[Mùa Noel] Giáng Sinh Và Những Điều Chưa Biết

17-12-2015
  0   2960


1. Nguồn gốc ngày lễ Giáng sinh

Ngày lễ Giáng sinh (còn được gọi là lễ Noel hay lễ Thiên chúa Giáng sinh, X-mas, Christmas) là một ngày lễ quốc tế để kỷ niệm chúa Jesus ra đời.

Khởi đầu, nguồn gốc ngày lễ Giáng sinh bắt đầu từ những người theo đạo Kitô. Tuy nhiên, qua thời gian, lễ Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ quốc tế và được biết đến nhiều hơn với cây thông và ông già Noel.
 
 
2. Thời gian diễn ra lễ Giáng sinh

Theo lịch Do Thái thì thời điểm bắt đầu ngày mới là hoàng hôn chứ không phải lúc nửa đêm. Bởi vậy, dù lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng người ta thường chúc mừng từ tối 24/12.

"Lễ vọng" vào đêm 24/12 thu hút lượng người tham dự đông đảo hơn "lễ chính ngày" vào 25/12.

3. Ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh

Có lẽ, hầu hết mọi người đều biết về ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, Noel còn là ngày lễ của gia đình, là dịp đặc biệt để mọi thế hệ trong gia đình cùng quây quần bên nhau. Trong dịp này, những thành viên sẽ tạo dựng kỉ niệm, biểu lộ và duy trì tình cảm với nhau.

Noel cũng có thể được coi là một buổi lễ của trẻ em. Đêm Giáng sinh là một đêm kỳ diệu mà mọi ước nguyện của những đứa trẻ sẽ trở thành sự thật.

Ngoài ra, ngày lễ Giáng sinh còn mang theo thông điệp của hòa bình, mọi người cùng sẻ chia với những người cô đơn, già yếu, bệnh hoạn hay những ai bị bỏ rơi.

 
4. Ý nghĩa tên gọi Christmas và Xmas

Thực chất, từ Christmas được ghép bởi 2 từ là "Christ" (tước vị của chúa Jesus) và "Mas" (Viết tắt của mass nghĩa là thánh lễ). Vì vậy, Christmas mang nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ và là ngày lễ giáng sinh của Đức Chúa Jesus.

Trong tiếng Hy Lạp, chữ Christ được viết là Christos, Xristos hoặc Xpiơtós nên người ta thường dùng phụ âm X mang ý nghĩa tượng trưng cho từ Xristos và Xpiơtós và thêm chữ "Mas" vào để tạo thành Xmas. Vì thế, từ Xmas cũng mang nghĩa giống như Christmas.
 

5. Ý nghĩa của các biểu tượng xuất hiện trong lễ Giáng sinh

Ông già Noel (phiên âm tiếng Việt Ông già Nô-en), Ông già Giáng sinh, hay là Ông già Tuyết (theo cách gọi tại Nga), là nhân vật đóng vai trò như là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông Noel. Hình ảnh tiêu biểu của ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô", tồn tại trong nhiều văn hoá, đặc biệt ở các nước phương Tây. Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi chín con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi.

Vòng lá mùa vọng: Hình tròn của vòng lá thể hiện sự sống vĩnh hằng cũng như tình yêu thương vô tận của Chúa. Màu xanh tượng trưng cho hi vọng Đấng cứu thế sẽ cứu giúp con người thoát khỏi những thống khổ.

Cây thông Noel: Truyền thuyết kể rằng vào thế kỉ thứ VII, trên đường hành hương, để cứu một đứa trẻ thoát khỏi buổi tế thần, thánh Boniface đã hạ gục một cây sồi chỉ với một cú đấm. Và cây thông nhỏ đã mọc lên từ đó.

Vị thánh nói rằng cây thông nhỏ tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Đấng cứu thế và là cây của sự sống. Bởi vậy, vào ngày lễ Giáng sinh, người ta thường đặt trong nhà một cây thông nhỏ được trang trí lộng lẫy.

Ngôi sao Giáng sinh: Trong dịp lễ Giáng sinh, người ta thường treo một ngôi sao ở vị trí trang trọng nhất tại các cơ sở tôn giáo. Bởi theo truyền thuyết về nguồn gốc ngày lễ giáng sinh, vào thời khắc chào đời của Chúa, trên bầu trời đã xuất hiện một ngôi sao tỏa ánh sáng rực rỡ dẫn đường cho 3 vị vua tìm đến nơi Chúa ra đời.

Những món quà Giáng sinh: Là tặng phẩm mang ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc để biểu lộ tình yêu giữa bạn bè và những người thân trong gia đình.
 

Giáng sinh trên thế giới và ở Việt Nam

Ở Châu Âu

Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, ngày lễ Giáng Sinh vào hai ngày 24 và 25 tháng 12 là ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương cho tất cả người lao động. Đối với người châu Âu, theo truyền thống Giáng sinh trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình. Sau buổi thánh lễ vào chiều ngày 24 tháng 12, thường được nối tiếp là một bữa ăn tối chung trong gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm; từ buổi chiều là ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng ngày 25 tháng 12, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.

Ở Việt Nam

Ngày nay, ở Việt Nam, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh. Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi, có thể là cây nhân tạo làm bằng nhựa, hoặc cây thật thường là thông ba lá hoặc thông đuôi ngựa, trong khi ở các nước phương tây dùng đa dạng các loài thông, vân sam, lãnh sam. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây.

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp. Trong đêm Giáng Sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke,... và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình. Người Việt Nam rất thích thú các ca khúc Giáng sinh.

------------

Nguồn: Top5laky

Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.

Youtube

Facebook Fanpage

1