Uốn nắn cầu thủ trẻ

17-05-2016
  0   660

Các cụ ta có câu: “Thương cho roi, cho vọt…”. Với một cầu thủ trẻ như Văn Thiết, “nóng giận mất khôn” là điều dễ hiểu. Nhưng những người lớn, hơn ai hết phải nhận thức được hành động của Thiết là sai trái, cần phải lên án để bảo vệ hình ảnh đội bóng, cũng như bảo vệ tương lai cho chính cầu thủ này. Bởi một hành động bạo lực của cầu thủ trẻ chỉ cần một lần được dung túng sẽ rất dễ tái diễn và sự dung túng hết lần này qua lần khác chẳng khác nào liều thuốc độc “giết chết” tài năng trẻ một cách từ từ.

Cách hành xử của ban lãnh đạo CLB   Viettel là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng không phải đội bóng nào ở giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng làm được điều tương tự. Thay vào đó, người ta chỉ thấy đội bóng chăm chăm xin giảm án cho cầu thủ vì lo thiệt quân các vòng đấu tới. Không ít trường hợp chính lãnh đạo và thành viên ban huấn luyện đội bóng tham gia “châm ngòi” cho tình huống gây rối trên sân để cầu thủ hùa theo. Đáng trách hơn là chuyện thầy xúi trò trả đũa đối phương hay “dạy” cách đối phó trọng tài - những vụ việc vốn liên tục xuất hiện và bị lên án ở các giải trẻ, từ U11 đến U21.

Tâm sự với phóng viên ANTĐ sau mỗi lần đưa ra án phạt cho HLV, Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường không khỏi ngao ngán: “Mang tiếng thầy mà không gương mẫu, cư xử thiếu văn hóa như thế thì làm sao học trò nể trọng, làm sao mà dạy trò được.

Tôi cũng 40 năm làm thầy nên rất dị ứng với cách hành xử thiếu văn hóa của những “ông thầy” bóng đá”. Còn với tư cách Trưởng ban Kỷ luật với nhiều năm theo dõi bóng đá nước nhà, ông Nguyễn Hải Hường thẳng thắn:“Đa số HLV đội trẻ ở mình đều không qua trường lớp nào hoặc có chăng chỉ là khóa ngắn hạn không mấy uy tín. Trong số này, rất nhiều người thời còn làm cầu thủ từng dính vào bê bối tiêu cực, hoặc “nổi tiếng” với các pha bóng bạo lực, hành xử thiếu văn hóa nhưng rồi cũng cầm sa bàn dạy cầu thủ trẻ”. 

Đề cập vấn đề này dưới góc độ một người hơn 50 năm lăn lộn, kinh qua nhiều vị trí trong làng bóng Việt, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh so sánh: “Các nền bóng đá tiên tiến, họ rất chú trọng khi chọn thầy để đào tạo trẻ. Bởi họ cho rằng đây là giai đoạn cầu thủ hình thành nhân cách, sau này phục vụ quốc gia nên ông thầy ngoài giỏi chuyên môn cũng phải rất gương mẫu về đạo đức.

Thế nhưng ở bóng đá nước ta, điều này thường bị các đội bóng xem nhẹ. Cứ nhìn vào cái cách HLV nào bị VFF kỷ luật, lãnh đạo CLB lại đẩy xuống làm tuyển trẻ trong lúc chờ hết án, đủ thấy họ coi thường việc dạy cầu thủ trẻ như thế nào. Khi mà người lớn không tự làm gương, không chú trọng việc tìm những tấm gương cho cầu thủ trẻ noi theo thì không chỉ riêng cầu thủ mà hình ảnh nền bóng đá, rộng hơn là hình ảnh một quốc gia khi tranh tài sân chơi quốc tế, có thể bị vấy bẩn bất cứ lúc nào”.

Theo VOV

Youtube

Facebook Fanpage

1