Mùa ''Sên'' Mứt

31-12-2015
  0   892



“Trong xóm mình, ai muốn lấy mứt dừa, mứt khế, mứt bí đao.. thì nói tui nghe”. 40 năm qua tôi vẫn nhớ cách nói và tiếng cười cầu tài của chị Ba, một trong những người làm mứt tết ở xóm Dừa, ven sông Dinh, La Gi ngày nào. Người phụ nữ đó năm nào cũng vậy, trước tết một tháng thường đi từng nhà để lấy “đơn hàng”, sau đó bắt tay làm mứt trong cả tháng trời để kịp giao hàng trước tết vài ngày.


La Gi, 40 năm trước có mười mấy người chuyên làm mứt tết, những loại mứt vốn là sản vật địa phương chế biến ra, thay vì mua mứt chợ từ Sài Gòn đưa về. Hồi đó tôi không hiểu vì sao dì Mười tôi cứ thích mua mứt của chị Ba, thay vì mứt chợ. Có lần tôi hỏi lắm, dì nói: “Mứt ở chợ là do mấy ông Tàu Chợ Lớn đưa ra. Họ làm nhiều nên dễ bị ruồi nhặng bám vô, ba ngày tết bảy ngày xuân, ăn phải mứt không vệ sinh “tào tháo đuổi” có mà chết! Nghe biết vậy, chứ không biết hư thực thế nào, song theo tôi nghĩ sau này là do mứt của chị Ba rẻ hơn, mua đâu cho phiền sao không ủng hộ người cùng quê?



 
Chính vì lẽ đó vào giữa tháng 12 dương lịch trở đi, xóm trở thành xóm mứt. Những người như chị Ba luôn đi về Phước Thọ, khi ấy là vùng ven La Gi mua chùm ruột, mua khế, củ gừng… về làm mứt. Để làm mứt chùm ruột, chị Ba bỏ khá nhiều chùm ruột vào trong chiếc rổ thưa, lấy tay chà mạnh để chùm ruột dập vỏ đi, tứa chất chua ra. Sau đó, bỏ chùm ruột vào nồi nước đường đã tới, để lửa liu riu cho đường thấm vào chùm ruột. Công đoạn này gọi là “sên mứt”.
 
Sên mứt cần nhiều thời gian, lửa phải thật nhỏ và phải là thứ lửa xanh. Có vậy, đường mới không bị cháy, biến màu, làm mứt kém ngon. Mứt khế thì nhọc công hơn. Khế được xẻ giữa trái để lấy hạt, đặt lên mâm, dùng chày gỗ đè lên, lăn nhiều lần cho đến khi khế ra hết nước chua. Đường làm mứt khế phải là đường cát trắng hạt nhỏ (đường vàng làm màu khế sẩm lại). Công việc sên mứt kéo dài nhiều ngày và vì có nhiều nhà cùng sên nên cả xóm thoang thoảng mùi đường trong cả tháng. Có một điều rất lạ, lũ trẻ chúng tôi ngày nào cũng thấy mứt, nghe hương mứt, no mắt vì mứt, thế nhưng tết đến khi người lớn cho một ít mứt dừa… thì vẫn ăn ngon lành. Có lẽ là do hương vị tết, sự háo hức của trẻ thơ, cũng như do sự thiếu thốn của đa số trẻ nghèo ngày trước?
 

 
40 năm trôi đi, bây giờ là người đàn ông ngoài năm mươi, nhưng tôi không sao quên được mùa sên mứt. Mùa của những chị Ba, chị Tư đi từng nhà hỏi đặt làm mứt? Mùa của hương thơm thoang thoảng và cả sự náo nức chờ tết. 40 năm trôi qua, chị Ba đã về trời nhưng tiếng cười cầu tài cùng cái dáng đi có phần lao về phía trước của chị thì khó lòng tôi quên được. 40 năm, nhiều điều thay đổi. Xóm Dừa không còn người sên mứt nữa vì ở ngoài chợ bây giờ đa dạng loại mứt bảo đảm vệ sinh, sẵn sàng cho bất cứ ai miễn là có tiền. Mùa sên mứt, mùa gợi nhớ!
Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1