Thương lắm bữa cơm nhà [NTCX số 11]
Cơm nhà, đâu chỉ ăn để no. Đâu chỉ những lúc cô đơn hay khi rong ruổi với những cuộc hành trình mệt nhoài cần được vỗ về an ủi người ta mới thèm bữa cơm nhà. Người ta có thể háo hức với cơm...
Mời bạn cùng trở về và lắng lại trong những cảm xúc về những bữa cơm nhà trong chương trình Năm tháng cảm xúc số 11:
Cơm nhà
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Phải chăng nhớ quê nhà luôn khởi đi từ chính nỗi nhớ về bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương?...
Cơm nhà, đâu chỉ ăn để no. Đâu chỉ những lúc cô đơn hay khi rong ruổi với những cuộc hành trình mệt nhoài cần được vỗ về an ủi người ta mới thèm bữa cơm nhà. Người ta có thể háo hức với cơm nhà mỗi ngày bởi chỉ có cơm nhà mới đem lại cảm giác yêu thương, vui vẻ, ấm áp tình thân. Cơm nhà, nếu không hấp dẫn, nếu không đủ đầy bao gia vị yêu thương, có lẽ ai đó đã không từ chối một cuộc nhậu, một bữa tiệc hứa hẹn thịnh soạn của bạn bè, của đối tác để về được hàn huyên với dưa cà mắm muối. Cơm nhà níu kéo bước chân những người ham vui trở về với gia đình bằng chính sự đơn sơ, mộc mạc mà ấm áp, đậm đà...
Nhớ có đận tôi ở Sài Gòn dài ngày, ròng rã cơm hàng cháo chợ. Một cuối tuần được người quen cùng quê định cư ở Sài Gòn lâu năm mời về ăn cơm. Ngồi ăn cơm mà lòng bâng khuâng nhớ, rưng rưng thương khoảnh khắc gia đình sum họp. Bữa cơm hôm ấy chỉ có cà pháo chấm mắm ruốc, canh rau mồng tơi nấu tôm. Đơn giản vậy thôi mà tôi thấy ngon hơn bất cứ hàng quán sang trọng hay bữa tiệc thịnh soạn nào.
Ai đó nói rằng không nên trò chuyện trong bữa ăn, vì như vậy sẽ... mất vệ sinh. Nhưng với nhiều gia đình Việt, mọi tâm tư, tình cảm, những chuyện vui buồn thường ngày, những khúc mắc trong công việc và cuộc sống hầu như đều được bày ra để cùng chia sẻ trong bữa cơm gia đình. Khi ta chưa đủ lớn, đủ khôn, ta ăn cơm nhà trong tiếng càm ràm của cha, giọng nhắc nhở ân cần của mẹ. Càm ràm, nhắc nhở để ta thấy rằng ta được yêu thương, được quan tâm. Để rồi những khi gặp trắc trở trên đường đời, một mình đối diện với những bữa cơm bụi hàng quán ven đường, ta lại thèm được nghe và thương lắm tiếng càm ràm, nhắc nhở gói ghém yêu thương...
Tôi vốn không khéo nội trợ, nhưng “thiên đường du lịch” của tôi là... xó bếp. Hạnh phúc của tôi cũng ở cái góc nhỏ khiêm tốn ấy với những lọ, những hũ gia vị, với mùi nước mắm khăm khẳm hay giỏ đựng hành, tỏi hăng nồng. Dù là phụ nữ hiện đại, nhưng tôi có niềm tin có phần... “cổ điển”, rằng bất cứ ai yêu thương chăm chút gia đình, họ đều tôn thờ cái góc bé xíu ấy, biết làm dậy lên tình yêu thương từ và nhờ cái góc bé xíu ấy. Bếp là nhiệt kế đo sức khỏe hạnh phúc gia đình. Một gia đình hạnh phúc, căn bếp sẽ luôn ấm, đều đặn đỏ lửa.
Với người trẻ, một bữa cơm ngon là bữa cơm có những món “ghiền”. Lớn dần, tôi nhận ra rằng, người có tuổi ăn bằng tâm trạng. Tâm trạng vui vẻ, thức ăn đơn sơ cũng trở thành đại tiệc và ngược lại. Không quan trọng ăn món gì, mà quan trọng là ăn với ai, ăn ở đâu, bữa cơm do ai nấu...
