo, tôi lại nhớ đến tiếng nhạc phát ra từ ống sáo bằng cây tươi của ông tôi. Sống ở một nông trại miền núi hẻo lánh, ông đã phải học cách tạo ra tất cả với những gì mình có trong tay.


Ngày đó, tôi luôn suy nghĩ một cách đơn giản là người ta cần cái gì thì mua cái đó. Tôi không rõ ông có biết điều này không, nhưng hình như ông muốn dạy tôi một điều khác. Một hôm, ông bảo: “Đi với ông, ông có cái này cho cháu”. Tôi theo ông xuống hầm, đến bên một cái bàn thợ mộc gần cửa sổ. “Cháu sẽ có một chiếc thuyền nhỏ. Cháu có thể thả nó ở Storvassdal”, ý chừng ông muốn nói cái hồ nhỏ cách nhà tôi vài dặm.


Tuyệt thật, tôi thầm nghĩ, rồi nhìn quanh tìm chiếc thuyền. Nhưng chẳng thấy đâu. Ông nhặt một khúc gỗ dài độ 18 inch lên. "Chiếc tàu ở đây”, ông nói, “Cháu sẽ tự làm ra nó”. Đoạn ông trao cho tôi một lưỡi rìu nhỏ sắc như dao cạo. Tôi không rõ phải làm như thế nào nên ông hướng dẫn tôi. Tôi bắt đầu đẽo phần mũi tàu. Sau đó ông lại chỉ tôi cách sử dụng búa và dùi đục, tôi chuyển sang làm khoang thuyền. Thỉnh thoảng, ông lại xuống tầng hầm, sửa lại vài chỗ vụng về, hoặc mài sắc lại các dụng cụ. Ông trả lời câu hỏi của tôi, gợi ý thêm, nhưng hầu như mọi việc tôi đều làm cả.



“Nó sẽ là một chiếc thuyền tốt. Cháu đã làm nó bằng chính đôi tay của cháu”, ông nói, “Không ai có thể cho cháu những gì cháu tự làm cho bản thân”. Lời của ông vang vang trong đầu tôi lúc tôi làm việc. Cuối cùng, tôi đã hoàn thành phần khoang thuyền. Tôi làm tiếp một cái cột buồm và một cái mái chèo. Chiếc thuyền không có gì đặc sắc, nhưng tôi thấy hãnh diện vì mình đã tạo ra nó.


Rồi với con thuyền nhỏ trong tay, tôi hướng đến Storvassdal. Trèo lên sườn núi dốc đứng, tôi vào rừng và đi theo một lối mòn khá dốc. Tôi băng qua các con suối nhỏ, giẫm lên lớp rêu xanh đẫm nước và đi lên những bậc thang đá trơn trợt – cao hơn, cao hơn nữa cho đến khi tôi ở phía trên hàng cây rừng. Cuối cùng, sau khoảng 4-5 dặm đường, tôi đã đến nơi.

Tôi thả chiếc thuyền xuống nước và bắt đầu mơ mộng. Một làn gió nhẹ đưa chiếc thuyền sang bờ bên kia. Khí trời thật trong lành. Xung quanh im ắng, ngoại trừ tiếng líu lo của một chú chim non.


Tôi trở lại hồ nhiều lần. Ngày nọ, mây đen kéo tới, sấm chớp ầm vang và mưa đổ xuống như trút nước. Tôi co người nấp dưới một tảng đá lớn và cảm thấy hơi ấm trong khe tỏa ra. Nhìn chiếc thuyền nhỏ của tôi ngả nghiêng giữa mặt nước nhấp nhô, tôi liên tưởng đến hình ảnh một chiếc tàu dũng cảm đương đầu với biển cả dậy sóng. Một lúc sau, mặt trời ló ra và tất cả lại như cũ.


Gia đình tôi chuẩn bị quay về Mỹ. “Con không thể mang chiếc tàu về nhà. Chúng ta có quá nhiều hành lý”, mẹ tôi bảo. Tôi van nài mẹ nhưng chỉ hoài công.