Mẹ tôi, người suốt đời trung thành với những bữa cơm gia đình đã giúp tôi nhận ra rằng, bữa cơm chỉ ngon khi được nấu bằng tấm lòng của người đầu bếp, được nêm nếm bằng “gia vị” yêu thương, được trang trí bằng nụ cười cùng những cuộc trò chuyện vui vẻ giữa các “thực khách” thân quen. Năm nay mẹ tôi đã ngoài tám mươi. Mẹ vẫn miệt mài gắn bó với bếp. Vẫn chỉ ăn cơm bằng tâm trạng. Vẫn mong ngóng chúng tôi trở về với tổ ấm mỗi cuối tuần... Mẹ đang đợi bên mâm cơm. Dạ thôi, thì về ăn cơm nhà của mẹ, với mẹ!
--Châu Nữ - Theo Báo Quảng Nam--
Mùi cơm cháy
Hôm nay cúp điện. Vợ vắng nhà. Tôi nấu cơm bằng bếp gas. Không biết cách nấu cơm cạn, tôi nấu chắt nước. Đứa con gái học lớp chín, hỏi tôi:
- Được hông ba? Để con nấu cho?
Tôi cười, nhướng mày tự tin:
- Chuyện nhỏ! Ba biết nấu hồi chín mười tuổi lận.
- Ai dạy ba vậy?
- Bà nội!
Cơm sôi, chờ cho hạt gạo nở đều, tôi chắt nước và vặn nhỏ lửa. Cơm chín, tôi giở nắp nồi ra xới cho cơm tơi xốp, mùi cơm cháy bay lên thơm nức mũi. Đã lâu lắm rồi tôi không ngửi được cái mùi ngọt ngào thân thiết này và đã quên mất nó đi nhưng nay nó chợt đến và mang về cho tôi hình ảnh quê nhà và người mẹ thân yêu khiến tôi cảm thấy chạnh lòng.
Lúc bấy giờ ở nông thôn chưa có điện, người giàu có, khá giả mới dùng bếp gas còn đa số bà con đều dùng củi nấu nướng ngày hai bữa sáng chiều. Để có củi chụm giáp năm, vào mùa nắng má tôi ra vườn quơ bất cứ thứ gì chụm được. Róc từng tàu dừa lấy lá nhúm lửa, cọng chẻ ra làm củi, lượm dừa chuột bổ nhỏ phơi đăng đăng đê đê ngoài sân. Củi khô, má chất thành cự ngoài vách hè nhà, nếu không chuẩn bị sẵn, đến mùa mưa dầm không có củi phải “đút ống giò vô chụm”- má tôi hay nói đùa như thế.
Củi cháy sanh ra lửa và khói. Lửa làm chín cơm, khói bám vào nồi biến thành lọ nghẹ đen thui, phần còn lại bay lên, len lỏi qua mái nhà, kẽ lá, vòm cây lan tỏa vào không gian thành khói lam chiều. Hình ảnh mộc mạc thân thương này đã đi vào lòng người, trở thành biểu tượng của làng quê thôn dã. Nó còn là nguồn cảm hứng tuyệt vời của văn nghệ sĩ, được họ thể hiện qua văn thơ nhạc họa bằng tình cảm xúc cảm chân thành.
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
“Tràng Giang”- Huy Cận
Người lớn và trẻ con nông thôn không có thói quen ăn sáng. Đúng hơn là hồi đó rất ít người bán hàng rong và quán tiệm như bây giờ. Vào mùa vụ thì ăn cơm khuya, ngày thường thì bảy tám giờ ăn cơm sáng, mười ba mười bốn giờ ăn cơm chiều, dân gian gọi là “cơm đắp đầu gối”. Tối có xót ruột, đói bụng thì lục cơm nguội.