Lòng buồn bã, tôi đến Storvassdal lần cuối cùng, tìm tảng đá mòn lớn, đặt chiếc tàu vào khoảng trống bên dưới tảng đá, rồi dùng đá nhỏ chất đống lấp lại, quyết định ngày nào đó tôi sẽ quay lại tìm kho tàng của mình.


Tôi từ biệt ông tôi, không biết rằng đó cũng là lần vĩnh biệt. “Tạm biệt cháu!”, ông nói và siết chặt đôi tay tôi.


Mùa hè năm 1964, tôi đến Na Uy với cha mẹ và vợ con tôi. Một hôm, tôi rời nông trang, đi bộ đến Storvassdal với ý muốn tìm lại tảng đá lớn ngày xưa. Nhưng sao xung quanh nhiều quá! Tôi đã gần bỏ cuộc thì chợt trông thấy một đống đá nhỏ chèn dưới một tảng đá mòn lớn. Chậm rãi, tôi dời các viên đá ra và thò tay vào khoảng trống bên trong. Tay tôi chạm vào một vật gì đó nhúc nhích. Tôi lôi chiếc tàu ra. Ba mươi bốn năm qua nó đã nằm ở nơi đây, chờ đợi tôi quay lại. Khoang tàu và cột buồm bằng gỗ dày hầu như không hề bị suy suyển, riêng có lớp vải buồm đã mục nát.


Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút ấy. Khi tôi mân mê con thuyền, tôi cảm thấy như ông tôi đang hiện diện đâu đây. Ba chúng tôi lại được ở bên nhau, và giữa ông tôi, tôi và chiếc thuyền nhỏ thực sự có một mối dây liên kết gắn bó với nhau.


Tôi mang chiếc thuyền về trang trại cho mọi người xem và khắc lên trên mạn thuyền hai con số 1930 và 1964. Có người gợi ý tôi nên mang chiếc thuyền về Mỹ. “Không được”, tôi đáp, “Chỗ của nó là dưới tảng đá mòn ở Storvassdal”. Và tôi vẫn mang nó về ở chỗ cũ.


Tôi trở lại hồ năm 1968, 1971, 1977 và 1988. Mỗi lần như vậy, tôi lại khắc số năm lên mạn thuyền. Ông tôi như gần gũi với tôi hơn. Lần cuối tôi đến Storvassdal vào năm 1991. Lần này, tôi dắt theo hai đứa cháu gái: Catherine, 13 tuổi và Claire, 12 tuổi. Trên đường lên núi, tôi nghĩ đến ông tôi và thầm so sánh cuộc đời ông và cuộc đời của hai đứa bé. Catherine và Claire là mẫu người quyết đoán và độc lập hệt như tổ tiên khi xưa. Có điều không biết chúng có lỡ mất những thú vị thật sự của cuộc sống khi chúng được sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ hay không?


Bằng thái độ không mệt mỏi trên nông trại hẻo lánh này, ông tôi đã dạy cho tôi rằng chúng ta nên chấp nhận và phải biết ơn những gì ta có, dù ít hay nhiều. Chúng ta phải chịu đựng khó khăn và biết thụ hưởng niềm vui. Điều quan trọng nhất là phải dựa vào sức của bản thân để tiến lên trong cuộc sống.


Cháu tôi tuy cũng lớn lên ở vùng ngoại ô với những nông trại, nông trang, nhưng cuộc sống rất đầy đủ và tiện nghị Nhưng tôi luôn hi vọng – và tin chắc rằng chúng sẽ có cách riêng của chúng để đương đầu với cuộc sống đầy khó khăn. Mong sao chúng hiểu được bài học ông tôi đã dạy tôi nhiều năm trước – bài học về con thuyền nhỏ cùng bức thông điệp về sự tự lực cánh sinh.


Trên núi cao, tôi ngập ngừng không mở lời như e ngại mình sẽ phá tan sự yên tĩnh. Chợt Claire ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Cô bé ngước lên nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói: “Ông ơi, ngày nào đó cháu sẽ quay lại nơi đây” – Một thoáng ngập ngừng – “Cháu sẽ mang theo cả con của cháu nữa”.

 
Nguồn: VnRadio

Youtube

Facebook Fanpage

1