Trường học cách nhà tôi khoảng ba ngàn thước. Mỗi ngày má thức dậy từ bốn năm giờ sáng nấu cơm, hâm cá cho anh chị em tôi ăn “dằn bụng” trước khi đi học, khỏi tốn tiền quà lại được no lâu. Má nấu cơm rất khéo, chắt nước xong má rút bớt củi để lửa cháy liu riu cho khô nước, hạt cơm sẽ son ráo, tơi xốp. Sau đó gạt than ra chung quanh đáy nồi cho cơm cháy vàng đều, nếu không, sẽ khét đen chính giữa. Bữa ăn nào cũng có tô nước cơm màu trắng đục, thơm thơm, ngọt ngọt, béo béo húp hoặc chế vào cơm ăn dù có hay không có canh. Nhất là giề cơm cháy vàng tươi, thơm lừng, giòn rụm, nhai nghe rào rạo thú vị làm sao. Tôi uống nước cơm và ăn cơm cháy riết ghiền, biết ý, bữa nào má cũng chắc nước cơm và đun lửa cho có cơm cháy.
Cái hương vị thơm ngon và cảm giác khoái khẩu đó đã ở lại quê nhà khi tôi lên thành phố học và đi làm. Ăn cơm tiệm, cơm hộp suốt làm gì có nước cơm và cơm cháy? Tuy nhiên, tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp lại nó trong những lần về thăm cha mẹ. Tôi chỉ thật sự quên nó sau khi lập gia đình, ở luôn trên thành phố. Hơn nữa, thời gian sau này, em trai tôi cũng đã sắm bếp gas, nồi cơm điện và má đã già, việc bếp núc do con dâu đảm trách nên tôi chỉ có một lần duy nhất cách nay gần hai năm được thưởng thức mùi nước cơm và cơm cháy do mẹ nấu.
Hôm đó, nhân nghỉ lễ hai ngày tiếp theo thứ bảy chủ nhật, tôi cùng vợ con về thăm cha mẹ. Em dâu tôi đi chợ mua thức ăn về có mua bịch cơm cháy làm quà cho con nó. Má kêu thằng bé đem bịch cơm cháy lại cho bà coi:
- Sang! Đem lại cho bà nội coi, coi con?
Thằng bé đem lại đưa bà. Má lật qua lật lại xem một hồi rồi đưa lên mũi ngửi, nói trổng:
- Cái này mà cơm cháy đây sao? Không có mùi vị gì hết trơn?
Tôi giải thích:
- Đây là cơm sấy trộn với gia vị ép thành khuôn chớ không phải cơm cháy trong nồi.
Má ngước nhìn tôi, hỏi:
- Có ngon hơn cơm cháy mình làm không?
Tôi biết má muốn so sánh với cơm cháy má làm nên vỗ vai má, cười nói:
- Dĩ nhiên là không rồi! Cơm cháy má làm là nhứt, có ai bằng?
Má cười móm sọm, kêu em dâu tôi, nói:
- Vợ thằng Hải nấu cơm (nồi điện) chưa, con?
- Dạ chưa! Chi vậy má?- Em dâu tôi lên tiếng.
- Nếu chưa thì đừng nấu, để má nấu cơm củi chắt nước có cơm cháy cho anh Ba con ăn. Hồi nhỏ nó ưa lắm, bữa nào hổng có hoặc hết cơm cháy cái mặt quạu đeo.
Nghe má nói, vợ con và em dâu nhìn tôi cười ồ. Tôi rưng rưng muốn khóc, muốn sà vào lòng má phụng phịu như thuở nào. Trời ơi! Đã mấy mươi năm rồi mà má vẫn không quên sở thích của tôi. Trong mắt má, tôi luôn luôn là thằng con nít háu ăn. Lòng má như cái tô cái nồi, tôi uống nước cơm và ăn cơm cháy mãi vẫn không bao giờ hết.
- Con làm tiếp má.
Tôi nói rồi đi lấy nồi xúc gạo đem vo. Má lui cui nhóm bếp. Củi khô bắt lửa nhanh cháy lớn. Vài làn khói xanh lam mỏng manh nhẹ tênh bay lên mái nhà, chưa kịp lan tỏa trong không gian thì bị gió thổi tan loãng vào hư vô. Đó là lần cuối cùng tôi được uống nước cơm và ăn cơm cháy do tự tay má nấu!
Trước khi dọn cơm ăn, tôi làm chén mỡ hành có thêm chút đường, chút muối để ăn với cơm cháy. Con gái tôi bới cơm ra chén, ăn vài miếng, ngước nhìn tôi, khen:
- Cơm nấu chắt nước ngon hơn cơm nấu nồi điện hén ba?
Tôi gật đầu, nói:
- Ba còn một món nữa ngon lắm.
- Món gì vậy ba?
Tôi cạy cơm cháy, thoa mỡ hành rồi đưa cho con. Nó ăn ngon lành và hỏi ai đã dạy tôi làm, tôi nói bà nội dạy. Nó mỉm cười thích thú:
- Con sẽ đề nghị với má từ nay về sau nấu cơm chắt nước? Bếp gas cũng được?
- Dễ gì bả chịu?
Nếu những hình ảnh đơn sơ mộc mạc của chùm khế ngọt, cây cầu tre nhỏ là quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân thì tô nước cơm màu trắng đục ngọt ngào và giề cơm cháy vàng ươm, giòn rụm, thơm phức là quê hương của cha con tôi vậy.
--Trương Hoàn Minh - Báo Vĩnh Long--
--------------------------------------------
Thực hiện: Chit Xinh, Yo Le và nhóm sản xuất RadioMe
Yêu lại nhau, liệu chúng ta có thể?
Bạn đã từng ở trong một trạng thái mông lung và cô độc trong tình yêu? Bạn cố mạnh mẽ dứt khoát mà không thể được. Yếu đuối quá chăng?
Người yêu cũ, nếu một ngày em gặp lại anh...
Sau tổn thương, người con gái thường khép mình lại né tránh những yêu thương. Không phải là không yêu một ai, cũng không pải trái tim đã chai sạn.
RadioMe cuối tuần: Nếu có cơ hội hãy yêu nhau vào tháng 8
Đừng mãi hoài nghi về tình cảm của đối phương rồi lại do dự. Nếu em không dũng cảm bước chân vào con đường tình yêu, em sẽ chẳng thể biết được vị ngọt của tình yêu ra sao...
RadioMe cuối tuần: Em vẫn ở đây, cô gái đó chưa từng thay đổi, là anh tự đánh mất em thôi...
“Ngày anh nói chia tay, thật ra bầu trời rất đẹp. Nhưng trong tích tắc, tự tôi đã mang mưa về phủ kín mắt môi mình. Hóa ra, cũng có lúc, cùng đứng dưới một bầu trời, trong khi anh thấy màu xanh, tôi lại chỉ nhìn được toàn mây...
Radiome cuối tuần: Đến bao giờ em và anh mới hết bận để yêu nhau?
Vẫn có cách để yêu, dù thời gian quá ít, đầu óc đã khít đi bởi những bộn bề lo toan…
Radiome cuối tuần: Cho bản thân thêm một lần hạnh phúc
Quên những âu lo phiền muộn để cho ai đó có cơ hội ở bên mình, và cũng là cho mình có cơ hội để thêm một lần hạnh phúc.
Radiome cuối tuần: Yêu xa ngày Tết
Chỉ cần trong bạn luôn luôn có hình ảnh người ấy, biết tin tưởng, tôn trọng và dành tình cảm cho nhau một cách chân thành, thì chẳng có gì có thể ngăn trở tình yêu của hai người.
Radiome cuối tuần: Yêu không hợp tuổi
Bên em nhé, cho một mùa mới thật nhiều may mắn, những người yêu nhau chắc chắn rồi sẽ tới được với nhau thôi, anh nhỉ?
Nghe Nhiều Nhất
- Có 1 kiểu phụ nữ khiến đàn ông cả đời...
- Hối tiếc cỡ nào cũng không sửa được quá khứ,...
- Sự may mắn không phải một chiếc bánh từ trên...
- 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ngày càng trở...
- Phúc đức của người phụ nữ vào nửa đời còn...
- Đây là 5 tâm thái thường có của những người...
- 4 kiểu phụ nữ sẵn sàng làm tình nhân cho...
- Cưới sớm hay muộn không quan trọng bằng tìm thấy...
- Phụ nữ muốn đàn ông mê mệt cả đời không...